Chế định ly thân – thêm một lựa chọn cho tình trạng hôn nhân

0
Có 2,016 lượt xem
Công ty luật tại Hà Nội – Ly thân là một trong 4 vấn đề được Bộ Tư pháp đề xuất đưa vào dự án sửa đổi, bổ sung Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000. Đề xuất này đã nhận được sự đồng tình của đại diện nhiều bộ, ngành, nhất là cơ quan làm công tác xét xử tại địa phương. Tuy nhiên, quy định như thế nào thì còn nhiều ý kiến khác nhau.

Ly thân không phải vấn đề mới

Ngoài việc yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn, khi vợ chồng có mâu thuẫn nghiêm trọng mà không thể hòa giải thì trong thực tế có một giải pháp khác đã được nhiều người lựa chọn đó là ly thân. Tuy nhiên, khi vợ, chồng yêu cầu, Tòa án không thể thụ lý do Luật Hôn nhân và Gia đình 2000 không quy định về ly thân. Vì thế, các tranh chấp giữa vợ và chồng về tài sản của họ và về việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con không được giải quyết. Bên cạnh đó, cũng không ít những vấn đề pháp lý nảy sinh nhưng không có cơ chế pháp lý để giải quyết như: quyền lợi của con không được bảo đảm; khó khăn trong việc xác định quyền và nghĩa vụ của vợ chồng đối với những tài sản do một bên tạo ra trong thời kỳ ly thân cũng như đối với những giao dịch do một bên thực hiện trong thời gian này…

Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự – Kinh tế, Bộ Tư pháp Dương Đăng Huệ cho biết, trong thực tiễn lập pháp, ly thân không phải là vấn đề mới ở Việt Nam. Chế định này đã được quy định trong pháp luật ở Việt Nam dưới thời Pháp thuộc và ở miền Nam (Luật Gia đình năm 1959, Sắc luật 15/64 năm 1964 và Bộ dân luật Sài Gòn 1972). Hơn nữa, trong bối cảnh Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 không quy định về ly thân, nhưng xuất phát từ thực tiễn giải quyết tranh chấp giữa vợ và chồng, TANDTC đã đưa ra một số hướng dẫn cho các cấp Tòa án thực hiện về vấn đề này. Cụ thể, tại Hội nghị Tổng kết công tác ngành Tòa án năm 1995, TANDTC đã có kết luận:“Luật Hôn nhân và Gia đình không quy định Tòa án thụ lý và giải quyết yêu cầu ly thân, nhưng Điều 18 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định, khi hôn nhân tồn tại, nếu một hoặc các bên yêu cầu và có lý do chính đáng thì có thể chia tài sản chung vợ chồng. Trong trường hợp này thông thường quan hệ vợ chồng đã rạn nứt, các đương sự thực tế đã ly thân. Khi chia tài sản nếu họ đặt vấn đề Tòa án xác nhận tình trạng ly thân thì Tòa án có thể xác nhận. Nếu các đương sự chỉ đơn thuần xin ly thân thì Tòa án giải thích cho họ tự định đoạt mà không thụ lý giải quyết cho ly thân hay không”.Ông Huệ nhấn mạnh, việc bổ sung chế định ly thân bên cạnh chế định ly hôn sẽ cho phép vợ chồng có sự lựa chọn giải pháp phù hợp với tình trạng Hôn nhân – Gia đình của họ, tránh trường hợp khi có mâu thuẫn mà không thể chung sống với nhau, vợ chồng chỉ có duy nhất một cách là chấm dứt hôn nhân.

Chọn phương án nào?

Đồng tình với việc luật hóa vấn đề hôn nhân, song những vấn đề liên quan đến chế định này như thẩm quyền giải quyết, thủ tục giải quyết, hậu quả pháp lý lại không hề đơn giản, nhất là việc phân chia tài sản, trách nhiệm cấp dưỡng, quan hệ giữa các thành viên khác trong gia đình.

