Luật xây dựng 2003

LUẬT

CỦA QUỐC HỘI
NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
SỐ 16/2003/QH11 NGÀY 26 THÁNG 11 NĂM 2003 VỀ XÂY DỰNG

Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 10;

Luật này quy định về hoạt động xây dựng.

 

CHƯƠNG I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về hoạt động xây dựng; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng công trình và hoạt động xây dựng.

 

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Luật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước; tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng công trình và hoạt động xây dựng trên lãnh thổ Việt Nam. Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định khác với Luật này, thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.

 

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Hoạt động xây dựng bao gồm lập quy hoạch xây dựng, lập dự án đầu tư xây dựng công trình, khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng công trình, thi công xây dựng công trình, giám sát thi công xây dựng công trình, quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng và các hoạt động khác có liên quan đến xây dựng công trình.

2. Công trình xây dựng là sản phẩm được tạo thành bởi sức lao động của con người, vật liệu xây dựng, thiết bị lắp đặt vào công trình, được liên kết định vị với đất, có thể bao gồm phần dưới mặt đất, phần trên mặt đất, phần dưới mặt nước và phần trên mặt nước, được xây dựng theo thiết kế. Công trình xây dựng bao gồm công trình xây dựng công cộng, nhà ở, công trình công nghiệp, giao thông, thuỷ lợi, năng lượng và các công trình khác.

3. Thiết bị lắp đặt vào công trình bao gồm thiết bị công trình và thiết bị công nghệ. Thiết bị công trình là các thiết bị được lắp đặt vào công trình xây dựng theo thiết kế xây dựng. Thiết bị công nghệ là các thiết bị nằm trong dây chuyền công nghệ được lắp đặt vào công trình xây dựng theo thiết kế công nghệ.

4. Thi công xây dựng công trình bao gồm xây dựng và lắp đặt thiết bị đối với các công trình xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, di dời, tu bổ, phục hồi; phá dỡ công trình; bảo hành, bảo trì công trình.

5. Hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật bao gồm hệ thống giao thông, thông tin liên lạc, cung cấp năng lượng, chiếu sáng công cộng, cấp nước, thoát nước, xử lý các chất thải và các công trình khác.

6. Hệ thống công trình hạ tầng xã hội bao gồm các công trình y tế, văn hoá, giáo dục, thể thao, thương mại, dịch vụ công cộng, cây xanh, công viên, mặt nước và các công trình khác.

7. Chỉ giới đường đỏ là đường ranh giới được xác định trên bản đồ quy hoạch và thực địa, để phân định ranh giới giữa phần đất được xây dựng công trình và phần đất được dành cho đường giao thông hoặc các công trình hạ tầng kỹ thuật, không gian công cộng khác.

8. Chỉ giới xây dựng là đường giới hạn cho phép xây dựng công trình trên lô đất.

9. Quy hoạch xây dựng là việc tổ chức không gian đô thị và điểm dân cư­ nông thôn, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; tạo lập môi trường sống thích hợp cho người dân sống tại các vùng lãnh thổ, bảo đảm kết hợp hài hoà giữa lợi ích quốc gia với lợi ích cộng đồng­, đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trư­ờng. Quy hoạch xây dựng được thể hiện thông qua đồ án quy hoạch xây dựng bao gồm sơ đồ, bản vẽ, mô hình và thuyết minh.

10. Quy hoạch xây dựng vùng là việc tổ chức hệ thống điểm dân cư, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong địa giới hành chính của một tỉnh hoặc liên tỉnh phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội trong từng thời kỳ.

11. Quy hoạch chung xây dựng đô thị là việc tổ chức không gian đô thị, các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch phát triển ngành, bảo đảm quốc phòng, an ninh của từng vùng và của quốc gia trong từng thời kỳ.

download văn bản tại đây

 

Bộ Y tế: Bộ Công thương nên vào cuộc vụ áo ngực có chất lạ

“Chất lượng áo với những “hạt lạ” và dung dịch độn trong áo cần hỏi bên Bộ Công thương sẽ rõ hơn vì bên đó quản lý về chất lượng hàng hóa này”, ông Nguyễn Huy Quang, Phó vụ trưởng vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Huy Quang, Phó vụ trưởng vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho rằng: Ở khía cạnh của bộ Y tế chỉ có thể khuyến cáo người dân nên chọn sản phẩm áo ngực đảm bảo chất lượng, mặc vừa vặn không quá chật hay quá rộng để ngực không bị thắt, máu không lưu thông làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Áo cần thấm mồ hôi.

 Còn về chất lượng áo với những “hạt lạ” và dung dịch độn trong áo cần hỏi bên Bộ Công thương sẽ rõ hơn vì bên đó quản lý về chất lượng hàng hóa này.

