Luật sư uy tín: Quy định đặt tên quá 25 chữ cái liệu có trái luật?

Tìm được luật sư uy tín, luật sư giỏi là một nhu cầu chính đáng ngày càng cao của người dân. Chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị bài báo phỏng vấn về quan điểm pháp lý của luật sư Nguyễn Văn Nguyên, giám đốc công ty Luật Hưng Nguyên về vấn đề đặt tên theo dự thảo bộ luật dân sự 2005 sửa đổi.

 CHỈ NÊN KHUYẾN KHÍCH

Theo chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, luật không cần phải quy định tên đệm, vì từ xưa tới nay, khi ghi họ và tên đã được hiểu bao gồm cả chữ đệm, không cần phải chỉnh sửa. Đồng tình với việc đặt tên theo tiếng Việt, nhưng theo bà Mai thì không nên quy định quá cụ thể, cũng không nên quá áp đặt người dân phải đặt tên như thế nào để không trái Hiến pháp. Bà Mai nói: “ Quy định họ tên không quá 25 chữ cái là vượt qua Hiến pháp. Tên dài có ảnh hưởng gì đến đạo đức xã hội, ý thức cộng đồng đâu! Nên khuyến khích đặt họ tên ngắn chứ không nên áp đặt.

  Sáng 12/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án bộ luật Dân sự sửa đổi. Tại phiên họp, đa số ý kiến tập trung về quy định đặt họ, tên và chữ đệm của một người không được vượt quá 25 chữ cáitheo điều 26 trong dự thảo. Lập luận đề nghị sửa đổi cho rằng, việc đặt họ, tên và chữ đệm, tuy là một quyền nhân thân của cá nhân, nhưng nhà nước cũng cần đưa ra những quy định cần thiết để định hướng cho việc cá nhân thực hiện quyền này.

 Thực tiễn thi hành pháp luật ở Việt Nam qua cho thấy, việc đặt họ, tên và chữ đệm có nhiều trường hợp không phù hợp với tập quán, thuần phong mỹ tục của Việt Nam, như quá dài, không thuần Việt, mà cơ quan đăng ký hộ tịch phải đăng ký, không có lý do để từ chối…

 Trước đó, tại phiên thảo luận Quốc hội về  dự thảo luật Hộ tịch hồi tháng 10/2014, ĐBQH Nguyễn Thị Nhung(Khánh Hòa) cũng đã đưa ra đề xuất quy định phải đặt tên không quá dài, phức tạp và phải “thuần Việt”khi khai sinh khiến dự thảo ồn ào suốt một thời gian dài.

 Bày tỏ quan điểm trước vấn đề nàyPGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng viện Văn Hóa và Phát triển( Học viện Chính Trị- Hành chính Quốc  gia Hồ Chí Minh) thẳng thắn cho biết, việc đặt tên quá dài có thể gây rắc rối, ảnh hưởng đến quá trình làm hồ sơ, giao dịch của người đó. Tuy nhiên, hiện tại vị PGS.TS chưa từng thấy một xã hội có luật đặt tên. Theo ông Đức tên họ, dài hay ngắn không làm ảnh hưởng đến đạo đức xã hội, truyền thống văn hóa, trật tự xã hội…vì vậy không nên áp đặt thành quy định.

 Cũng theo PGS.TS Đức, tên của mỗi người là quyền nhân thân, cá nhân do cha mẹ đặt cho đứa con mới sinh. Sự cá biệt hóa được ghi trong giấy khai sinh và nó là cơ sở pháp lý để sau này xác định cá nhân đó mang tên gọi đó. Ngoài ra mỗi cá tên đều mang một ý nghĩa riêng, đôi khi đó là cả một câu chuyện, có thể là niềm hy vọng, ước mơ, cũng có thể là một câu chuyện vui, chuyện buồn… Thậm chí nếu xét về góc độ tâm linh, mỗi cái tên đôi khi còn gắng với số phận của mỗi con người. Việc đưa ra thành luật thì quá áp đặt, cứng nhắc và vi phạm đến quyền nhân thân. Ông Đức nói: “ Khi đặt tên, mỗi người nên tránh những cái tên quá dài, phức tạp, những cái tên dung tục, phản cảm như bộ phận sinh dục đặt tên cho con, hay những cái tên nước ngoài với những doanh nhân nổi tiếng: Lê Quý Đôn, Võ Nguyên Giáp, Nobel, Phidel Castro… Với những trường hợp này, cán bộ hộ tịch nên, tư vấn , giải thích, cho người dân hiểu. Việc đưa ra thành luật thì quá áp đặt, cứng nhắc và sẽ kéo theo nhiều vấn đề phát sinh”.

 Cũng đồng quan điểm này, trao đổi với phóng viên, luật sư Nguyễn Văn Nguyên( Giám đốc công ty luật Hưng Nguyên, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng việc đặt họ, tên và chữ đệm cho con là quyền của cha mẹ, nhưng phải phù hợp với pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên việc quy định đặt họ, tên và chữ đệm của một người không vượt quá 25 chữ cái là hoàn toàn thiếu tính thuyết phục và đang có xu hướng trái luật.

 Ông Nguyên phân tích, trong Hiến pháp quy định, mọi người đều có quyền về họ tên của mình trong đó cũng có thể đặt tên họ và cũng có quyền thay đổi họ, tên và chữ đệm nếu không thấy phù hợp. Đây là quyền nhân thân của mỗi một con người. Điều này cũng được quy định trong bộ luật Dân sự 2005. Theo đó, để đảm bảo quyền  nhân thân của một con người và ở đó không bị hạn chế về kiểu tên, số lượng chữ, từ trong thành phần kết cấu nên việc đặt tên chỉ cần phát âm bằng tiếng Việt là được.

Con tôi, tôi đặt tên thế nào là quyền của tôi, sao anh có thể bắt tôi phải đặt lại. Anh có thể cho rằng, cái tên này là không hay, không văn hóa nhưng với tôi không thấy như thế và ngược lại. vậy căn cứ vào chuẩn mực nào mà anh bắt tôi làm theo quy định? Cũng như vậy, không lẽ bây giờ đặt tên cho con, tôi cứ phải ngồi đếm số chữ?  Và căn cứ vào đâu lại quy định đặt tên, họ và chữ đệm không quá 25 chữ cái, tạị sao không phải là 30 hoặc 20 chữ cái? Để luật được đi vào thực tiễn, không nên quy định những vấn đề một cách cứng nhắc, thiếu cơ sở thực tiễn, đặc biệt bộ luật Dân sự được xem là một bộ luật gốc, điều chỉnh hầu hết các quan hệ dân sự trong xã hội”, luật sư Nguyên nói. . Theo OL (BÁO NGƯỜI ĐƯA TIN Số 58 Thứ Năm Ngày 14/5/2015)

Hát karaoke 6 người bị chết, trách nhiệm pháp lý thuộc về ai

(ĐSPL) – “Trách nhiệm của chủ quán và những người khác liên quan là không thể tránh khỏi trong lỗi vô ý và thiếu trách nhiệm để hậu quả xẩy ra. Việc cho khách hát karaoke lưu trú qua đêm ngay tại phòng hát, có cả nam và nữ là trái phép”, luật sư Nguyễn Văn Nguyên nhận định.

