Tiến tới bộ TTHC trong thực hiện dự án đầu tư

0
Có 2,476 lượt xem

Dự kiến, đến năm 2015, một bộ thủ tục đầu tư thống nhất, tinh gọn, minh bạch sẽ được ban hành giúp doanh nghiệp giảm tải được nhiều rủi ro trong các khâu pháp lý.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường phát biểu tại hội thảo. Ảnh: VGP/Hồng Hạnh

Ngày 13/9 tại Đà Nẵng, Hội đồng Tư vấn cải cách Thủ tục hành chính, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Bộ Tư pháp) và Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) phối hợp tổ chức Hội thảo bàn về một số giải pháp cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC) trong thực hiện dự án đầu tư.

Dự Hội thảo có Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường và lãnh đạo chính quyền, doanh nghiệp, nhà đầu tư, văn phòng luật sư các tỉnh thành Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam.

Những năm qua, tuy Chính phủ và các bộ, ngành luôn liên tục thúc đẩy quá trình CCTTHC, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư, nhưng vẫn còn rất nhiều vấn đề bất cập, thiếu thống nhất giữa các cơ quan ban ngành và giữa các địa phương.

Hiện ở Việt Nam chưa có một qui trình cụ thể, thống nhất các TTHC mà nhà đầu tư phải thực hiện khi muốn triển khai một dự án đầu tư. Trước “ma trận” này, các nhà đầu tư phải đối mặt với nhiều rủi ro từ những quy định không giống nhau có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau.

Theo điều tra khảo sát của VCCI cho thấy, 8.053 doanh nghiệp trong nước và 1.540 doanh nghiệp FDI đánh giá những thủ tục phiền hà hàng đầu đối với nhà đầu tư là các thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng. Chỉ tính riêng quy định pháp luật liên quan tới TTHC trong thực hiện dự án đầu tư đã có tới 6 luật, 10 nghị định, 9 thông tư.

Không chỉ vậy, ông Đậu Anh Tuấn, quyền Trưởng ban Pháp chế VCCI cho hay, mỗi địa phương đều có những văn bản qui định điều chỉnh khác nhau, số lượng và trình tự thực hiện TTHC khác nhau cho cùng một vấn đề, sự chồng chéo các thủ tục giữa các ban, ngành dẫn đến tình trạng “loạn sứ quân” gây ức chế đối với nhà đầu tư.

Hầu như không có cơ quan quản lý Nhà nước nào nắm toàn bộ hoạt động đầu tư của dự án. Sự phối hợp, cơ chế chia sẻ thông tin giữa các ban, ngành và nội bộ các cơ quan Nhà nước không thống nhất đã làm sức hút đầu tư FDI ở Việt Nam kém cạnh tranh hơn các quốc gia khác trong khu vực.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Chủ tịch Hội đồng tư vấn CCTTHC của Thủ tướng Chính phủ, cũng thừa nhận: “Công tác CCHC, đơn giản hóa TTHC trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh thời gian qua vẫn còn rườm rà, phức tạp, chi phí tuân thủ còn lớn, gây cản trở cho hoạt động đầu tư, làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam, đồng thời còn cản trở sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước”.

Định hình bộ TTHC thống nhất

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Đà Nẵng Võ Duy Khương cho rằng, nguyên nhân của vấn đề trên do nội dung hướng dẫn về đầu tư qui định còn tản mạn trong nhiều văn bản của bộ, ngành, đôi lúc còn chưa thật sự rõ ràng, đồng bộ.

Theo kiến nghị từ phía VCCI, trong giai đoạn ngắn hạn từ nay đến năm 2015, Chính phủ cần rà soát toàn bộ qui trình và tiến trình hài hòa để có sự thống nhất cao nhất, nhằm rút ngắn giấy tờ, thủ tục, thời gian, sự rủi ro cho nhà đầu tư. Ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh, hiện nay Việt Nam đang tiến hành sửa đổi, bổ sung các luật quan trọng như Luật Đất đai, Xây dựng, Đầu tư… là cơ hội tốt để có một sự thống nhất trong các TTHC giữa bộ, ngành, có thể hình thành Luật TTHC cho nhà đầu tư, dùng “một luật sửa nhiều luật” liên quan.

Ông Võ Quang Huệ, Tổng Giám đốc Công ty Bosch tại Việt Nam, cho rằng để Việt Nam có sức cạnh tranh với các nước trong khu vực về thu hút đầu tư, thì cần đẩy nhanh hơn nữa tốc độ CCHC. Mà cụ thể là hoàn thiện kênh Chính phủ điện tử để chuyên nghiệp hóa các qui trình thực hiện TTHC trong đầu tư. Qua đó, tác động mạnh đến tính cạnh tranh thu hút đầu tư FDI tại các nước trong khu vực, cải thiện bức tranh môi trường đầu tư và nền kinh tế của Việt Nam trong tương lai.

Được biết, các ý kiến trong Hội thảo sẽ được tổng hợp trình Chính phủ xem xét trong tháng 10/2013. Các doanh nghiệp đều kỳ vọng có một bộ thủ tục đầu tư thống nhất, minh bạch, dễ thực hiện sớm được ban hành, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động, nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả.

Được biết, nếu bộ thủ tục này thông qua, sẽ rút ngắn được khoảng 1/2 thời gian thực hiện thủ tục liên quan đến dự án đầu tư từ 155-865 ngày xuống còn 80-385 ngày. Bên cạnh đó, các thủ tục cũng được rút gọn thống nhất hơn so với qui trình ban đầu như không yêu cầu nhà đầu tư thực hiện thủ tục cấp giấy phép, thẩm định, phê duyệt qui hoạch; không cần văn bản xác nhận hoặc thẩm định về nhu cầu sử dụng đất của cơ quan quản lý Nhà nước về tài nguyên-môi trường.

Hồng Hạnh (chinh phu)