Hát karaoke 6 người bị chết, trách nhiệm pháp lý thuộc về ai

(ĐSPL) – “Trách nhiệm của chủ quán và những người khác liên quan là không thể tránh khỏi trong lỗi vô ý và thiếu trách nhiệm để hậu quả xẩy ra. Việc cho khách hát karaoke lưu trú qua đêm ngay tại phòng hát, có cả nam và nữ là trái phép”, luật sư Nguyễn Văn Nguyên nhận định.

Liên quan 6 người chết trong quán Karaoke Queen Club có địa chỉ tại xã Quảng Chính, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh đã gây tử vong cho 6 người và 6 người khác bị ngạt khí phải đi cấp cứu thì nguyên nhân tử vong bước đầu đã được xác định là do các nạn nhân đã bị ngạt khí CO2 của máy phát điện, ngoài ra các nạn nhân đã sử dụng chất kích thích.

Trao đổi về vấn đề này, luật sư Nguyễn Văn Nguyên, giám đốc công ty luật Hưng Nguyên, Đoàn luật sư TP. HN cho biết: “Việc cho khách hát karaoke lưu trú qua đêm ngay tại phòng hát, có cả nam và nữ là trái phép. Khách thuê phòng hát từ tối 7/9/2014 mà đến khoảng 16h chiều 8/9/2014 bên quán karaoke mới vào kiểm tra phòng và phát hiện sự việc đáng thương như trên”.

Luật sư Nguyễn Văn Nguyên.

Theo nguyên nhân xác định ban đầu thì do mất điện nên chủ quán đã sử dụng máy phát điện để phục vụ khách hàng hát tiếp nhưng lại để máy phát trong trong nhà dẫn đến gậu quả 6 nạn nhân tử vong vì bị suy hô hấp do ngạt khí máy phát điện, ngoài ra các nạn nhân đã sử dụng chất kích thích . Nhận định về sự việc này, luật sư Nguyễn Văn Nguyên cho biết thêm: “Từ sự vô ý và thiếu trách nhiệm của chủ quán hát Karaoke. Trách nhiệm của chủ quán và những người khác liên quan là không thể tránh khỏi trong lỗi vô ý và thiếu trách nhiệm để hậu quả xảy ra”.

Từ đó, luật sư Nguyên cho rằng: “Theo tôi, Cơ quan chức năng cần làm rõ quán karaoke này hoạt động có phép hay không, có đảm bảo điều kiện về giấy phép hoạt động hay không, CQĐT cần khởi tố vụ án để điều tra làm rõ các sai phạm của chủ quán karaoke và những người có trách nhiệm liên quan. Trước tiên có thể khởi tố vụ án, khởi tố chủ quán karaoke về “tội vô ý làm chết người” theo quy định tại điều 98 BLHS. Nếu bị khởi tố điều tra,truy tố, mức án mà bị can phải đối mặt lên đến 10 năm tù.”

Theo đó, Điều 98. Tội vô ý làm chết người quy định:

1. Người nào vô ý làm chết người thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2. Phạm tội làm chết nhiều người thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm”.

Trước đó, theo Báo Quảng Ninh, Vào hồi 16h ngày 8/ 9 tại 2 phòng hát thuộc quán Karaoke Queen club thuộc xã Quảng Chính (Hải Hà) đã phát hiện ra vụ ngạt khí khiến 6 người tử vong.

Theo thông tin ban đầu từ các cơ quan chức năng huyện Hải Hà cho biết, 12 người này đã đến quán hát từ tối 7- 9 trong khi hát xảy ra mất điện, chủ nhà hàng đã sử dụng máy phát điện để phục vụ. Đến khoảng 16 giờ chiều 8/9, nhà hàng kiểm tra và phát hiện ra 6 người tử vong, những người còn lại trong tình trạng nguy kịch và được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hải Hà, trong đó 5 nam, 1 nữ.

Các nạn nhân đã được nhanh chóng đưa đi cấp cứu.

Nhận được thông tin vụ việc, đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Chủ tịch UBND tỉnh đã cử đồng chí Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo Công An tỉnh, Sở Lao động Thương binh xã hội và Sở Y tế ra Hải Hà chỉ đạo và cứu chữa các nạn nhân.

Đồng chí Vũ Xuân Diện, Giám đốc Sở y tế cho biết: Đến 17 giờ 30 phút ngày 8/ 9, 3 đoàn công tác của Bệnh viện Móng Cái, Bệnh viện Bãi Cháy, Bệnh viện tỉnh đã đến Bệnh viện đa khoa huyện Hải Hà để phối hợp cứu chữa các nạn nhân. Trong đó có 1 chuyên gia chống độc của Bệnh viện Bạch Mai đã có mặt tại Bệnh viện đa khoa huyện Hải Hà, cùng các trang thiết bị phục vụ việc cứu chữa các nạn nhân.

Nguyên nhân ban đầu khiến các nạn nhân tử vong được xác định là do ngạt khí máy nổ, hiện các cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra làm rõ vụ việc.

KIỀU HOA

Trách nhiệm pháp lý vụ hai trẻ em bị nước cuốn trôi xuống công ở Bình Dương

ĐSPL) – Trong cùng ngày 6/9 tại Bình Dương đã xảy ra hai trường hợp: bé Lê Văn Mạnh (7 tuổi, quê Nghệ An, trú tại phường Tân Hiệp, thị xã Tân Uyên) và bé La Văn Tỷ (9 tuổi, quê An Giang, trú tại phường Thuận Giao, thị xã Thuận An) đã bị nước cuốn trôi xuống cống thoát nước. Hiện lực lượng cứu hộ vẫn chưa tìm thấy bé La Văn Tỷ.

