“Phải nghiêm cấm lãnh đạo các cấp can thiệp vào việc xử lý vi phạm giao thông để công tác xử lý vi phạm được nghiêm minh. Cứ có vụ việc xảy ra là điện thoại gọi đến liên tục, anh em thi hành nhiệm vụ không nghe điện thoại không được!”.
Đó là một trong những giải pháp Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang đề xuất ý kiến tại Hội nghị Triển khai trật tự an toàn giao thông quốc gia năm 2012 nhằm lập trật tự an toàn giao thông (TTATGT).
Làm theo kiểu “đầu voi đuôi chuột”?
Chủ trì hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Xuân Phúc tỏ ra lo ngại: “Từ lâu nay chúng ta đã đổi mới nhiều biện pháp, đưa ra nhiều chủ trương, bộ máy quản lý cũng đồ sộ mà vấn đề TTATGT vẫn không có những bước đột phá. Phải chăng chúng ta đang làm theo kiểu đầu voi đuôi chuột, lúc làm lúc không, mỗi cá nhân chưa coi việc lập lại TTATGT là nhiệm vụ của riêng mình?”.
Nhiều hạn chế trong công tác trật tự an toàn giao thông được Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra là do nhận thức của các cấp, các ngành, địa phương về an toàn giao thông còn chưa đúng tầm, chưa đáp ứng được yêu cầu nên biện pháp đưa ra chưa đồng bộ, thường xuyên, liên tục.
Tiếp thu y kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GTVT kiêm Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia Đinh La Thăng cũng thừa nhận TTATGT trên cả nước vẫn còn diễn biến phức tạp dù đây là năm thứ 4 liên tiếp TNGT giảm.
Chỉ ra những tồn tại, Bộ trưởng Thăng nhìn nhận: “Chúng ta vẫn chưa tiến hành di dời các cơ sở giáo dục, y tế đông người ra khỏi nội thành; xây dựng nhiều nhà cao tầng thay thế nhà thấp tầng ở khu vực có mật độ dân số cao; dự án tăng cường kết cấu hạ tầng giao thông đô thị chậm tiến độ, gây điểm nghẽn trong giao thông đô thị. Quy hoạch và phát triển giao thông chưa thật sự gắn liền với sự phát triển đô thị; nhiều khu đô thị mới không có hạ tầng dành cho vận tải khách công cộng, thiếu điểm đỗ xe; tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè vẫn diễn ra thường xuyên. Điều này thể hiện sự yếu kém của chính quyền đô thị trong quản lý nhà nước”.
Riêng tại Hà Nội và TPHCM – 2 thành phố có diễn biến giao thông phức tạp trong giờ cao điểm – Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng để giải quyết được vấn nạn giao thông thì phải tiếp tục tập trung xử phạt nghiêm khắc các hành vi vi phạm là nguyên nhân gây tai nạn giao thông, đặc biệt là tai nạn nghiêm trọng và ùn tắc giao thông; tịch thu phương tiện đối với đua xe trái phép.
Cần đẩy nhanh tiến độ phát triển các phương thức vận tải khách công cộng nội đô; xây dựng một số tuyến đường nhiều tầng từ vành đai 4 trở vào; giảm bớt số lượng xe taxi trong thành phố. Thực hiện thay đổi giờ làm việc, giờ học, kinh doanh của các cơ quan, trường học, cơ sở kinh doanh bắt đầu từ tháng 1 năm 2012; cấm lưu hành phương tiện giao thông cá nhân trong giờ cao điểm trên một số tuyến đường trọng điểm, thường xuyên ùn tắc nghiêm trọng.
Về lâu dài, Bộ trưởng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp với hai thành phố khẩn trương triển khai việc di dời hệ thống trường Đại học, Cao đẳng, THCN ra khỏi khu vực nội thành, không phát triển mở rộng bệnh viện trong nội thành. Đề nghị Chính phủ cho phép áp dụng các giải pháp từng bước hạn chế phương tiện giao thông cá nhân trên một số tuyến cụ thể hướng vào khu vực nội thành.
Xử phạt vi phạm qua tài khoản ngân hàng
Đối với lái xe vi phạm nhiều cũng nên thu bằng và kiểm điểm cả cơ sở đào tạo cấp GPLX cho lái xe đó. Kiên quyết không cho phương tiện không đủ tiêu chuẩn tham gia giao thông. Đề nghị truy tố người có hành vi thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc khắc phục các điểm đen là nguyên nhân gây nên các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Hạn chế phương tiện cá nhân. Tịch thu xe, tạm giữ phương tiện vi phạm, trước hết là đối với các xe đua.
Bộ trưởng Trần Đại Quang kiến nghị Chính phủ quy định nghiêm cấm lãnh đạo các cấp, cán bộ, viên chức không được phép can thiệp vào việc xử phạt vi phạm giao thông.
“Trên thực tế có nhiều người can thiệp vào việc xử phạt vi phạm giao thông, nói ra thì không tiện nhưng tôi đề nghị phải nghiêm cấm lãnh đạo các cấp can thiệp vào việc xử lý vi phạm giao thông để công tác xử lý vi phạm được nghiêm minh, vì cứ khi bắt các đối tượng vi phạm là lực lượng liên tục nhận được điện thoại từ các cấp lãnh đạo, anh em không nghe không được, khi xử lý không đảm bảo lại phê phán, chê trách là mắc khuyết điểm. Việc này tôi cũng đã kiến nghị bổ sung với Quốc hội trong trả lời chất vấn của Bộ trưởng GTVT ở phần giải pháp giảm thiểu TNGT và ùn tắc giao thông, có như thế thì việc xử phạt mới nghiêm minh được”.
Về việc xử lý lực lượng, Bộ trưởng Quang cho biết, năm 2010-2011, đã xử lý 255 cán bộ chiến sĩ có sai phạm. Tháng 9/2011, qua phóng sự về mãi lộ của CSGT trên báo chí, Bộ cũng công khai xử lý, khởi tố vụ án, bắt một trường hợp và xử lý nhiều trường hợp khác. Vụ việc sẽ được điều tra xử lý tiếp.