Văn phòng luật sư uy tín thuộc Công ty luật Hưng Nguyên là doanh nghiệp có bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực luật. Đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ tư vấn luật, thuê luật sư tranh tụng, luật sư bào chữa giỏi ngày càng tăng của xã hội. Văn phòng luật sư Hưng Nguyên đã và đang xây dựng và hoàn thiện đội ngũ luật sư và tư vấn viên chuyên nghiệp hơn. Dưới đây là một số dịch vụ chúng tôi đang tư vấn và thực thi:
ĐẠI DIỆN TRANH TỤNG TẠI TÒA
TƯ VẤN PHÁP LUẬT HÔN NHÂN
TƯ VẤN PHÁP LUẬT DÂN SỰ
TƯ VẤN PHÁP LUẬT LAO ĐỘNG
TƯ VẤN PHÁP LUẬT VỀ THUẾ
TƯ VẤN BẢO HỘ SH TRÍ TUỆ
TƯ VẤN PHÁP LUẬT ĐẤT ĐAI
TƯ VẤN LUẬT DOANH NGHIỆP
TƯ VẤN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TƯ VẤN XIN CẤP GIẤY PHÉP
Quý khách có nhu cầu vui lòng gọi Luật sư NGUYỄN VĂN NGUYÊN
Hotline: 098.775.6263
Tel: 04.8585.7869
Email: hungnguyenlawfirm@gmail.com
ĐSPL) – Trong cùng ngày 6/9 tại Bình Dương đã xảy ra hai trường hợp: bé Lê Văn Mạnh (7 tuổi, quê Nghệ An, trú tại phường Tân Hiệp, thị xã Tân Uyên) và bé La Văn Tỷ (9 tuổi, quê An Giang, trú tại phường Thuận Giao, thị xã Thuận An) đã bị nước cuốn trôi xuống cống thoát nước. Hiện lực lượng cứu hộ vẫn chưa tìm thấy bé La Văn Tỷ.
Luật sư Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc Công ty Luật Hưng Nguyên, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.
Liên quan đến vụ việc này, Báo Đời sống và Pháp luật đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc Công ty Luật Hưng Nguyên, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội để làm rõ về trách nhiệm trong 2 vụ tai nạn đáng tiếc này.
Bàn về trách nhiệm trong 2 vụ việc này, Luật sư Nguyễn Văn Nguyên cho biết: “Đây là những vụ tai nạn làm chết 2 cháu bé rất thương tâm. Từ thông tin báo chí cung cấp thì chúng ta đã thấy được nguyên nhận dẫn đến cái chết của các cháu đã bị nước cuốn vào các miệng cống (hay gọi là miệng hố ga) không được đậy nắp, không được che chắn, cảnh báo, vốn rất nguy hiểm trong những ngày thường và trở thành những cái bẫy chết người. Trong một ngày tại Bình Dương xẩy ra 2 trường hợp chết người rất thương tâm. Để xác định trách nhiệm trực tiếp và bồi thường thiệt hại cho gia đình các cháu bé không may này thì cơ quan chức năng cần kịp thời điều tra làm rõ đơn vị nào là chủ đầu tư, đơn vị nào thi công, làm rõ các vi phạm của đơn vị thi công, sự thiếu trách nhiệm, buông lỏng giám sát, quản lý của chủ đầu tư đối với đơn vị thi công, không cảnh bảo nguy hiểm, rào chắn các hố ga đó. Trong trường hợp này cả chủ đầu tư và đơn vị thi công, đơn vị được giao trách nhiệm quản lý, bảo trì công trình phải có nghĩa vụ liên đới bồi thường thiệt hại về tính mạng, tài sản,tinh thần và các thiệt hại hợp lý khác cho gia đình các cháu bé bị nạn. Căn cứ kết quả điều tra, tùy thuộc vào lỗi, hành vi và hậu quả của vi phạm, cơ quan chức năng có thể xử phạt vi phạm hành chính hoặc nếu có căn cứ khởi tố vụ án hình sự thì chuyển cơ quan điều tra để điều tra theo quy định của bộ luật hình sự và bộ luật TTHS 2003.”
Luật sư Nguyên cho biết thêm: “Trong các vụ việc trên thì trách nhệm liên đới bồi thường thiệt hại cho gia đình các cháu bị nạn là chủ đầu tư, đơn vị thi công, đơn vị được giao trách nhiệm quản lý, bảo trì công trình.”
Lực lượng cứu hộ trong cuộc tìm kiếm bé La Văn Tỷ.
Trong thực tế, những vụ tai nạn đáng tiếc do cống thoát nước từ trước đến nay không phải là ít. Bình luận về tình trạng này, Luật sư Nguyễn Văn Nguyên nhận định:“Những vụ tai nạn giao thông có liên quan đến sập hố ga, ổ gà..ở nước ta khá nhiều, nhiều vụ việc đã gây hậu quả chết người, tuy nhiên trong mấy năm qua chưa được giải quyết triệt để, chưa xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân có liên quan dẫn đến dư luận bức xúc. Tôi nghĩ cần phải nâng cao trách nhiệm và đẩy mạnh giám sát đối với chủ đầu tư, đơn vị thi công và cơ quan quản lý nhà nước đối với các công trình giao thông. Xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm quy tắc an toàn trong xây dựng, thi công và quản lý công trình giao thông.”
“Trên thực tế, vé gửi xe được coi là giấy tờ chứng minh giữa các bên có hợp đồng gửi giữ”, ông Trần Công Thịnh, giảng viên bộ môn Luật Dân sự, khoa Luật Đại học Quốc Gia Hà Nội cho biết.
Liên quan đến việc bồi thường cho người gửi xe có phương tiện bị cháy trong vụ cháy bãi gửi xe gây thiệt hại hơn 2 tỷ đồng, Thời báo Đông Nam Á đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Văn Nguyên, giám đốc công ty luật Hưng Nguyên, Đoàn luật sư TP.HN và ông Trần Công Thịnh, giảng viên bộ môn Luật Dân sự, khoa Luật Đại học Quốc Gia Hà Nội để làm rõ một số vấn đề này.
Trách nhiệm pháp lí giữa các bên liên quan?
