Cộng hòa Liên bang Myanmar còn có tên gọi khác là Miến Điện, là một quốc gia ở Đông Nam Á, tây bắc bán đảo Trung-Ấn. Myanmar là một nước giầu tài nguyên khoáng sản, trữ lượng khí tự nhiên vào hàng thứ 13-14 trên thế giới, đất đai phì nhiêu với tổng diện tích trồng trọt khoảng 23 triệu héc ta, nông nghiệp chiếm 40% tổng giá trị xuất khẩu. Tiềm năng, cơ hội đầu tư tại Myanmar rất lớn, không chỉ hấp dẫn về đầu tư, Myanmar còn là nước có vị trí địa- chính trị khá quan trọng, được các nước lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản rất quan tâm.
Trước yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, Đại hội Đảng IX vào tháng 4 năm 2001 đã chính thức xác định chủ trương khuyến khích, hỗ trợ cho các doanh nghiệp và cá nhân Việt Nam đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, với vai trò của Nhà nước là tạo ra khuôn khổ pháp lý nhằm khuyến khích, thúc đẩy hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài để phát huy lợi thế so sánh của đất nước. Những năm vừa qua, làn sóng đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam đã tăng trưởng mạnh mẽ. Bên cạnh các thị trường đầu tư truyền thống như Lào, Campuchia, Nga các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã vươn ra các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Singapore, Australia, Châu Âu… Phải chăng, theo quy luật tất yếu, các thị trường đầu tư quen thuộc rồi cũng sẽ tới lúc bão hòa, và Myanmar có thể là một thị trường tiềm năng đầy hứa hẹn đang chờ đón các nhà đầu tư Việt Nam.
Về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của Myanmar: Cộng hòa Liên bang Myanmar còn có tên gọi khác là Miến Điện, là một quốc gia ở Đông Nam Á, tây bắc bán đảo Trung-Ấn. Có 5.876 km đường biên giới với Trung Quốc (2.185 km), Thái Lan (1.800 km), Ấn Độ (1.463 km), Lào (235 km) và Bangladesh (193 km). Đường bờ biển dài 1.930 km. Diện tích 676.577 km², là nước lớn nhất trong lục địa Đông Nam Á, và là nước lớn thứ 40 trên thế giới (sau Zambia). Nước này hơi nhỏ hơn bang Texas Hoa Kỳ và hơi lớn hơn Afghanistan. Myanmar nằm giữa Khu Chittagong của Bangladesh và Assam, Nagaland và Manipur của Ấn Độ ở phía tây bắc. Nó có đường biên giới dài nhất với Tây Tạng và Vân Nam của Trung Quốc ở phía đông bắc với tổng chiều dài 2.185 km. Myanmar giáp biên giới với Lào và Thái Lan ở phía đông nam. Myanmar có đường bờ biển dài 1.930 km (1.199 dặm) dọc theo Vịnh Bengal và Biển Andaman ở phía tây nam và phía nam, chiếm một phần ba tổng chiều dài biên giới[30]. Thủ đô hiện nay là Nay Pyi Taw (trước đó là Yangon). Dân số khoảng 47,374,158 triệu người.
Đồng bằng Ayeyarwady, diện tích gần 50.400 km², phần lớn canh tác lúa gạo. Ở phía bắc, núi Hengduan Shan tạo nên biên giới với Trung Quốc. Hkakabo Razi, nằm tại Bang Kachin, ở độ cao 5.881 m, là điểm cao nhất Myanmar. Các dãy núi Rakhine Yoma, Bago Yoma và Cao nguyên Shan nằm bên trong Myanmar, cả ba đều chạy theo hướng bắc- nam từ dãy Hymalaya. Các dãy núi phân chia ba hệ thống sông của Myanmar, là Ayeyarwady, Thanlwin và Sittang. Sông Ayeyarwady, con sông dài nhất Myanmar, gần 2.170 km, chảy vào Vịnh Martaban. Các đồng bằng màu mỡ nằm ở các thung lũng giữa các dãy núi. Đa số dân cư Myanmar sống trong thung lũng Ayeyarwady, nằm giữa Rakhine Yoma và Cao nguyên Shan.