Liên quan 6 người chết trong quán Karaoke Queen Club có địa chỉ tại xã Quảng Chính, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh đã gây tử vong cho 6 người và 6 người khác bị ngạt khí phải đi cấp cứu thì nguyên nhân tử vong bước đầu đã được xác định là do các nạn nhân đã bị ngạt khí CO2 của máy phát điện, ngoài ra các nạn nhân đã sử dụng chất kích thích.

Trao đổi về vấn đề này, luật sư Nguyễn Văn Nguyên, giám đốc công ty luật Hưng Nguyên, Đoàn luật sư TP. HN cho biết: “Việc cho khách hát karaoke lưu trú qua đêm ngay tại phòng hát, có cả nam và nữ là trái phép. Khách thuê phòng hát từ tối 7/9/2014 mà đến khoảng 16h chiều 8/9/2014 bên quán karaoke mới vào kiểm tra phòng và phát hiện sự việc đáng thương như trên”.

Luật sư Nguyễn Văn Nguyên.

Theo nguyên nhân xác định ban đầu thì do mất điện nên chủ quán đã sử dụng máy phát điện để phục vụ khách hàng hát tiếp nhưng lại để máy phát trong trong nhà dẫn đến gậu quả 6 nạn nhân tử vong vì bị suy hô hấp do ngạt khí máy phát điện, ngoài ra các nạn nhân đã sử dụng chất kích thích . Nhận định về sự việc này, luật sư Nguyễn Văn Nguyên cho biết thêm: “Từ sự vô ý và thiếu trách nhiệm của chủ quán hát Karaoke. Trách nhiệm của chủ quán và những người khác liên quan là không thể tránh khỏi trong lỗi vô ý và thiếu trách nhiệm để hậu quả xảy ra”.

Từ đó, luật sư Nguyên cho rằng: “Theo tôi, Cơ quan chức năng cần làm rõ quán karaoke này hoạt động có phép hay không, có đảm bảo điều kiện về giấy phép hoạt động hay không, CQĐT cần khởi tố vụ án để điều tra làm rõ các sai phạm của chủ quán karaoke và những người có trách nhiệm liên quan. Trước tiên có thể khởi tố vụ án, khởi tố chủ quán karaoke về “tội vô ý làm chết người” theo quy định tại điều 98 BLHS. Nếu bị khởi tố điều tra,truy tố, mức án mà bị can phải đối mặt lên đến 10 năm tù.”

Theo đó, Điều 98. Tội vô ý làm chết người quy định:

1. Người nào vô ý làm chết người thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2. Phạm tội làm chết nhiều người thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm”.

Trước đó, theo Báo Quảng Ninh, Vào hồi 16h ngày 8/ 9 tại 2 phòng hát thuộc quán Karaoke Queen club thuộc xã Quảng Chính (Hải Hà) đã phát hiện ra vụ ngạt khí khiến 6 người tử vong.

Theo thông tin ban đầu từ các cơ quan chức năng huyện Hải Hà cho biết, 12 người này đã đến quán hát từ tối 7- 9 trong khi hát xảy ra mất điện, chủ nhà hàng đã sử dụng máy phát điện để phục vụ. Đến khoảng 16 giờ chiều 8/9, nhà hàng kiểm tra và phát hiện ra 6 người tử vong, những người còn lại trong tình trạng nguy kịch và được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hải Hà, trong đó 5 nam, 1 nữ.

Các nạn nhân đã được nhanh chóng đưa đi cấp cứu.

Nhận được thông tin vụ việc, đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Chủ tịch UBND tỉnh đã cử đồng chí Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo Công An tỉnh, Sở Lao động Thương binh xã hội và Sở Y tế ra Hải Hà chỉ đạo và cứu chữa các nạn nhân.

Đồng chí Vũ Xuân Diện, Giám đốc Sở y tế cho biết: Đến 17 giờ 30 phút ngày 8/ 9, 3 đoàn công tác của Bệnh viện Móng Cái, Bệnh viện Bãi Cháy, Bệnh viện tỉnh đã đến Bệnh viện đa khoa huyện Hải Hà để phối hợp cứu chữa các nạn nhân. Trong đó có 1 chuyên gia chống độc của Bệnh viện Bạch Mai đã có mặt tại Bệnh viện đa khoa huyện Hải Hà, cùng các trang thiết bị phục vụ việc cứu chữa các nạn nhân.

Nguyên nhân ban đầu khiến các nạn nhân tử vong được xác định là do ngạt khí máy nổ, hiện các cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra làm rõ vụ việc.

KIỀU HOA

Trách nhiệm pháp lý vụ hai trẻ em bị nước cuốn trôi xuống công ở Bình Dương

ĐSPL) – Trong cùng ngày 6/9 tại Bình Dương đã xảy ra hai trường hợp: bé Lê Văn Mạnh (7 tuổi, quê Nghệ An, trú tại phường Tân Hiệp, thị xã Tân Uyên) và bé La Văn Tỷ (9 tuổi, quê An Giang, trú tại phường Thuận Giao, thị xã Thuận An) đã bị nước cuốn trôi xuống cống thoát nước. Hiện lực lượng cứu hộ vẫn chưa tìm thấy bé La Văn Tỷ.

 

Luật sư Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc Công ty Luật Hưng Nguyên, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.


Liên quan đến vụ việc này, Báo Đời sống và Pháp luật đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc Công ty Luật Hưng Nguyên, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội để làm rõ về trách nhiệm trong 2 vụ tai nạn đáng tiếc này.

Bàn về trách nhiệm trong 2 vụ việc này, Luật sư Nguyễn Văn Nguyên cho biết: “Đây là những vụ tai nạn làm chết 2 cháu bé rất thương tâm. Từ thông tin báo chí cung cấp thì chúng ta đã thấy được nguyên nhận dẫn đến cái chết của các cháu đã bị nước cuốn vào các miệng cống (hay gọi là miệng hố ga) không được đậy nắp, không được che chắn, cảnh báo, vốn rất nguy hiểm trong những ngày thường và trở thành những cái bẫy chết người. Trong một ngày tại Bình Dương xẩy ra 2 trường hợp chết người rất thương tâm. Để xác định trách nhiệm trực tiếp và bồi thường thiệt hại cho gia đình các cháu bé không may này thì cơ quan chức năng cần kịp thời điều tra làm rõ đơn vị nào là chủ đầu tư, đơn vị nào thi công, làm rõ các vi phạm của đơn vị thi công, sự thiếu trách nhiệm, buông lỏng giám sát, quản lý của chủ đầu tư đối với đơn vị thi công, không cảnh bảo nguy hiểm, rào chắn các hố ga đó. Trong trường hợp này cả chủ đầu tư và đơn vị thi công, đơn vị được giao trách nhiệm quản lý, bảo trì công trình phải có nghĩa vụ liên đới bồi thường thiệt hại về tính mạng, tài sản,tinh thần và các thiệt hại hợp lý khác cho gia đình các cháu bé bị nạn. Căn cứ kết quả điều tra, tùy thuộc vào lỗi, hành vi và hậu quả của vi phạm, cơ quan chức năng có thể xử phạt vi phạm hành chính hoặc nếu có căn cứ khởi tố vụ án hình sự thì chuyển cơ quan điều tra để điều tra theo quy định của bộ luật hình sự và bộ luật TTHS 2003.”