 

Luật sư Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc Công ty Luật Hưng Nguyên, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.


Liên quan đến vụ việc này, Báo Đời sống và Pháp luật đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc Công ty Luật Hưng Nguyên, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội để làm rõ về trách nhiệm trong 2 vụ tai nạn đáng tiếc này.

Bàn về trách nhiệm trong 2 vụ việc này, Luật sư Nguyễn Văn Nguyên cho biết: “Đây là những vụ tai nạn làm chết 2 cháu bé rất thương tâm. Từ thông tin báo chí cung cấp thì chúng ta đã thấy được nguyên nhận dẫn đến cái chết của các cháu đã bị nước cuốn vào các miệng cống (hay gọi là miệng hố ga) không được đậy nắp, không được che chắn, cảnh báo, vốn rất nguy hiểm trong những ngày thường và trở thành những cái bẫy chết người. Trong một ngày tại Bình Dương xẩy ra 2 trường hợp chết người rất thương tâm. Để xác định trách nhiệm trực tiếp và bồi thường thiệt hại cho gia đình các cháu bé không may này thì cơ quan chức năng cần kịp thời điều tra làm rõ đơn vị nào là chủ đầu tư, đơn vị nào thi công, làm rõ các vi phạm của đơn vị thi công, sự thiếu trách nhiệm, buông lỏng giám sát, quản lý của chủ đầu tư đối với đơn vị thi công, không cảnh bảo nguy hiểm, rào chắn các hố ga đó. Trong trường hợp này cả chủ đầu tư và đơn vị thi công, đơn vị được giao trách nhiệm quản lý, bảo trì công trình phải có nghĩa vụ liên đới bồi thường thiệt hại về tính mạng, tài sản,tinh thần và các thiệt hại hợp lý khác cho gia đình các cháu bé bị nạn. Căn cứ kết quả điều tra, tùy thuộc vào lỗi, hành vi và hậu quả của vi phạm, cơ quan chức năng có thể xử phạt vi phạm hành chính hoặc nếu có căn cứ khởi tố vụ án hình sự thì chuyển cơ quan điều tra để điều tra theo quy định của bộ luật hình sự và bộ luật TTHS 2003.”

Luật sư Nguyên cho biết thêm: “Trong các vụ việc trên thì trách nhệm liên đới bồi thường thiệt hại cho gia đình các cháu bị nạn là chủ đầu tư, đơn vị thi công, đơn vị được giao trách nhiệm quản lý, bảo trì công trình.”

Lực lượng cứu hộ trong cuộc tìm kiếm bé La Văn Tỷ.


Trong thực tế, những vụ tai nạn đáng tiếc do cống thoát nước từ trước đến nay không phải là ít. Bình luận về tình trạng này, Luật sư Nguyễn Văn Nguyên nhận định:“Những vụ tai nạn giao thông có liên quan đến sập hố ga, ổ gà..ở nước ta khá nhiều, nhiều vụ việc đã gây hậu quả chết người, tuy nhiên trong mấy năm qua chưa được giải quyết triệt để, chưa xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân có liên quan dẫn đến dư luận bức xúc. Tôi nghĩ cần phải nâng cao trách nhiệm và đẩy mạnh giám sát đối với chủ đầu tư, đơn vị thi công và cơ quan quản lý nhà nước đối với các công trình giao thông. Xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm quy tắc an toàn trong xây dựng, thi công và quản lý công trình giao thông.”

MY VÂN

Trách nhiệm pháp lý trong vụ tai nạn giao thông ở Sapa

(ĐSPL) – 18 giờ 55 phút tại Km 19, xã Tòng Sanh, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai đã xảy ra vụ tai nạn thảm khốc khiến 12 người thiệt mạng và 41 người bị thương, Cảnh sát điều tra thuộc Công an tỉnh Lào Cai đang rất tích cực điều tra, làm rõ để sớm khởi tố án hình sự và làm rõ trách nhiệm của những người liên quan đến vụ tai nạn.

Luật sư Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc Công ty Luật Hưng Nguyên, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.  

Liên quan đến vụ việc, Báo Đời sống và Pháp luật đã có cuộc trao đổi, phỏng vấnLuật sư Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc Công ty Luật Hưng Nguyên, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội để làm rõ chi tiết về vụ tai nạn thảm khốc này.

Luật sư Nguyễn Văn Nguyên cho biết: Hiện vụ án sẽ sớm được Cơ quan điều tra tỉnh Lào Cai khởi tố để điều tra, vì thế cần phải đợi kết luận điều tra để làm rõ nguyên nhân, các lỗi vi phạm của tài xế, tổ lái xe và các bên có liên quan. Tuy nhiên, nếu thông tin tài xế xe khách chạy với tốc độ 38 km/h trên đường xuống dốc là đúng sự thật thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án vi phạm an toàn giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 202 Bộ luật hình sự và khởi tố bị can để điều tra. Những người phải chịu trách nhiệm hình sự gồm các thành viên trong tổ lái xe gây tai nạn gồm: lái chính, lái phụ, người lái xe trực tiếp điều khiển gây tai nạn. Căn cứ quy định tại điều 202 Bộ luật hình sư; tiết a, Điểm 4, Mục I Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự thì các bị can sẽ bị khởi tố, điều tra, xét xử theo Khoản 3, Điều 202 Bộ luật hình sự có thể sẽ bị đề nghị mức án với khung hình phạt cao nhất có thể lên đến mười lăm năm tù. Ngoài ra, người tội phạm và bên liên quan nếu có (Công ty TNHH MTV Minh Thành Phát nơi các bị can làm việc theo hợp đồng lao động) sẽ phải có nghĩa vụ liên đới bồi thường thiệt hại về tài sản, tính mạng, các chi phí khác theo quy định liên quan của Bộ luật dân sự 2005, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 và Bộ luật tố tụng dân sự 2004.