Luật sư Nguyên cho biết: “Vụ cháy xẩy ra làm phát sinh trách nhiệm pháp lý giữa các bên có liên quan. Cụ thể là xác định nghĩa vụ liên đới bồi thường thiệt hại của người đốt rác, chủ bãi gửi xe cho người gửi xe bị thiệt hại. Căn cứ điều 559 bộ luật dân sự 2005 thì giữa chủ xe và người nhận trông gửi xe đã phát sinh hợp đồng gửi giữ tài sản có thu phí. Cũng theo quy định tại các điều 561, 562 bộ luật dân sự 2005 thì bên gửi tài sản có quyền yêu cầu bên nhận gửi tài sản bồi thường thiệt hại do tài sản bị mất mát, hư hỏng, trừ trường hợp bất khả kháng mà theo quy định của pháp luật, con người không thể lường trước được, không thể ngăn chặn được, mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp để ngăn chặn và phòng tránh, ngăn ngừa thiệt hại xẩy ra.
Như vậy để làm rõ trách nhiệm bồi thường thiệt hại của chủ bãi gửi xe cho chủ xe bị cháy thì cơ quan chức năng cần điều tra làm rõ chủ bãi gửi xe có tuân thủ các điều kiện cấp phép, phòng cháy, chữa cháy, an ninh trật tự, khi phát hiện đám cháy lan sang bãi gửi xe thì chủ bãi gửi xe đã làm hết trách nhiệm (huy động nhân lực, phương tiện, kêu gọi sự giúp đỡ của cơ quan chức năng..) trong việc ngăn ngừa thiệt hại xẩy, để bảo vệ tài sản cho các chủ xe mà mình nhận trông giữ hay chưa.
Bộ luật cũng quy định các bên có quyền thỏa thuận việc bồi thường, trường hợp không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết.”
Vé xe có được coi là hợp đồng để bồi thường?
Về vấn đề căn cứ xác nhận bồi thường giữa chủ xe và chủ bãi gửi xe, giảng viên bộ môn Luật Dân sự, khoa Luật Đại học Quốc Gia Hà Nội Trần Công Thịnh cũng cho biết:
“Khi gửi xe, giữa người gửi xe và người giữ xe đã thiết lập Hợp đồng gửi giữ tài sản, Điều 559 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: “Hợp đồng gửi giữ tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết thời hạn hợp đồng, còn bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công”.
Trong trường hợp tài sản gửi giữ bị mất mát, thiệt hại, hư hỏng thì bên gửi giữ có quyền yêu cầu bên nhận gửi giữ bồi thường theo quy định tại khoản 2 Điều 561 Bộ luật Dân sự. Bên cạnh đó, Bộ luật Dân sự cũng có những điều khoản cụ thể quy định về trách nhiệm dân sự và trách nhiệm bồi thường thiệt hại của bên vi phạm nghĩa vụ dân sự (Điều 302, Điều 307), về nghĩa của bên giữ tài sản là “phải bồi thường thiệt hại, nếu làm mất mát, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng”.( khoản 4 Điều 562)
Trên thực tế, vé gửi xe được coi là giấy tờ chứng minh giữa các bên có hợp đồng gửi giữ. Do vậy, chủ xe cần có vé xe để chứng minh rằng mình đã gửi xe trong bãi xe. Nếu không có vé gửi xe thì chủ xe rất khó hoặc không thể yêu cầu chủ bãi gửi xe bồi thường.
Trong trường hợp bất khả kháng (thảm họa thiên tai…) thì chủ bãi gửi xe không phải bồi thường. Ở đây có thông tin cho rằng có người dân do thu mua ve chai, đốt phế liệu gần đó nên gây bắt lửa và cháy bãi xe nhưng nếu không tìm ra người gây hỏa hoạn thì chủ bãi gửi xe vẫn phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.”
Trước đó, Thời báo Đông Nam Á đã đưa tin về vụ việc này. Theo thông tin ban đầu, khoảng 13 giờ 40, một người đốt rác gần bãi giữ xe gắn máy, ô tô (nằm đối diện với Bệnh viện Q.8). Trong quá trình đốt rác, ngọn lửa đã lan sang bãi xe nói trên gây cháy.
Thấy vậy, nhân viên bãi giữ xe cùng người dân đã xông vào di dời phương tiện ra ngoài để tránh lửa. Tuy nhiên, người dân vừa đưa được hơn 10 xe gắn máy ra ngoài thì đám cháy đã bùng phát dữ dội. Do bãi xe đang giữ hàng trăm xe gắn máy, phần lớn có chứa xăng nên đám cháy lan ra rất nhanh. Lửa kèm theo cột khói đen ngùn ngụt bốc lên cao và phát ra nhiều tiếng nổ khiến người dân hốt hoảng tháo chạy tán loạn. Lực lượng PCCC tại chỗ đã dùng bình chữa cháy, nước sinh hoạt dập lửa nhưng bất thành.
Đến 13 giờ 50, nhận được tin, Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát PCCC Q.8 điều động 7 xe chữa cháy cùng hơn 50 cán bộ chiến sĩ xuống hiện trường. Đến nơi, đám cháy đã lan rộng và làm sập một phần mái che của bãi giữ xe nên lực lượng chức năng phải gọi chi viện từ Phòng Cảnh sát PCCC Q.1 điều thêm 6 xe chữa cháy với hàng chục cán bộ chiến sĩ đến hỗ trợ. Sau đó, lực lượng cứu hộ cứu nạn cùng người dân đã đưa thêm 50 xe gắn máy bị cháy xém ra ngoài. Đến 14 giờ 30 cùng ngày, đám cháy mới cơ bản được dập tắt.
Thiệt hại ban đầu ước tính khoảng 300 xe máy và ô tô. Hiện công an quận đang phối hợp với Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM truy tìm người đốt rác nói trên để điều tra làm rõ nguyên nhân dẫn đến cháy.
Big C được coi là một trong những hệ thống siêu thị lớn nhất toàn quốc. Vậy nhưng, vấn đề đảm bảo chất lượng hàng hóa của hệ thống siêu thị này ngày càng khiến người tiêu dùng hoang mang. Liên quan đến vấn đề này, Thời báo Đông Nam Á đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Văn Nguyên (Giám đốc công ty Luật Hưng Nguyên, Đoàn luật sư TP.HN).
