Trách nhiệm pháp lý trong vụ tai nạn giao thông ở Sapa

(ĐSPL) – 18 giờ 55 phút tại Km 19, xã Tòng Sanh, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai đã xảy ra vụ tai nạn thảm khốc khiến 12 người thiệt mạng và 41 người bị thương, Cảnh sát điều tra thuộc Công an tỉnh Lào Cai đang rất tích cực điều tra, làm rõ để sớm khởi tố án hình sự và làm rõ trách nhiệm của những người liên quan đến vụ tai nạn.

Luật sư Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc Công ty Luật Hưng Nguyên, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.  

Liên quan đến vụ việc, Báo Đời sống và Pháp luật đã có cuộc trao đổi, phỏng vấnLuật sư Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc Công ty Luật Hưng Nguyên, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội để làm rõ chi tiết về vụ tai nạn thảm khốc này.

Luật sư Nguyễn Văn Nguyên cho biết: Hiện vụ án sẽ sớm được Cơ quan điều tra tỉnh Lào Cai khởi tố để điều tra, vì thế cần phải đợi kết luận điều tra để làm rõ nguyên nhân, các lỗi vi phạm của tài xế, tổ lái xe và các bên có liên quan. Tuy nhiên, nếu thông tin tài xế xe khách chạy với tốc độ 38 km/h trên đường xuống dốc là đúng sự thật thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án vi phạm an toàn giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 202 Bộ luật hình sự và khởi tố bị can để điều tra. Những người phải chịu trách nhiệm hình sự gồm các thành viên trong tổ lái xe gây tai nạn gồm: lái chính, lái phụ, người lái xe trực tiếp điều khiển gây tai nạn. Căn cứ quy định tại điều 202 Bộ luật hình sư; tiết a, Điểm 4, Mục I Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự thì các bị can sẽ bị khởi tố, điều tra, xét xử theo Khoản 3, Điều 202 Bộ luật hình sự có thể sẽ bị đề nghị mức án với khung hình phạt cao nhất có thể lên đến mười lăm năm tù. Ngoài ra, người tội phạm và bên liên quan nếu có (Công ty TNHH MTV Minh Thành Phát nơi các bị can làm việc theo hợp đồng lao động) sẽ phải có nghĩa vụ liên đới bồi thường thiệt hại về tài sản, tính mạng, các chi phí khác theo quy định liên quan của Bộ luật dân sự 2005, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 và Bộ luật tố tụng dân sự 2004.

Đồng thời, trong vụ án này cần phải điều tra làm rõ quy trình quản lý, giám sát hành trình đón trả khách của công ty đối với nhân viên lái xe. Việc giao xe cho lái xe phụ điều khiển và chở quá số người quy định công ty có được biết không? Từ đó, sẽ quy trách nhiệm chính xác đối với công ty và những người trong tổ lái xe và người có liên quan. Theo quy định tại Điều 21, Nghị định 91/2009/NĐ-CP ngày 21/10/2009 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô thì công ty TNHH MTV Minh Thành Phát sẽ bị thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô vì những vi phạm gây nên hậu quả đặc biệt nghiêm trọng trong vụ tai nạn này.

Hiện trường vụ tai nạn thảm khốc ở Sapa. 


Luật sư Nguyên cho biết thêm: Hiện nay pháp luật hình sự Việt Nam không quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân như một số nước vì thế không có cơ sở để khởi tố hình sư đối với công ty Minh Thành Phát. Trong vụ án này, Công ty Minh Thành Phát chỉ có nghĩa vụ liên đới bồi thường thiệt hại dân sự bao gồm thiệt hại tính mạng, sức khỏe, tài sản và các khoản cho hành khách, thân nhân của người bị tử nạn. Nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho hành khách đi xe là bắt buộc đối với công ty kinh doanh vận tải hành khách. Trường hợp này, Công ty Minh Thành Phát và công ty bảo hiểm sẽ căn cứ vào các điều khoản, điều kiện bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm để xác định trách nhiệm, phạm vi bảo hiểm để thanh toán cho hành khách và thân nhân những người tử nạn.