Theo bà Tống Thị Hoàng Oanh, giám đốc nhãn hàng Triump tại Việt Namthì công ty này vừa khuyến cáo tới nhân viên và đến đại lý bán hàng cần cẩn trọng. Có thể vì ham lợi mà gắn nhãn Triump vào sản phẩm áo lót của Trung Quốc.

Bà Oanh khuyến cáo, khi mua sản phẩm nên đến đại lý của hãng và lấy hóa đơn, mã hàng đầy đủ để được đảm bảo quyền lợi khi sử dụng sản phẩm.

Các sản phẩm của hãng này đều theo tiêu chuẩn của Triump và được đăng ký tiêu chất chất lượng ở Đức.  Sản phẩm tuân thủ theo quy định của luật Việt Nam về đồ vải sợi.

 “Với áo lót phụ nữ, hãng cũng có loại áo có lớp lót là dầu (baby oil) vô hại cho sức khỏe con người.  Bao ni lông bọc ngoài đảm bảo bảo không bị thủng bóp trừ phi dùng vật sắc, nhọn.  Với sản phẩm này được chúng tôi khuyến cáo không dùng máy giặt”, bà Oanh nói.

Ngoài ra, sản phẩm của Triump không có  6 hạt bên trong như hàng của Trung Quốc.

“Về áo ngực Trung Quốc, tôi cũng không dám chắc họ làm vì mục đích gì. Có thể là sáng tạo mới chăng? Nhưng cái này cần có cơ quan chức năng kiểm nghiệm và kết luận.

Với người tiêu dùng, nên chọn mua áo có chất lượng, vì áo đó áp sát vào da. Sau đó mới chú ý đến kiểu dáng, màu sắc, thời trang. Chọn áo ngực vừa với ngực của mỗi người cho phù hợp để áo có thể nâng đỡ bộ ngực”, bà Oanh tư vấn.

Hàng Đào, chợ Đồng Xuân đầy áo ngực có chứa chất lạ

Sáng nay, 31/10, Đội quản lý thị trường Hà Nội vừa tiến hành kiểm tra mặt hàng áo lót phụ nữ tại các ki ốt trong chợ Đồng Xuân và phố Hàng Đào. Qua đó, phát hiện, thu giữ hàng trăm chiếc có chứa túi chất lỏng cùng hạt nhựa.

Tại chợ Đồng Xuân, Đội quản lý thị trường số 14 tiến hành kiểm tra đột xuất 4 ki ốt Hồng Trang 41-A1, Khoa Huyền 65-A1, Thuyên Mùi 77-A1, Ngọc Phương 78-A1.

Đội quản lý thị trường đã thu giữ 92 áo lót có chứa túi chất lỏng cùng hạt nhựa. Đó là chất lỏng màu trong suốt, hơi quánh, có độ nóng và có khả năng gây ngứa nếu dây ra tay.

Bên trong túi chất lỏng là ba hạt nhựa trắng, nhỏ được cho là có tác dụng massage. Nếu không được cảnh báo, người tiêu dùng rất khó phát hiện. Đa phần áo lót bị thu giữ mang nhãn hiệu Hunshi.

Cũng trong quá trình kiểm tra, Đội quản lý thị trường số 14 phát hiện và tạm giữ 134 áo lót nữ nghi giả nhãn hiệu Wacoal, một nhãn hiệu nổi tiếng của Nhật đã được bảo hộ tại Việt Nam.

Tại cửa hàng số 67 Hàng Đào, Đội quản lý thị trường số 2 cũng thu giữ 28 áo lót nữ có chứa túi chất lỏng cùng hạt nhựa nhãn hiệu Mengaeroi. Ngoài ra, đội cũng thu giữ 33 gel áo lót nữ khác.

Toàn bộ số hàng trên không có hóa đơn chứng từ hợp pháp, không đảm bảo chất lượng. Lực lượng quản lý thị trường đã thu giữ số áo lót chứa túi chất lỏng, hạt nhựa, tiến hành giám định chất lượng để có cơ sở xử lý theo đúng pháp luật.

Ông Dương Ngọc Viện, Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 17 (Chi cục quản lý thị trường Hà Nội) cho biết: Trong ngày nay và cả ngày mai lực lượng quản lý thị trường sẽ tiếp tục kiểm tra các sản phẩm áo ngực phụ nữ trên địa bàn Hà Nội.

Liệu các chất trong áo ngực phụ nữ có hại hay không, ông Viện cho rằng: Đội quản lý thị trường vẫn tiếp tục kiểm tra. Về việc áo ngực này độc hại thế nào cần phải giám định. Tuy nhiên, cái khó là với mặt hàng áo lót phụ nữ chưa có hàng rào chất lượng quy định, chưa có tiêu chuẩn nào nêu rõ. Chính vì vậy, nếu có giám định thì cũng không biết giám định chất gì?.

Vì vậy, cần có thời gian để đánh giá. Còn với chức năng của lực lượng quản lý thị trường, nếu đó là hàng nhập lậu, không nhãn mác, giấy tờ thì sẽ bị tạm giữ.