Luật sư Nguyên cho biết thêm: “Trong các vụ việc trên thì trách nhệm liên đới bồi thường thiệt hại cho gia đình các cháu bị nạn là chủ đầu tư, đơn vị thi công, đơn vị được giao trách nhiệm quản lý, bảo trì công trình.”

Lực lượng cứu hộ trong cuộc tìm kiếm bé La Văn Tỷ.


Trong thực tế, những vụ tai nạn đáng tiếc do cống thoát nước từ trước đến nay không phải là ít. Bình luận về tình trạng này, Luật sư Nguyễn Văn Nguyên nhận định:“Những vụ tai nạn giao thông có liên quan đến sập hố ga, ổ gà..ở nước ta khá nhiều, nhiều vụ việc đã gây hậu quả chết người, tuy nhiên trong mấy năm qua chưa được giải quyết triệt để, chưa xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân có liên quan dẫn đến dư luận bức xúc. Tôi nghĩ cần phải nâng cao trách nhiệm và đẩy mạnh giám sát đối với chủ đầu tư, đơn vị thi công và cơ quan quản lý nhà nước đối với các công trình giao thông. Xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm quy tắc an toàn trong xây dựng, thi công và quản lý công trình giao thông.”

MY VÂN

Trách nhiệm pháp lý trong vụ tai nạn giao thông ở Sapa

(ĐSPL) – 18 giờ 55 phút tại Km 19, xã Tòng Sanh, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai đã xảy ra vụ tai nạn thảm khốc khiến 12 người thiệt mạng và 41 người bị thương, Cảnh sát điều tra thuộc Công an tỉnh Lào Cai đang rất tích cực điều tra, làm rõ để sớm khởi tố án hình sự và làm rõ trách nhiệm của những người liên quan đến vụ tai nạn.

Luật sư Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc Công ty Luật Hưng Nguyên, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.  

Liên quan đến vụ việc, Báo Đời sống và Pháp luật đã có cuộc trao đổi, phỏng vấnLuật sư Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc Công ty Luật Hưng Nguyên, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội để làm rõ chi tiết về vụ tai nạn thảm khốc này.

Luật sư Nguyễn Văn Nguyên cho biết: Hiện vụ án sẽ sớm được Cơ quan điều tra tỉnh Lào Cai khởi tố để điều tra, vì thế cần phải đợi kết luận điều tra để làm rõ nguyên nhân, các lỗi vi phạm của tài xế, tổ lái xe và các bên có liên quan. Tuy nhiên, nếu thông tin tài xế xe khách chạy với tốc độ 38 km/h trên đường xuống dốc là đúng sự thật thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án vi phạm an toàn giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 202 Bộ luật hình sự và khởi tố bị can để điều tra. Những người phải chịu trách nhiệm hình sự gồm các thành viên trong tổ lái xe gây tai nạn gồm: lái chính, lái phụ, người lái xe trực tiếp điều khiển gây tai nạn. Căn cứ quy định tại điều 202 Bộ luật hình sư; tiết a, Điểm 4, Mục I Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự thì các bị can sẽ bị khởi tố, điều tra, xét xử theo Khoản 3, Điều 202 Bộ luật hình sự có thể sẽ bị đề nghị mức án với khung hình phạt cao nhất có thể lên đến mười lăm năm tù. Ngoài ra, người tội phạm và bên liên quan nếu có (Công ty TNHH MTV Minh Thành Phát nơi các bị can làm việc theo hợp đồng lao động) sẽ phải có nghĩa vụ liên đới bồi thường thiệt hại về tài sản, tính mạng, các chi phí khác theo quy định liên quan của Bộ luật dân sự 2005, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 và Bộ luật tố tụng dân sự 2004.

Đồng thời, trong vụ án này cần phải điều tra làm rõ quy trình quản lý, giám sát hành trình đón trả khách của công ty đối với nhân viên lái xe. Việc giao xe cho lái xe phụ điều khiển và chở quá số người quy định công ty có được biết không? Từ đó, sẽ quy trách nhiệm chính xác đối với công ty và những người trong tổ lái xe và người có liên quan. Theo quy định tại Điều 21, Nghị định 91/2009/NĐ-CP ngày 21/10/2009 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô thì công ty TNHH MTV Minh Thành Phát sẽ bị thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô vì những vi phạm gây nên hậu quả đặc biệt nghiêm trọng trong vụ tai nạn này.

Hiện trường vụ tai nạn thảm khốc ở Sapa. 


Luật sư Nguyên cho biết thêm: Hiện nay pháp luật hình sự Việt Nam không quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân như một số nước vì thế không có cơ sở để khởi tố hình sư đối với công ty Minh Thành Phát. Trong vụ án này, Công ty Minh Thành Phát chỉ có nghĩa vụ liên đới bồi thường thiệt hại dân sự bao gồm thiệt hại tính mạng, sức khỏe, tài sản và các khoản cho hành khách, thân nhân của người bị tử nạn. Nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho hành khách đi xe là bắt buộc đối với công ty kinh doanh vận tải hành khách. Trường hợp này, Công ty Minh Thành Phát và công ty bảo hiểm sẽ căn cứ vào các điều khoản, điều kiện bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm để xác định trách nhiệm, phạm vi bảo hiểm để thanh toán cho hành khách và thân nhân những người tử nạn.

Vụ tai nạn giao thông thảm khốc ở Sa Pa đã gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Một lần nữa cho thấy vấn đề tai nạn giao thông ở Việt Nam đang rất đáng báo động, hàng ngày, hàng giờ đã cướp đi tính mạng, sức khỏe, tài sản của rất nhiều người. Theo Luật sư Nguyễn Văn Nguyên, để giảm được những hậu quả đáng tiếc từ tai nạn giao thông Nhà nước cần:

– Đẩy mạnh biện pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giao thông, ý thức tuân thủ pháp luật giao thông cho người dân.

– Kiểm soát chặt chẽ các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô nói riêng và các phương tiện khác nói chung.

– Cần có thêm một chương trình bản tin giao thông trong chương trình thời sự 19 giờ mỗi buổi tối hàng ngày. Trong đó, tổng hợp những trường hợp vi phạm, những vụ tai nạn giao thông, tuyên truyền văn hóa tham gia giao thông và các quy định pháp luật về xử phạt, quy tắc tham gia giao thông để người dân ý thức được vấn đề quan trọng này, qua đó từng bước giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông.

MY VÂN

Mức án nào cho nguyên đại úy CSGT Suối Tre Đồng Nai bắn chết đồng đội

ĐSPL) –  Theo dự kiến, sáng nay, ngày 26/8, TAND tỉnh Đồng Nai sẽ xét xử sơ thẩm nguyên đại úy CSGT nổ súng gây thiệt mạng cho 1 người và làm bị thương 2 người xảy ra vào đêm 22/9/2013 tại trạm CSGT Suối Tre.

Liên quan đến vụ việc trên, báo Đời sống và Pháp luật đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc công ty luật Hưng Nguyên, Đoàn luật sư TP. Hà Nội để làm rõ hơn về mức án dành cho nguyên đại úy CSGT Ngô Văn Vinh (39 tuổi), nguyên đại úy công tác tại Trạm Cảnh sát giao thông (CSGT) Suối Tre (Đồng Nai).

PV: Thưa luật sư, luật sư có nhận định như thế nào về vụ việc nguyên đại úy CSGT nổ súng gây thiệt mạng cho 1 người và làm bị thương 2 người xảy ra vào đêm 22/9/2013 tại trạm CSGT Suối Tre?

