Giải pháp nào hạn chế hậu quả việc “tuyên án cho sướng miệng”?

0
Có 2,108 lượt xem
Công ty Luật Hưng Nguyên

Có muôn vàn lý do để án dân sự không thể thi hành, trong đó có những bất cập trong quy định của Bộ luật Hình sự (BLHS). Những tồn tại này khiến cho cơ quan thi hành án “lao đao”, còn ngành Tòa án thì dù biết đấy nhưng vẫn “không thể làm khác”.

Công ty Luật Hưng Nguyên

Đó là những trường hợp người nghiện, người mang vác thuê, kể cả buôn bán ma túy để thỏa những cơn nghiện nhất thời. Họ không có tài sản, cơm ăn phải có người nuôi, thậm chí đến một địa chỉ cư trú cũng không có… thì việc thi hành án mấy chục triệu là điều “không tưởng”. Nhiều vụ chấp hành án xong, ra tù, người phải thi hành án bỏ địa phương đi “mất tích”, đến 50 ngàn án phí hình sự (nay là 200 ngàn) Nhà nước cũng không đòi được.

Ngành Thi hành án dân sự nhiều lần bức xúc vì cho rằng, các vị “quan tòa” chỉ tuyên án cho “sướng miệng”, mà không quan tâm xem việc tuyên đó liệu có khả thi không. Không chỉ là những vụ tuyên án trong khi người phạm tội không có tài sản, mà trong đó có cả những vụ tuyên nhầm, tuyên sai, tuyên không rõ địa chỉ… cũng làm cho lượng án tồn đọng ngày một tăng.

Đó là chưa kể, để lần tìm xem địa chỉ của đương sự ở đâu, tài sản như thế nào… nhiều phen thi hành án phải “mướt mải” năm lần bảy lượt hỏi Tòa. Có Tòa trả lời, có Tòa không, khiến cho việc thi hành án càng trở nên khó khăn, bế tắc.

Tuy nhiên, các Tòa án cũng có lý của riêng họ. Ví dụ như trước kia, theo quy định của BLHS, cứ “dính” đến ma túy là phạt tối thiểu 20 triệu, mặc dù Tòa thừa biết bị cáo đó tiền bạc không có một cắc cũng vẫn phải tuyên, vì nếu không tuyên, án sẽ bị hủy vì vi phạm pháp luật. Khoản tiền phạt đó cũng giống như khoản án phí chỉ 200 ngàn, nhiều người không có điều kiện nộp mà vẫn tuyên, dù biết sau đó “trách nhiệm” đổ lên vai thi hành án.

Căn cơ để giải quyết vấn đề này là sửa luật, trong đó có cả BLHS, cả Luật Thi hành án dân sự và các luật liên quan. Tuy nhiên, muốn sửa luật thì đòi hỏi cần có thời gian, theo một quy trình nhất định. Vì vậy, trước mắt để hạn chế việc án tuyên mà không thể thi hành thì ngành Tòa án cần tuyên những bản án chính xác, rõ ràng.

Các cơ quan tố tụng cần áp dụng kịp thời các biện pháp kê biên để tránh việc tẩu tán tài sản, đảm bảo cho quá trình thi hành án. Tự thân cơ quan thi hành án cũng phải nâng cao trách nhiệm của mình trong việc thi hành phần dân sự trong bản án hình sự.

Hiện nay, Đề án miễn thi hành án đối với những khoản thu cho ngân sách Nhà nước không có điều kiện thi hành tính đến ngày 1/7/2009 đã được trình Chính phủ, dự kiến được trình ra Quốc hội vào kỳ họp thứ 4 tới đây. Nếu Đề án được thông qua thì sẽ giải quyết được một lượng không nhỏ án đang “đọng” tại các cơ quan thi hành án dân sự.

Thắng Chung