Lợi dụng vào sự thiếu hiểu biết pháp luật và lòng tham của người dân, các đối tượng lừa đảo thường tạo dựng ra các tình huống với những món quà, đơn hàng có giá trị cao. Các đối tượng lừa đảo sử dụng nhiều chiêu thức, thủ đoạn tinh vi thường tập trung vào sơ hở trong quá trình thanh toán số của ứng dụng mua sắm trực tuyến, sự bất cẩn của người dân để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Về vấn đề này người dân phải nâng cao cảnh giác.
Xin chào Luật sư Hưng Nguyên. Gần đây, tôi có nhận được email có nội dung như sau:
“Chúng tôi muốn thông báo với bạn rằng nhân viên ngoại giao vận chuyển hộp ký gửi trị giá 10,5 triệu đô la Mỹ đã thất lạc địa chỉ của bạn và anh ta hiện đang bị mắc kẹt tại sân bay quốc tế Nội Bài – Việt Nam, ngay bay giờ. Chúng tôi yêu cầu bạn xác nhận lại các thông tin bên dưới để chúng tôi có thể giao nộp ký gửi cho bạn ngay ngày hôm nay.
Tên:
Địa chỉ:
Số di động:
Tên sân bay gần nhất của bạn:
Bản sao giấy tờ nhận dạng của bạn:
Địa chỉ bưu điện của bạn:
Nghề nghiệp:
Vui lòng liên hệ với đại lý ngoại giao bằng địa chỉ hiện tại của bạn bên dưới với thông tin được yêu cầu thông qua địa chỉ email này: Người liên hệ Mr.Agent Phillip Ochikeve. Email: agentphillipochikeve176@gmail.com
Anh ấy đang đợi tin từ bạn hôm nay với thông tin “vì lí do bảo mật” hãy đọc dưới đây: Tôi đã không cho đại lý giao hàng biết rằng hộp lý gửi của bạn chứa số đô la mỹ đã đề cập ở trên và trong mọi trường hợp, bạn không nên cho anh ấy biết nội dung là …”
Tôi đang rất phân vân có nên gửi thông tin cho người đó hay không? Vì đối với tôi, số tiền đó là rất lớn. Rất mong Luật sư hướng dẫn tôi, xin cảm ơn Luật sư!
Luật sư Hưng Nguyên tư vấn: Khi nhận được email có dạng “quà từ nước ngoài” “bưu phẩm từ nước ngoài” hay email do người nước ngoài gửi có yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân thì bạn cần hết sức cảnh giác bởi rất có thể đó là chiêu thức lừa đảo mới, tinh vi, xuyên quốc gia. Các hành vi này có dấu hiệu của Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017
“ Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
- Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
- a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
- b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
- c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
- d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
- a) Có tổ chức;
- b) Có tính chất chuyên nghiệp;
- c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
- d) Tái phạm nguy hiểm;
đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
- e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
- a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b)(được bãi bỏ)
- c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
- a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b)(được bãi bỏ)
- c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”
Ngoài ra hành vi trên còn bị xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: – Trộm cắp tài sản, xâm nhập vào khu vực nhà ở, kho bãi hoặc địa điểm khác thuộc quản lý của người khác nhằm mục đích trộm cắp, chiếm đoạt tài sản;
– Công nhiên chiếm đoạt tài sản;
– Dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản hoặc đến thời điểm trả lại tài sản do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng, mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;
– Không trả lại tài sản cho người khác do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng nhưng sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản;
– Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
Một số thủ đoạn lừa đảo qua mạng internet xuất hiện gần đây:
– Giả danh cán bộ cơ quan chức năng: Các đối tượng sử dụng các số điện thoại có đầu số lạ: +0084, +067, +066… gọi điện cho nạn nhân giả danh là cán bộ đơn vị Viễn thông, Bảo hiểm, Công an, Viện kiểm sát,… thông báo nạn nhân nợ cước viễn thông, nợ tiền Bảo hiểm, thông báo vi phạm giao thông hoặc thông báo trong tài khoản nạn nhân nhận được hàng tỷ đồng nghi do liên quan đến tội phạm nguy hiểm. Để tạo áp lực, các đối tượng liên tục gọi điện không cho nạn nhân tắt máy hoặc báo cho người khác, sau đó yêu cầu nạn nhân giữ bí mật và trực tiếp đến ngân hàng nộp tiền vào các tài khoản ngân hàng cá nhân do chúng chỉ định (để chiếm đoạt) nếu không, sẽ ra lệnh bắt, tạm giam… Sau đó, các đối tượng yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin cá nhân với lí do để kiểm tra thông tin, nhưng thực chất là đang yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin cá nhân và thông tin tài khoản ngân hàng. Các đối tượng thực hiện các lệnh chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng của nạn nhân sang các tài khoản ngân hàng khác rồi chiếm đoạt mà nạn nhân không hề biết.