Gần đây, trên các hệ thống siêu thị của Big C, người tiêu dùng phát hiện rất nhiều những hàng hóa kém chất lượng, thậm chí có cả sản phẩm quá hạn sử dụng. Trong đó, vụ việc big C bán thịt heo nghi nhiễm bệnh lợn gạo tại Big C Gò Vấp (TP.HCM) và sữa chua, nước ép hoa quả quá hạn tại các hệ thống Big C Thăng Long, Big C Thanh Hóa khiến nhiều khách mua hàng bức xúc và muốn nhận được một lời giải thích thỏa đáng từ phía cơ quan có trách nhiệm.
Tuy nhiên, đến nay điều mà người tiêu dùng nhận được chỉ là sự đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan. Trách nhiệm về việc quyền lợi của người tiêu dùng đang bị xâm hại sẽ thuộc về ai, về phía nào?
Liên quan đến vấn đề này, Thời báo Đông Nam Á đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Văn Nguyên (Giám đốc công ty Luật Hưng Nguyên, Đoàn luật sư TP.HN):
Vâng, thưa luật sư, việc Big C Gò Vấp bán thịt heo nghi nhiễm bệnh lợn gạo và Big C Thăng Long, Big C Thanh Hóa bán sữa chua, nước ép hoa quả quá hạn có phải là hành vi vi phạm pháp luật? Và nếu có thì trách nhiệm sẽ thuộc về phía nào?
“Theo quy định của luật bảo vệ người tiêu dùng năm 2011, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, nguồn gốc, nhãn mác xuất xứ của hàng hóa, dịch vụ đó. Luật cũng quy định khi phát hiện hàng hóa không đảm bảo các yêu cầu chất lượng, “hàng hóa bị khuyết tật” thì tổ chức, cá nhân kinh doanh sẽ phải có trách nhiệm thu hồi theo điều 22 và điều 11 luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Luật cũng trao quyền năng cho người tiêu dùng, khi bị xâm phạm thì có quyền khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại khi quyền và lợi ích hợp pháp trong lĩnh vực tiêu dùng của mình bị xâm phạm.
Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2011 cũng giao trách nhiệm quản lý nhà nước, thanh tra, phát hiện, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho cơ quan quản lý có thẩm quyền. Vì vậy các cơ quan này có nghĩa vụ phát hiện và kịp thời xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực được phân công trách nhiệm quản lý nhà nước.”
Thưa luật sư, vậy luật sư có thể phân tích làm rõ các dấu hiệu vi phạm pháp luật và mức phạt cho các hành vi vi phạm đó?
“Dấu hiệu vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là: Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, cung ứng các hàng hóa, dịch vụ không đúng, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc các nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết với người tiêu dùng.
Hiện nay việc xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là lĩnh vực rộng lớn, liên quan đến các luật chuyên ngành khác, tuy nhiên về cơ bản được quy định trong luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dụng năm 2011, luật xử lý vi phạm hành chính năm 2013 và được quy định cụ thể một số trường hợp vi phạm trong Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013, có hiệu lực từ ngày 01/01/2014 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.”
Một lần nữa cảm ơn Luật sư Nguyễn Văn Nguyên!
Điều 22 luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2011 quy định. Trách nhiệm thu hồi hàng hóa có khuyết tật“Khi phát hiện hàng hóa có khuyết tật, tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa có trách nhiệm:1. Kịp thời tiến hành mọi biện pháp cần thiết để ngừng việc cung cấp hàng hóa có khuyết tật trên thị trường;2. Thông báo công khai về hàng hóa có khuyết tật và việc thu hồi hàng hóa đó ít nhất 05 số liên tiếp trên báo ngày hoặc 05 ngày liên tiếp trên đài phát thanh, truyền hình tại địa phương mà hàng hóa đó được lưu thông với các nội dung sau đây:a) Mô tả hàng hóa phải thu hồi;
b) Lý do thu hồi hàng hóa và cảnh báo nguy cơ thiệt hại do khuyết tật của hàng hóa gây ra;
c) Thời gian, địa điểm, phương thức thu hồi hàng hóa;
d) Thời gian, phương thức khắc phục khuyết tật của hàng hóa;
đ) Các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong quá trình thu hồi hàng hóa;3. Thực hiện việc thu hồi hàng hóa có khuyết tật đúng nội dung đã thông báo công khai và chịu các chi phí phát sinh trong quá trình thu hồi;4. Báo cáo kết quả cho cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cấp tỉnh nơi thực hiện thu hồi hàng hóa có khuyết tật sau khi hoàn thành việc thu hồi; trường hợp việc thu hồi hàng hóa có khuyết tật được tiến hành trên địa bàn từ hai tỉnh trở lên thì báo cáo kết quả cho cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở trung ương”.Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ mà cố tình vi phạm gây thiệt hại cho sức khỏe, tài sản, quyền lợi của người tiêu dùng thì tùy theo tính chất mức độ vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu TNHS theo quy định tại điều 11 luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2011. Cụ thể: Điều 11. Xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng1. Cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.2. Tổ chức vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.3. Cá nhân lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.4. Chính phủ quy định chi tiết việc xử phạt vi phạm hành chính trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”.
Trăn trở về tình trạng cản trở quyền hành nghề của luật sư, luật sư Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc Công ty Luật Hưng Nguyên, Đoàn luật sư TP. Hà Nội đã chia sẻ một số kiến nghị của mình trên Thời báo Đông Nam Á.
Báo Seatimes trích đăng bài viết của luật sư Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc công ty luật Hưng Nguyên:
“Thời gian qua báo chí truyền thông nhắc đến nhiều về các vụ việc luật sư bị trả thù do hoạt động nghề nghiệp của luật sư. Như vụ luật sư Trần Hồng Lĩnh – Đoàn luật sư TP. Hải Phòng bị tạt axit, văn phòng Luật sư Bùi Đình Ứng – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội bị đốt… và rất nhiều vụ việc khác nữa mà bản thân những luật sư trong cuộc cũng không muốn chia sẻ rộng rãi.
