Bỏ Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy, thay thế bằng cách nào?

0
Có 933 lượt xem

Bộ Công an vừa gửi Bộ Tư pháp thẩm định dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung các nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính hoặc cung cấp dịch vụ công.

Theo Bộ Công an, việc yêu cầu người dân xuất trình các giấy tờ như sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hoặc yêu cầu trong hồ sơ phải chứng thực các giấy tờ chứng minh thông tin cá nhân, thông tin nơi cư trú trong khi thông tin cá nhân, thông tin nơi cư trú đã có trong cơ sở dữ liệu chuyên ngành được kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là gây lãng phí, phiền hà cho người dân.

Theo dự thảo, cơ quan hoặc cán bộ được giao trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính hoặc cung cấp dịch vụ công không được yêu cầu công dân phải nộp, xuất trình giấy tờ để chứng minh thông tin về cư trú.

Ngày 31/12/2022 tới đây, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy sẽ không còn giá trị sử dụng. Thay thế cho 2 loại giấy tờ này là 05 cách cách thức để khai thác, sử dụng thông tin về cư trú trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư:

  • Sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chip như giấy tờ pháp lý chứng minh thông tin về cá nhân, nơi thường trú; sử dụng thiết bị đọc mã QRCode trên thẻ căn cước công dân gắn chip; sử dụng thiết bị đọc chip trên thẻ căn cước công dân.
  • Tra cứu, khai thác thông tin cá nhân trực tuyến trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư qua cổng dịch công để sử dụng khi thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công và các giao dịch dân sự.
  • Sử dụng ứng dụng VNeID hiển thị các thông tin trên các thiết bị điện tử để phục vụ giải quyết các thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công và các giao dịch dân sự.

Theo đó, các cơ quan Nhà nước có thể sử dụng tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng VNEID là giấy tờ pháp lý chứng minh thông tin về cá nhân, nơi thường trú của công dân. Cụ thể, tài khoản định danh điện tử có hai mức độ. Mức độ 1 bao gồm các thông tin số định danh cá nhân, họ tên, ngày/ tháng/ năm sinh, giới tính và ảnh chân dung. Mức độ 2 bao gồm các thông tin như mức độ 1 và vân tay. Trong đó, tài khoản mức độ 2 do đã tích hợp dấu vân tay, người dân có thể sử dụng tài khoản định danh điện tử tương đương như việc sử dụng thẻ căn cước công dân (CCCD) hoặc tương đương hộ chiếu với trường hợp là người nước ngoài, khi thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình thẻ CCCD. Ngoài ra, tài khoản mức độ 2 còn có giá trị cung cấp thông tin trong các loại giấy tờ của công dân đã được đồng bộ trên cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia (trong đó có sổ hộ khẩu) để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối chiếu khi thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình giấy tờ đó.

Để đăng ký tài khoản định danh mức độ 2, công dân cần có CCCD gắn chíp. Tiếp đó, công dân đến Công an xã, phường, thị trấn hoặc nơi làm thủ tục cấp thẻ CCCD để làm thủ tục cấp tài khoản định danh điện tử mức 2. Tại đây, công dân xuất trình thẻ CCCD gắn chíp, cung cấp thông tin về số điện thoại hoặc địa chỉ thư điện tử và đề nghị bổ sung thông tin được tích hợp vào tk định danh điện tử. Cán bộ tiếp nhận nhập thông tin công dân cung cấp vào hệ thống định danh và xác thực điện tử; chụp ảnh chân dung, thu nhận vân tay của công dân đến làm thủ tục để xác thực với Cơ sở dữ liệu CCCD và khẳng định sự đồng ý đăng ký tạo lập tài khoản.

  • Sử dụng giấy xác nhận thông tin về cư trú
  • Sử dụng thông báo số định danh cá nhân và thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

Nếu được thông qua và ban hành, nghị định này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2023.

 Luật sư Hưng Nguyên – Công ty Luật TNHH Hưng Nguyên

Địa chỉ: Số 14N2, ngõ 90 Nguyễn Tuân, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội .                                

Hotline: 098 775 6263

Email: Congtyluathungnguyen@gmail.com

Website: https://congtyluathungnguyen.com