Trách nhiệm pháp lý vụ hai trẻ em bị nước cuốn trôi xuống công ở Bình Dương

ĐSPL) – Trong cùng ngày 6/9 tại Bình Dương đã xảy ra hai trường hợp: bé Lê Văn Mạnh (7 tuổi, quê Nghệ An, trú tại phường Tân Hiệp, thị xã Tân Uyên) và bé La Văn Tỷ (9 tuổi, quê An Giang, trú tại phường Thuận Giao, thị xã Thuận An) đã bị nước cuốn trôi xuống cống thoát nước. Hiện lực lượng cứu hộ vẫn chưa tìm thấy bé La Văn Tỷ.

 

Luật sư Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc Công ty Luật Hưng Nguyên, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.


Liên quan đến vụ việc này, Báo Đời sống và Pháp luật đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc Công ty Luật Hưng Nguyên, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội để làm rõ về trách nhiệm trong 2 vụ tai nạn đáng tiếc này.

Bàn về trách nhiệm trong 2 vụ việc này, Luật sư Nguyễn Văn Nguyên cho biết: “Đây là những vụ tai nạn làm chết 2 cháu bé rất thương tâm. Từ thông tin báo chí cung cấp thì chúng ta đã thấy được nguyên nhận dẫn đến cái chết của các cháu đã bị nước cuốn vào các miệng cống (hay gọi là miệng hố ga) không được đậy nắp, không được che chắn, cảnh báo, vốn rất nguy hiểm trong những ngày thường và trở thành những cái bẫy chết người. Trong một ngày tại Bình Dương xẩy ra 2 trường hợp chết người rất thương tâm. Để xác định trách nhiệm trực tiếp và bồi thường thiệt hại cho gia đình các cháu bé không may này thì cơ quan chức năng cần kịp thời điều tra làm rõ đơn vị nào là chủ đầu tư, đơn vị nào thi công, làm rõ các vi phạm của đơn vị thi công, sự thiếu trách nhiệm, buông lỏng giám sát, quản lý của chủ đầu tư đối với đơn vị thi công, không cảnh bảo nguy hiểm, rào chắn các hố ga đó. Trong trường hợp này cả chủ đầu tư và đơn vị thi công, đơn vị được giao trách nhiệm quản lý, bảo trì công trình phải có nghĩa vụ liên đới bồi thường thiệt hại về tính mạng, tài sản,tinh thần và các thiệt hại hợp lý khác cho gia đình các cháu bé bị nạn. Căn cứ kết quả điều tra, tùy thuộc vào lỗi, hành vi và hậu quả của vi phạm, cơ quan chức năng có thể xử phạt vi phạm hành chính hoặc nếu có căn cứ khởi tố vụ án hình sự thì chuyển cơ quan điều tra để điều tra theo quy định của bộ luật hình sự và bộ luật TTHS 2003.”

Luật sư Nguyên cho biết thêm: “Trong các vụ việc trên thì trách nhệm liên đới bồi thường thiệt hại cho gia đình các cháu bị nạn là chủ đầu tư, đơn vị thi công, đơn vị được giao trách nhiệm quản lý, bảo trì công trình.”

Lực lượng cứu hộ trong cuộc tìm kiếm bé La Văn Tỷ.


Trong thực tế, những vụ tai nạn đáng tiếc do cống thoát nước từ trước đến nay không phải là ít. Bình luận về tình trạng này, Luật sư Nguyễn Văn Nguyên nhận định:“Những vụ tai nạn giao thông có liên quan đến sập hố ga, ổ gà..ở nước ta khá nhiều, nhiều vụ việc đã gây hậu quả chết người, tuy nhiên trong mấy năm qua chưa được giải quyết triệt để, chưa xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân có liên quan dẫn đến dư luận bức xúc. Tôi nghĩ cần phải nâng cao trách nhiệm và đẩy mạnh giám sát đối với chủ đầu tư, đơn vị thi công và cơ quan quản lý nhà nước đối với các công trình giao thông. Xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm quy tắc an toàn trong xây dựng, thi công và quản lý công trình giao thông.”