Các luật sư xem đó là sự vui buồn nghề nghiệp của các luật sư và thường cam chịu. Những hành vi trả thù luật sư thời gian vừa qua đã gây phẫn nộ trong dư luận, quần chúng nhân dân nói chung và giới luật sư nói riêng gây tâm lý hoang mang, lo sợ cho nhiều luật sư. Nếu không kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm minh sẽ dẫn đến hình ảnh người luật sư bị xuống cấp và tạo tiền lệ xấu cho các hành vi tiếp theo.
Luật sư Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc công ty luật Hưng Nguyên
Khi luật sư không đủ dũng cảm để đấu tranh bảo vệ lẽ phải, pháp lý và công bằng thì hậu quả sẽ dẫn đến oan sai và hệ lụy cho xã hội là rất lớn.
Luật sư là hiện thân cho người bảo vệ công ty, công bằng, giúp cho hoạt động tố tụng và các tranh chấp pháp lý được giải quyết đúng đắn. Tuy nhiên khi luật sư không thể tự bảo vệ mình, thì còn ai là người đứng ra bảo vệ người yếu thế, mắc oan sai và người nghèo, yếu thế trong xã hội. Khi vướng vào vòng lao lý hơn ai hết họ rất hiểu, rất cần sự trợ giúp hỗ trợ pháp lý của luật sư.
Hoạt động tác nghiệp của luật sư rất rộng trên nhiều lĩnh vực pháp luật. Trong vấn đề giải quyết các vụ án hình sự luật sư tham gia với tư cách người bào chữa cho bị can, bị cáo hoặc người bảo vệ quyền lợi ích cho bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự thì theo tôi pháp luật cần xem xét hoạt động của luật sư tương tự người thi hành công vụ.
Bởi lẽ, hoạt động của luật sư góp phần làm rõ sự thật khách quan, sai phạm, oan sai, làm cho việc điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và các hoạt động khác của các cơ quan nhà nước diễn ra đúng pháp luật. Vì thế luật sư trong trường hợp này phải được xem tương tự như là người thi hành công vụ.
Có quy định như vậy mới có chế tài, hướng xử lý đối với các hành vi trả thù, tố cáo, cản trở, gây khó khăn cho hoạt động nghề nghiệp đúng đắn của luật sư; chấm dứt những hành vi hành hung, gây thương tích cho luật sư. Từ đó tạo sự yên tâm của luật sư đối với hoạt động hành nghề, giúp luật sư tập trung mọi tâm huyết, trí tuệ để làm việc, nghiên cứu vụ việc đạt chất lượng tốt nhất.
Nếu như các cán bộ, công chức nói chung và cán bộ điều tra, kiểm sát viên, thư ký, thẩm phán khi thi hành nhiệm vụ được gọi là người thi hành công vụ thì luật sư lại không được xem như là người thi hành công vụ hoặc được xem tương tự như hoạt động công vụ. Cơ chế xử lý các hành vi chống lại các chức danh tư pháp trên là rất nhiều, mạnh và đủ răn đe, trong khi đó quyền lợi của luật sư vẫn đang bị bỏ ngỏ chưa ai quan tâm.
Theo tôi, Liên đoàn luật sư Việt Nam đi vào hoạt động đã góp phần không nhỏ nâng cao vị thế, vai trò và hình ảnh của luật sư. Tuy nhiên Liên đoàn luật sư vẫn chưa phát huy được hết vai trò trong việc bảo vệ quyền lợi luật sư, chưa thật sự xem việc bảo vệ quyền lợi ích luật sư khi hành nghề là quan trọng nhất, dẫn đến những vụ việc hành hung, trả thù luật sư. Phía Liên đoàn vẫn chưa có được tiếng nói mạnh mẽ.
Vì thế Liên đoàn luật sư cần có những hoạt động tuyên truyền sâu rộng để nâng cao hình ảnh luật sư, phổ biến pháp luật và có nhiều hoạt động để bảo vệ quyền lợi luật sư khi hành nghề. Đồng thời kiến nghị với Ủy ban tư pháp của Quốc hội, Ủy ban pháp luật của Quốc hội, Bộ tư pháp và các cơ quan liên quan để sửa đổi Luật luật sư, bộ luật hình sự, Luật tố tụng hình sự và pháp luật có liên quan trong đó quy định hoạt động hành nghề của luật sư tương tự như chế độ công vụ và quy định các chế tại trách nhiệm dân sự, xử lý hành chính và hình sự để xử lý đối với các hành vi chống đối, xâm phạm sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tính mạng và quyền hoạt động nghề nghiệp đúng đắn của luật sư.
Các đoàn Luật sư cần phải tích cực, chủ động phối hợp với Liên đoàn luật sư, các cơ quan nhà nước để bảo vệ quyền lợi ích chính đáng của luật sư thành viên. Khi đoàn luật sư biết được thông tin về việc luật sư thành viên bị xâm phạm thì phải kịp thời xác minh, kiến nghị xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm.
Bản thân các luật sư cũng cần phải dũng cảm đấu tranh bảo vệ công lý công bằng, khi bị xâm phạm, trả thù thì cần dũng cảm đấu tranh, thông báo với Đoàn luật sư, Liên đoàn luật sư, báo chí truyền thông để bảo vệ quyền lợi ích chính đáng của mình.
Vậy để bảo vệ quyền lợi ích của luật sư cần phải có sự vào cuộc của toàn thể giới luật sư, Đoàn luật sư, Liên đoàn luật sư và các cơ quan hữu quan không những là sửa luật đưa ra cơ chế, chế tài xử lý mà còn phải nâng cao hình ảnh của luật sư và sự ủng hộ của báo chí, truyền thông, dư luận xã hội.”
“Không có quy định về hình phạt cảnh cáo đối với người phạm tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại điều 285, Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009”, luật sư Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc công ty luật Hưng Nguyên, Đoàn luật sư TP Hà Nội khẳng định.
Ông Nguyễn Trí Liêm (ngoài cùng bên trái) và các bị cáo trong vụ án
Trước đó, ngày 7/3 TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án nhân bản kết quả xét nghiệm xảy ra tại bệnh viện đa khoa Hoài Đức. Tại phiên tòa hầu hết các bị cáo đều tỏ ra ăn năn và mong muốn được giảm án để sớm lại cuộc đời và hòa nhập cộng đồng.