Luật sư Nguyễn Văn Nguyên: Vụ việc cảnh sát giao thông Ngô Văn Vinh (39 tuổi), nguyên đại úy công tác tại Trạm Cảnh sát giao thông (CSGT) Suối Tre (Đồng Nai) nổ súng bắn chết  đồng đội là thiếu tá Trần Ngọc Sơn (Phó trạm CSGT Suối Tre, Đồng Nai) là một vụ án gây xôn xao dư luận trong nhiều tháng qua, hậu quả của nó cũng rất nghiêm trọng vì gây hậu quả chết người. Điều dư luận bàng hoàng là hành vi nổ súng giết chết thiếu tá Trần Ngọc Sơn của bị cáo Ngô Văn Vinh (nguyên đại úy CSGT trạm Suối Tre) lại xẩy ra ngay chính cơ quan công tác của bị hại và bị cáo. Nguyên nhân vụ án xuất phát từ hành vi có lỗi của chính người bị hại, chỉ vì những mâu thuẫn từ bên ngoài lúc đi ăn nhậu, hát karaoke, thế nhưng bị hại và bị cáo lại lựa chọn những hành xử rất không chuẩn mức, trái pháp luật và gây ra hậu quả như vụ án này thì thật là đáng để lên án.

PV: Luật sư có thể cho biết: Với hành vi trên, mức án mà nguyên đại úy Ngô Văn Vinh phải đối mặt là gì?

Luật sư Nguyễn Văn Nguyên: Hành vi của Ngô Văn Vinh đã bị Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai đề nghị Truy tố về Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh theo quy định tại điều 95 BLHS.

“1. Người nào giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Giết nhiều người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm”.

Trong vụ án này, bị cáo Ngô Văn Vinh gây nên cái chết cho người bị hại là Trần Ngọc Sơn, thuộc trường hợp quy định tại khoản 1, điều 95 BLHS, như vậy bị cáo Ngô Văn Vinh có thể phải đối mặt với mức án cao nhất là 3 năm tù.

Luật sư Nguyễn Văn Nguyên.

PV: Thưa luật sư, việc nổ súng gây chết người trong trạng thái bị kích động mạnh có được xem là căn cứ để giảm nhẹ mức án đối với nguyên đại úy Ngô Văn Vinh hay không?

Luật sư Nguyễn Văn Nguyên: Chính vì xác định lúc bị cáo Ngô Văn Vinh bị kích động mạnh về tinh thần nên đã nổ sung giết ông Trần Ngọc sơn, nên cơ quan công tố (VKS) mới đề nghị truy tố bị cáo Vinh về tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh theo điều 95 BLHS. Vì thế, hành vi nổ súng giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh của bị cáo Vinh sẽ không được xem là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Theo luật hình sự Việt Nam, chỉ các tình tiết giảm nhẹ được quy định tại điều 46 BLHS hoặc tình tiết giảm nhẹ khác do HĐXX xác định mới được xem là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo. Điều 46 BLHS. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:

“1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:

a) Người phạm tội đã ngăn chặn, làm giảm bớt tác hại của tội phạm;

b) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả;

c) Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng;

d) Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;

đ) Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người bị hại hoặc người khác gây ra;

e) Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra;

g) Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn;

h) Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng;

i) Phạm tội vì bị người khác đe doạ, cưỡng bức;

k) Phạm tội do lạc hậu;

l) Người phạm tội là phụ nữ có thai;

m) Người phạm tội là người già;

n) Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;

o) Người phạm tội tự thú;

p) Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải;

q) Người phạm tội tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện, điều tra tội phạm;

r) Người phạm tội đã lập công chuộc tội;

s) Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác.

2. Khi quyết định hình phạt, Toà án còn có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ trong bản án.

3. Các tình tiết giảm nhẹ đã được Bộ luật hình sự quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ trong khi quyết định hình phạt”.

PV: Qua vụ việc đã đặt ra những vấn đề đáng chú ý trong công tác quản lý vũ khí đối với CSGT hiện nay. Vậy, luật sư có chia sẻ gì về việc quản lý vũ khí đối với CSGT hiện nay?

Luật sư Nguyễn Văn Nguyên: Qua vụ án này, các cơ quan quản lý nhà nước về vũ khí quân dụng cần phải quản lý chặt chẽ việc bảo vệ, sử dụng súng các vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ, vật liệu nổ trong lực lượng CSGT nói riêng và trong các lực lượng được giao trách nhiệm quản lý, sử dụng vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ, vật liệu nổ nói chung. Cần phải kiểm soát chặt chẽ những vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ, vật liệu nổ không để chúng lọt vào tay kẻ xấu nếu không hậu quả rất khó lường.

Xin cảm ơn luật sư!

Các cán bộ bị thương đã nhanh chóng được đưa đi cấp cứu.

Trước đó, Vào khoảng 18h ngày 22/9, trong lúc đang trực tại Trạm giao thông Suối Tre, một số cán bộ, chiến sĩ đã nghe tiếng súng nổ tại một phòng ngủ của các chiến sĩ trong trạm liền chạy đến để xem xét. Tại đây, mọi người phát hiện 3 cán bộ chiến sĩ gồm: Thiếu tá Trần Ngọc Sơn (39 tuổi, trạm phó), Đại úy Ngô Văn Vinh (38 tuổi) và Thượng úy Đoàn Thanh Phú (30 tuổi) đều bị thương nên đã nhanh chóng đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa thị xã Long Khánh (Đồng Nai). Tuy nhiên, do vết thương quá nặng ở vùng bụng nên sau gần 2 giờ đồng hồ, Thiếu tá Sơn đã tử vong, 2 chiến sĩ còn lại vẫn đang được các bác sĩ tiếp tục cứu chữa.

Sự việc có liên quan trước đó, khoảng 13 giờ ngày 22/9/2013, thiếu tá Trần Ngọc Sơn (Phó trạm CSGT Suối Tre) rủ bạn bè, trong đó có Trương Thành Chí (Trúc) đi nhậu. Sau khi nhậu xong, nhóm của Sơn vào quán Hân Linh (thị xã Long Khánh) hát karaoke thì gặp nhóm bạn của đại úy Ngô Văn Vinh cũng hát ở đây.

Khi nghe có Sơn, Vinh cùng Phạm Lê Ngọc Long (cán bộ Trạm CSGT Suối Tre) qua chào xã giao. Lúc này, Vinh ngồi cạnh Chí và hỏi chuyện. Do không đồng ý với ngôn từ sử dụng của Vinh nên Chí đã dùng ly bia đập thẳng vào mặt, trúng sống mũi khiến Vinh bị chảy máu.

Sau khi xô xát với Chí, Vinh tỏ ý không bằng lòng về việc Sơn là đồng đội nhưng không bênh mình nên đã đấm vào cổ anh Sơn một cái thì Long lại vào can ngăn và kéo Sơn ra ngoài.

Sau đó, Vinh bỏ về cơ quan (thị xã Long Khánh), lên phòng tập thể (lầu 2) lấy khẩu súng K59 do đơn vị cấp làm nhiệm vụ, rồi đi xuống lầu 1. Khi đến phòng nghỉ của thiếu tá Sơn, Vinh đập cửa thì anh Trương Học Lâm (người giữ xe tại Trạm CSGT Suối Tre) đang ngủ bên trong ra mở cửa. Vinh nói với Lâm điện thoại kêu Sơn về gấp nhưng Lâm không gọi mà giả vờ bấm số nhắn tin cho Sơn biết sự việc và khuyên không nên về đơn vị.