Theo Nguyễn Tâm

VTCnews

Doanh nghiệp “xa lạ” với khái niệm minh bạch

Thanh tra Chính phủ phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ngày 16/10 tổ chức Hội nghị đối thoại chính sách với DN tại Hà Nội. Các đại biểu tham dự hội nghị tập trung làm rõ về tính minh bạch và nhất quán trong thực hiện các quy định liên quan tới lĩnh vực tín dụng – ngân hàng; đất đai; thanh tra, kiểm tra và phòng, chống tham nhũng.

Công ty Luật Hưng Nguyên

Nguy cơ nảy sinh hối lộ

Theo thống kê của VCCI, hiện khá nhiều DN Việt Nam dường như vẫn còn xa lạ với khái niệm minh bạch, nhất quán. Trong khi đó, đối với các Cty đa quốc gia đang hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, khái niệm trên lại khá phổ biến. Các DN này coi thực hiện tính minh bạch, nhất quán là một đặc trưng trong phương thức kinh doanh, thậm chí xác định nó là giá trị cốt lõi của DN.

Tại hội nghị nhiều đại biểu cho rằng, chính sách nhất quán, minh bạch sẽ giúp chính DN xây dựng được hình ảnh, duy trì sự tin cậy của các đối tác, khách hàng, cổ đông… cải thiện năng lực cạnh tranh, chất lượng sản phẩm và môi trường kinh doanh nói chung.

Tuy nhiên, không ít DN gặp phải nhiều hạn chế trong khả năng tiếp cận thông tin liên quan tới các lĩnh vực đất đai, tín dụng – ngân hàng, thanh tra, kiểm tra, chống gian lận trong kinh doanh và phòng, chống tham nhũng. Từ đó nảy sinh những bất cập trong chính sách, pháp luật có nguy cơ làm nảy sinh tệ hối lộ, tác động tiêu cực tới tính liêm chính và minh bạch trong hoạt động kinh doanh.

Theo ông Vũ Tiến Vinh – Giám đốc Pháp lý và Tuân thủ, Cty TNHH ABB Việt Nam, nhất quán và minh bạch là những yếu tố vô cùng quan trọng để có thể giúp các tổ chức, DN giảm thiểu chi phí bất hợp lý. Về lâu dài, các đại biểu khuyến nghị cần sửa đổi, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật nhằm tăng cường công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong sản xuất, kinh doanh, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động.

Thẳng thắn đối thoại cùng DN

Liên quan đến hoạt động kinh doanh của các cơ quan quân đội và công an liệu có ảnh hưởng gì tới các DN khác, Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) Ngô Mạnh Hùng nhấn mạnh, quan trọng là chúng ta đã có các cơ chế thanh tra, giám sát các DN này để khi tham gia hoạt động kinh tế họ không có đặc quyền, đặc lợi.

Hơn nữa, chủ trương của Đảng và Nhà nước hiện nay là đang “bóc tách” chức năng quản lý nhà nước với chức năng kinh doanh của các cơ quan quản lý; đang xây dựng cơ chế để bảo đảm tính cạnh tranh bình đẳng như các chủ thể DN chứ không có chuyện “xin chính sách” để tạo thuận lợi hơn cho các DN đặc thù. Trên tinh thần ấy, Dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) cũng đang xây dựng cơ chế kiểm tra, thanh tra bình đẳng giữa các DN.

Về khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai, theo Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế (Bộ TN&MT) Bùi Sỹ Dũng, khiếu nại về đất đai chủ yếu là liên quan đến đền bù, giải phóng mặt bằng, trong đó phần lớn là giá đất bồi thường của Nhà nước khác xa so với giá thị trường. Vì vậy, để giải quyết căn bản vấn đề này, Luật Đất đai (sửa đổi) tới đây dự kiến sẽ đổi mới quy định khung giá được chi tiết hóa theo các tỉnh, so với trước đây là theo vùng, còn bảng giá được ổn định trong vòng 5 năm, so với trước đây là 1 năm…

Trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị đối thoại, Chánh Văn phòng Cơ quan Thanh tra Giám sát ngân hàng (NHNN Việt Nam) Trương Ngọc Anh cho biết, vấn đề công khai, minh bạch trong lĩnh vực tín dụng – ngân hàng có 2 góc độ. Đối với các tổ chức tín dụng là các ngân hàng thương mại, lại là Cty CP đại chúng mà niêm yết cổ phiếu thì phải công khai theo Luật Chứng khoán. Nội dung công khai của tổ chức tín dụng bao gồm tài chính và một số nội dung khác.Đối với NHNN, trước hết công khai toàn bộ các quy phạm pháp luật. Riêng hoạt động thanh tra, kiểm tra thì cũng có yêu cầu về công khai kết luận thanh tra nhưng hiện nay kết luận thanh tra mới được công khai từng phần. NHNN cũng đang xây dựng Đề án công khai, minh bạch trình Thủ tướng Chính phủ và hy vọng là đầu năm 2013, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét phê duyệt Đề án này.