Riêng nguyên giám đốc BVĐK Hoài Đức Nguyễn Trí Liêm thì cho rằng: “Bị cáo đã làm đúng trách nhiệm, không như cáo trạng truy tố và kết luận điều tra của cơ quan công an”. Người bào chữa cho bị cáo Liêm, luật sư Lê Văn Thiệp nhận định: Bị cáo Liêm bị truy tố tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo như cáo trạng là không có cơ sở, không có căn cứ.”
Trong khi đó người giữ quyền công tố khẳng định việc cơ quan công an truy tố bị cáo Liêm là có căn cứ. Việc để xảy ra tình trạng in khống diễn ra trong 10 tháng thì trách nhiệm phải thuộc về người đứng đầu cơ quan. Do đó Viện kiểm sát giữ quan điểm truy tố bị cáo Liêm tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và đề nghị mức án từ 12-15 tháng cải tạo không giam giữ.
Chiều ngày 7/3 HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Trí Liêm hình phạt cảnh cáo cho tội danh trên. Bị cáo Nguyễn Thị Nhiên – nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức bị tuyên 10 tháng cải tạo không giam giữ. Bị cáo Vương Thị Kim Thành-nguyên Trưởng khoa Xét nghiệm: 12 tháng tù giam. Các bị cáo: Nguyễn Thị Ngà; Nguyễn Thị Thu Trang; Nguyễn Thị Hồng Nhung; Nguyễn Đông Sơn: 6 tháng tù treo. Các bị cáo: Vương Thị Lan và Nguyễn Thị Xuyên 8 tháng tù treo
Trao đổi với Seatimes về mức án mà Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã tuyên với các bị cáo, luật sư Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc công ty luật Hưng Nguyên, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết: “Vụ án nhân bản kết quả xét nghiệm xảy ra ở bệnh viện đa khoa Hoài Đức gây xôn xao dư luận trong thời gian vừa qua. Hành vi của các bị cáo gây thiệt hại không lớn chỉ hơn 16 triệu đồng, các bị cáo chiếm đoạt tiền bảo hiểm y tế, chưa gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của con người, nhưng gây nhiều dư luận xấu trong xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của bệnh viện Hoài Đức nói riêng và uy tín của đội ngũ y, bác sỹ nói chung. Tòa án đưa vụ án ra xét xử một cách kịp thời được dư luận ủng hộ, việc xét xử vụ án này cũng là hình thức giáo dục, răn đe cho những ai vì lợi ích mà bất chấp pháp luật để phạm tội.
Nói về hình phạt cảnh cáo dành cho bị cáo Nguyễn Trí Liêm, nguyên giám đốc bệnh viện đa khoa Hoài Đức, luật sư Nguyên cho rằng: Giám đốc Bênh viện có lỗi trong việc để nhân viên tự ý sao, ký khống các bản xét nghiệm vì thế ông ấy phải chịu TNHS về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo điều 285 BLHS là đúng. Tuy nhiên khi lượng hình, tòa án còn cân nhắc ở các tình tiết giảm nhẹ, thái độ thành khẩn khai báo, thái độ hợp tác của bị cáo, nhân thân bị cáo, hoàn cảnh phạm tội để quyết định hình phạt đối với bị cáo.
Không có quy định về hình phạt cảnh cáo đối với người phạm tội quy định tại điều 285. Tuy nhiên theo quy định tại điều 47 BLHS về quyết định hình phạt nhẹ hơn quy định của bộ luật thì việc tòa áp dụng điều 29 để phạt cảnh cáo đối với bị cáo Nguyễn Trí Liêm , Tòa án cần phải nêu rõ lý do và phải ghi trong bản án.”
Theo hồ sơ vụ án, ngày 5/6/2013, Cơ quan cảnh sát điều tra – Công an TP Hà Nội nhận được đơn của bà Hoàng Thị Nguyệt – nhân viên Khoa xét nghiệm, bà Khuất Thị Định – nhân viên Khoa sản và bà Phan Nam Đông – nhân viên khoa Liên chuyên khoa Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức, TP Hà Nội, tố cáo “Nguyễn Trí Liêm – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức để các bộ phận xét nghiệm ngoại trú lấy mẫu máu của bệnh nhân nhưng không làm xét nghiệm mà vứt bỏ đi rồi tự in ra nhiều kết quả xét nghiệm từ một mẫu máu khác để gắn trả cho người bệnh. Số lượng người bệnh bị lừa dối lên đến hàng nghìn người”.
Cơ quan cảnh sát điều tra vào và kết luận vụ việc: từ 1/8/2012 đến ngày 31/5/2013 các bị cáo đã lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao để thực hiện xét nghiệm huyết học không đúng quy định; làm xét nghiệm huyết học rồi tự ký vào các phiếu xét nghiệm trả kết quả cho các bệnh nhân và đưa vào hồ sơ thanh tóan bảo hiểm y tế tổng số 789 kết quả xét nghiệm huyết học khống, gây thiệt hại cho Bảo hiểm xã hội huyện Hoài Đức – Bảo hiểm TP Hà Nội hơn 16,5 triệu đồng.
Tuy thiệt hại về mặt vật chất không lớn, kết quả điều tra chưa phát hiện các kết quả xét nghiệm trên được dùng vào việc điều trị, chưa xác định có bệnh nhân nào, nhưng hành vi của các bị can gây ảnh hưởng lớn đến uy tín, đạo đức nghề nghiệp, làm giảm lòng tin của quần chúng nhân dân đối với đội ngũ y, bác sĩ.
Điều 285. Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng
1. Người nào vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây hậu quả nghiêm trọng, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 144, 235 và 301 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm.
3. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Điều 29. Cảnh cáo
Cảnh cáo được áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, nhưng chưa đến mức miễn hình phạt.
Khi bản án được các cấp tòa tuyên còn bộc lộ dấu hiệu vi phạm, sự trông chờ vào việc phân xử ở phiên tòa giám đốc thẩm được coi là cứu cánh cuối cùng đối với nhiều người, nhưng thủ tục nhiêu khê, kéo dài và “nút thắt” mang tên… “ngâm án” đã trở thành nỗi ám ảnh trong hành trình đi tìm cán cân công lý của người dân.
“Ngâm án”…!!!