Vụ tai nạn giao thông thảm khốc ở Sa Pa đã gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Một lần nữa cho thấy vấn đề tai nạn giao thông ở Việt Nam đang rất đáng báo động, hàng ngày, hàng giờ đã cướp đi tính mạng, sức khỏe, tài sản của rất nhiều người. Theo Luật sư Nguyễn Văn Nguyên, để giảm được những hậu quả đáng tiếc từ tai nạn giao thông Nhà nước cần:

– Đẩy mạnh biện pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giao thông, ý thức tuân thủ pháp luật giao thông cho người dân.

– Kiểm soát chặt chẽ các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô nói riêng và các phương tiện khác nói chung.

– Cần có thêm một chương trình bản tin giao thông trong chương trình thời sự 19 giờ mỗi buổi tối hàng ngày. Trong đó, tổng hợp những trường hợp vi phạm, những vụ tai nạn giao thông, tuyên truyền văn hóa tham gia giao thông và các quy định pháp luật về xử phạt, quy tắc tham gia giao thông để người dân ý thức được vấn đề quan trọng này, qua đó từng bước giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông.

MY VÂN

Vietjet bồi thường 300 nghìn vì chậm 10 tiếng là chưa thỏa đáng!

(ĐSPL) – Căn cứ vào Quyết định số 10/2007/QĐ-BGTVT thì mức bồi thường 300 nghìn đồng của Vietjet Air là đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên mức bồi thường này là chưa thỏa đáng so với những mệt mỏi, căng thẳng, ức chế mà 108 hành khách đã phải trải qua khi phải vạ vật tại sân bay suốt 10 tiếng.

Xoay quanh mức bồi thường 300 nghìn đồng cho mỗi hành khách do chậm chuyến bay từ Hà Nội đi Buôn Ma Thuột suốt 10 tiếng vào ngày 2/8 vừa qua của hàng hàng không Vietjet Air, PV Báo Đời sống và Pháp luật đã ghi nhận ý kiến của Luật sư đánh giá về mức bồi thường này.

Mức bồi thường của Vietjet Air là đúng quy định pháp luật…

Luật sư Nguyễn Văn Nguyên – Giám đốc Công ty Luật Hưng Nguyên, đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho rằng: Việc đảm bảo an toàn, an ninh cho mỗi chuyến bay là trách nhiệm quan trọng hàng đầu của các hãng hàng không nói chung. Đối với các chuyến bay khi đã công bố lịch bay thì phải thực hiện theo lịch bay đúng thời gian đã công bố, trừ những trường hợp bất khả kháng vì lý do thời tiết xấu, chiến tranh…

Trường hợp chuyến bay mang số hiệu VJ 8831 của VietJet Air ngày 02/8 khởi hành từ Hà Nội đi Buôn Ma Thuột bị chậm 10 giờ so với thời giờ dự kiến khởi hành ban đầu theo cơ quan quản lý chuyên trách, Cục hàng không Việt Nam – Bộ Giao thông Vận tải khẳng định là do VietJet Air không có máy bay để phục vụ.

Đây là trường hợp không được miễn trách nhiệm bồi thường theo quy định tại điều 3 của Quyết định 10/2007/QĐ-BGTVT ngày 27/02/2007 của Bộ Giao thông Vận tải về việc bồi thường ứng trước không hoàn lại trong vận chuyển hành khách bằng đường hàng không, vì thế VietJet Air phải có trách nhiệm bồi thường cho hành khách bị lỡ chuyến bay theo đúng quy định tại Điều 4 Quyết định số 10/2007/QĐ-BGTVT ngày 27/02/2007 của Bộ Giao thông Vận tải về việc bồi thường ứng trước không hoàn lại trong vận chuyển hành khách bằng đường hàng không.

Theo đó, bồi thường ứng trước không hoàn lại là việc bồi thường bằng tiền, dịch vụ hoặc lợi ích vật chất khác mà người vận chuyển phải trả cho hành khách trong các trường hợp theo quy định của pháp luật không phụ thuộc vào việc xác định mức thiệt hại thực tế của hành khách và không phải hoàn lại trong mọi trường hợp.

Mức tiền bồi thường ứng trước không hoàn lại được quy định tại Điều 4 như sau:

1. Mức bồi thường đối với chuyến bay nội địa như sau:

a) Chuyến bay có độ dài đường bay dưới 500 km: 100.000 VNĐ;

b) Chuyến bay có độ dài đường bay từ 500 km đến dưới 1.000 km: 200.000 VNĐ;

c) Chuyến bay có độ dài đường bay từ 1.000 km trở lên: 300.000 VNĐ.