Công ty luật Hưng Nguyên – Thục Quyên

Giải pháp nào hạn chế hậu quả việc “tuyên án cho sướng miệng”?

Có muôn vàn lý do để án dân sự không thể thi hành, trong đó có những bất cập trong quy định của Bộ luật Hình sự (BLHS). Những tồn tại này khiến cho cơ quan thi hành án “lao đao”, còn ngành Tòa án thì dù biết đấy nhưng vẫn “không thể làm khác”.

Công ty Luật Hưng Nguyên

Đó là những trường hợp người nghiện, người mang vác thuê, kể cả buôn bán ma túy để thỏa những cơn nghiện nhất thời. Họ không có tài sản, cơm ăn phải có người nuôi, thậm chí đến một địa chỉ cư trú cũng không có… thì việc thi hành án mấy chục triệu là điều “không tưởng”. Nhiều vụ chấp hành án xong, ra tù, người phải thi hành án bỏ địa phương đi “mất tích”, đến 50 ngàn án phí hình sự (nay là 200 ngàn) Nhà nước cũng không đòi được.

Ngành Thi hành án dân sự nhiều lần bức xúc vì cho rằng, các vị “quan tòa” chỉ tuyên án cho “sướng miệng”, mà không quan tâm xem việc tuyên đó liệu có khả thi không. Không chỉ là những vụ tuyên án trong khi người phạm tội không có tài sản, mà trong đó có cả những vụ tuyên nhầm, tuyên sai, tuyên không rõ địa chỉ… cũng làm cho lượng án tồn đọng ngày một tăng.

Đó là chưa kể, để lần tìm xem địa chỉ của đương sự ở đâu, tài sản như thế nào… nhiều phen thi hành án phải “mướt mải” năm lần bảy lượt hỏi Tòa. Có Tòa trả lời, có Tòa không, khiến cho việc thi hành án càng trở nên khó khăn, bế tắc.

Tuy nhiên, các Tòa án cũng có lý của riêng họ. Ví dụ như trước kia, theo quy định của BLHS, cứ “dính” đến ma túy là phạt tối thiểu 20 triệu, mặc dù Tòa thừa biết bị cáo đó tiền bạc không có một cắc cũng vẫn phải tuyên, vì nếu không tuyên, án sẽ bị hủy vì vi phạm pháp luật. Khoản tiền phạt đó cũng giống như khoản án phí chỉ 200 ngàn, nhiều người không có điều kiện nộp mà vẫn tuyên, dù biết sau đó “trách nhiệm” đổ lên vai thi hành án.

Căn cơ để giải quyết vấn đề này là sửa luật, trong đó có cả BLHS, cả Luật Thi hành án dân sự và các luật liên quan. Tuy nhiên, muốn sửa luật thì đòi hỏi cần có thời gian, theo một quy trình nhất định. Vì vậy, trước mắt để hạn chế việc án tuyên mà không thể thi hành thì ngành Tòa án cần tuyên những bản án chính xác, rõ ràng.

Các cơ quan tố tụng cần áp dụng kịp thời các biện pháp kê biên để tránh việc tẩu tán tài sản, đảm bảo cho quá trình thi hành án. Tự thân cơ quan thi hành án cũng phải nâng cao trách nhiệm của mình trong việc thi hành phần dân sự trong bản án hình sự.

Hiện nay, Đề án miễn thi hành án đối với những khoản thu cho ngân sách Nhà nước không có điều kiện thi hành tính đến ngày 1/7/2009 đã được trình Chính phủ, dự kiến được trình ra Quốc hội vào kỳ họp thứ 4 tới đây. Nếu Đề án được thông qua thì sẽ giải quyết được một lượng không nhỏ án đang “đọng” tại các cơ quan thi hành án dân sự.

Thắng Chung

Thừa nhận trách nhiệm hình sự của pháp nhân là tất yếu

Một trong những vấn đề lý luận quan trọng được đặt ra trong lần sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự lần này là có thể truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS) đối với pháp nhân không. Tại Việt Nam đang có nhiều ý kiến về vấn đề này,, nhưng ở nhiều nước thì việc thừa nhận TNHS của pháp nhân trong luật hình sự là xu thế tất yếu.