Đến 17 giờ cùng ngày, anh Sơn cùng nhóm bạn về đến cơ quan. Lâm liền can ngăn nhưng Sơn vẫn lên phòng nghỉ. Sau khi nghe Sơn kích động, Vinh lấy khẩu súng ra thì Sơn xông vào vật đánh và đè Vinh xuống để tước súng. Thượng úy Đoàn Thanh Phú ngồi giường kế bên liền vào can ngăn. Trong lúc Sơn giằng co để lấy khẩu súng trên tay Vinh làm súng phát nổ 2 phát, trong đó có 1 phát trúng vào hông thượng úy Phú. Lúc này, Sơn và Vinh vẫn giằng co khẩu súng. Vinh bắn thêm 4 phát, 2 phát trúng trần nhà, 2 phát trúng vào người anh Sơn làm anh Sơn gục xuống nền nhà. Lâm xông vào chụp tay anh Vinh thì súng nổ thêm 2 phát nữa nhưng không trúng ai. Sau đó, Chí lấy khẩu súng rớt dưới nền nhà giao nộp cho cán bộ Trạm CSGT Suối Tre. Sơn được đưa đi cấp cứu, nhưng đến 19 giờ 40 phút cùng ngày đã tử vong.

Ngày 28/9, Cơ quan cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh Đồng Nai đã thi hành lệnh khởi tố bị can, bắt tạm giam đại úy Ngô Văn Vinh (38 tuổi), sĩ quan CSGT của trạm Tuần tra kiểm soát giao thông Suối Tre (Phòng CSGT đường bộ, đường sắt, PC67), Công an tỉnh Đồng Nai.

 KIỀU HOA

Cần giám sát sự tuân thủ pháp luật của các chùa, các tổ chức từ thiện

(ĐSPL) – Vụ việc mua bán trẻ em tại Chùa Bồ Đề (quận Long Biên, Hà Nội) khiến dư luận hết sức phẫn nộ. Vậy cơ quan nào phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra vụ việc này? Liên quan đến vấn đề này này, PV báo ĐSPL đã có cuộc phỏng vấn với Luật sư Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc công ty Luật Hưng Nguyên, Đoàn Luật sư thành phố Hà nội.


Cần giám sát sự tuân thủ pháp luật của các Chùa, tổ chức từ thiện 

 Luật sư Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc Công ty Luật Hưng Nguyên.


PV:  Xin luật sư cho biết hiện nay nhà chùa bị quản lý hoạt động bởi những quy phạm pháp luật nào?

LS. Nguyễn Văn Nguyên: Ở Việt Nam hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo nói chung và hoạt động của các nhà chùa,  nói riêng chịu sự điều chỉnh của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo năm 2004 và Nghị định số 22/2005/NĐ-CP ngày 01-3-2005 Hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo. Theo đó nhà chùa là cơ sở của tổ chức tôn giáo, hoạt động của nhà chùa chị sự quản lý nhà nước và tuân thủ giáo lý, luật giáo của Giáo hội phật giáo Việt Nam.

PV:  Cơ quan nào có trách nhiệm giám sát việc tuân thủ pháp luật của các nhà chùa, hoạt động của các sư, thưa Luật sư?

LS. Nguyễn Văn Nguyên: Hoạt động của các nhà chùa, các sư phải tuân thủ các giáo lý, giáo luật của phật giáo, chịu sự quản lý của Giáo hội phật giáo Việt Nam. Ngoài ra phải tuân thủ pháp luật của nhà nước được quy định trong pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo.Cơ quan quản lý nhà nước cao nhất của chính phủ về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo là Ban tôn giáo của Chính phủ, ngoài ra trong phạm vi trách nhiệm quản lý hành chính nhà nước ở địa phương thì UBND các cấp có trách nhiệm quản lý đối với các nhiệm vụ được phân công.

PV:  Nhà chùa có được phép nhận nuôi trẻ em hay không? Nếu không được phép tại sao tình trạng nhận nuôi trẻ của các chùa thường diễn ra phổ biển mà cơ quan chức năng vẫn thờ ơ?

LS. Nguyễn Văn Nguyên: Việc nhiều cơ sở tôn giáo là các nhà chùa nhận trẻ em bị bỏ rơi về nuôi dưỡng thể hiện tính nhân đạo, nhân văn, nhưng không phù hợp với pháp luật hiện hành. Hiện nay không có quy định pháp luật nào quy định cụ thể việc nhà chùa, cơ sở tôn giáo được phép nhận nuôi dạy trẻ.Điều 2 nghị định 19/2011/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của luật nuôi con nuôi năm 2010

Thẩm quyền đăng ký việc nuôi con nuôi 

Thẩm quyền đăng ký việc nuôi con nuôi được thực hiện theo quy định tại Điều 9 của Luật Nuôi con nuôi và quy định cụ thể sau đây:

1. Đối với việc nuôi con nuôi trong nước, thì Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp xã), nơi thường trú của người được nhận làm con nuôi thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi.

Trường hợp cha dượng hoặc mẹ kế nhận con riêng của vợ hoặc chồng làm con nuôi; cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi hoặc có sự thỏa thuận giữa người nhận con nuôi với cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ của trẻ em được nhận làm con nuôi, thì Ủy ban nhân dân cấp xã thường trú của người nhận con nuôi thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi.

Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi chưa chuyển vào cơ sở nuôi dưỡng được nhận làm con nuôi, thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi lập biên bản xác nhận tình trạng trẻ em bị bỏ rơi thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi; trường hợp trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng được nhận làm con nuôi, thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có trụ sở của cơ sở nuôi dưỡng thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi.

2. Đối với việc nuôi con nuôi nước ngoài, thì Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh), nơi thường trú của người được nhận làm con nuôi quyết định cho người đó làm con nuôi; trường hợp trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng được nhận làm con nuôi, thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, nơi có trụ sở của cơ sở nuôi dưỡng trẻ em quyết định cho trẻ em đó làm con nuôi.

Sở Tư pháp thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi nước ngoài sau khi có quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

3. Đối với việc nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam với nhau tạm trú ở nước ngoài, thì Cơ quan đại diện nơi tạm trú của người được nhận làm con nuôi hoặc của người nhận con nuôi thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi; trường hợp cả hai bên tạm trú ở nước không có Cơ quan đại diện, thì người nhận con nuôi nộp hồ sơ đăng ký việc nuôi con nuôi tại Cơ quan đại diện nào thuận tiện nhất đối với họ”.

Như vậy việc nhận nuôi con nuôi là việc giữa cá nhân và cá nhân, nhà chùa không có quyền nhận nuôi con nuôi.

Việc để tình trạng nhà chùa nhận trẻ em bị bỏ rơi xẩy ra ở nhiều nơi có nhiều nguyên nhân trong đó có sự thiếu trách nhiệm, buông lòng quản lý của chính quyền địa phương và cơ quan quản lý chuyên trách.

PV: Trong trường hợp chủ trì nhà chùa chủ mưu và đã thực hiện đường dây mua bán trẻ em thì trách nhiệm hình sự sẽ như thế nào?