Đồng thời, trong vụ án này cần phải điều tra làm rõ quy trình quản lý, giám sát hành trình đón trả khách của công ty đối với nhân viên lái xe. Việc giao xe cho lái xe phụ điều khiển và chở quá số người quy định công ty có được biết không? Từ đó, sẽ quy trách nhiệm chính xác đối với công ty và những người trong tổ lái xe và người có liên quan. Theo quy định tại Điều 21, Nghị định 91/2009/NĐ-CP ngày 21/10/2009 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô thì công ty TNHH MTV Minh Thành Phát sẽ bị thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô vì những vi phạm gây nên hậu quả đặc biệt nghiêm trọng trong vụ tai nạn này.

Hiện trường vụ tai nạn thảm khốc ở Sapa. 


Luật sư Nguyên cho biết thêm: Hiện nay pháp luật hình sự Việt Nam không quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân như một số nước vì thế không có cơ sở để khởi tố hình sư đối với công ty Minh Thành Phát. Trong vụ án này, Công ty Minh Thành Phát chỉ có nghĩa vụ liên đới bồi thường thiệt hại dân sự bao gồm thiệt hại tính mạng, sức khỏe, tài sản và các khoản cho hành khách, thân nhân của người bị tử nạn. Nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho hành khách đi xe là bắt buộc đối với công ty kinh doanh vận tải hành khách. Trường hợp này, Công ty Minh Thành Phát và công ty bảo hiểm sẽ căn cứ vào các điều khoản, điều kiện bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm để xác định trách nhiệm, phạm vi bảo hiểm để thanh toán cho hành khách và thân nhân những người tử nạn.

Vụ tai nạn giao thông thảm khốc ở Sa Pa đã gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Một lần nữa cho thấy vấn đề tai nạn giao thông ở Việt Nam đang rất đáng báo động, hàng ngày, hàng giờ đã cướp đi tính mạng, sức khỏe, tài sản của rất nhiều người. Theo Luật sư Nguyễn Văn Nguyên, để giảm được những hậu quả đáng tiếc từ tai nạn giao thông Nhà nước cần:

– Đẩy mạnh biện pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giao thông, ý thức tuân thủ pháp luật giao thông cho người dân.

– Kiểm soát chặt chẽ các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô nói riêng và các phương tiện khác nói chung.

– Cần có thêm một chương trình bản tin giao thông trong chương trình thời sự 19 giờ mỗi buổi tối hàng ngày. Trong đó, tổng hợp những trường hợp vi phạm, những vụ tai nạn giao thông, tuyên truyền văn hóa tham gia giao thông và các quy định pháp luật về xử phạt, quy tắc tham gia giao thông để người dân ý thức được vấn đề quan trọng này, qua đó từng bước giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông.

MY VÂN

Vietjet bồi thường 300 nghìn vì chậm 10 tiếng là chưa thỏa đáng!

(ĐSPL) – Căn cứ vào Quyết định số 10/2007/QĐ-BGTVT thì mức bồi thường 300 nghìn đồng của Vietjet Air là đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên mức bồi thường này là chưa thỏa đáng so với những mệt mỏi, căng thẳng, ức chế mà 108 hành khách đã phải trải qua khi phải vạ vật tại sân bay suốt 10 tiếng.

Xoay quanh mức bồi thường 300 nghìn đồng cho mỗi hành khách do chậm chuyến bay từ Hà Nội đi Buôn Ma Thuột suốt 10 tiếng vào ngày 2/8 vừa qua của hàng hàng không Vietjet Air, PV Báo Đời sống và Pháp luật đã ghi nhận ý kiến của Luật sư đánh giá về mức bồi thường này.

Mức bồi thường của Vietjet Air là đúng quy định pháp luật…

Luật sư Nguyễn Văn Nguyên – Giám đốc Công ty Luật Hưng Nguyên, đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho rằng: Việc đảm bảo an toàn, an ninh cho mỗi chuyến bay là trách nhiệm quan trọng hàng đầu của các hãng hàng không nói chung. Đối với các chuyến bay khi đã công bố lịch bay thì phải thực hiện theo lịch bay đúng thời gian đã công bố, trừ những trường hợp bất khả kháng vì lý do thời tiết xấu, chiến tranh…

Trường hợp chuyến bay mang số hiệu VJ 8831 của VietJet Air ngày 02/8 khởi hành từ Hà Nội đi Buôn Ma Thuột bị chậm 10 giờ so với thời giờ dự kiến khởi hành ban đầu theo cơ quan quản lý chuyên trách, Cục hàng không Việt Nam – Bộ Giao thông Vận tải khẳng định là do VietJet Air không có máy bay để phục vụ.

Đây là trường hợp không được miễn trách nhiệm bồi thường theo quy định tại điều 3 của Quyết định 10/2007/QĐ-BGTVT ngày 27/02/2007 của Bộ Giao thông Vận tải về việc bồi thường ứng trước không hoàn lại trong vận chuyển hành khách bằng đường hàng không, vì thế VietJet Air phải có trách nhiệm bồi thường cho hành khách bị lỡ chuyến bay theo đúng quy định tại Điều 4 Quyết định số 10/2007/QĐ-BGTVT ngày 27/02/2007 của Bộ Giao thông Vận tải về việc bồi thường ứng trước không hoàn lại trong vận chuyển hành khách bằng đường hàng không.

