Tổng quan về quá trình hình thành các vùng kinh tế trọng điểm

0
Có 2,883 lượt xem

Một trong những nhân tố đột phá then chốt để đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước là có những chính sách hợp lý nhằm đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, bao gồm cơ cấu ngành, cơ cấu thành phần kinh tế và cơ cấu vùng kinh tế. Yêu cầu đổi mới cơ cấu kinh tế của đất nước là một yêu cầu khách quan cấp thiết trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập kinh tế quốc tế. 

Từ nghiên cứu các đặc điểm về vị trí địa lý; điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên; đặc điểm và thực trạng kinh tế – xã hội của mỗi tỉnh/thành phố trong cả nước; các yếu tố tác động từ bên ngoài đến nền kinh tế của đất nước như: bối cảnh kinh tế, chính trị, văn hoá – xã hội của các nước trong khu vực và trên thế giới cũng như xu hướng toàn cầu hoá nhằm rút ra kết luận về những lợi thế, thời cơ phát triển cũng như những hạn chế, thách thức đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của mỗi tỉnh/thành phố trong cả nước nhằm giúp cho việc hoạch định những chính sách phát triển mang tính đột phá trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế quốc dân.

Để thúc đẩy sự phát triển chung của cả nước cũng như tạo mối liên kết và phối hợp trong phát triển kinh tế – xã hội giữa các vùng kinh tế, Chính phủ Việt Nam đã và đang cố gắng lựa chọn một số tỉnh/ thành phố để hình thành nên vùng kinh tế trọng điểm quốc gia có khả năng đột phá, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của cả nước với tốc độ cao và bền vững, tạo điều kiện nâng cao mức sống của toàn dân và nhanh chóng đạt được sự công bằng xã hội trong cả nước. Việc hình thành các vùng kinh tế trọng điểm là nhằm đáp ứng những nhu cầu của thực tiễn nói chung và đỏi hỏi của nền kinh tế nước ta nói riêng.

Theo hướng đó, cuối năm 1997 và đầu năm 1998, Thủ tướng Chính phủ đã lần lượt phê duyệt các quyết định số 747/1997/QĐ-TTg, 1018/1997/QĐ-TTg và Quyết định số 44/1998/QĐ-TTg về Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội ba vùng kinh tế trọng điểm quốc gia đến năm 2010, bao gồm vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, Trung bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trong 3 vùng kinh tế trọng điểm này, có 13 tỉnh/thành phố được xếp vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội các vùng kinh tế trọng điểm.

Bảng 1. Số tỉnh được xếp vào vùng kinh tế trọng điểm theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ năm 1997 và năm 1998

I-Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ

1

Hà Nội

2

Hưng Yên

3

Hải Phòng

4

Quảng Ninh

5

Hải Dương

II- Vùng kinh tế trọng điểm Trung bộ

1

Thừa Thiên – Huế

2

Đà Nẵng

3

Quảng Nam

4

Quảng Ngãi

III- Vùng kinh tế trọng điểm Nam bộ

1

TP. Hồ Chí Minh

2

Bình Dương

3

Bà Rịa -Vũng Tàu

4

Đồng Nai

Tổng số: 13

 

Trong Hội nghị các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm Nam bộ ngày 20-21/6/2003, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định mở rộng ranh giới của vùng. Văn phòng Chính phủ sau đó đã ra Thông báo số 99/TB-VPCP ngày 02/7/2003 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào vùng kinh tế trọng điểm Nam bộ thêm 3 tỉnh: Tây Ninh, Bình Phước, Long An. Tổng diện tích vùng kinh tế trọng điểm sau khi bổ sung là 23.994,2 km2, bằng 7,3% diện tích cả nước. Dân số (tính đến năm 2002) là 12,3 triệu người, bằng 15,4% so với cả nước.

Trong Hội nghị các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ ngày 14-15/7/2003, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định mở rộng ranh giới của vùng; sau đó Văn phòng Chính phủ đã ra thông báo số 108/TB-VPCP ngày 30/7/2003 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị, trong đó có quyết định “Đồng ý bổ sung 3 tỉnh: Hà Tây, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc vào vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ”. Tổng diện tích vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ sau khi bổ sung là 15.277 km2, bằng 4,64% diện tích và dân số (tính đến năm 2002) là 13,035 triệu người, bằng 16,35% so với cả nước.    

Vùng kinh tế trọng điểm Trung bộ, theo quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ số 1018/1997/QĐ-TTg ngày 29/11/1997, gồm thành phố Đà Nẵng và các tỉnh Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Nay quy mô của vùng được mở rộng thêm tỉnh Bình Định. Như vậy, vùng có diện tích tự nhiên 27.879 km2, dân số năm 2002 có khoảng 6 triệu người, chiếm 8,47% về diện tích tự nhiên và khoảng 7,49% dân số so với cả nước.

Sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong những năm vừa qua có được sự tăng trưởng cao và ổn định là do đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Song sự tăng trưởng đó một phần là do sự tác động qua lại không chỉ giữa các vùng kinh tế trọng điểm mà còn do những tác nhân quan trọng khác như: hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông bao gồm: đường bộ, đường thuỷ, sân bay, các bến, cảng v.v trong các vùng kinh tế trọng điểm và các tỉnh/ thành phố trong cả nước nhằm mục tiêu tác động cùng phát triển…

Trong quá trình hình thành và phát triển, các vùng kinh tế trọng điểm đang phát huy lợi thế, tạo nên thế mạnh của mình theo cơ cấu kinh tế mở, gắn với nhu cầu thị trường trong và ngoài nước, và không chỉ tạo ra động lực thúc đẩy sự chuyển dịch nhanh cơ cấu nền kinh tế quốc dân theo chiều hướng tích cực mà còn góp phần ổn định nền kinh tế vĩ mô, đặc biệt là hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của các tỉnh lân cận trong vùng. Nhà nước tiếp tục thúc đẩy các vùng kinh tế trọng điểm phát huy vai trò đầu tàu tăng trưởng nhanh, đồng thời tạo điều kiện và đầu tư thích đáng hơn cho vùng nhiều khó khăn. Thống nhất quy hoạch phát triển trong cả nước, giữa các vùng, tỉnh, thành phố, tạo sự liên kết trực tiếp về sản xuất, thương mại, đầu tư, giúp đỡ kỹ thuật về nguồn nhân lực, nâng cao trình độ dân trí và đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của vùng và khu vực, gắn chặt phát triển kinh tế – xã hội với bảo vệ, cải thiện môi trường và quốc phòng an ninh.