Mức bồi thường chưa thỏa đáng so với những mệt mỏi, căng thẳng của hành khách

Luật sư Giang Hồng Thanh – Văn phòng Luật sư Giang Thanh phân tích: Ngày 27/2/2007, Bộ Giao thông vận tải ban hành Quyết định số 10/2007/QĐ-BGTVT về việc bồi thường ứng trước không hoàn lại trong vận chuyển hành khách bằng đường hàng không, theo đó người vận chuyển (cụ thể là hãng hàng không) phải trả tiền bồi thường cho hành khách có vé và đã được xác nhận chỗ trên chuyến bay trong trường hợp từ chối vận chuyển hoặc huỷ chuyến bay.

Mức tiền bồi thường như sau:

1. Mức bồi thường đối với chuyến bay nội địa:

a) Chuyến bay có độ dài đường bay dưới 500 km: 100.000 VNĐ;

b) Chuyến bay có độ dài đường bay từ 500 km đến dưới 1.000 km: 200.000 VNĐ;

c) Chuyến bay có độ dài đường bay từ 1.000 km trở lên: 300.000 VNĐ.

2. Mức bồi thường đối với chuyến bay quốc tế:

a) Chuyến bay có độ dài đường bay dưới 1.000 km: 25 USD;

b) Chuyến bay có độ dài đường bay từ 1.000 km đến dưới 2.500 km: 50 USD;

c) Chuyến bay có độ dài đường bay từ 2.500 km đến dưới 5.000 km: 80 USD;

d) Chuyến bay có độ dài đường bay từ 5.000 km trở lên: 150 USD.

Căn cứ vào Quyết định số 10/2007/QĐ-BGTVT ở trên thì mức bồi thường 300.000 đồng của Viet Jetair là đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên có thể thấy rằng mức bồi thường này là chưa thỏa đáng so với những mệt mỏi, căng thẳng, ức chế mà các hành khách đã trải qua khi phải vạ vật tại sân bay 10 tiếng đồng hồ để chờ đợi được lên máy bay, đó là chưa kể đến những phiền muộn nhiêu khê khác mà nhiều người phải gánh chịu do kế hoạch công việc, đi lại bị thay đổi đột xuất.

Chính vì vậy mà mới đây, Bộ Giao thông vận tải đã yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam phải xây dựng dự thảo Thông tư của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về bồi thường ứng trước không hoàn lại trong vận chuyển hành khách bằng đường hàng không (thay thế Quyết định 10) theo hướng tăng mức bồi thường ứng trước không hoàn lại.

Hy vọng trong tương lai không xa, hành khách bị chậm chuyến sẽ được hãng hàng không bồi thường thỏa đáng hơn để nhằm giảm thiểu những thiệt hại về vật chất và tinh thần mà họ phải gánh chịu.

Vào ngày 2/8, 108 hành khách đã phải ngồi vạ vật ở sân bay Nội Bài suốt 10 tiếng đồng hồ để chờ chuyến bay VJ 8831 từ Hà Nội đi Buôn Ma Thuột.Được biết, chuyến bay VJ 8831 từ Hà Nội đi Buôn Ma Thuột có giờ cất cánh dự kiến lúc 12h20 trưa ngày 2/8. Tuy nhiên tại sân bay Nội Bài, VietJet Air 2 lần phát đi thông báo chuyến bay bị chậm vì do thời tiết xấu, giờ khởi hành mới được lập bay buổi chiều nhưng rồi lại bị hủy bỏ.Trong thời gian chờ đợi, VietJet Air đã phục vụ 2 bữa ăn cho hành khách và viết giấy cam kết thời gian khởi hành của chuyến bay VJ 8831 vào lúc 19h30 ngày 2/8. Tuy nhiên, vào thời gian mà hãng cam kết trên, máy bay không xuất hiện và hãng lại thất hứa.Mệt mỏi vì chậm chuyến và sự thất hứa của Vietjet Air, hành khách bức xúc, la ó tại sân bay.Lý giải vì sự chậm trễ này, đại diện VietJet Air cho biết, sự chậm chuyến của chuyến bay từ TP. HCM đi Vinh do thời tiết xấu đã gây ảnh hưởng dây chuyền đến chuyến bay VJ 8831 từ Hà Nội đi Buôn Ma Thuột.Trả lời trên báo Dân trí, ông Võ Huy Cường – Cục phó Cục Hàng không Việt Nam khẳng định: Chuyến bay VJ 8831 bị chậm là do VietJet Air không có máy bay để phục vụ. Đến 22h20, 108 hành khách của chuyến bay VJ 8831 mới được cất cánh đi Buôn Ma Thuột, chậm 10 tiếng đồng hồ so với giờ dự kiến khởi hành ban đầu.VietJet Air đã đền bù thiệt hại cho mỗi hành khách 300.000 đồng.
VIỆT HƯƠNG