Đến giờ luật sư Tạ Quốc Cường, đoàn Luật sư Hà Nội vẫn không thể quên một sự vụ mà ông đã dày công theo đuổi suốt nhiều năm. Đến lúc này, luật sư Cường cũng chỉ biết trách bản thân mình. Hỏi ra mới biết, vụ việc đó hết sức đơn giản liên quan đến một vụ kiện dân sự về tranh chấp đất đai, qua hai cấp xét xử (sơ thẩm và phúc thẩm) vẫn còn vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Sau khi có kháng nghị, cả nguyên đơn và bị đơn hồi hộp chờ đợi suốt hơn 3 năm trời mà vẫn chưa nhận được thông tin xét xử. Đáng nói, trong suốt quãng thời gian lẽo đẽo “gánh án” chờ đợi các cấp tòa xét xử, phía nguyên đơn thì lao đao vì nợ nần, còn bị đơn cũng chẳng kém phần thiệt thòi, khi không còn mảnh đất cắm dùi.
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự thì luật không quy định cụ thể thời hạn nghiên cứu hồ sơ vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm là bao lâu nhưng quy định: Thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm là ba năm kể từ ngày bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật và trong thời hạn bốn tháng kể từ ngày nhận được kháng nghị kèm theo hồ sơ vụ án, Toà án có thẩm quyền phải mở phiên toà giám đốc thẩm để xét xử vụ án.
Tương tự, bản báo cũng nhận được nguồn tin từ VKSND Tối cao rằng, đơn vị này vừa nhận được đơn của Lê Phương Trang (ngụ TP. Cao Lãnh, Đồng Tháp). Mới đây, ông Trang đã gửi đơn đến cục Điều tra VKSND Tối cao đề nghị xem xét trách nhiệm của lãnh đạo TAND tỉnh Đồng Tháp vì gần ba năm nay không xét xử giám đốc thẩm một vụ tranh chấp mà ông là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bản án đã có hiệu lực pháp luật do TAND TP. Cao Lãnh xét xử.
Tháng 9/2011, Viện trưởng VKSND tỉnh Đồng Tháp kháng nghị giám đốc thẩm bản án có hiệu lực pháp luật do TAND TP. Cao Lãnh xét xử. Từ đó đến nay ông Trang nhiều lần yêu cầu ủy ban Thẩm phán TAND tỉnh Đồng Tháp xem xét xử giám đốc thẩm, nhưng vẫn không nhận được hồi âm. Sau nhiều lần ông khiếu nại, TAND Tối cao cũng đã có công văn đôn đốc TAND tỉnh Đồng Tháp nhưng đến nay ủy ban Thẩm phán của tòa này vẫn chưa mở phiên họp giám đốc thẩm.
Nguồn thông tin từ TAND Tối cao cũng cho hay, mới đây, chị Lê Thị Thanh (ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) – nguyên đơn trong một vụ ly hôn do TAND tỉnh Bến Tre giải quyết phúc thẩm vào tháng 4/1996 đã có đơn gửi TAND Tối cao, VKSND Tối cao để hỏi về kết quả giải quyết vụ án của chị sau khi có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm từ… 15 năm trước.
Cụ thể, hai năm sau phiên xử phúc thẩm vụ ly hôn của chị, tháng 8/1998, VKSND Tối cao đã có quyết định kháng nghị phần chia tài sản, đề nghị cấp giám đốc thẩm hủy phần này, giao về cho TAND tỉnh Bến Tre xét xử lại và tạm đình chỉ thi hành án để chờ kết quả giám đốc thẩm. Và, cho đến hôm nay chị Thanh vẫn chưa hề nhận kết quả giám đốc thẩm vụ án.
Tồn đọng…
Theo đại diện TAND Tối cao, việc tồn đọng các án ở cấp giám đốc thẩm vẫn thường xảy ra, tuy nhiên số lượng cũng đã được tinh giảm dần. Để chứng minh, đại diện đơn vị đưa ra con số, trong năm 2013, TAND Tối cao đã giải quyết được hơn 63% đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm – con số cao nhất từ trước tới nay. Nhưng đáng nói, trong số đưa ra thì phần lớn là giải quyết những tồn đọng của năm trước với con số gần 11.000 đơn và hiện còn chưa đầy 4.000 đơn chưa giải quyết.
Một thẩm phán thuộc TAND Tối cao (xin được ẩn tên) khi được đặt câu hỏi, cho rằng: Giám đốc thẩm, tái thẩm là thủ tục đặc biệt được tiến hành theo trình tự cực kỳ chặt chẽ. Việc kháng nghị chỉ giao duy nhất người đứng đầu các ngành tòa án, kiểm sát thực hiện. Nhưng cách làm như hiện nay dẫn đến nhận thức của xã hội, kể cả cơ quan Nhà nước xem giám đốc thẩm, tái thẩm là cấp xét xử thứ ba. Tâm lý người dân dường như thiếu tin ở cấp phúc thẩm, cố gắng chờ điều kỳ diệu sẽ xảy ra ở cấp xét xử thứ ba này, làm thay đổi bản án và thời gian qua nhiều bản án, quyết định bị hủy theo trình tự đặc biệt này.
“Vì thế, trừ những vụ có kháng nghị, dù các cấp tòa có xử đúng đến mấy thì người dân vẫn có đơn đề nghị giám đốc thẩm. Nhưng phải thừa nhận, việc thì nhiều nhưng nhân lực thì hạn chế nên không tránh khỏi việc tồn đọng án năm này sang năm sau. Bên cạnh đó, việc giải quyết án tồn cũng đã chiếm phần lớn thời gian nên tất yếu nảy sinh những vụ án bị kéo dài, thậm chí là kéo dài đến nhiều năm không được xử”, vị này cho hay.
…Khắc phục?
Trả lời câu hỏi của Đại biểu Quốc hội về hàng nghìn đơn giám đốc thẩm chưa được giải quyết, Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình cho biết, đã giải quyết được hơn 63% đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm – con số cao nhất từ trước tới nay. Ông Trương Hòa Bình cũng tự nhận thấy việc xét xử chưa đạt kết quả như mong muốn của Quốc hội và nhân dân.