Công ty Luật Hưng Nguyên

Từ giữa thế kỷ XIX, một số nước như Anh, Mỹ, Canada, Australia sau một thời gian cải cách pháp luật hình sự đã quay lại áp dụng chế định TNHS của pháp nhân trong thực tiễn xét xử. Bắt đầu vào nửa cuối thế kỷ XIX trở đi, nhiều nước châu Âu cũng quy định nguyên tắc TNHS của pháp nhân trong luật thực định. Chẳng hạn, Hà Lan năm 1950 đối với các tội phạm kinh tế và đến năm 1976 đối với mọi tội phạm, Bồ Đào Nha năm 1982, Pháp năm 1992, Phần Lan năm 1995, Vương quốc Bỉ năm 1999, Thụy Sỹ năm 2003, Luxembourg và Tây Ban Nha năm 2010…
Hiện nay, chế định TNHS của pháp nhân được xây dựng không chỉ trong luật hình sự ở những nước trên mà còn được thừa nhận trong luật hình sự của một số nước châu Á như Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc…
Đối với pháp luật quốc tế, TNHS của pháp nhân chính thức được khuyến nghị trong nhiều văn bản pháp luật của Liên hợp quốc và của khu vực. Cụ thể là, khoản 1 Điều 5 Công ước quốc tế về trừng trị việc tài trợ cho khủng bố của Liên hợp quốc, Công ước về bảo vệ môi trường bằng pháp luật hình sự, Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng, Khuyến cáo số 12 và số 18 của Ủy ban các Bộ trưởng Hội đồng châu Âu về tình trạng tội phạm về kinh tế, thương mại…
Trong một số điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia hoặc phê chuẩn như Công ước của Liên hợp quốc về tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng đều có quy định về việc khuyến nghị các quốc gia thiết lập chế định TNHS của pháp nhân. Mặc dù Việt Nam tuyên bố không bị ràng buộc bởi một số quy định mang tính tùy nghi, không bắt buộc áp dụng của Công ước, trong đó có chế định TNHS của pháp nhân nhưng về lâu dài, các chuyên gia pháp lý cho rằng: Để Việt Nam có thể thực hiện hiệu quả các quy định của các Công ước quốc tế cũng như nhận được sự đồng thuận của các quốc gia trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm, đặc biệt là phòng, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, tội phạm tham nhũng thì cần nghiên cứu tiếp thu kinh nghiệm lập pháp của các nước và từng bước nội luật hóa vấn đề TNHS của pháp nhân trong pháp luật hình sự nhằm tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ cho sự hợp tác về các lĩnh vực này.
Không những thế, vấn đề trên cũng đã thể hiện rất rõ trong Quyết định số 445/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng. Trong đó, có yêu cầu nghiên cứu bổ sung tội danh tham nhũng và quy định pháp nhân là chủ thể của hành vi tham nhũng.
Công ty Luật Hưng Nguyên – theo Uyên San

Tìm công cụ pháp lý đảm bảo hàng “thật” cho chợ “ảo”

Giữa “cơn lốc” mang tên MB24, hôm qua (21/8), Bộ Công Thương và Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) phối hợp tổ chức hội thảo lấy ý kiến cho dự thảo nghị định mới, thay thế Nghị định về thương mại điện tử hiện hành…

Công ty Luật Hưng Nguyên

6 năm kể từ khi Nghị định về thương mại điện tử số 57/2006/NĐ-CP được ban hành, văn bản pháp lý này bị đánh giá là đã quá “lạc hậu, lỗi thời” so với thực tế phát triển thương mại điện tử Việt Nam.

Do đặc thù của hoạt động mua bán trên Internet là người mua và người bán không gặp mặt trực tiếp mà giao dịch trên không gian ảo, nên một số quy tắc trong giao dịch truyền thống không còn phù hợp hoặc thiếu quy định điều chỉnh. Bên cạnh đó hoạt động kinh doanh qua mạng của các doanh nghiệp hiện nay đang phát triển khá tự phát và chưa có sự giám sát chặt của cơ quan quản lý nhà nước, từ đó phát sinh nhiều vấn đề như quảng cáo sai sự thật, lừa đảo, cạnh tranh không lành mạnh, trốn thuế… gây thiệt hại cho người tiêu dùng, ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế của đất nước.

Nhằm giải quyết một cách toàn diện những vấn đề nêu trên, Bộ Công Thương đề xuất xây dựng nghị định về thương mại điện tử mới thay thế Nghị định 57.

Phạm vi điều chỉnh của nghị định thương mại điện tử mới dự kiến gồm các hoạt động thương mại trên lãnh thổ Việt Nam có sử dụng phương tiện điện tử trong một khâu hoặc toàn bộ quy trình giao dịch. Đối tượng áp dụng là các thương nhân, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thương mại điện tử trên lãnh thổ Việt Nam, bao gồm: thương nhân, tổ chức, cá nhân Việt Nam; cá nhân nước ngoài cư trú tại Việt Nam; thương nhân, tổ chức nước ngoài có sự hiện diện tại Việt Nam thông qua hoạt động đầu tư, lập chi nhánh, văn phòng đại diện, hoặc thiết lập website dưới tên miền của Việt Nam.