Đa phần diện tích Myanmar nằm giữa Hạ chí tuyến và Xích đạo. Myanmar nằm trong vùng gió mùa Châu Á, các vùng bờ biển của nó nhận lượng mưa trung bình 5.000 mm hàng năm. Lượng mưa hàng năm tại vùng đồng bằng gần 2.500 mm, trong khi lượng mưa trung bình hàng năm tại Vùng Khô, nằm ở trung tâm Myanmar, chưa tới 1.000 mm. Các vùng phía bắc đất nước có khí hậu lạnh nhất, nhiệt độ trung bình 21 °C (70 °F). Các vùng duyên hải và đồng bằng có nhiệt độ trung bình 32 °C (90 °F).
Tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm của Myanmar góp phần giữ gìn môi trường và các hệ sinh thái. Rừng, gồm rừng nhiệt đới với loại gỗ tếch có giá trị kinh tế cao ở vùng hạ Myanmar, bao phủ 49% diện tích đất nước. Các loại cây khác mọc ở vùng này gồm cao su, cây keo, tre, lim, đước, dừa, cọ. Trên những cao nguyên phía bắc, sồi, thông, và nhiều giống đỗ quyên khác bao phủ đa phần diện tích. Những vùng đất dọc bờ biển có nhiều cây ăn trái nhiệt đới. Tại Vùng Khô, thực vật thưa thớt và còi cọc hơn.
Các loại động vật rừng rậm tiêu biểu, đặc biệt hổ và báo có nhiều tại Myanmar. Ở vùng Thượng Myanmar, có tê giác, trâu rừng, lợn lòi, hươu, linh dương và voi nhà, sử dụng nhiều nhất trong công nghiệp khai thác gỗ. Các loài có vú nhỏ hơn cũng rất nhiều từ vượn, khỉ tới cáo bay và heo vòi. Đáng chú ý là sự đa dạng các loài chim với hơn 800 loài gồm vẹt, peafowl, gà lôi, quạ, diệc và gõ kiến (paddybird). Trong số các loài bò sát có cá sấu, tắc kè, rắn mang bành, trăn và rùa. Hàng trăm loài cá nước ngọt, rất phong phú và là nguồn thực phẩm quan trọng. Năm 2011, đất canh tác 15,3% (2% có tưới), đồng cỏ 0,5%, rừng và cây bụi 49,3%, các đất khác 34,9%. Khoáng sản chính: dầu khí, thiếc, kẽm, antimon, đồng, vonfram, chì, than, đá quý.
Về hành chính: Myanmar được chia thành 7 bang và 7 vùng hành chính. Vùng lớn nhất là Bamar, các bang khác thực chất là các vùng sinh sống của một số sắc tộc đặc biệt. Các vùng hành chính được chia nhỏ tiếp thành các thành phố, khu vực và các làng. Các thành phố lớn được chia thành các quận. Các vùng và bang của Myanmar lại được chia thành các huyện (kayaing). Bang Shan là bang có nhiều huyện nhất (11 huyện). Các bang Chin, bang Mon và bang Kayah chỉ có hai huyện mỗi bang.
Về chính trị; Ngày 22 tháng 10 năm 2010, Myanmar tuyên bố đổi quốc hiệu thành Cộng hòa Liên bang Myanmar, thay đổi quốc kỳ và quốc ca. Sự kiện này diễn ra chỉ trước 17 ngày diễn ra cuộc bầu cử sau 20 năm kể từ lần bầu cử gần nhất trước đây vào năm 1990. Sự đa dạng chủng tộc dân cư ở Myanmar đóng một vai trò quan trọng trong việc xác định chính trị, lịch sử và nhân khẩu học của quốc gia này thời hiện đại. Hệ thống chính trị của nước này vẫn nằm dưới quyền kiểm soát chặt chẽ của Hội đồng Hòa bình và Phát triển Liên bang, chính phủ quân sự do Thống tướng Than Shwe lãnh đạo từ năm 1992. Từng là một nước thuộc địa bên trong Đế quốc Anh cho tới tận năm 1948, Myanmar tiếp tục đấu tranh cải thiện những căng thẳng sắc tộc, và vượt qua những cuộc đảo chính. Nền văn hóa nước này bị ảnh hưởng nhiều từ các nước xung quanh, dựa trên một hình thức Phật giáo duy nhất có hòa trộn các yếu tố địa phương.
