(VBF) – Trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật trợ giúp pháp lý, giúp người được trợ giúp pháp lý bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; góp phần vào việc phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo vệ công lý, bảo đảm công bằng xã hội, phòng ngừa, hạn chế tranh chấp và vi phạm pháp luật.
Với ý nghĩa và mục tiêu quan trọng của trợ giúp pháp lý, kể từ khi thành lập cho đến nay Liên đoàn luật sư Vệt Nam đã không ngừng có những định hướng, những biện pháp nhằm thúc đây các tổ chức trong Liên đoàn và Đoàn luật sư các tỉnh, thành phố trong toàn quốc đẩy mạnh công tác trợ giúp pháp lý, đưa hoạt động trợ giúp pháp lý đến với người dân, để người dân hiểu và đặt niềm tin vào trợ giúp pháp lý.
Trong năm 2012, Trung tâm tư vấn pháp luật Liên đoàn luật sư Việt Nam đã tổ chức thành công nhiều buổi trợ giúp pháp lý lưu động trong đó phải kể đến Ngày tư vấn pháp luật miễn phí cho cộng đồng tại tỉnh Quảng Ninh 14/09/2012
Dưới sự chỉ đạo của Liên đoàn luật sư Việt Nam, Đoàn luật sư các tỉnh, thành phố cũng không ngừng khuyến khích các tổ chức hành nghề luật sư, các luật sư thành viên tham gia công tác trợ giúp pháp lý.
Xác định Trợ giúp pháp lý là nghĩa vụ cao quý của luật sư, trong những năm qua các luật sư thành viên của Đoàn luật sư các tỉnh, thành phố đã rất tích cực hưởng ứng các hoạt động trợ giúp pháp lý trên nhiều lĩnh vực. Đó có thể là trợ giúp pháp lý trong các vụ án, đó có thể là đại diện ngoài tố tụng, đó có thể là trợ giúp pháp lý lưu động…
Riêng ở Hà Nội, theo con số thống kê của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước TP Hà Nội tính đến thời điểm hiện nay đã có hơn 300 luật sư của Đoàn luật sư TP Hà Nội tham gia với tư cách là luật sư Cộng tác viên của Trung tâm. Họ đều là những luật sư rất tâm huyết với công tác trợ giúp pháp lý. Đó là chưa kể số lượng luật sư tham gia vào các tổ chức xã hội khác có thực hiện các hoạt động trợ giúp pháp lý như Hội luật gia; trung tâm tư vấn pháp luật Liên đoàn luật sư Việt Nam; Hội bảo trợ tư pháp cho người nghèo…
Có thể nói luật sư tham gia trợ giúp pháp lý là một hoạt động có tính nhân văn, được xã hội thừa nhận.
Trong lĩnh vực tham gia tố tụng: Luật sư tham gia trợ giúp pháp lý với tư cách là người bào chữa cho các bị can, bị cáo người bị tạm giữ trong các vụ án Hình sự hoặc là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự trong các vụ án Dân sự, Hành chính, Lao động, Ly hôn, người bị hại trong các vụ án hình sự.Họ là những người thuộc diện được trợ giúp pháp lý.
Ngoài ra luật sư cũng trợ giúp pháp lý cho người chưa thành niên; người có nhược điểm về thể chất tâm thần; người có khung hình phạt cao nhất là tử hình theo quy định tại Điều 57 Bộ luật tố tụng hình sự… theo sự phân công của Trung tâm trợ giúp pháp lý, Đoàn luật sư và Tổ chức hành nghề luật sư trên cơ sở yêu cầu trợ giúp pháp lý của người thuộc diện trợ giúp pháp lý hoặc của Cơ quan tiến hành tố tụng.
Có luật sư tham gia trợ giúp pháp lý, quyền và lợi ích hợp pháp của các bị can, bị cáo, người bị tạm giữ, bị hại và các đương sự trong các vụ án được đảm bảo hơn. Đây là điều mà chính các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng cũng phải thừa nhận.
Trong lĩnh vực đại diện ngoài tố tụng: Luật sư sẽ cùng người dân hoặc thay mặt người dân – những đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý để làm việc với các cá nhân, tổ chức, cơ quan nhà nước có thẩm quyền để giải quyết các vụ việc liên quan đến việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Thông thường, luật sư tham gia đại diện ngoài tố tụng thể hiện trong các lĩnh vực như Hành chính, Lao động, Khiếu nại…
Trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý lưu động: Luật sư sẽ cùng một số các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý như Trung tâm trợ giúp pháp lý, các Chi nhánh trợ giúp pháp lý, Đoàn luật sư; Hội luật gia… đi về các địa phương để trực tiếp tuyên truyền, tư vấn pháp luật cho người dân để người dân hiểu và tuân theo pháp luật. Luật sư có thể làm Báo cáo viên giảng giải những vấn đề pháp luật mà người dân quan tâm trong các buổi tuyên truyền đó.
Có thể nói, thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý, luật sư đã đem đến cho người dân những thông tin pháp luật hữu ích, giải đáp những thắc mắc, giúp người dân hiểu hơn về các trình tự, thủ tục hành chính cần thiết khi giải quyết công việc, tránh việc đi lại nhiều lần dẫn đến tốn kém thời gian, tiền bạc và công sức của người dân, những người được trợ giúp pháp lý. Những vụ việc của họđược những luật sư trợ giúp pháp lý tư vấn, đại diện, kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết vụ việc nhanh chóng, đúng pháp luật, góp phần rất lớn vào công cuộc cải cách hành chính ở nước ta hiện nay.
Trong một số trường hợp, bằng sự trợ giúp pháp lý của mình, luật sư còn giúp chính quyền giải tỏa những vụ việc vướng mắc pháp luật, giải quyết những bất cập giữa chính quyền với dân trong đời sống hằng ngày tại địa phương, giữ gìn sự đoàn kết trong cộng đồng, giảm bớt các khiếu kiện vượt cấp, góp phần tạo niềm tin của nhân dân với chính quyền, làm cho người dân luôn “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”./.