Nhận thức được vị trí, vai trò và tầm quan trọng của các vùng kinh tế trọng điểm trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước; để đảm bảo cho sự vận hành về phát triển kinh tế của từng vùng cũng như giữa các vùng một cách hiệu quả, ngày 18 tháng 02 năm 2004, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 20/2004/QĐ-TTg về việc thành lập Tổ chức điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm ở cấp Trung ương. Cơ cấu, bộ máy của Tổ chức điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm bao gồm: Ban Chỉ đạo điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) và các Tổ điều phối của các Bộ, ngành và địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm.

Ngày 13 tháng 8 năm 2004, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Quyết định số 145, 146, 148/2004/QĐ-TTg về phương hướng chủ yếu phát triển kinh tế -xã hội vùng kinh tế trọng điểm đến năm 2010 và tầm nhìn năm 2020. Trong các quyết định này, quy mô của các vùng kinh tế trọng điểm đã được mở rộng thêm 7 tỉnh gồm Hà Tây, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh (Bắc bộ); Bình Định (Trung bộ) và Tây Ninh, Bình Phước, Long An (Nam bộ). Đồng thời, các quyết định này cũng thay thế cho các quyết định số 747/1997/QĐ-TTg, 1018/1997/QĐ-TTg và Quyết định số 44/1998/QĐ-TTg đã ban hành năm 1997 và năm 1998.

Bảng 2: Số tỉnh được xếp vào các vùng kinh tế trọng điểm theo các Quyết định 145, 146, 148/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ:

I-Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ

1

Hà Nội

2

Hưng Yên

3

Hải Phòng

4

Quảng Ninh

5

Hải Dương

6

Hà Tây

7

Bắc Ninh

8

Vĩnh Phúc

II- Vùng kinh tế trọng điểm Trung bộ

1

Thừa Thiên – Huế

2

Đà Nẵng

3

Quảng Nam

4

Quảng Ngãi

5

Bình Định

III- Vùng kinh tế trọng điểm Nam bộ

1

TP. Hồ Chí Minh

2

Bình Dương

3

Bà Rịa – Vũng Tàu

4

Đồng Nai

5

Tây Ninh

6

Bình Phước

7

Long An

Tổng số: 20

 

Nhằm tạo ra sự thống nhất, đồng bộ để đạt được hiệu quả cao trong phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường và bảo đảm quốc phòng, an ninh của các vùng kinh tế trọng điểm, thực hiện thành công định hướng phát triển của các vùng kinh tế trọng điểm được xác định trong Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội; chủ trương, chính sách, đường lối phát triển kinh tế – xã hội của Đảng và Nhà nước về phát triển ba vùng kinh tế trọng điểm ở nước ta, ngày 10 tháng 10 năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 159/2007/QĐ-TTg, ban hành Quy chế phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương đối với các vùng kinh tế trọng điểm. Theo Quyết định này, quy mô của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam được mở rộng, bao gồm các tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước, Long An, Tiền Giang.

Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XII, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 15/2008/QH12 về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan. Theo đó, từ ngày 1 tháng 8 năm 2008, hợp nhất toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của tỉnh Hà Tây vào thành phố Hà Nội. Như vậy, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ bao gồm 7 tỉnh: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh.

Ngày 16 tháng 4 năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án thành lập vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long gồm 4 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là: thành phố Cần Thơ, tỉnh An Giang, tỉnh Kiên Giang và tỉnh Cà Mau. Theo đó, xây dựng Vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long trở thành vùng phát triển năng động, có cơ cấu kinh tế hiện đại, có đóng góp ngày càng lớn vào nền kinh tế của đất nước, góp phần quan trọng vào việc xây dựng cả vùng đồng bằng sông Cửu Long giàu mạnh, các mặt văn hoá, xã hội tiến kịp mặt bằng chung của cả nước; bảo đảm ổn định chính trị và an ninh quốc phòng vững chắc.

Bảng 3: Số tỉnh được xếp vào các vùng kinh tế trọng điểm cho đến nay:

I – Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ

1

Hà Nội

2

Hưng Yên

3

Hải Phòng

4

Quảng Ninh

5

Hải Dương

6

Bắc Ninh

7

Vĩnh Phúc

II- Vùng kinh tế trọng điểm Trung bộ

1

Thừa Thiên – Huế

2

Đà Nẵng

3

Quảng Nam

4

Quảng Ngãi

5

Bình Định

III- Vùng kinh tế trọng điểm Nam bộ

1

TP. Hồ Chí Minh

2

Bình Dương

3

Bà Rịa – Vũng Tàu

4

Đồng Nai

5

Tây Ninh

6

Bình Phước

7

Long An

8

Tiền Giang

IV- Vùng kinh tế trọng điểm

vùng đồng bằng sông Cửu Long

1

  TP. Cần Thơ

2

  An Giang

3

  Kiên Giang

4

  Cà Mau

Tổng số: 24