Theo đó, bồi thường ứng trước không hoàn lại là việc bồi thường bằng tiền, dịch vụ hoặc lợi ích vật chất khác mà người vận chuyển phải trả cho hành khách trong các trường hợp theo quy định của pháp luật không phụ thuộc vào việc xác định mức thiệt hại thực tế của hành khách và không phải hoàn lại trong mọi trường hợp.

Mức tiền bồi thường ứng trước không hoàn lại được quy định tại Điều 4 như sau:

1. Mức bồi thường đối với chuyến bay nội địa như sau:

a) Chuyến bay có độ dài đường bay dưới 500 km: 100.000 VNĐ;

b) Chuyến bay có độ dài đường bay từ 500 km đến dưới 1.000 km: 200.000 VNĐ;

c) Chuyến bay có độ dài đường bay từ 1.000 km trở lên: 300.000 VNĐ.

Mức bồi thường chưa thỏa đáng so với những mệt mỏi, căng thẳng của hành khách

Luật sư Giang Hồng Thanh – Văn phòng Luật sư Giang Thanh phân tích: Ngày 27/2/2007, Bộ Giao thông vận tải ban hành Quyết định số 10/2007/QĐ-BGTVT về việc bồi thường ứng trước không hoàn lại trong vận chuyển hành khách bằng đường hàng không, theo đó người vận chuyển (cụ thể là hãng hàng không) phải trả tiền bồi thường cho hành khách có vé và đã được xác nhận chỗ trên chuyến bay trong trường hợp từ chối vận chuyển hoặc huỷ chuyến bay.

Mức tiền bồi thường như sau:

1. Mức bồi thường đối với chuyến bay nội địa:

a) Chuyến bay có độ dài đường bay dưới 500 km: 100.000 VNĐ;

b) Chuyến bay có độ dài đường bay từ 500 km đến dưới 1.000 km: 200.000 VNĐ;

c) Chuyến bay có độ dài đường bay từ 1.000 km trở lên: 300.000 VNĐ.

2. Mức bồi thường đối với chuyến bay quốc tế:

a) Chuyến bay có độ dài đường bay dưới 1.000 km: 25 USD;

b) Chuyến bay có độ dài đường bay từ 1.000 km đến dưới 2.500 km: 50 USD;

c) Chuyến bay có độ dài đường bay từ 2.500 km đến dưới 5.000 km: 80 USD;

d) Chuyến bay có độ dài đường bay từ 5.000 km trở lên: 150 USD.

Căn cứ vào Quyết định số 10/2007/QĐ-BGTVT ở trên thì mức bồi thường 300.000 đồng của Viet Jetair là đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên có thể thấy rằng mức bồi thường này là chưa thỏa đáng so với những mệt mỏi, căng thẳng, ức chế mà các hành khách đã trải qua khi phải vạ vật tại sân bay 10 tiếng đồng hồ để chờ đợi được lên máy bay, đó là chưa kể đến những phiền muộn nhiêu khê khác mà nhiều người phải gánh chịu do kế hoạch công việc, đi lại bị thay đổi đột xuất.

Chính vì vậy mà mới đây, Bộ Giao thông vận tải đã yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam phải xây dựng dự thảo Thông tư của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về bồi thường ứng trước không hoàn lại trong vận chuyển hành khách bằng đường hàng không (thay thế Quyết định 10) theo hướng tăng mức bồi thường ứng trước không hoàn lại.

Hy vọng trong tương lai không xa, hành khách bị chậm chuyến sẽ được hãng hàng không bồi thường thỏa đáng hơn để nhằm giảm thiểu những thiệt hại về vật chất và tinh thần mà họ phải gánh chịu.

Vào ngày 2/8, 108 hành khách đã phải ngồi vạ vật ở sân bay Nội Bài suốt 10 tiếng đồng hồ để chờ chuyến bay VJ 8831 từ Hà Nội đi Buôn Ma Thuột.Được biết, chuyến bay VJ 8831 từ Hà Nội đi Buôn Ma Thuột có giờ cất cánh dự kiến lúc 12h20 trưa ngày 2/8. Tuy nhiên tại sân bay Nội Bài, VietJet Air 2 lần phát đi thông báo chuyến bay bị chậm vì do thời tiết xấu, giờ khởi hành mới được lập bay buổi chiều nhưng rồi lại bị hủy bỏ.Trong thời gian chờ đợi, VietJet Air đã phục vụ 2 bữa ăn cho hành khách và viết giấy cam kết thời gian khởi hành của chuyến bay VJ 8831 vào lúc 19h30 ngày 2/8. Tuy nhiên, vào thời gian mà hãng cam kết trên, máy bay không xuất hiện và hãng lại thất hứa.Mệt mỏi vì chậm chuyến và sự thất hứa của Vietjet Air, hành khách bức xúc, la ó tại sân bay.Lý giải vì sự chậm trễ này, đại diện VietJet Air cho biết, sự chậm chuyến của chuyến bay từ TP. HCM đi Vinh do thời tiết xấu đã gây ảnh hưởng dây chuyền đến chuyến bay VJ 8831 từ Hà Nội đi Buôn Ma Thuột.Trả lời trên báo Dân trí, ông Võ Huy Cường – Cục phó Cục Hàng không Việt Nam khẳng định: Chuyến bay VJ 8831 bị chậm là do VietJet Air không có máy bay để phục vụ. Đến 22h20, 108 hành khách của chuyến bay VJ 8831 mới được cất cánh đi Buôn Ma Thuột, chậm 10 tiếng đồng hồ so với giờ dự kiến khởi hành ban đầu.VietJet Air đã đền bù thiệt hại cho mỗi hành khách 300.000 đồng.
VIỆT HƯƠNG

Bê bối đường sắt Việt Nam: Luật sư nói gì?