LS. Nguyễn Văn Nguyên: Pháp luật hình sự Việt Nam luôn trùng trị người chủ mưu, cầm đầu, phạm tội có tổ chức, ngoan cố chống đối. Trường hợp cơ quan điều tra xác định được sư trụ trì chùa Bồ Đề hoặc các cá nhân có liên quan đến hành vi mua bán trẻ em thì những người đó sẽ bị truy tố, xét xử về tội mua bán trẻ em theo quy định tại điều 120 BLHS.

Điều 120. Tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em

1. Người nào mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:

a) Có tổ chức

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Vì động cơ đê hèn;

d) Đối với nhiều trẻ em;

đ) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

e) Để đưa ra nước ngoài;

g) Để sử dụng vào mục đích vô nhân đạo;

h) Để sử dụng vào mục đích mại dâm;

i) Tái phạm nguy hiểm;

k) Gây hậu quả nghiêm trọng

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm hoặc phạt quản chế từ một năm đến năm năm”.

PV: Bài học quản lý đối với các nhà chùa, đơn vị từ thiện tại địa phương để tránh tình trạng lạm dụng hoạt động này để thực hiện hành vi mua bán trẻ em cũng như các hành vi phạm tội khác?

LS. Nguyễn Văn Nguyên: Vụ án rồi sẽ được điều tra làm rõ, các cá nhân có liên quan sẽ bị truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật. Vụ án được dư luận quan tâm và đặt ra nhiều đòi hỏi về trách nhiệm công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở tôn giáo đối với việc nhận và nuôi trẻ em bị bỏ rơi… Cần sớm đưa các trẻ em mồ côi, trẻ bị bỏ rơi vào các Trung tâm bảo trợ xã hội hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật.

Xin chân thành cảm ơn Luật sư.

 

Phương Vy

Tribeco Bình Dương chối bỏ trách nhiệm trả thưởng, khách hàng cần kiện ra Tòa

(ĐSPL) – Để đảm bảo quyền lợi chính đáng của mình cũng như nhận được số tiền trúng thưởng 100 triệu đồng, ông Tạ Văn Ẩn nên gửi đơn khởi kiện ra tòa án nơi có trụ sở của Công ty TNHH Tribeco Bình Dương.

Đây là nhận định của Luật sư Nguyễn Khánh Toàn – Văn phòng Luật sư Nguyễn Khánh Toàn và Cộng sự trước việc ông Tạ Văn Ẩn (62 tuổi, ngụ tổ 5, ấp Nước Vàng, xã An Bình, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương) ăn mì gói hiệu “Unif bò rau thơm” trúng thưởng 100 triệu đồng nhưng bị Công ty TNHH Tribeco Bình Dương “bội tín”.

Thay vì làm thủ tục để trao thưởng cho ông Ẩn theo thông tin được ghi trong phiếu trúng thưởng thì Công ty TNHH Tribeco Bình Dương lại cho rằng đây là phiếu không hợp lệ.

Công ty lý giải phiếu hợp lệ phía sau phải có dán một tem vuông và một tem tròn, kèm một chữ ký xác nhận. Sau đó đại diện công ty chỉ đề nghị hỗ trợ ông Ẩn 2 triệu đồng. Tuy nhiên, khi ông Ẩn không đồng ý, mức hỗ trợ được nâng lên 5 triệu đồng nhưng vẫn không đạt được kết quả.

Việc thương lượng hỗ trợ cho ông Ấn với mức tiền giá trị thấp hơn rất nhiều lần giải thưởng càng khiến dư luận hồ nghi về tính hợp pháp của giải thưởng.

Đồng tình với quan điểm này, Luật sư Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc Công ty Luật Hưng Nguyên cho rằng cơ quan có thẩm quyền cần kiểm tra tính hợp pháp của chương trình khuyến mãi mà công ty Tribeco Bình Dương đưa ra.

Luật sư Nguyễn Văn Nguyên chỉ rõ: “Một chương trình khuyến mại hợp pháp thì phải tuân thủ quy định tại điều 92 Luật thương mại. Ngoài ra, chương trình khuyến mại đảm bảo đúng luật thì phải đăng ký tại sở Công Thương hoặc Bộ công thương”.

“Một khi công ty Tribeco Bình Dương hứa thưởng mà không thực hiện là đã thuộc hành vi cấm trong hoạt động khuyến mại theo Khoản 8, Điều 100 Luật thương mại 2005: Hứa tặng, thưởng nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng”, Luật sư Nguyễn Khánh Toàn phân tích thêm.

Tại Điều 590 của Bộ luật dân sự 2005 cũng quy định rõ về nghĩa vụ trả thưởng của người đã công khai hứa thưởng cho người đã thực hiện công việc theo yêu cầu của người hứa thưởng. Cụ thể: “1. Người đã công khai hứa thưởng phải trả thưởng cho người đã thực hiện công việc theo yêu cầu của người hứa thưởng”. 

Do đó, việc công ty Tribeco đưa ra lý do phiếu trúng thưởng không hợp lệ nên không trả thưởng là không hợp lý.

Thêm vào đó, ông Ẩn có được phiếu trúng thưởng vào ngày 2/6 khi thời gian khuyến mãi của công ty còn hiệu lực từ 30/4-28/7 nhưng công ty lại không trả thưởng cho khách hàng là đã vi phạm quy chế mở thưởng mà công ty ban hành.

Thực tế, ông Ẩn nói riêng và khách hàng nói chung không thể phân biệt phiếu trúng thưởng do Công ty Tribeco Bình Dương phát hành là hợp lệ hay không hợp lệ. Khi chối bỏ trách nhiệm trao thưởng của mình, Công ty Tribeco Bình Dương phải chứng minh rõ ràng, hợp lý và có căn cứ thực sự thuyết phục chứ không thể chỉ kết luận đơn thuần phiếu trúng thưởng không hợp lệ là xong.

Do vậy, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cũng như có thể nhận được số tiền trúng thưởng, Luật sư Nguyễn Khánh Toàn cho rằng, ông Ẩn nên khởi kiện ra Tòa án nơi có trụ sở của Công ty TNHH Tribeco Bình Dương để yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định tại Điều 161. Quyền khởi kiện vụ án của Bộ luật Tố tụng dân sự: “Cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình”.

Bá – Hương

Vietjet bồi thường 300 nghìn vì chậm 10 tiếng là chưa thỏa đáng!

(ĐSPL) – Căn cứ vào Quyết định số 10/2007/QĐ-BGTVT thì mức bồi thường 300 nghìn đồng của Vietjet Air là đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên mức bồi thường này là chưa thỏa đáng so với những mệt mỏi, căng thẳng, ức chế mà 108 hành khách đã phải trải qua khi phải vạ vật tại sân bay suốt 10 tiếng.

Xoay quanh mức bồi thường 300 nghìn đồng cho mỗi hành khách do chậm chuyến bay từ Hà Nội đi Buôn Ma Thuột suốt 10 tiếng vào ngày 2/8 vừa qua của hàng hàng không Vietjet Air, PV Báo Đời sống và Pháp luật đã ghi nhận ý kiến của Luật sư đánh giá về mức bồi thường này.