Liên quan đến thẩm quyền giải quyết ly thân, hiện có 2 phương án được đưa ra: ly thân được giải quyết theo thủ tục tố tụng tại Tòa án (trong tất các các trường hợp). Phương án 2: chia làm 2 trường hợp: vợ chồng thuận tình ly thân và không có tranh chấp về tài sản, con, thì việc ly thân được công nhận tại cơ quan đăng ký hộ tịch; trường hợp một bên yêu cầu về ly thân hoặc có tranh chấp về tài sản và con khi ly thân thì việc ly thân được giải quyết theo thủ tục tố tụng tại Tòa án. Phương án 2 có ưu điểm là sẽ đơn giản hóa việc giải quyết ly thân, giảm tải công việc cho các Tòa án, nhất là khi chưa có thủ tục rút gọn tại Tòa án. Tuy nhiên, giải pháp này tiềm ẩn những rủi ro. Bởi, ly thân kéo theo những hậu quả về con chung, tài sản. Những thỏa thuận của vợ chồng khi ly thân có đảm bảo quyền lợi của con, lợi ích của gia đình và của người thứ 3? Việc đánh giá những vấn đề này không hề đơn giản và chắc chắn sẽ là khó khăn lớn đối với các cán bộ hộ tịch – người chỉ có chuyên môn về công tác hộ tịch.

Đối với hậu quả pháp lý của ly thân, nhiều ý kiến cho rằng về nguyên tắc, ly thân chỉ giải quyết việc không sống chung của vợ chồng và giải quyết các vấn đề về tài sản và con, mà không làm chấm dứt quan hệ hôn nhân. Luật cần quy định rõ các quyền và nghĩa vụ của vợ chồng trong thời kỳ ly thân, tránh tình trạng hiểu lầm là khi ly thân, vợ chồng tạm thời chấm dứt các quyền và nghĩa vụ đối với nhau. Về chế độ tài sản của vợ chồng, việc ly thân sẽ làm chấm dứt chế độ tài sản chung mà trước đó vợ chồng đã lựa chọn áp dụng và họ sẽ tuân theo một chế độ tách riêng tài sản. Bên cạnh những vấn đề trên, Luật cần dự liệu về việc chấm dứt ly thân để giải quyết khi vợ chồng tái hợp hoặc quyết định ly hôn. Đại diện Sở Tư pháp Đồng Tháp cho rằng, cần xác định thế nào là ly thân và thời gian ly thân là bao lâu thì mới được xem là cơ sở để nhận định đời sống chung của vợ chồng không thể kéo dài được; đồng thời phải quy định rõ tài sản chung, tài sản riêng; nghĩa vụ dân sự của vợ chồng trong thời gian ly thân; cấp dưỡng sau ly thân…

Đồng tình với việc đưa chế định chế độ ly thân trong lần sửa đổi, bổ sung Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000, song đại diện Viện Khoa học kiểm sát, VKSNDTC cho rằng, phải đặc biệt chú trọng tới sự thỏa thuận có tính riêng tư của vợ, chồng. Vợ chồng có thể thỏa thuận ly thân hoặc chấm dứt ly thân. Các thỏa thuận này phải lập thành văn bản và được Tòa án công nhận. Không nên quy định giải quyết vụ việc ly thân ở Tòa án, với nhiều thủ tục phức tạp, vừa dễ tạo tư tưởng như đã ly hôn vừa không giữ được bí mật đời tư của vợ, chồng. Trong trường hợp vợ chồng chỉ thỏa thuận ly thân mà không thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ, chồng, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của vợ, chồng đối với nhau và đối với con cái thì áp dụng quy định của pháp luật.

Phạm Tú Anh (Liên đoàn luật sư Việt Nam)
Luật sư tại Hà Nội, văn phòng luật sư tại hà nội, công ty luật tại hà nội,