– Giả danh người nước ngoài thành đạt: Thông qua mạng xã hội, các đối tượng giả danh người nước ngoài thành đạt chủ động vào kết bạn làm quen, tán tỉnh, tạo lòng tin rồi thông báo gửi quà, ngoại tệ cao về Việt Nam cho nạn nhân. Sau đó, kết hợp với các đối tượng người Việt Nam yêu cầu nạn nhân gửi tiền đóng các khoản phí, thuế… qua các tài khoản ngân hàng do chúng chỉ định để nhận bưu phẩm rồi chiếm đoạt.
– Sử dụng đường link thu thập thông tin tài khoản ngân hàng: Trong giao dịch mua bán online, thông qua các bài đăng rao bán hàng hóa trên mạng xã hội facebook, zalo… của nạn nhân (các chủ shop), các đối tượng đóng giả là khách đang cư trú ở nước ngoài chủ động liên hệ để mua hàng. Sau thỏa thuận giữa 02 bên, đối tượng đề nghị nạn nhân truy cập vào website do đối tượng cung cấp và điền các thông tin theo yêu cầu như: tên ngân hàng, tên tài khoản, mật khẩu, mã OTP… để nhận tiền cọc, tiền hàng. Khi có được thông tin tài khoản ngân hàng của nạn nhân, các đối tượng tiến hành các giao dịch nhằm chiếm đoạt. Một trong nhũng đường link có đường dẫn là: https://www.westems-unions.com/un; https://www.xacthuckieuhoi.247.weebly.com hoặc htttps://www…weeby.com
– Sử dụng đường link thu thập thông tin tài khoản mạng xã hội: Các đối tượng lấy thông tin họ tên, hình ảnh của 1 tài khoản facebook chính chủ sau đó tạo ra facebook ảo rồi kết bạn với những người trong danh sách bạn bè và yêu cầu kích vào website do chúng tạo ra để tham gia bình chọn. Để hoàn thành việc bình chọn, đối tượng yêu cầu nạn nhân xác nhận tài khoản facebook bằng cách nhập tên đăng nhập, mật khẩu (tại bước này đối tượng sẽ thu thập thông tin của nạn nhân). Khi có được thông tin trên, các đối tượng tiến hành đăng nhập, đổi mật khẩu và chiếm quyền tài khoản facebook của nạn nhân, sau đó nhắn tin mượn tiền các tài khoản trong danh sách bạn bè và yêu cầu chuyển tiền vào các tài khoản ngân hàng do chúng chỉ định để chiếm đoạt.
– Giả danh nhân viên ngân hàng, Lazada, Shopee: Các đối tượng giả danh nhân viên của các ngân hàng, nhân viên Lazada, Shopee,… gọi điện, nhắn tin cho nạn nhân, thông báo nạn nhân là khách hàng may mắn đã trúng được giải thưởng lớn, yêu cầu nạn nhân nộp các khoản phí để làm thủ tục nhận giải thông qua các tài khoản ngân hàng do đối tượng cung cấp để thực hiện chiếm đoạt tài sản.
– Thủ đoạn chiếm quyền sử dụng (hack) sim điện thoại rồi đăng ký vay tiền qua mạng internet: Các đối tượng giả danh nhân viên tổng đài, nhân viên chăm sóc khách hàng gọi điện thoại yêu cầu khách hàng nhắn tin theo cú pháp để được chuyển đổi từ mạng 3G thành 4G và nhận quà tặng miễn phí. Thực hiện theo yêu cầu của các đối tượng, sim điện thoại của nạn nhân sẽ bị khóa và số điện thoại của khách hàng chuyển quyền sử dụng sang sim mới của đối tượng. Lúc này đối tượng tiến hành đăng ký các khoản vay trên mạng internet của các công ty tài chính. Tiếp đó đối tượng sử dụng CMND giả đến các địa điểm giao dịch của nhà mạng với lý do mất điện thoại và cung cấp 5 số điện thoại liên hệ gần nhất để làm mới sim. Lúc này sim điện thoại của nạn nhân sẽ bị khóa và số điện thoại của khách hàng chuyển quyền sử dụng sang sim của đối tượng. Sau khi chiếm đoạt được số điện thoại các đối tượng tiến hành các khoản vay tiền trên mạng internet.