Các đại biểu được bầu ra trong cuộc bầu cử Quốc hội nhân dân năm 1990 hình thành nên Liên minh Chính phủ Quốc gia Liên bang Miến Điện (NCGUB), một chính phủ hải ngoại vào tháng 12 năm 1990, với trách nhiệm vãn hồi nền dân chủ tại Myanmar. Sein Win, người anh họ của Aung San Suu Kyi, là thủ tướng hiện thời của NCGUB. Tuy nhiên, NCGUB có rất ít quyền lực và đã bị đặt ra ngoài vòng pháp luật tại Myanmar. Lãnh đạo Nhà nước hiện nay là Thống tướng Than Shwe, người giữ chức vụ “Chủ tịch Hội đồng Hòa Bình và Phát triển Quốc gia”. Ông nắm mọi quyền lực quan trọng, gồm quyền bãi nhiệm các bộ trưởng và các thành viên chính phủ, đưa ra các quyết định quan trọng trong vấn đề chính trị đối ngoại. Khin Nyunt từng là thủ tướng cho tới ngày 19 tháng 10 năm 2004, và đã bị thay thế bởi Tướng Soe Win, người có quan hệ mật thiết với Than Shwe. Đa số các bộ và các vị trí chính phủ đều do các sĩ quan quân đội nắm giữ, ngoại trừ
Bộ y tế, Bộ giáo dục, Bộ lao động và Bộ kinh tế và kế hoạch quốc gia, do các viên chức dân sự quản lý. Các đảng chính trị lớn ở Myanmar gồm Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ và Liên đoàn Dân tộc Shan vì Dân chủ, dù các hoạt động của họ bị chế độ quản lý chặt chẽ. Nhiều đàng khác, thường đại diện cho lợi ích của các dân tộc thiểu số thực sự có tồn tại.
Về kinh tế: Ở thời thuộc địa Anh, Miến Điện là một trong những nước giàu có nhất vùng Đông Nam Á. Đây là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới và là nước cung cấp dầu khí thông qua Công ty Dầu khí Miến Điện. Miến Điện cũng có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và nhân lực dồi dào. Họ sản xuất 75% lượng gỗ tếch của thế giới, và dân cư có tỷ lệ biết đọc biết viết cao. Nước này từng được tin tưởng sẽ có tương lai phát triển nhanh chóng.
Năm 1989, chính phủ Myanmar bắt đầu bãi bỏ kiểm soát tập trung hóa nền kinh tế và tự do hóa một số lĩnh vực kinh tế. Các ngành công nghiệp mang lại lợi nhuận như ngọc, dầu khí và lâm nghiệp vẫn bị kiểm soát chặt chẽ. Gần đây những ngành này đã được một số tập đoàn nước ngoài liên doanh cùng chính phủ tham gia khai thác. Trong một thời gian dài, Hoa Kỳ, Canada và Liên minh châu Âu đã áp đặt các lệnh cấm vận thương mại và đầu tư đối với Myanmar. Tuy nhiên, hiện nay, lệnh cấm vận này đã được bãi bỏ. Những năm gần đây, cả Trung Quốc và Ấn Độ đều nỗ lực phát triển quan hệ với chính phủ nước này vì mục tiêu lợi ích kinh tế, đầu tư nước ngoài vào Myanmar chủ yếu từ Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc, Ấn Độ và Thái Lan.
Myanmar là một nước giầu tài nguyên, đất đai phì nhiêu với tổng diện tích trồng trọt khoảng 23 triệu héc ta. Nông nghiệp chiếm 40% tổng giá trị xuất khẩu. Từ năm 1988, Myanmar tiến hành cải cách nền kinh tế từ hành chính bao cấp sang nền kinh tế thị trường, ban hành luật đầu tư nước ngoài, cho phép thành lập lại các doanh nghiệp tư nhân. Tăng trưởng GDP từ 1989 đến 1996 lần lượt được cải thiện. Trong 5 năm (1996-2001), GDP của Myanmarphát triển trung bình 6%/năm. Chính phủ đưa ra kế hoạch phát triển kinh tế 10 năm từ 2001-2011 với mức tăng trưởng GDP trung bình là 7,2%/năm. Tăng trưởng kinh tế năm 2004-2005 đạt 4%, giai đoạn 2009- 2011 đạt khoảng 5,5%. Đầu tư nước ngoài hiện có 374 dự án từ 25 nước và lãnh thổ, trong đó đầu tư từ các nước ASEAN là 3,844 tỷ USD chiếm 51,64%. Tổng kim ngạch thương mại chính ngạch giữa Myanmar với các nước năm 2005-2006 đạt khoảng 5,5 tỷ USD, tuy nhiên, đến giai năm 2011 đã tăng vọt, đạt mức 15,041 tỷ USD.