“Vụ việc xảy ra không những gây ảnh hưởng lớn đến quan hệ cung cấp vốn ODA của Nhật Bản cho Việt Nam mà còn ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trong lĩnh vực đấu thầu, quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA của các đối tác quốc tế”, luật sư Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc công ty luật Hưng Nguyên, Đoàn luật sư TP. Hà Nội chia sẻ.

iên quan tới vụ việc báo Nhật Bản tố cán bộ ngành đường sắt Việt Nam nhận hối lộ 16 tỷ đồng, Phunutoday đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc Công ty luật Hưng Nguyên, Đoàn luật sư TP HN.

Luật sư Nguyễn Văn Nguyên chia sẻ: “Đây là một vụ việc được dư luận trong và ngoài nước rất quan tâm. Có liên quan đến việc đấu thầu các dự án thuộc nguồn vốn viện trợ không hoàn lại ODA của Nhật Bản.

Vụ việc xảy ra, không những gây ảnh hưởng lớn đến quan hệ cung cấp vốn ODA của Nhật Bản cho Việt Nam, mà còn ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trong lĩnh vực đấu thầu, quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA của các đối tác quốc tế.

Theo tôi, nếu sự việc trên được xác minh là thật thì cơ quan điều tra cần sớm khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can để lấy lại niềm tin và trừng trị răn đe chung. Việc điều tra vụ án có yếu tố nước ngoài, hiện nay Việt Nam và Nhật Bản chưa có hiệp ước tương trợ tư pháp hình sự, việc chuyển hóa chứng cứ từ Nhật bản vào Việt Nam, việc ủy thác tư pháp sẽ rất khó khăn.

Tuy nhiên quá trình điều tra sẽ thuận lợi nếu có sự hỗ trợ tích cực từ phía Bộ GTVT và Tổng công ty đường sắt Việt Nam”.

Liên quan đến căn cứ pháp lý để khởi tố vụ án và mức án khởi tố nếu vụ bê bối trên được xác minh là thật: “Theo quy định tại điều 100, bộ luật TTHS năm 2003  về căn cứ khởi tố vụ án hình sự: “Chỉ được khởi tố vụ án hình sự khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm. Việc xác định dấu hiệu tội phạm dựa trên những cơ sở có tố giác của công dân; Tin báo của cơ quan, tổ chức; Tin báo trên các phương tiện thông tin đại chúng; Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án, Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển và các cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trực tiếp phát hiện dấu hiệu của tội phạm; Người phạm tội tự thú”.

Thông tin báo chí là một trong những tin tố giác tội phạm làm căn cứ khởi tố vụ án hình sự. Với những thông tin báo chí, truyền thông đưa tin thì theo tôi đã có đủ cơ sở để khởi tố vụ án hình sự để điều tra.

Luật sư Nguyên cho rằng: “Đây là vụ án khá phức tạp, liên quan đến yếu tố nước ngoài, cần xác minh điều tra thận trọng. Thẩm quyền điều tra thuộc cơ quan điều tra bộ công an.

Về tội danh có thể  khởi tố theo khoản 4, điều 279 BLHS. Tội nhận hối lộ. Cụ thể người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới mười triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng; Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm; Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục A Chương này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm…thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm;

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp có tổ chức; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn; Phạm tội nhiều lần; Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước; Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt; Của hối lộ có giá trị từ mười triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng; Gây hậu quả nghiêm trọng khác thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm;

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp hối lộ có giá trị từ ba trăm triệu đồng trở lên; Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình”.

Trước đó, Theo tờ Yomiuri Shimbun, thứ ba tuần trước 18/3, Chủ tịch Công ty Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) ông Tanio Kanikuma thừa nhận công ty mình đã “lại quả” tổng cộng 130 triệu Yên để dành được hợp đồng trong 5 dự án ODA tại Việt Nam, Uzbekistan và Indonesia.Trong đó, một nguồn tin cho Yomiuri Shimbun biết, JTC đã hối lộ 80 triệu Yên (khoảng 16,5 tỷ đồng theo tỷ giá hiện tại) cho một quan chức cấp cao tại một cơ quan có trách nhiệm quản lý dự án tại Đường sắt Việt Nam. Đổi lại, JTC trúng thầu một dự án ODA trị giá 4,2 tỷ Yên (~867 tỷ đồng).

Việc đưa tiền hối lộ được tiến hành khoảng 40 lần, trong thời gian từ năm 2008 đến 2012.

Theo phunutoday.vn

Nghi can vụ bắt cóc nam sinh đối mặt với hai tội danh

Với hành vi bắt cóc, tống tiền sau đó giết nạn nhân, nghi can vụ bắt cóc nam sinh ở TP HCM có thể đối mặt với hai tội danh.

Mới đây, Cơ quan công an quận Bình Tân phối hợp cùng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) đã bắt giữ đối tượng Nguyễn Kim An (SN 1995, quê Bình Định, ngụ tại quận Tân Bình, TP HCM) được coi là nghi can chính trong vụ bắt cóc, tống tiền, sát hại rồi vứt xác phi tang bạn mình là Lưu Vĩnh Đạt (SN 1996, quận Tân Bình, TP HCM).

Tại cơ quan điều tra Nguyễn Kim An khai nhận do nhầm tưởng gia đình bạn mình có nhiều tiền nên đã nảy sinh ý định bắt cóc nạn nhân Lưu Vĩnh Đạt nhằm chiếm đoạt tài sản.