MY VÂN

Trách nhiệm pháp lý trong vụ tai nạn giao thông ở Sapa

(ĐSPL) – 18 giờ 55 phút tại Km 19, xã Tòng Sanh, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai đã xảy ra vụ tai nạn thảm khốc khiến 12 người thiệt mạng và 41 người bị thương, Cảnh sát điều tra thuộc Công an tỉnh Lào Cai đang rất tích cực điều tra, làm rõ để sớm khởi tố án hình sự và làm rõ trách nhiệm của những người liên quan đến vụ tai nạn.

Luật sư Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc Công ty Luật Hưng Nguyên, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.  

Liên quan đến vụ việc, Báo Đời sống và Pháp luật đã có cuộc trao đổi, phỏng vấnLuật sư Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc Công ty Luật Hưng Nguyên, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội để làm rõ chi tiết về vụ tai nạn thảm khốc này.

Luật sư Nguyễn Văn Nguyên cho biết: Hiện vụ án sẽ sớm được Cơ quan điều tra tỉnh Lào Cai khởi tố để điều tra, vì thế cần phải đợi kết luận điều tra để làm rõ nguyên nhân, các lỗi vi phạm của tài xế, tổ lái xe và các bên có liên quan. Tuy nhiên, nếu thông tin tài xế xe khách chạy với tốc độ 38 km/h trên đường xuống dốc là đúng sự thật thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án vi phạm an toàn giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 202 Bộ luật hình sự và khởi tố bị can để điều tra. Những người phải chịu trách nhiệm hình sự gồm các thành viên trong tổ lái xe gây tai nạn gồm: lái chính, lái phụ, người lái xe trực tiếp điều khiển gây tai nạn. Căn cứ quy định tại điều 202 Bộ luật hình sư; tiết a, Điểm 4, Mục I Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự thì các bị can sẽ bị khởi tố, điều tra, xét xử theo Khoản 3, Điều 202 Bộ luật hình sự có thể sẽ bị đề nghị mức án với khung hình phạt cao nhất có thể lên đến mười lăm năm tù. Ngoài ra, người tội phạm và bên liên quan nếu có (Công ty TNHH MTV Minh Thành Phát nơi các bị can làm việc theo hợp đồng lao động) sẽ phải có nghĩa vụ liên đới bồi thường thiệt hại về tài sản, tính mạng, các chi phí khác theo quy định liên quan của Bộ luật dân sự 2005, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 và Bộ luật tố tụng dân sự 2004.

Đồng thời, trong vụ án này cần phải điều tra làm rõ quy trình quản lý, giám sát hành trình đón trả khách của công ty đối với nhân viên lái xe. Việc giao xe cho lái xe phụ điều khiển và chở quá số người quy định công ty có được biết không? Từ đó, sẽ quy trách nhiệm chính xác đối với công ty và những người trong tổ lái xe và người có liên quan. Theo quy định tại Điều 21, Nghị định 91/2009/NĐ-CP ngày 21/10/2009 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô thì công ty TNHH MTV Minh Thành Phát sẽ bị thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô vì những vi phạm gây nên hậu quả đặc biệt nghiêm trọng trong vụ tai nạn này.

Hiện trường vụ tai nạn thảm khốc ở Sapa. 


Luật sư Nguyên cho biết thêm: Hiện nay pháp luật hình sự Việt Nam không quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân như một số nước vì thế không có cơ sở để khởi tố hình sư đối với công ty Minh Thành Phát. Trong vụ án này, Công ty Minh Thành Phát chỉ có nghĩa vụ liên đới bồi thường thiệt hại dân sự bao gồm thiệt hại tính mạng, sức khỏe, tài sản và các khoản cho hành khách, thân nhân của người bị tử nạn. Nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho hành khách đi xe là bắt buộc đối với công ty kinh doanh vận tải hành khách. Trường hợp này, Công ty Minh Thành Phát và công ty bảo hiểm sẽ căn cứ vào các điều khoản, điều kiện bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm để xác định trách nhiệm, phạm vi bảo hiểm để thanh toán cho hành khách và thân nhân những người tử nạn.