Về điều kiện xã hội: Tiếng Myanmar, tiếng mẹ đẻ của người Bamar và là ngôn ngữ chính thức của Myanmar, về mặt ngôn ngữ học có liên quan tới tiếng Tây Tạng và tiếng Trung Quốc. Nó được viết bằng ký tự gồm các chữ hình tròn và nửa hình tròn, có nguồn gốc từ ký tự Mon. Bảng chữ cái này được phỏng theo ký tự Mon, ký tự Mon được phát triển từ ký tự nam Ấn Độ trong thập niên 700. Những văn bản sớm nhất sử dụng ký tự được biết tới từ thập niên 1000. Ký tự này cũng được sử dụng để viết chữ Pali, ngôn ngữ thiêng liêng của Phật giáo Tiểu thừa. Ký tự Miến Điện cũng được dùng để viết nhiều ngôn ngữ thiểu số khác, gồm Shan, nhiều thổ ngữ Karen và Kayah (Karenni); ngoài ra mỗi ngôn ngữ còn có thêm nhiều ký tự và dấu phụ đặc biệt khác. Tiếng Mayanma sử dụng nhiều từ thể hiện sự kính trọng và phân biệt tuổi tác. Xã hội Myanmar truyền thống rất nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục. Bên trong các ngôi làng, giáo dục do các giáo sĩ truyền dạy thường diễn ra trong các ngôi chùa. Giáo dục trung học và giáo dục cao đẳng/đại học thuộc các trường của chính phủ. Phật giáo được xem là quốc giáo chiếm 89,3% dân số, đạo Cơ đốc 4,9%, Hồi giáo 3,8%.
Mối quan hệ Việt Nam và Myanmar: Myanmar thiết lập quan hệ ngoại giao cấp đại sứ với Việt Nam từ ngày 25 tháng 5 năm 1975. Myanmar là một trong số ít nước Việt Nam có quan hệ rất sớm. Chỉ hai năm sau khi Việt Nam giành được độc lập, năm 1947, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã mở Văn phòng Đại diện của mình ở Thủ đô Rangoon (nay là Nay Pyi). Văn phòng Đại diện lúc đó được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, trong đó có nhiệm vụ đặc biệt là mua sắm vũ khí và vận chuyển vũ khí, đạn dược về trong nước để phục vụ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Tháng 11/1954, Thủ tướng U Nu thăm chính thức nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và tháng 12/1958 Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm chính thức Miến Điện. Tháng 12/1957, hai nước thiết lập cơ quan Tổng Lãnh sự và đến tháng 5/1975 thiết lập quan hệ ngoại giao cấp Đại sứ, Cơ quan Tổng Lãnh sự trở thành Đại sứ quán đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại Miến Điện. Từ đó đến nay, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước không ngừng phát triển vì lợi ích của nhân dân Việt Nam và Myanmar, vì hoà bình, ổn định và hợp tác ở khu vực Đông Nam Á.
Tháng 5/1994, Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm Myanmar, tháng 3/1995 Thống tướng Than Shwe thăm Việt Nam. Tháng 5/1997, Tổng bí thư Đỗ Mười thăm Myanmar, tháng 12/1998, Thống thướng Than Shwe dự Hội nghị cấp cao ASEAN VI tại Hà Nội. Tháng 5/2000, Thủ tướng Phan Văn Khải thăm Myanmar, tháng 5/2002, Chủ tịch nước Trần Đức Lương thăm chính thức Myanmar và tháng 3/2003, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Myanmar vào tháng 8/2007, Thống tướng Than Shwe thăm chính thức Việt Nam. Qua các chuyến thăm, Lãnh đạo cấp cao nhất của hai nước đã đặt nền móng vững chắc cho quan hệ hữu nghị giữa hai dân tộc.
Là hai nước thành viên của ASEAN, Việt Nam và Myanmar đã phối hợp và hợp tác với nhau để giữ vững các nguyên tắc của Hiệp hội, tăng cường đoàn kết và nêu cao vai trò đầu tàu của ASEAN trong các thể chế khu vực. Hai nước đang nỗ lực để triển khai các dự án kinh tế và phát triển trong khuôn khổ tiểu vùng như ACMECS, GMS, CLMV.., nhằm giúp các nước trong khu vực tiểu vùng phát triển kinh tế của mình và thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên ASEAN. Đến nay, có thể nói cánh cửa đã mở toang đón luồng gió mới đưa quan hệ hai nước lên một tầm cao mới.