Trong khi đó, theo luật sư Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc công ty Luật Hưng Nguyên (đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) thì: “Tình trạng án giám đốc thẩm bị ngâm lâu mới đưa ra xem xét là có nguyên nhân từ thực tiễn. Dù cho luật có quy định nhưng cho đến hiện tại chưa có Nghị quyết nào của Hội đồng thẩm phán về việc hướng dẫn phiên họp giám đốc thẩm, trình tự thủ tục, thời gian, trình tự mở phiên tòa giám đốc thẩm.
Vì thế, các cơ quan có thẩm quyền giám đốc thẩm theo quy định tại Điều 291 Bộ luật Tố tụng dân sự (TTDS) là ủy ban thẩm phán tòa án nhân dân cấp tỉnh, tòa Dân sự, tòa Kinh tế, tòa Lao động của Tòa án nhân dân tối cao, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao vẫn đang còn lúng túng và có khi ở đâu đó vẫn lạm dụng vào sự thiếu chặt chẽ của luật để cố tình “ngâm”, thậm chí còn có tiêu cực khác trong việc giám đốc thẩm đối với bản án.
Bộ luật TTDS quy định về khiếu nại, tố cáo, thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo trong giai đoạn giám đốc thẩm rất chung chung, vì thế khi quyền lợi bị xâm phạm hoặc khi phát hiện vi phạm về thời hạn hoặc bị “ngâm án” thì đương sự, người có thẩm quyền kháng nghị không biết gửi đến cơ quan nào mà chỉ gửi kiến nghị lên chính cơ quan được giao thẩm quyền giải quyết giám đốc thẩm, bởi thế hiệu quả, hiệu lực chưa cao. “Để khắc phục tình trạng ngâm án giám đốc thẩm thì cần sửa đổi Bộ luật TTDS, bổ sung thêm quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo, trình tự giải quyết khiếu nại, tố cáo trong giai đoạn giám đốc thẩm”, vị luật sư nói.
Nhiều luật gia và chuyên gia pháp lý khi được hỏi đều có chung kiến nghị, những vụ án có kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm thường rất phức tạp, để bảo đảm quyền lợi của người bị kết án về quyền bào chữa thì phải mời họ đến, nghe lời khai mới, chứ không chỉ xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm theo bút lục hay báo cáo của chuyên gia; đồng thời phải bảo đảm cho luật sư, người đại diện hợp pháp của họ tham gia quá trình xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm. Có vậy mới làm minh bạch thông tin và giám sát được cách làm án của các cơ quan tố tụng.
Mức án có thể là nhẹ so với hành vi phạm tội thông thường, tuy nhiên chắc chắn những ngày tháng cuối đời của cụ ông 76 tuổi sẽ là những ngày tháng đè nặng bởi bản án lương tâm, sự dằn vặt và nỗi ám ảnh bởi cái nhìn của người đời.
Mới đây, TAND TP. Hà Nội tiến hành xét xử phúc thẩm vụ án “Dâm ô trẻ em” xảy ra tại quận Long Biên, Hà Nội hồi cuối tháng 9/2013 đối với ông Phạm Đình T., cựu tổ trưởng tổ dân phố. Tại phiên phúc thẩm ông T. được giảm án và được trả tự do ngay tại tòa.
Từng là một tổ trưởng tổ dân phố được bà con lối xóm nhận xét là sống mẫu mực, có uy tín, vậy mà chỉ trong chốc lát không kiềm chế được bản thân, cụ ông đã đánh mất chính mình, đánh mất những điều đã xây dựng gần như suốt cả cuộc đời.
Mức án có thể là nhẹ so với hành vi phạm tội thông thường tuy nhiên chắc chắn những ngày tháng cuối đời của cụ ông 76 tuổi sẽ là những ngày tháng đè nặng bởi bản án lương tâm, sự dằn vặt và nỗi ám ảnh bởi cái nhìn của những người xung quanh.
Phân tích về việc Tòa phúc thẩm giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo, luật sư Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc Công ty Luật Hưng Nguyên, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: “Theo quy định các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại điều 46 Bộ luật hình sự thì ông T. có các tình tiết giảm nhẹ sau: Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả (điểm b, khoản 1 điều 46); Người phạm tội là người già (điểm m, khoản 1, điều 46); Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng theo điểm h khoản 1, điều 46”.
Luật sư Nguyên phân tích: “Về lý luận thì tội dâm ô với trẻ em là tội cấu thành hình thức, tức là khi người phạm tội có hành vi tình dục dâm ô, nhưng không phải giao cấu với trẻ em là đã cấu thành tội này.
Cũng theo quy định tại điều 47 BLHS về quyết định hình phạt nhẹ hơn quy định của bộ luật toà án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà điều luật đã quy định nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật; trong trường hợp điều luật chỉ có một khung hình phạt hoặc khung hình phạt đó là khung hình phạt nhẹ nhất của điều luật, thì Toà án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn”.
“Vụ án này bị kháng cáo, vì thế thẩm quyền phán quyết thuộc về hội đồng xét xử phúc thẩm, tôi nghĩ HĐXX phúc thẩm đã thực hiện đúng trách nhiệm và có căn cứ để chấp nhận đơn kháng cáo giảm nhẹ TNHS cho ông T.”, luật sư Nguyên nói.
Theo hồ sơ vụ án, chiều 25/9, ông T. đến nhà bà Nguyễn Thị Th. (ở Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội) để thu cước điện thoại nhưng không gặp. Lúc đó, cháu Nguyễn Minh T. (SN 2006, con gái bà Th.) đi học về. Cô bé mở cửa để ông T. vào nhà. Biết bố mẹ cháu bé đi làm vắng, ông T. đã nảy sinh ý định xấu.
Ông T. kéo cháu bé về phía mình rồi có hành vi dâm ô với cháu bé. Được chừng 4 phút, ông ta đứng dậy ra về. Trước lúc về, ông lão còn dặn cháu bé: “Hẹn tháng sau gặp lại”. Sau đó, chị của bé T. đi học về, nghe em gái kể lại chuyện vừa xảy ra nên đã vội gọi điện cho mẹ thông báo sự việc.
Bà Th sau đó đã đến cơ quan công an tố cáo hành vi đồi bại của ông T. Trong phiên tòa sơ thẩm, ông T. đã thừa nhận hành vi phạm tội đồng thời bày tỏ sự ân hận về hành trái đạo đức của mình. Trước phiên tòa sơ thẩm, ông T. đã đền bù thiệt hại cho gia đình nạn nhân số tiền hơn 30 triệu đồng.