Mức bồi thường của Vietjet Air là đúng quy định pháp luật…

Luật sư Nguyễn Văn Nguyên – Giám đốc Công ty Luật Hưng Nguyên, đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho rằng: Việc đảm bảo an toàn, an ninh cho mỗi chuyến bay là trách nhiệm quan trọng hàng đầu của các hãng hàng không nói chung. Đối với các chuyến bay khi đã công bố lịch bay thì phải thực hiện theo lịch bay đúng thời gian đã công bố, trừ những trường hợp bất khả kháng vì lý do thời tiết xấu, chiến tranh…

Trường hợp chuyến bay mang số hiệu VJ 8831 của VietJet Air ngày 02/8 khởi hành từ Hà Nội đi Buôn Ma Thuột bị chậm 10 giờ so với thời giờ dự kiến khởi hành ban đầu theo cơ quan quản lý chuyên trách, Cục hàng không Việt Nam – Bộ Giao thông Vận tải khẳng định là do VietJet Air không có máy bay để phục vụ.

Đây là trường hợp không được miễn trách nhiệm bồi thường theo quy định tại điều 3 của Quyết định 10/2007/QĐ-BGTVT ngày 27/02/2007 của Bộ Giao thông Vận tải về việc bồi thường ứng trước không hoàn lại trong vận chuyển hành khách bằng đường hàng không, vì thế VietJet Air phải có trách nhiệm bồi thường cho hành khách bị lỡ chuyến bay theo đúng quy định tại Điều 4 Quyết định số 10/2007/QĐ-BGTVT ngày 27/02/2007 của Bộ Giao thông Vận tải về việc bồi thường ứng trước không hoàn lại trong vận chuyển hành khách bằng đường hàng không.

Theo đó, bồi thường ứng trước không hoàn lại là việc bồi thường bằng tiền, dịch vụ hoặc lợi ích vật chất khác mà người vận chuyển phải trả cho hành khách trong các trường hợp theo quy định của pháp luật không phụ thuộc vào việc xác định mức thiệt hại thực tế của hành khách và không phải hoàn lại trong mọi trường hợp.

Mức tiền bồi thường ứng trước không hoàn lại được quy định tại Điều 4 như sau:

1. Mức bồi thường đối với chuyến bay nội địa như sau:

a) Chuyến bay có độ dài đường bay dưới 500 km: 100.000 VNĐ;

b) Chuyến bay có độ dài đường bay từ 500 km đến dưới 1.000 km: 200.000 VNĐ;

c) Chuyến bay có độ dài đường bay từ 1.000 km trở lên: 300.000 VNĐ.

Mức bồi thường chưa thỏa đáng so với những mệt mỏi, căng thẳng của hành khách

Luật sư Giang Hồng Thanh – Văn phòng Luật sư Giang Thanh phân tích: Ngày 27/2/2007, Bộ Giao thông vận tải ban hành Quyết định số 10/2007/QĐ-BGTVT về việc bồi thường ứng trước không hoàn lại trong vận chuyển hành khách bằng đường hàng không, theo đó người vận chuyển (cụ thể là hãng hàng không) phải trả tiền bồi thường cho hành khách có vé và đã được xác nhận chỗ trên chuyến bay trong trường hợp từ chối vận chuyển hoặc huỷ chuyến bay.

Mức tiền bồi thường như sau:

1. Mức bồi thường đối với chuyến bay nội địa:

a) Chuyến bay có độ dài đường bay dưới 500 km: 100.000 VNĐ;

b) Chuyến bay có độ dài đường bay từ 500 km đến dưới 1.000 km: 200.000 VNĐ;

c) Chuyến bay có độ dài đường bay từ 1.000 km trở lên: 300.000 VNĐ.

2. Mức bồi thường đối với chuyến bay quốc tế:

a) Chuyến bay có độ dài đường bay dưới 1.000 km: 25 USD;

b) Chuyến bay có độ dài đường bay từ 1.000 km đến dưới 2.500 km: 50 USD;

c) Chuyến bay có độ dài đường bay từ 2.500 km đến dưới 5.000 km: 80 USD;

d) Chuyến bay có độ dài đường bay từ 5.000 km trở lên: 150 USD.

Căn cứ vào Quyết định số 10/2007/QĐ-BGTVT ở trên thì mức bồi thường 300.000 đồng của Viet Jetair là đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên có thể thấy rằng mức bồi thường này là chưa thỏa đáng so với những mệt mỏi, căng thẳng, ức chế mà các hành khách đã trải qua khi phải vạ vật tại sân bay 10 tiếng đồng hồ để chờ đợi được lên máy bay, đó là chưa kể đến những phiền muộn nhiêu khê khác mà nhiều người phải gánh chịu do kế hoạch công việc, đi lại bị thay đổi đột xuất.

Chính vì vậy mà mới đây, Bộ Giao thông vận tải đã yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam phải xây dựng dự thảo Thông tư của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về bồi thường ứng trước không hoàn lại trong vận chuyển hành khách bằng đường hàng không (thay thế Quyết định 10) theo hướng tăng mức bồi thường ứng trước không hoàn lại.

Hy vọng trong tương lai không xa, hành khách bị chậm chuyến sẽ được hãng hàng không bồi thường thỏa đáng hơn để nhằm giảm thiểu những thiệt hại về vật chất và tinh thần mà họ phải gánh chịu.

Vào ngày 2/8, 108 hành khách đã phải ngồi vạ vật ở sân bay Nội Bài suốt 10 tiếng đồng hồ để chờ chuyến bay VJ 8831 từ Hà Nội đi Buôn Ma Thuột.Được biết, chuyến bay VJ 8831 từ Hà Nội đi Buôn Ma Thuột có giờ cất cánh dự kiến lúc 12h20 trưa ngày 2/8. Tuy nhiên tại sân bay Nội Bài, VietJet Air 2 lần phát đi thông báo chuyến bay bị chậm vì do thời tiết xấu, giờ khởi hành mới được lập bay buổi chiều nhưng rồi lại bị hủy bỏ.Trong thời gian chờ đợi, VietJet Air đã phục vụ 2 bữa ăn cho hành khách và viết giấy cam kết thời gian khởi hành của chuyến bay VJ 8831 vào lúc 19h30 ngày 2/8. Tuy nhiên, vào thời gian mà hãng cam kết trên, máy bay không xuất hiện và hãng lại thất hứa.Mệt mỏi vì chậm chuyến và sự thất hứa của Vietjet Air, hành khách bức xúc, la ó tại sân bay.Lý giải vì sự chậm trễ này, đại diện VietJet Air cho biết, sự chậm chuyến của chuyến bay từ TP. HCM đi Vinh do thời tiết xấu đã gây ảnh hưởng dây chuyền đến chuyến bay VJ 8831 từ Hà Nội đi Buôn Ma Thuột.Trả lời trên báo Dân trí, ông Võ Huy Cường – Cục phó Cục Hàng không Việt Nam khẳng định: Chuyến bay VJ 8831 bị chậm là do VietJet Air không có máy bay để phục vụ. Đến 22h20, 108 hành khách của chuyến bay VJ 8831 mới được cất cánh đi Buôn Ma Thuột, chậm 10 tiếng đồng hồ so với giờ dự kiến khởi hành ban đầu.VietJet Air đã đền bù thiệt hại cho mỗi hành khách 300.000 đồng.
VIỆT HƯƠNG

Vụ nam sinh chặt xác bạn tình: Cần điều tra lại lời khai của hung thủ

“Cơ quan điều tra sẽ mở rộng điều tra vụ án, áp dụng những biện pháp điều tra như, dựng lại hiện trường, thực nghiệm điều tra, giám định, cho đối chất giữa Duy và bạn gái của Duy là Linh …để xác định sự thật khách quan của vụ án” – Luật sư Nguyễn Văn Nguyên nêu quan điểm.