Về kết quả hoạt động thương mại, đầu tư song phương:
Quan hệ thương mại Việt Nam – Myanmar kể từ Phiên họp 5 (năm 2009) đến nay đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Sau 3 năm, kim ngạch 2 chiều tăng trưởng gần 170% (từ 99 triê%3ḅu USD năm 2009 lên 167,2 triê%3ḅu USD năm 2011), trong đó kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Myanmar là 84,8 triê%3ḅu USD; kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Myanmar là 82,4 triê%3ḅu USD. Tiềm năng thương mại giữa hai nước là rất lớn trong nhiều lĩnh vực như: nông – lâm nghiệp, dệt may, điện tử, viễn thông, thiết bị điện,
y tế – dược phẩm, hàng tiêu dùng. Mục tiêu tăng kim ngạch thương mại song phương từ 167 triệu USD vào năm 2011 lên 500 triệu USD trong thời gian từ nay tới năm 2015.
Về đầu tư song phương, tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam hiện có 5 dự án đầu tư sang Myanmar với tổng vốn đầu tư đạt 20,315 triệu USD, quy mô vốn bình quân 1 dự án là 4,05 triệu USD/dự án. Trong đó, dự án về dầu khí tại vùng biển Tây Nam của Myanmar do Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên (PVEP) liên doanh cùng Eden Group Co., Ltd của Myanmar thực hiện, tổng vốn đăng ký ban đầu là 5,6 triệu USD; Dự án khai thác đá trắng của Công ty Simco Sông Đà, với tổng vốn đầu tư 10 triệu USD. Đây là 02 dự án được phía Myanmar cấp phép chính thức. Ngoài các dự án nêu trên, doanh nghiệp Việt Nam còn một số dự án đang trong giai đoạn nghiên cứu triển khai như: dự án mở đường bay quốc tế và nội địa của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VietnamAirline), dự án mở ngân hàng tại Myanmar của Ngân hàng Đầu tư và phát triển (BIDV), dự án đầu tư mạng viễn thông của Tổng công ty viễn thông quân đội (Viettel).
Đánh giá tiềm năng, cơ hội cho nhà đầu tư Việt Nam: mặc dù kết quả hoạt động thương mại, đầu tư song phương đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhưng quan hệ kinh tế còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có cũng như mong muốn của Chính phủ và nhân dân hai nước. Qua phân tích tổng quan về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của Myanmar, có thể thấy, tiềm năng đầu tư tại Myanmar là rất lớn. Myanmar là quốc gia giàu tài nguyên khoáng sản, trữ lượng khí tự nhiên vào hàng thứ 13-14 trên thế giới, là nước có vị trí địa-chính trị khá quan trọng, được các nước lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản rất quan tâm. Hơn nữa, Việt Nam và Myanmar vốn có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ trong nhiều lĩnh vực. Chính phủ hai nước đặc biệt chú trọng thúc đẩy hoạt động đầu tư thương mại song phương qua việc đàm phán ký kết nhiều hiệp định hợp tác, biên bản ghi nhớ quan trọng để tạo khung khổ hành lang pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư kinh doanh. Đây chính là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc khuyến khích cũng như bảo hộ cho các nhà đầu tư Việt Nam khi tiến hành hoạt động đầu tư kinh doanh tại Myanmar. Có thể điểm qua một số hiệp định quan trọng đã được ký kết sau đây:
– Hiệp định thành lập Ủy ban hỗn hợp về hợp tác song phương giữa hai nước (5/1994);
– Hiệp định Thương mại (5/1994);
– Hiệp định Hợp tác Du lịch (5/1994);
– MOU về Chương trình Hợp tác 6 năm (1994-2000) giữa hai bộ Nông nghiệp (8/1994);
– MOU về Hợp tác Phòng chống ma tuý (3/1995);
– MOU về Hợp tác trong lĩnh vực Lâm nghiệp (3/1995);
– Hiệp định Tránh đánh thuế hai lần (5/2000);
– Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư (5/2000);
– Hiệp định hợp tác Văn hoá (5/2000);
– MOU về Hợp tác giữa UBDT và Miền núi Việt Nam và Bộ Biên giới, Dân tộc và Phát triển Myanmar (7/2000);
– MOU thành lập Uỷ ban Hợp tác chung về Thương mại (5/2002);
– MOU về Hợp tác giữa hai Phòng Thương mại và Công nghiệp (5/2002);
– MOU về xúc tiến đầu tư do Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Bộ Kế hoạch và Phát triển kinh tế quốc gia Myanmar ký kết (4/2010).