Tại phiên phúc thẩm, sau khi xem xét các tình tiết trong vụ án, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ và đơn xin giảm nhẹ hình phạt của gia đình bị hại, HĐXX đã chấp nhận kháng cáo, giảm mức án cho ông T. từ 12 tháng tù giam xuống còn 4 tháng 29 ngày tù, thả tự do tại tòa.
Bộ Công an mới có đề xuất, nhà chức trách sẽ tổng hợp hàng tuần danh sách người bị tước giấy phép lái xe do chạy quá tốc độ, lái xe khi uống nhiều rượu bia… gây tai nạn giao thông để nêu trên báo, đài truyền thanh. Nhiều luật sư đã có những ý kiến phân tích về đề xuất này.
Quy định chưa có cơ sở pháp lý
Chia sẻ với phóng viên Nguoiduatin.vn, luật sư Phạm Thị Hương, công ty luật Song Thanh cho biết: Theo ý kiến của cá nhân tôi, dự thảo quy định này của Bộ công an mang ý nghĩa rất tốt, nhằm mục đích răn đe, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân.
Tuy nhiên, cần phải xem lại căn cứ pháp luật, có trái văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực cao hơn hay không?
Cụ thể, tại Điều 72, Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2013, quy định về việc công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng việc xử phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính như sau:
1. Trường hợp vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm; chất lượng sản phẩm, hàng hóa; dược; khám bệnh, chữa bệnh; lao động; xây dựng; bảo hiểm xã hội; bảo hiểm y tế; bảo vệ môi trường; thuế; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; đo lường; sản xuất, buôn bán hàng giả mà gây hậu quả lớn hoặc gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội thì cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm công bố công khai về việc xử phạt.
2. Nội dung công bố công khai bao gồm cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính, hành vi vi phạm, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả.
3. Việc công bố công khai được thực hiện trên trang thông tin điện tử hoặc báo của cơ quan quản lý cấp bộ, cấp sở hoặc của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi xảy ra vi phạm hành chính.
Căn cứ quy định nêu trên thì việc công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng không áp dụng với hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông. Như vậy, Dự thảo quy định xử phạt của Bộ công an có thể xem là chưa có cơ sở pháp lý.
Nêu tên lên báo đài không xâm phạm danh dự cá nhân
Lý giải về việc nêu tên người vi phạm giao thông lên các báo, đài truyền thanh thì quy định này có xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân theo quy định tại Điều 37, Bộ luật dân sự hay không?, luật sư Phạm Thị Hương phân tích: “Việc thông báo danh sách cá nhân vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa trên báo, đài, truyền thanh địa phương không thể xem là hành vi xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm của người bị xử phạt.
Bởi vì, theo quy định tại Điều 3, Luật xử lý vi phạm hành chính, nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính như sau: Việc xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật. Theo cá nhân tôi thì các hành vi vi phạm pháp luật không thuộc nội hàm khái niệm “danh dự, nhân phẩm” hay quyền riêng tư của cá nhân.
Vì vậy, việc công khai thông tin người vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông không vi phạm quy định tại Điều 37, Bộ luật dân sự”.
Cần xử lý cả những tiêu cực trong xử lý vi phạm
Đó là ý kiến của luật sư Nguyễn Văn Nguyên, giám đốc Công ty Luật Hưng Nguyên, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, luật sư Nguyên cho rằng: “Đề xuất của Bộ công an việc công khai danh tính người vi phạm đối với những vi phạm được quy định trong Dự thảo sửa đổi Thông tư 38/2010/TT-BCA xử lý người vi phạm giao thông là khá mạnh dạn với mong muốn chấn chỉnh vấn nạn vi phạm giao thông, văn hóa tham gia giao thông ở Việt Nam hiện nay.
Một thực trạng dễ nhận thấy rằng tình trạng vi phạm giao thông ở Việt Nam trong mấy năm qua chưa được chấn chỉnh là vì quy định chế tài xử phạt chưa nghiêm khắc, sự công khai, minh bạch trong xử lý vi phạm của những người thực thi công vụ chưa được thực hiện triệt để, còn nể nang, né tránh, ngại đụng chạm, nhất là đến những người có chức vụ, quyền hạn khi vi phạm… ý thức tuân thủ pháp luật của người dân khi tham gia giao thông cũng chưa được nghiêm túc, những nguyên nhân đó dẫn đến người dân nhờn luật.
Tuy nhiên để những quy định đó thực thi được trong thực tế thì cần phải tiến hành nhiều biện pháp cả về quản lý nhà nước, công tác cán bộ, nhất là kỹ luật kỷ cương, ý thức công vụ của cán bộ thực thi công vụ, xử lý vi phạm, cần có quy định xử lý nghiêm khắc trong việc để ra tiêu cực trong xử lý vi phạm và có cơ chế giám sát các cơ quan thực thi nhiệm vụ”.
Bộ Công thươngĐịa chỉ : 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà NộiSố điện thoại: (04) 22202222Trang web : http://www.moit.gov.vn
Thành phần hồ sơ
– Đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu theo Mẫu số 1 kèm theo Nghị định này;- Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;- Bản kê cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu theo quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 7 Nghị định này, kèm theo các tài liệu chứng minh;- Danh sách cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc sở hữu hoặc đồng sở hữu và danh sách tổng đại lý, đại lý thuộc hệ thống phân phối xăng dầu của thương nhân theo quy định tại khoản 5 Điều 7 Nghị định này, kèm theo các tài liệu chứng minh.
Trình tự, thủ tục
– Thương nhân gửi hồ sơ về Bộ Công Thương.- Trong thời hạn ba mươi (30) ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Công Thương có trách nhiệm xem xét, thẩm định và cấp Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu theo Mẫu số 2 kèm theo Nghị định này cho thương nhân. Trường hợp từ chối cấp Giấy phép, Bộ Công Thương phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.- Trường hợp chưa đủ hồ sơ hợp lệ, trong vòng bảy (07) ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ của thương nhân, Bộ Công Thương có văn bản yêu cầu thương nhân bổ sung.