Nghị định thương mại điện tử sửa đổi lần này, tập trung sửa đổi chương III về hoạt động thương mại điện tử là chương quan trọng nhất và chiếm khối lượng lớn nhất trong toàn bộ nội dung của nghị định.

Cụ thể về hoạt động của từng loại hình website thương mại điện tử, bao gồm hai nhóm chính là website thương mại điện tử bán hàng và website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, trong đó website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử lại chia thành ba loại: sàn giao dịch thương mại điện tử, website đấu giá trực tuyến và website khuyến mại trực tuyến.

Quy định về hoạt động của website thương mại điện tử bán hàng chủ yếu tập trung vào nghĩa vụ của chủ website trong việc cung cấp thông tin, từ thông tin về thương nhân cho đến thông tin về hàng hóa, dịch vụ, giá cả, vận chuyển, thanh toán, và các điều kiện giao dịch chung. Những quy định này nhằm đảm bảo sự minh bạch thông tin và bảo vệ lợi ích cho người tiêu dùng khi tham gia giao dịch trên website thương mại điện tử.

Nếu các website thương mại điện tử bán hàng giống như các cửa hàng đơn lẻ với một người bán và nhiều người mua, thì các website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử lại giống như trung tâm thương mại hoặc chợ điện tử, trên đó tập hợp nhiều người bán và nhiều người mua. Chủ sở hữu những website dạng này không trực tiếp bán hàng hóa và dịch vụ đầu cuối đến người tiêu dùng, mà chỉ đóng vai trò cung cấp môi trường để người mua và người bán gặp gỡ, kết nối nhu cầu và tiến hành giao dịch.

Mối quan hệ nhiều chiều giữa người mua, người bán và chủ website khiến sự phân định quyền và trách nhiệm trong mỗi giao dịch trên website trở nên phức tạp. Để giải quyết vấn đề đó, chương III nghị định đã quy định cụ thể trách nhiệm của các thương nhân, tổ chức chủ website và các thương nhân, tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, dịch vụ trên những website dạng này.

Chương III cũng quy định một số nội dung mang tính đặc thù với mỗi lại hình website khác nhau, như quy chế hoạt động của giao dịch thương mại điện tử, hợp đồng dịch vụ khuyến mại và thông tin về hàng hóa dịch vụ được khuyến mại trên website khuyến mại trực tuyến, hay các yếu tố mang tính kỹ thuật của một quy trình đấu giá tiến hành trên website đấu giá trực tuyến.

Vấn đề tối quan trọng đối với thương mại điện tử là sự an toàn an ninh, được quy định tại chương 5 của nghị định. Cụ thể, chương 5 quy định hai nội dung lớn là bảo vệ thông tin cá nhân và an toàn thanh toán trong thương mại điện tử.

Theo đó, quy định rõ các nguyên tắc cũng như cách thức thực hiện các nguyên tắc về bảo vệ thông tin cá nhân, từ việc thông báo và xin phép người tiêu dùng khi thu thập, sử dụng thông tin, cho đến nguyên tắc sử dụng, đảm bảo an toàn, kiểm tra, cập nhật và điều chỉnh cho thông tin cá nhân, cũng như trách nhiệm của các bên trong việc thực hiện những quy định này.

Đồng thời, quy định các yêu cầu kỹ thuật đối với một hệ thống thanh toán trực tuyến trên website thương mại điện tử nhằm giảm thiểu rủi ro, đảm bảo an toàn cho thông tin thanh toán của khách hàng.

Mai Hoa

.Công ty Luật Hưng Nguyên

“Tôn vinh giới luật sư để góp phần thực thi công lý”

“Tôn vinh, hướng tới xây dựng một đội ngũ luật sư chất lượng, dày dạn kinh nghiệm, tin cậy về phẩm chất đạo đức sẽ góp phần tích cực bảo vệ quyền công dân, quyền con người, thực thi công lý” – Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường phát biểu.

Công ty Luật, luật sư

Tham dự buổi lễ có Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; ông Hà Hùng Cường – Bộ trưởng Bộ Tư pháp; ông Nguyễn Hòa Bình – Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao; ông Phạm Quốc Anh – Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam; Luật sư Lê Thúc Anh – Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cùng đại diện Đoàn Luật sư các tỉnh, thành phố, đại diện các Sở Tư pháp địa phương và đại diện các hãng luật trong cả nước.

10 tổ chức hành nghề luật sư tiêu biểu của năm 2012 được vinh danh, gồm: Công ty Luật hợp danh YKVN, Công ty Luật TNHH Vilaf Hồng Đức, Công ty Luật TNHH SMic, Công ty TNHH Invest Consult, Công ty TNHH Bizlink, Công ty TNHH Gia Phạm, Văn phòng Luật sư Nam Hà Nội, Văn phòng Luật sư Leadco, Văn phòng Luật sư Đức Quang, Văn phòng Luật sư Lê Nguyễn.