Chính phủ hai nước sẽ tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa việc hoàn thiện thể chế và cải cách các thủ tục hành chính để tạo môi trường thông thoáng, minh bạch, thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp của Myanmar; đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư và kinh doanh ở Myanmar.Như vậy, có thể thấy, các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều thuận lợi khi xâm nhập vào thị trường Myanmar do hai nước có mối quan hệ chính trị tốt đẹp và Myanmar đang chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang nền kinh tế định hướng thị trường, có chính sách khuyến khích khu vực tư nhân phát triển ngoại thương và hỗ trợ trong hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu. Dù thu nhập bình quân đầu người của người dân Myanmar không cao, nhưng với dân số gần 65 triệu dân, sản xuất trong nước còn hạn chế nên nhu tiêu dùng và sức mua rất lớn. Trong đó, có rất nhiều sản phẩm mà Myanmar có nhu cầu lớn và có thể đầu tư hiệu quả như khai thác khoáng sản, lâm sản, chế biến nông, lâm, thủy sản, chế biến thức ăn gia súc, thức ăn thủy sản, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản, đóng tàu, viễn thông, du lịch, các nhà hàng phục vụ món ăn Việt Nam, thủy sản, nhiệt điện… Vì vậy, đây là cơ hội khả quan cho các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, từ đầu tháng 5/2010, Myanmar là nước duy nhất cấp visa ngay tại cửa khẩu cho công dân từ các nước đến Myanmar. Cụ thể, khách du lịch được cấp phép lưu trú 28 ngày, (không gia hạn), doanh nghiệp được lưu trú 70 ngày (được gia hạn thêm), công vụ 28 ngày (được gia hạn). Đặc biệt, ngoài 4 sân bay nội địa, 2 đường bay quốc tế từ Việt Nam, BangKok, tháng 8 này Myanmar sẽ có thêm đường bay trực tiếp từ Malaysia đến Yangon. 98% người dân theo đạo Phật nên con người ở đây thật thà hiền lành và rất thân thiện, thị trường mới mẻ, yếu tố cạnh tranh không nhiều, tiềm năng kinh tế lớn, tài nguyên thiên nhiêu nhiều nhưng chưa khai thác rộng rãi, mức sống của người dân thấp, người dân hiền hòa… Đặc biệt, doanh nghiệp VN có thể đầu tư vào nhiều lĩnh vực được Chính phủ Myanmar rất khuyến khích, bao gồm:
– Thiết bị và dịch vụ viễn thông;
– Sản xuất máy nông nghiệp;
– Chế biến sản phẩm nông nghiệp, nuôi trồng và chế biến cá nước ngọt;
– Sản xuất sản phẩm nhựa, vật liệu xây dựng như xi măng, thiết bị phòng tắm và gạch ngói.
– Thăm dò và khái thác dầu khí, khoáng sản.
Như vậy, có thể thấy, quan hệ chính trị tốt đẹp, tình hữu nghị truyền thống giữa hai nước; tiềm năng dồi dào về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của Myanmar là những điều kiện thuận lợi mà các doanh nghiệp Việt Nam cần tranh thủ khai thác. Tuy nhiên, để định hướng và thúc đẩy hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam sang Myanmar, Chính phủ Việt Nam cũng cần tạo điều kiện hơn nữa cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước cơ hội trao đổi, tiếp xúc nhằm thúc đẩy quá trình giao thương và đầu tư như tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư ra nước ngoài để doanh nghiệp Việt Nam hiểu hơn về đất nước Myanmar, nhất là những thuận lợi cũng như cơ hội mới khi đầu tư sang thị trường này; tăng cường trao đổi thông tin, tổ chức các hội thảo về đầu tư, phối hợp giải quyết các vướng mắc từ khâu triển khai nghiên cứu thị trường đầu tư cho đến khi cấp phép thực hiện dự án; xây dựng một số chính sách ưu đãi đầu tư đặc thù cho doanh nghiệp Việt Nam khi đầu tư vào những ngành, lĩnh vực mà Myanmar đặc biệt khuyến khích. Với việc hỗ trợ thiết thực của Chính phủ hai nước và sự năng động của các doanh nghiệp Việt Nam, dự báo trong thời gian tới đây, Myanmar sẽ đón nhận một làn sóng đầu tư mạnh mẽ của các nhà đầu tư Việt Nam.
Cục Đầu tư nước ngoài