Vào ngày 26/2, An rủ Đạt tới nhà trọ hỏi về lịch học rồi dùng thuốc ngủ để lừa nạn nhân uống. Sau khi uống, nạn nhân bị sốc thuốc nên nghi can Nguyễn Kim An đã trói chân, bỏ nạn nhân vào bao tải để thực hiện hành vi vứt xác phi tang. Sau đó, An dùng điện thoại nhắn tin tống tiền gia đình Đạt.

Trao đổi về vấn đề này, luật sư Nguyễn Văn Nguyên – Giám đốc Công ty Luật Hưng Nguyên, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng: “Thời điểm vứt xác, nạn nhân Lưu Vĩnh Đạt chưa tử vong nhưng An vẫn vứt nạn nhân xuống sông Sài Gòn. Như vậy, đây là hành vi được thực hiện với lỗi cố ý gây nên cái chết cho nạn nhân Lưu Vĩnh Đạt. Hơn nữa, động cơ và mục đích của Nguyễn Kim An giết nạn nhân để chiếm đoạt tài sản (chiếc xe máy, điện thoại của nạn nhân) thuộc trường hợp giết người vì động cơ đê hèn. Hành vi này của Nguyễn Kim An đã phạm tội giết người theo quy định tại đểm q khoản 1, điều 93 BLHS – giết người vì động cơ đê hèn.

Mặc dù đã giết và phi tang vứt xác nạn nhân nhưng Nguyễn Kim An vẫn nhắn tin đòi tiền chuộc của gia đình nạn nhân, hành vi đó đã thể hiện ý chí muốn thực hiện đến cùng hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản. Hành vi này của Nguyễn Kim An đã đủ yếu tố cấu thành tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 134 BLHS.

Theo tôi, để không bỏ lọt tội phạm hoặc oan sai thì cơ quan điều tra cần chứng minh lời khai của Nguyễn Kim An tại cơ quan điều tra là đúng sự thật khách quan của vụ án và phù hợp với các chứng cứ có trong vụ án”.

Điều 134. Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản

1. Người nào bắt cóc người khác làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;

đ) Đối với trẻ em;

e) Đối với nhiều người;

g) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người bị bắt làm con tin mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%;

h) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

i) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười năm đến mười tám năm:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người bị bắt làm con tin mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%;

b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người bị bắt làm con tin mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm chết người;

b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.

Hưng Nguyên (theo phunutoday.vn)

Vụ “nhân bản xét nghiệm”: Phạt cảnh cáo không có trong điều luật

“Không có quy định về hình phạt cảnh cáo đối với người phạm tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại điều 285, Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009”, luật sư Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc công ty luật Hưng Nguyên, Đoàn luật sư TP Hà Nội khẳng định.

Ông Nguyễn Trí Liêm (ngoài cùng bên trái) và các bị cáo trong vụ án

Trước đó, ngày 7/3 TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án nhân bản kết quả xét nghiệm xảy ra tại bệnh viện đa khoa Hoài Đức. Tại phiên tòa hầu hết các bị cáo đều tỏ ra ăn năn và mong muốn được giảm án để sớm lại cuộc đời và hòa nhập cộng đồng.

Riêng nguyên giám đốc BVĐK Hoài Đức Nguyễn Trí Liêm thì cho rằng: “Bị cáo đã làm đúng trách nhiệm, không như cáo trạng truy tố và kết luận điều tra của cơ quan công an”. Người bào chữa cho bị cáo Liêm, luật sư Lê Văn Thiệp nhận định: Bị cáo Liêm bị truy tố tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo như cáo trạng là không có cơ sở, không có căn cứ.”

Trong khi đó người giữ quyền công tố khẳng định việc cơ quan công an truy tố bị cáo Liêm là có căn cứ. Việc để xảy ra tình trạng in khống diễn ra trong 10 tháng thì trách nhiệm phải thuộc về người đứng đầu cơ quan.  Do đó Viện kiểm sát giữ quan điểm truy tố bị cáo Liêm tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và đề nghị mức án từ 12-15 tháng cải tạo không giam giữ.

Chiều ngày 7/3 HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Trí Liêm hình phạt cảnh cáo cho tội danh trên. Bị cáo Nguyễn Thị Nhiên – nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức bị tuyên 10 tháng cải tạo không giam giữ. Bị cáo Vương Thị Kim Thành-nguyên Trưởng khoa Xét nghiệm: 12 tháng tù giam. Các bị cáo: Nguyễn Thị Ngà; Nguyễn Thị Thu Trang; Nguyễn Thị Hồng Nhung; Nguyễn Đông Sơn: 6 tháng tù treo. Các bị cáo: Vương Thị Lan và Nguyễn Thị Xuyên 8 tháng tù treo

Trao đổi với Seatimes về mức án mà Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã tuyên với các bị cáo, luật sư Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc công ty luật Hưng Nguyên, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết: “Vụ án nhân bản kết quả xét nghiệm xảy ra ở bệnh viện đa khoa Hoài Đức gây xôn xao dư luận trong thời gian vừa qua. Hành vi của các bị cáo gây thiệt hại không lớn chỉ hơn 16 triệu đồng, các bị cáo chiếm đoạt tiền bảo hiểm y tế, chưa gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của con người, nhưng gây nhiều dư luận xấu trong xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của bệnh viện Hoài Đức nói riêng và uy tín của đội ngũ y, bác sỹ nói chung. Tòa án đưa vụ án ra xét xử một cách kịp thời được dư luận ủng hộ, việc xét xử vụ án này cũng là hình thức giáo dục, răn đe cho những ai vì lợi ích mà bất chấp pháp luật để phạm tội.