5 Luật sư tiêu biểu gồm Luật sư Nguyễn Văn Hậu; Luật sư Trịnh Văn Quyết – Tổng giám đốc Công ty Luật TNHH SMiC; Luật sư Lê Nết, điều hành Công ty Luật TNHH LCT; Luật sư Đoàn Thu Nga – Giám đốc Công ty TNHH Lawpro và Luật sư Phạm Thành Long – Trưởng Văn phòng Luật sư Gia Phạm.

Dự lễ trao trặng danh hiệu Hãng Luật và Luật sư tiêu biểu của năm 2012 (do Bộ Tư pháp và báo Pháp luật Việt Nam tổ chức) hôm qua, 27/8, Bộ trưởng Tư pháp nhấn mạnh, chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 theo Nghị quyết 49 Bộ Chính trị đã đặt giới luật sư vào vị trí quan trọng trong việc tăng cường tranh tụng và tư vấn pháp lý.

“Thực tiễn thực hiện cải cách tư pháp vừa qua đã chứng minh rằng, không thể có phiên tòa xét xử theo tinh thần cải cách, nếu thiếu sự tham gia tranh tụng của các luật sư có năng lực, trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp. Và cũng không thể phát triển tốt hoạt động đầu tư kinh doanh, nếu thiếu sự tư vấn pháp luật đúng đắn của luật sư, cũng như để hội nhập quốc tế thành công, không thể không có những luật sư nắm vững pháp luật quốc tế và thông thạo ngoại ngữ” – ông Hà Hùng Cường phân tích.

Vì vậy, hoạt động bình chọn danh hiệu Hãng luật và Luật sư tiêu biểu được Thủ tướng phê duyệt tổ chức ba năm một lần nhằm để tôn vinh những tổ chức hành nghề luật sư, luật sư có thành tích cao, có đóng góp thiết thực cho cộng đồng bằng hoạt động nghề nghiệp của mình.

Năm nay, có 10 tổ chức hành nghề luật sư vào 5 luật sư tiêu biểu được bình chọn, vinh danh. Đây là những hãng luật liên tục xếp thứ hạng cao trong bảng đánh giá chất lượng và chỉ dẫn dịch vụ của các tổ chức nước ngoài khi đánh giá, xếp hạng các tổ chức hành nghề luật sư và đánh giá các thương hiệu trong lĩnh vực dịch vụ pháp lý tại Việt Nam. Các luật sư được vinh danh cũng là những gương mặt điển hình trong giới luật sư Việt Nam. Họ tiêu biểu cho những luật sư trẻ, đầy khát vọng nghề nghiệp, là những cá nhân xuất sắc trong nghề, có những đóng góp tích cực cho sự phát triển nghề luật sư, đồng thời có những đóng góp có ý nghĩa vì lợi ích của cộng đồng.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng cho rằng, các tổ chức luật sư và luật sư được giải lần này mới chỉ là những đại diện tiêu biểu của cả giới luật sư cả nước, vì có không ít tổ chức luật sư, luật sư có rất nhiều thành tích, nhưng vì một lý do nào đó đã không tham gia cuộc bình chọn này. Vị tư lệnh của ngành tư pháp bày tỏ hy vọng các đợt bình chọn tiếp theo sẽ có nhiều tổ chức luật sư và luật sư tiêu biểu được trao tặng các danh hiệu này.

“Tôn vinh, hướng tới xây dựng một đội ngũ luật sư ngày càng đông đảo về số lượng, mạnh về chất lượng chuyên môn, dày dạn về kinh nghiệm và tin cậy về phẩm chất đạo đức sẽ góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân cũng như vào việc bảo vệ quyền công dân, quyền con người, thực thi công lý” – Bộ trưởng Tư pháp nhấn mạnh.

Công ty Luật Hưng Nguyên

Khó tăng lương trong năm 2013

Chính phủ cho biết cân đối ngân sách năm tới chưa tìm được nguồn để chi cải cách tiền lương. Tuy nhiên, các ý kiến tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng vẫn nên thực hiện việc làm được coi là “thường niên” này.

công ty luật, tư vấn luật,

Báo cáo của Chính phủ về kế hoạch ngân sách 2013, được Bộ trưởng Vương Đình Huệ trình bày trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 16/10 cho biết dự toán chưa thể bố trí nguồn thực hiện chi cải cách tiền lương theo lộ trình trong năm tới. Lý do được đưa ra là bối cảnh kinh tế 2013 tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thu ngân sách tăng thấp trong khi nhiều nhiệm vụ chi chỉ có thể thực hiện ở mức tối thiểu hoặc không bố trí được nguồn.