Liên quan đến vụ xác chết không đầu và tứ chi trong phòng trọ được phát hiện đêm 23/5 tại phòng 404 nhà số 1242 đường Quang Trung, P.8, Q.Gò Vấp, TP.HCM, ngày 25/5 công an Q.Gò Vấp cho biết đã bắt giữ Trần Nhật Duy (SN 1994, P.2, TX.Gò Công, tỉnh Tiền Giang, là sinh viên đại học tại TP.HCM) để điều tra, xử lý về hành vi “giết người” và “cướp tài sản”.

Cũng liên quan đến vụ án, công an Q.Gò Vấp bắt giữ bạn gái của Duy là Đặng Gia Linh (SN 1992, cùng ngụ đường Nguyễn Huệ, P.2, TX.Gò Công, tỉnh Tiền Giang). Được biết Linh bị cáo buộc về hành vi “không tố giác tội phạm” và “tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.

Để giúp bạn đọc có cái nhìn đầy đủ, toàn diện hơn về hung thủ và nạn nhân, PV đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Văn Nguyên, giám đốc công ty Luật Hưng Nguyên, đoàn luật sư thành phố Hà Nội.

Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo là chứng cứ duy nhất để kết tội

Theo luật sư Nguyễn Văn Nguyên, đây là vụ án giết người, cướp tài sản đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận khá quan tâm trong mấy ngày qua. Bị can Trần Nhật Duy đã thực hiện hành vi giết người, cưa xác phi tang với sự chuẩn bị, lên kế hoạch từ trước.

Theo lời khai ban đầu của bị can Trần Nhật Duy tại cơ quan điều tra, nguyên nhân dẫn đến hành vi giết nạn nhân, do bị nạn nhân ép quan hệ tình dục đồng tính từ năm 2011, nhiều lần ngăn cấm Duy có mối quan hệ với người khác, thậm chí đánh đập, đe dọa những người bạn của Duy.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là lời khai của bị can Trần Nhật Duy, theo quy định  tại điều 72 bộ luật TTHS 2003, lời nhận tội, lời khai của bị can, bị cáo chỉ được coi là chứng cứ, nếu phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án. Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo là chứng cứ duy nhất để kết tội.

Vì thế theo tôi, cơ quan điều tra sẽ mở rộng điều tra vụ án, áp dụng những biện pháp điều tra như, dựng lại hiện trường, thực nghiệm điều tra, giám định, cho đối chất giữa Duy và bạn gái của Duy là Linh …để xác định sự thật khách quan của vụ án.

Để làm sáng tỏ vụ án, lý giải hành vi phạm tội, nguyên nhân phạm tội của bị can Duy, thì cần phải làm rõ động cơ phạm tội ở đây là gì ví như: Giết người để trả thù, để xóa nợ..mục đích phạm tội, hoàn cảnh phạm tội của bị can Trần Nhật Duy.

Hung thủ gây án còn khá trẻ

Vụ án được dư luận quan tâm, một phần vì bị can Trần Nhật Duy còn khá trẻ, lại đang là sinh viên một trường đại học, thế nhưng đã thực hiện nhiều hành vi giết người, cưa xác phi tang, cướp tài sản rất đáng để lên án, hoàn cảnh phạm tội có liên quan đến yếu tố bị ép buộc quan hệ tình dục đồng tính.

Nếu như lời khai của bị can Trần Nhật Duy là đúng sự thật, thì vụ án này một lần nữa cho thấy kết cục đau buồn có liên quan đến tình dục đồng tính, ghen tuông, quan hệ đồng tính ở xã hội ta.

Hiện nay, Quốc hội đang thảo luận sửa đổi luật hôn nhân gia đình, đã có những đề xuất công nhận hôn nhân đồng tính, giải quyết hậu quả pháp lý của quan hệ hôn nhân đồng tính. Vì thế, chúng ta cần phải nghiêm túc nhìn nhận vấn đề này, sự tác động xã hội của nó, không phải là đơn lẻ, mà nó đã trở thành vấn đề xã hội, khá phổ biến, cần có luật quy định để điều chỉnh.

Bị can Trần Nhật Duy khai, giữa Duy và anh Vạn Anh T. có quan hệ đồng tính từ năm 2011. Khi ấy Duy còn đang học lớp 11, trong thời gian này, T. nhiều lần ép buộc Duy quan hệ đồng tính, ngăn cấm Duy có mối quan hệ với người khác, thậm chí đánh đập, đe dọa những người bạn của Duy.Tháng 10/2013, Duy đậu đại học và đến thuê trọ tại một căn nhà trên đường Quang Trung (quận Gò Vấp), T. cũng đến cư trú cùng và tiếp tục ngăn cấm, đánh đập không cho Duy qua lại với bạn gái. Muốn tự “giải thoát” mình, Duy đã lên mạng tìm hiểu về chất độc rồi mua về để giết anh T.Duy mua chất độc Kali-Xyanua, giữ trong người để chờ cơ hội ra tay. Tối 16/5, Duy cho chất độc vào tô mì rồi đưa anh T. ăn. Tuy nhiên, lượng chất độc ít nên chỉ làm anh T. ngộ độc, nôn ói. Đến 20h tối 19/5, Duy tiếp tục cho thuốc độc vào 2 viên thuốc con nhộng rồi lừa anh T. uống. Lần này, liều thuốc độc quá cao, anh T. đã chết khoảng 2 giờ sau đó.Sát hại anh T. xong, Duy để xác nạn nhân ngay trong phòng trọ rồi tiếp tục đi học, rồi điện thoại cho Đặng Gia Linh (22 tuổi, quê Tiền Giang, bạn gái của Duy) thông báo đã giết chết T. rồi nhờ Linh cùng đến dọn dẹp hiện trường. Ngày 20/5, Duy và Linh mua 1 cưa sắt, 1 cưa máy, kéo, băng keo, túi xách để chuẩn bị phân xác của nạn nhân thành nhiều phần và phi tang rồi cả hai dùng bình xịt phòng để khử mùi.Ngày 21/5, Duy dùng cưa cắt rời từng phần thân thể của anh T. bỏ vào bọc và đem vứt tại khu vực bến phà Mỹ Lợi (Tiền Giang). Một ngày sau đó, Duy về phòng và tiếp tục cắt một số phần thi thể anh T. và cho vào 2 túi xách. Đến ngày 23/5, Duy mang 2 túi xách vứt trên đường đèo thuộc huyện Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.

Sau đó Duy chiếm đoạt 1 xe gắn máy, 1 điện thoại di động và gần 2 triệu đồng. Chiếc điện thoại Duy bán được 1,2 triệu đồng. Sau đó, Duy cùng Linh mang xe máy của nạn nhân bán được 8,8 triệu đồng. Bước đầu, lực lượng công an đã di lý Duy về khu vực đèo Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) để tìm lại các phần thi thể của nạn nhân. Hiện đầu và hai chân của anh T. đã được tìm thấy, riêng phần tay của anh T. Duy khai ném tại bến phà Mỹ Lợi (tỉnh Tiền Giang) vẫn chưa được tìm thấy.

Theo  Nguồn : Tin Mới / Nguoiduatin.vn