– Vay tiền qua mạng internet bằng cách tải và cài đặt các ứng dụng (app) trên điện thoại: Đặc điểm của loại hình cho vay này rất đơn giản, nhanh chóng, không cần gặp mặt và không cần thế chấp tài sản. Người vay chỉ cần gửi hình ảnh CMND/CCCD, khuôn mặt, tài khoản ngân hàng, số điện thoại chính chủ, Zalo, Facebook,.,chỉ sau thời gian ngắn tiền sẽ được chuyển vào tài khoản của người vay. Quá trình vay tiền cần cài đặt ứng dụng (app) trên điện thoại và phải chấp thuận các điều khoản như được phép truy cập vào danh bạ điện thoại, tin nhắn, hình ảnh trên điện thoại di động phục vụ việc đòi nợ sau này. Lúc này các đối tượng sẽ thu thập toàn bộ các thông tin để sử dụng cho các mục đích đòi nợ sau này. Nếu người vay không trả được nợ thì nhân viên đòi nợ sẽ tiếp tục giới thiệu các ứng dụng (app) khác để người vay tiếp tục vay trả cho nợ trước. Từ chỗ chỉ vay của 1 ứng dụng (app) sau đó phải vay tiếp của nhiều ứng dụng khác dẫn đến số tiền lãi và tiền phạt tăng theo cấp số nhân hằng ngày. Khi người vay không có khả năng chi trả, thì các đối tượng gọi điện thoại cho người thân để quấy rối, đăng hình ảnh xúc phạm trên mạng xã hội facebook, zalo để đòi nợ.
– Giao dịch quyền chọn nhị phân (Binary Option – BO) là hình thức đầu tư tài chính trá hình Forex, là giao dịch mà người mua sẽ đưa ra dự đoán xu hướng tăng hoặc giảm của các loại tài sản như: hàng hóa, tiền tệ, cổ phiếu, chỉ số tại thời điểm dự đoán. Nếu dự đoán đúng sẽ có lợi nhuận theo tỉ lệ sàn đưa ra, nếu dự đoán sai sẽ mất toàn bộ số tiền giao dịch. Hầu hết hoạt động của các sàn giao dịch quyền chọn nhị phân như Wefinex, Raidenbo, Bitono, Pocinex, Deniex, Remitex, AresBO, Bhianex, Fxtradingmarket, GardenBO, Hitoption, WolfBroker … trên không gian mạng tại Việt Nam đều có dấu hiệu tổ chức kinh doanh, điều hành theo mô hình đa cấp trái phép, lừa đảo và chiếm đoạt tài sản người tham gia. Để đánh bóng tên, tuổi, một số đối tượng tự nhận là “chuyên gia đọc lệnh, hot girl tỉa nến, thợ đục sàn” tạo nhóm kín chia sẻ kinh nghiệm cho nhà đầu tư, đăng nhiều tin bài trên các trang mạng xã hội thể hiện là người giàu có, thu nhập cao, kiếm hàng triệu đồng một ngày, đi xe sang hay du lịch đắt tiền và không quên nhấn mạnh những thành quả đạt được là nhờ đầu tư Forex.
Để phòng ngừa các thiệt hại không đáng có, người dân cần nâng cao cảnh giác với các số điện thoại lạ; tuyệt đối không mua, bán, cho mượn giấy CMND, không cung cấp các tài khoản cá nhân; không thực hiện các yêu cầu chuyển tiền thông qua tin nhắn của các trang mạng xã hội; cẩn trọng, xác minh thông tin khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền…
Trong trường hợp là nạn nhân của hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các hình thức trên, người dân cần liên hệ với cơ quan có thẩm quyền để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Địa chỉ: Công ty Luật TNHH Hưng Nguyên, số 14N2, ngõ 90 Nguyễn Tuân, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội
Điện thoại: 024.8585 7869 .
Hotline: 098 775 6263
Email: Congtyluathungnguyen@gmail.com