Quan điểm này cũng được Ủy ban Tài chính – ngân sách cơ bản đồng tình bởi mức độ khó khăn cũng như việc tăng mức lương tối thiểu gần như đã được thực hiện thường niên (8 lần trong thời gian từ tháng 1/2003 đến tháng 5/2012). Trong những năm gần đây, mức tăng lương cũng được đẩy lên khá cao, từ 730.000 đồng lên 830.000 đồng năm 2011 và lên 1,05 triệu đồng năm 2012, góp phần giải quyết thu nhập, đời sống của cán bộ, công chức, người lao động. Do đó, khi cân đối thu chi gặp nhiều khó khăn, việc xem xét nguồn tăng lương cũng cần được tính tới.

Tuy vậy, bản thân trong nội bộ cơ quan thẩm tra cũng có ý kiến cho rằng Chính phủ nên thực hiện một phần lộ trình tăng mức lương tối thiểu lên 1,15 triệu đồng và phụ cấp công vụ từ 25% lên 30%, từ 1/5/2013. Nguồn bố trí tăng thêm sẽ lấy từ việc tăng thu nội địa và dầu khí.

Riêng vấn đề lương tối thiểu tại khu vực doanh nghiệp, theo đề án trước đó được Bộ Lao động – thương binh – xã hội trình Chính phủ, mức tăng dự kiến trong năm 2013 là từ 1,4 – 1,7 triệu (tuy loại hình doanh nghiệp) lên 2 – 2,4 triệu đồng. Phát biểu trong phiên thảo luận ngày 16/10, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội – Trương Thị Mai tỏ ra rất quan tâm đến vấn đề này vì theo bà, đây là vấn đề ảnh hưởng đến quyền lợi, đời sống của khoảng 22 triệu người. “Thường đây cũng là thời điểm phải công bố lộ trình tăng lương để các doanh nghiệp chủ động xây dựng phương án kinh doanh cho năm sau”, bà Mai nói thêm.

Tuy nhiên, trả lời chất vấn này, đại diện Bộ Lao động cho biết đề án đã hoàn thành nhưng đang đợi phê duyệt ở cấp Chính phủ (dự kiến công bố trong tháng 10). Do đó tại thời điểm này, Bộ chưa thể công khai chi tiết đề án.

Công ty Luật Hưng Nguyên

Thời hiệu khởi kiện về chia di sản thừa kế

Thời hiệu khởi kiện chia tài sản chung đã hết và cũng không có đủ điều kiện quy định tại NQ/02/2004/NQ/HĐTP của TANDTC, nhưng thẩm phán vẫn thụ lý vụ án và tiến hành hòa giải nhưng không thành. Vậy việc thụ lý của thẩm phán như vậy có đúng quy định pháp luật không?

(Lương Quang Sinh, Hải Dương)

Ảnh minh họa

Trả lời:

Theo câu hỏi của bạn thì chúng tôi hiểu vụ án này liên quan đến việc yêu cầu chia tài sản là di sản của người chết để lại (chia di sản thừa kế) và thời hiệu khởi kiện của việc chia di sản. Tuy nhiên vì không có dữ kiện cụ thể nên chúng tôi không thể tư vấn 1 cách chi tiết được. Chúng tôi có 1 số ý kiến như sau:

Thứ nhất: Thời hiệu khởi kiện về thừa kế: Tại điều 645 Bộ luật dân sự quy định: “Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế…”.

Như vậy nếu yêu cầu chia di sản thừa kế thì thời hiệu khởi kiện là 10 năm. Hết thời hạn này thì người được thừa kế không có quyền khởi kiện nữa.

Thứ hai: Về chia tài sản chung là di sản của người chết để lại, theo quy định tại điểm 2.4 điều 2 mục I Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 của Hội đồng thẩm phán TANDTC thì trường hợp hết thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế nêu trên nhưng nếu đáp ứng được các điều kiện theo quy định tại Nghị quyết thì di sản đó sẽ trở thành tài sản chung của các đồng thừa kế, cụ thể như sau: Trường hợp trong thời hạn mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế nếu các đồng thừa kế không có tranh chấp về quyền thừa kế và có văn bản cùng xác nhận là đồng thừa kế hoặc sau khi kết thúc thời hạn mười năm mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các thừa kế. Khi có tranh chấp và yêu cầu Toà án giải quyết thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế, mà áp dụng các quy định của pháp luật về chia tài sản chung để giải quyết …

Như vậy chỉ có thời hiệu khởi kiện để yêu cầu chia di sản thừa kế chứ không có thời hiệu yêu cầu chia tài sản chung.

Do đó trường hợp hết thời hiệu khởi kiện mà cũng không đủ điều kiện chia tài sản chung theo quy định tại Nghị quyết số 02 như nêu trên thì người thừa kế mất quyền khởi kiện và Tòa án cũng không thực hiện thụ lý vụ án nữa.

Vì câu hỏi của bạn không có dữ kiện cụ thể về vụ án nên chúng tôi không có căn cứ để đánh giá việc Tòa án thụ lý là đúng hay sai. Bạn có thể đối chiếu với phân tích trên để tham khảo.