Tăng cường hợp tác chặt chẽ, hiệu quả giữa hai Bộ Công an – Tư pháp

Chiều qua (9/5), Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Tư pháp và Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an đã có cuộc gặp mặt và cùng đánh giá về kết quả phối hợp giữa hai Bộ, ngành thời gian qua. Tham dự cuộc gặp có Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang; Ủy viên Trung ương (TƯ) Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư  pháp Hà Hùng Cường cùng các thành viên của Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Tư pháp, Ban Thường vụ Đảng ủy Công an TƯ, lãnh đạo Bộ Công an và đại diện Văn phòng Bộ, các đơn vị thuộc hai Bộ Tư pháp và Công an.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, nhờ chính sách đổi mới của Đảng, chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền, Nghị quyết số 48, 49 của Bộ Chính trị, sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ và sự phối kết hợp của các Bộ, ngành, địa phương, công tác tư pháp ngày càng có nhiều đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước.

Trong đó, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhận xét, sự phối kết hợp giữa 2 Bộ Tư pháp và Công an có chuyển biến mạnh từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII trên nhiều lĩnh vực: xây dựng pháp luật, nhất là các văn bản pháp luật trong lĩnh vực công an và tư pháp, hướng dẫn thi hành bằng các thông tư liên tịch; trong công tác quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp có sự hỗ trợ tích cực của Bộ Công an và Công an địa phương, nhất là lĩnh vực thi hành án dân sự, bổ trợ tư pháp, bồi thường nhà nước, bảo vệ an ninh quốc gia, chính trị nội bộ của Bộ, ngành Tư pháp, hợp tác quốc tế…

“Sự phối kết hợp giữa các cơ quan Công an và Tư pháp từ TƯ đến địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao ngày càng được cải thiện, chặt chẽ, gắn bó hơn. Qua đó góp phần quan trọng trong việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thậm chí là “điểm nghẽn”, đồng thời tạo ra những chuyển biến tích cực trên nhiều mặt công tác của hai Ngành” – Bộ trưởng Bộ Tư pháp nhấn mạnh.

Thay mặt Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức Bộ, ngành Tư pháp, Bộ trưởng Hà Hùng Cường trân trọng cảm ơn sự phối kết hợp của Đảng ủy Công an TƯ, lãnh đạo Công an cùng toàn ngành Công an và bày tỏ mong muốn từ nay đến cuối năm 2013 và những năm tiếp theo, Bộ và ngành Tư pháp sẽ có sự phối kết hợp nhiều hơn nữa. Trước mắt là trong việc xây dựng các dự án luật mang tính rường cột như Bộ luật Hình sự (sửa đổi), triển khai thực hiện các luật liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của hai Bộ, đặc biệt là Đề án đơn giản thủ tục hành chính về giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu quốc gia liên quan đến quản lý dân cư (sau khi được Chính phủ phê duyệt) và việc thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính (từ ngày 1/7/2013).

Đại tướng, Bộ trưởng Trần Đại Quang thay mặt Đảng ủy Công an TƯ, lãnh đạo Bộ và các đơn vị thuộc Bộ Công an bày tỏ sự đồng tình cao về những đánh giá của Bộ trưởng Hà Hùng Cường về kết quả phối hợp giữa hai Bộ, ngành Tư pháp và Công an và cho rằng, trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, còn thiếu nhiều văn bản pháp luật về nhiều lĩnh vực xã hội nên chủ trương hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách tư pháp (CCTP) là hết sức đúng đắn và cần thiết. Từ định hướng đó, công tác hoàn thiện pháp luật và CCTP đạt nhiều kết quả đáng phấn khởi, phát triển kinh tế – xã hội và mở rộng hợp tác, hội nhập quốc tế.