Nói về hình phạt cảnh cáo dành cho bị cáo Nguyễn Trí Liêm, nguyên giám đốc bệnh viện đa khoa Hoài Đức, luật sư Nguyên cho rằng: Giám đốc Bênh viện có lỗi trong việc để nhân viên tự ý sao, ký khống các bản xét nghiệm vì thế ông ấy phải chịu TNHS về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo điều 285 BLHS là đúng. Tuy nhiên khi lượng hình, tòa án còn cân nhắc ở các tình tiết giảm nhẹ, thái độ thành khẩn khai báo, thái độ hợp tác của bị cáo, nhân thân bị cáo, hoàn cảnh phạm tội để quyết định hình phạt đối với bị cáo.

Không có quy định về hình phạt cảnh cáo đối với người phạm tội quy định tại điều 285. Tuy nhiên theo quy định tại điều 47 BLHS về quyết định hình phạt nhẹ hơn quy định của bộ luật thì việc tòa áp dụng điều 29 để phạt cảnh cáo đối với bị cáo Nguyễn Trí Liêm , Tòa án cần phải nêu rõ lý do và phải ghi trong bản án.”

Theo hồ sơ vụ án, ngày 5/6/2013, Cơ quan cảnh sát điều tra – Công an TP Hà Nội nhận được đơn của bà Hoàng Thị Nguyệt – nhân viên Khoa xét nghiệm, bà Khuất Thị Định – nhân viên Khoa sản và bà Phan Nam Đông – nhân viên khoa Liên chuyên khoa Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức, TP Hà Nội, tố cáo “Nguyễn Trí Liêm – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức để các bộ phận xét nghiệm ngoại trú lấy mẫu máu của bệnh nhân nhưng không làm xét nghiệm mà vứt bỏ đi rồi tự in ra nhiều kết quả xét nghiệm từ một mẫu máu khác để gắn trả cho người bệnh. Số lượng người bệnh bị lừa dối lên đến hàng nghìn người”.

Cơ quan cảnh sát điều tra vào và kết luận vụ việc: từ 1/8/2012 đến ngày 31/5/2013 các bị cáo đã lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao để thực hiện xét nghiệm huyết học không đúng quy định; làm xét nghiệm huyết học rồi tự ký vào các phiếu xét nghiệm trả kết quả cho các bệnh nhân và đưa vào hồ sơ thanh tóan bảo hiểm y tế tổng số 789 kết quả xét nghiệm huyết học khống, gây thiệt hại cho Bảo hiểm xã hội huyện Hoài Đức – Bảo hiểm TP Hà Nội hơn 16,5 triệu đồng.

Tuy thiệt hại về mặt vật chất không lớn, kết quả điều tra chưa phát hiện các kết quả xét nghiệm trên được dùng vào việc điều trị, chưa xác định có bệnh nhân nào, nhưng hành vi của các bị can gây ảnh hưởng lớn đến uy tín, đạo đức nghề nghiệp, làm giảm lòng tin của quần chúng nhân dân đối với đội ngũ y, bác sĩ.

Điều 285. Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng 
1. Người nào vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây hậu quả nghiêm trọng, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 144, 235 và 301 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm.
3. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Điều 29. Cảnh cáo 
Cảnh cáo được áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, nhưng chưa đến mức miễn hình phạt.

Theo seatimes.com.vn

Sập cầu ở Lai Châu: Có thể khởi tố 1 trong 3 tội danh

(Seatimes) “Trường hợp nguyên nhân sập cầu từ yếu tố thiếu trách nhiệm, hành vi tiêu cực trong thẩm định, thiết kế, thi công, duy tu, sửa chữa công trình cầu treo của chủ đầu tư, bên thi công, thẩm định thiết kế thì tùy theo hành vi vi phạm, có thể khởi tố, điều tra về 1 trong 3 tội danh”, luật sư Nguyễn Văn Nguyên chia sẻ.

Sau 4 ngày điều tra, Tổ công tác kỹ thuật của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã ban đầu xác định nguyên nhân sập cầu treo Chu Va 6 là do bị đứt ắc neo tăng đơ tại đầu neo cáp, đầu cầu hướng bản Chu Va 8, phía thượng lưu cầu dẫn đến mất khả năng chịu lực của cáp chủ thượng lưu, gây lật mặt cầu, hất người đi trên cầu xuống suối.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lai Châu đang khẩn trương tiến hành khám nghiệm hiện trường, thu thập chứng cứ, tang vật để củng cố hồ sơ xem xét việc khởi tố vụ án.

Sập câu treo ở Lai Châu có thể khởi tố vụ án

Trả lời trên Seatimes về vụ việc này luật sư Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc công ty luật Hưng Nguyên, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết: “Vụ việc sập cầu treo ở bản Chu Va 6, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu vào ngày 24/02/2014 là một sự việc rất đau lòng, gây ra cái chết cho nhiều người và làm xôn xao trong dư luận về chất lượng công trình xây dựng và trách nhiệm cá nhân.”

“Hiện tại các cơ quan chức năng đang tích cực điều tra xác minh vụ việc sập cầu treo. Trường hợp nguyên nhân sập cầu từ yếu tố thiếu trách nhiệm, hành vi tiêu cực trong thẩm định, thiết kế, thi công, duy tu, sửa chữa công trình cầu treo của chủ đầu tư, bên thi công, thẩm định thiết kế thì tùy theo hành vi vi phạm, có thể khởi tố, điều tra về một trong các tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 285 Bộ luật hình sự), tội Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 229) hoặc tội Vi phạm về duy tu, sửa chữa, quản lý các công trình giao thông” (Điều 220).

Được biết các tội danh này có khunh hình phạt từ 3 năm đến 20 năm tù.

