Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ, cho biết, trong 1 tháng qua, đã có thêm 8 văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, pháp lệnh đã có hiệu lực.
Ảnh minh họa |
Cụ thể, Luật Xử lý vi phạm hành chính đã có thêm 7 Nghị định hướng dẫn được ban hành. Đó là Nghị định 93/2013/NĐ-CP ngày 20/8/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông hàng hải, đường thủy nội địa; Nghị định 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Nghị định 97/2013/NĐ-CP ngày 27/8/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng; Nghị định 98/2013/NĐ-CP ngày 28/8/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số; Nghị định 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp; Nghị định 103/2013/NĐ-CP ngày 12/09/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản; Nghị định 105/2013/NĐ-CPngày 16/9/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập.
Như vậy, đến nay đạo luật này đã có 11 Nghị định quy định chi tiết và cần phải có tới 45 Nghị định nữa để hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Đây là đạo luật cần có nhiều văn bản hướng dẫn nhất hiện nay.
Đưa Luật Dự trữ quốc gia vào cuộc sống
Với Nghị định số 94/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Dự trữ quốc gia đã được ban hành ngày 21/8/2013 và có hiệu lực từ 10/10/2013 thì Luật Dự trữ quốc gia đã có đầy đủ văn bản hướng dẫn để đi vào cuộc sống.
Nghị định 94/2013/NĐ-CP đã quy định chi tiết các chính sách của Nhà nước về dự trữ quốc gia như: Chính sách huy động nguồn lực cho dự trữ quốc gia; chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho dự trữ quốc gia; chính sách của Nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động đầu tư nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin về dự trữ quốc gia; chính sách khuyến khích của Nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân cống hiến những thành tựu nghiên cứu khoa học áp dụng có hiệu quả trong ngành Dự trữ quốc gia. Ngoài ra, Nghị định còn quy định danh mục chi tiết hàng dự trữ quốc gia và phân công cơ quan quản lý; chế độ, chính sách đối với người làm công tác dự trữ quốc gia và một số nội dung khác.
Chưa đầy 1 tháng nữa, Nghị định này sẽ có hiệu lực, đây được coi là điểm mốc, là cơ sở pháp lý quan trọng để ngành Dự trữ Nhà nước thực hiện quản lý hoạt động dự trữ quốc gia.
Ngoài 2 luật có thêm văn bản hướng dẫn thì cũng vẫn còn nhiều luật, pháp lệnh khác đang chờ đi vào cuộc sống như Luật Biển Việt Nam; Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; Bộ luật Lao động; Luật Giáo dục đại học… Theo thống kê của Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ, tính đến ngày 16/9/2013 vẫn còn 91 văn bản hướng dẫn nữa đang chờ được ban hành.
Dự thảo văn bản hướng dẫn luật sắp có hiệu lực
Bộ Tư pháp cho biết, sắp tới, một số luật, pháp lệnh như: Luật Phòng, chống khủng bố; Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh; Luật Khoa học và công nghệ… sẽ có hiệu lực thi hành. Theo Bộ Tư pháp, cần 29 văn bản (gồm 19 Nghị định, 10 Quyết định) quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh này.
Cụ thể, Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh có hiệu lực từ ngày 1/1/2014, Luật này cần 1 Nghị định và 5 Quyết định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Hiện các văn bản này đang được Bộ Quốc phòng và Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương soạn thảo.
Tương tự, 8 văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Khoa học và công nghệ cũng đang được Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn soạn thảo…
Thanh Hoài (Chính Phủ)