Riêng về lĩnh vực đảm bảo an ninh trật tự đã có cố gắng lớn, nhiều văn bản liên quan đến đấu tranh phòng chống tội phạm được ban hành, tạo hành lang pháp lý cho công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và quản lý nhà nước. Nhưng trong thời gian tới, nhu cầu và yêu cầu xây dựng pháp luật còn rất lớn, thực hiện chiến lược hoàn thiện pháp luật là một quá trình lâu dài nên nhiệm vụ của hai ngành Công an và Tư pháp “phải là nòng cốt cho việc thực hiện nhiệm vụ này”, tăng cường phối hợp, kết hợp chặt chẽ hơn để cụ thể hóa chiến lược hoàn thiện pháp luật bằng kế hoạch, chương trình cụ thể; hoàn thiện các văn bản pháp luật được xây dựng mới và sửa đổi, bổ sung liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của mỗi Bộ, ngành.

“Lực lượng Công an sẵn sàng từ thực tiễn, rút bài học kinh nghiệm để kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật” – Bộ trưởng Trần Đại Quang cam kết. Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đề nghị hai Bộ, ngành kết hợp để tham mưu, đề xuất xác đáng cho việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, tận dụng mọi “phương tiện” để tuyên truyền, giáo dục pháp luật vì “Luật xây dựng nhiều nhưng đưa luật vào cuộc sống còn hạn chế”; phối hợp, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác xây dựng các văn bản tương trợ tư pháp, đấu tranh phòng chống tội phạm…

Bộ trưởng Trần Đại Quang và Bộ trưởng Hà Hùng Cường cùng mong muốn: “Từ sự thắt chặt và tăng cường hợp tác giữa hai Bộ sẽ lan tỏa đến hệ thống Công an và Tư pháp địa phương trong việc hỗ trợ, giúp đỡ nhau hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao”.

Hương Giang

Thủ tướng phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 – 2020, trong đó tập trung tái cơ cấu đầu tư công, các tổ chức tín dụng, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Mục tiêu của Đề án nhằm hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo lập hệ thống đòn bẩy khuyến khích hợp lý, ổn định và dài hạn, nhất là ưu đãi về thuế và các biện pháp khuyến khích đầu tư khác, thúc đẩy phân bố và sử dụng nguồn lực xã hội chủ yếu theo cơ chế thị trường vào các ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, nâng cao năng suất lao động, năng suất các yếu tố tổng hợp và năng lực cạnh tranh.

Bên cạnh đó, hình thành và phát triển cơ cấu kinh tế hợp lý trên cơ sở cải thiện, nâng cấp trình độ phát triển các ngành, lĩnh vực, vùng kinh tế; phát triển các ngành, lĩnh vực sử dụng công nghệ cao, tạo ra giá trị gia tăng cao từng bước thay thế các ngành công nghệ thấp, giá trị gia tăng thấp để trở thành các ngành kinh tế chủ lực.

Theo đó, về tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công, sẽ huy động hợp lý các nguồn lực cho đầu tư phát triển, bảo đảm tổng đầu tư xã hội khoảng 30 – 35% GDP, duy trì ở mức hợp lý các cân đối lớn của nền kinh tế như: tiết kiệm, đầu tư và tiêu dùng, ngân sách nhà nước, cán cân thương mại, cán cân thanh toán quốc tế, nợ công và nợ nước ngoài quốc gia… Duy trì tỷ trọng đầu tư nhà nước hợp lý, khoảng 35 – 40% tổng đầu tư xã hội; dành khoảng 20 – 25% tổng chi ngân sách cho đầu tư phát triển.

Về tái cơ cấu hệ thống tài chính – ngân hàng, trọng tâm là các tổ chức tín dụng, trong giai đoạn 2013 – 2015, sẽ tập trung lành mạnh hóa tình trạng tài chính của các tổ chức tín dụng… Cơ cấu lại căn bản, triệt để và toàn diện hệ thống các tổ chức tín dụng để đến năm 2020 phát triển được hệ thống các tổ chức tín dụng đa năng theo hướng hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả vững chắc với cấu trúc đa dạng về sử hữu, quy mô và loại hình…

Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm khẩn trương xây dựng và triển khai ngay trong nửa đầu năm 2013 Chương trình hành động tái cơ cấu theo lĩnh vực, ngành hoặc vùng lãnh thổ thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước được giao.

Theo Chinhphu.vn