Trước đó trả lời phóng viên Seatimse về trách nhiệm bồi thường thiệt hai cho nạn nhân vụ sập cầu treo ở Lai Châu luật sư Phạm Thị Hương, Công ty luật Song Thanh đã phân tích: “Theo quy định tại Điều 627, Bộ luật dân sự thì: Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại, nếu để nhà cửa, công trình xây dựng khác đó bị sụp đổ, hư hỏng, sụt lở gây thiệt hại cho người khác, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng.”

Và sẽ được bồi thường theo quy định về bồi thường thiệt hại ngoài Hợp đồng tại Chương XXI, Bộ luật dân sự và  Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08 tháng 7 năm 2006 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Nếu con ốc neo cầu bị gãy không phải do nguyên nhân quá tải trọng thì cần phải bồi thường thiệt hại cho người dân một cách thỏa đáng, đồng thời xem xét đến việc xử lý trách nhiệm của cá nhân, đơn vị có liên quan.”

Như đã đưa tin khoảng 8h30 phút ngày 24/2 trong khi nhân dân bản Chu Va 6 và vùng lân cận thuộc xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu đang tổ chức tang lễ đưa thi hài đến giữa cầu treo dân sinh Chu Va 6 nối hai bản Chu Va 6 và Chu Va 8 thì xảy ra sự cố sập cầu hất văng nhiều người dự tang lễ xuống suối. Hậu quả, 9 người chết và 37 người bị thương.

Mời quý vị xem video

Theo (seatime.com.vn)

Vụ sập cầu tại Lai Châu: Có thể khởi tố vụ án?

“Nếu có tiêu cực hoặc có dấu hiệu thiếu trách nhiệm của chủ đầu tư, đơn vị thi công, tư vấn giám sát thì phải xử lý nghiêm các cá nhân có liên quan và phải truy tố TNHS nếu các hành vi đó đủ yếu tố cầu thành tội phạm theo quy định của BLHS đối với tội danh tương ứng mà họ phạm tội”.

Đó là chia sẻ của luật sư Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc công ty luật Hưng Nguyên, Đoàn luật sư TP Hà Nội về trách nhiệm của cơ quan tổ chức để xảy ra vụ sập cầu treo Lai Châu làm nhiều người thương vong.

Luật sư Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc công ty luật Hưng Nguyên
Luật sư Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc công ty luật Hưng Nguyên

Luật sư Nguyễn Văn Nguyên phân tích: “Vụ việc sập cầu treo ở bản Chu Va 6, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu vào ngày 24/02/2014 là một sự việc rất đau lòng, gây ra cái chết cho nhiều người và làm xôn xao trong dư luận về chất lượng công trình xây dựng và trách nhiệm cá nhân.

Thiết nghĩ các cơ quan có chức năng thuộc Bộ GTVT, Sở GTVT tỉnh Lai Châu, cơ quan Công an cần sớm phối hợp điều tra làm rõ nguyên nhân sự việc để xác định trách nhiệm của các bên có liên quan, kịp thời xác định trách nhiệm để bồi thường thỏa đáng cho gia đình và người bị nạn.”

Luật sư Nguyên cho rằng: “Nếu quá trình điều tra xác định có dấu hiệu việc thi công không đảm bảo yêu cầu chất lượng, không đúng kết cấu tải trọng, không đúng quy trình, quá trình thẩm định, giám sát thi công có dấu hiệu tiêu cực, nếu có tiêu cực hoặc có dấu hiệu thiếu trách nhiệm của chủ đầu tư, đơn vị thi công, tư vấn giám sát thì phải xử lý nghiêm các cá nhân có liên quan và phải truy tố trách nhiệm hình sự nếu các hành vi đó đủ yếu tố cầu thành tội phạm theo quy định của Bộ luật hình sự đối với tội danh tương ứng mà họ phạm tội.

Trường hợp xác định nguyên nhân sập cầu từ yếu tố kỹ thuật và thiếu tránh nhiệm của chủ đầu tư, đơn vị thi công thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho gia đình và những người bị nạn thuộc về chủ đầu tư xây dựng công trình, nghĩa vụ liên đới bồi thường thuộc về đơn vị thi công, đơn vị khảo sát thiết kế và giám sát thi công”

Như đã đưa tin, trước đó vào khoảng 8h sáng ngày 24/2 một đám tang qua cầu treo tại bản Chu Va 6, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu thì cầu bất ngờ đứt cáp, khiến hàng chục người rơi xuống suối. Do đang là mùa khô, suối cạn nước, dưới lòng suối toàn đá tảng nên hậu quả vụ tai nạn rất nặng nề. 9 người đã thiệt mạng, trong số 37 người bị thương đang nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu và Bệnh viện Đa khoa huyện Tam Đường có 28 người bị thương nặng.

Được biết cây cầu treo xảy ra tai nạn vừa được đưa vào sử dụng hơn một năm nay, cầu có chiều dài hơn 50, cao gần 10m.

Ngày 25/2, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã chỉ đạo thành lập tổ điều tra độc lập để tìm hiểu nguyên nhân vụ sập cầu treo. Nói về nguyên nhân ban đầu của sự việc sập cầu trên, Vụ phó Vụ Kết cấu hạ tầng – Ông Trần Quốc Toản cho rằng: “Nguyên nhân đứt ốc neo là do tăng đơ và cáp không đồng bộ. Qua khảo sát tại hiện trường, do không có bảo vệ tăng đơ nên bộ phận này rất dễ bị gỉ sét, qua thời gian rất dễ bị bào mòn, ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Thêm nữa việc bảo trì công trình cũng chưa được thực hiện thường xuyên nên không đưa ra cảnh báo kịp thời cho người dân để tránh hậu quả đáng tiếc như trên”.

Theo Seatimes