Vụ tai nạn giao thông thảm khốc ở Sa Pa đã gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Một lần nữa cho thấy vấn đề tai nạn giao thông ở Việt Nam đang rất đáng báo động, hàng ngày, hàng giờ đã cướp đi tính mạng, sức khỏe, tài sản của rất nhiều người. Theo Luật sư Nguyễn Văn Nguyên, để giảm được những hậu quả đáng tiếc từ tai nạn giao thông Nhà nước cần:

– Đẩy mạnh biện pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giao thông, ý thức tuân thủ pháp luật giao thông cho người dân.

– Kiểm soát chặt chẽ các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô nói riêng và các phương tiện khác nói chung.

– Cần có thêm một chương trình bản tin giao thông trong chương trình thời sự 19 giờ mỗi buổi tối hàng ngày. Trong đó, tổng hợp những trường hợp vi phạm, những vụ tai nạn giao thông, tuyên truyền văn hóa tham gia giao thông và các quy định pháp luật về xử phạt, quy tắc tham gia giao thông để người dân ý thức được vấn đề quan trọng này, qua đó từng bước giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông.

MY VÂN

Mức án nào cho nguyên đại úy CSGT Suối Tre Đồng Nai bắn chết đồng đội

ĐSPL) –  Theo dự kiến, sáng nay, ngày 26/8, TAND tỉnh Đồng Nai sẽ xét xử sơ thẩm nguyên đại úy CSGT nổ súng gây thiệt mạng cho 1 người và làm bị thương 2 người xảy ra vào đêm 22/9/2013 tại trạm CSGT Suối Tre.

Liên quan đến vụ việc trên, báo Đời sống và Pháp luật đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc công ty luật Hưng Nguyên, Đoàn luật sư TP. Hà Nội để làm rõ hơn về mức án dành cho nguyên đại úy CSGT Ngô Văn Vinh (39 tuổi), nguyên đại úy công tác tại Trạm Cảnh sát giao thông (CSGT) Suối Tre (Đồng Nai).

PV: Thưa luật sư, luật sư có nhận định như thế nào về vụ việc nguyên đại úy CSGT nổ súng gây thiệt mạng cho 1 người và làm bị thương 2 người xảy ra vào đêm 22/9/2013 tại trạm CSGT Suối Tre?

Luật sư Nguyễn Văn Nguyên: Vụ việc cảnh sát giao thông Ngô Văn Vinh (39 tuổi), nguyên đại úy công tác tại Trạm Cảnh sát giao thông (CSGT) Suối Tre (Đồng Nai) nổ súng bắn chết  đồng đội là thiếu tá Trần Ngọc Sơn (Phó trạm CSGT Suối Tre, Đồng Nai) là một vụ án gây xôn xao dư luận trong nhiều tháng qua, hậu quả của nó cũng rất nghiêm trọng vì gây hậu quả chết người. Điều dư luận bàng hoàng là hành vi nổ súng giết chết thiếu tá Trần Ngọc Sơn của bị cáo Ngô Văn Vinh (nguyên đại úy CSGT trạm Suối Tre) lại xẩy ra ngay chính cơ quan công tác của bị hại và bị cáo. Nguyên nhân vụ án xuất phát từ hành vi có lỗi của chính người bị hại, chỉ vì những mâu thuẫn từ bên ngoài lúc đi ăn nhậu, hát karaoke, thế nhưng bị hại và bị cáo lại lựa chọn những hành xử rất không chuẩn mức, trái pháp luật và gây ra hậu quả như vụ án này thì thật là đáng để lên án.

PV: Luật sư có thể cho biết: Với hành vi trên, mức án mà nguyên đại úy Ngô Văn Vinh phải đối mặt là gì?

Luật sư Nguyễn Văn Nguyên: Hành vi của Ngô Văn Vinh đã bị Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai đề nghị Truy tố về Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh theo quy định tại điều 95 BLHS.

“1. Người nào giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Giết nhiều người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm”.

Trong vụ án này, bị cáo Ngô Văn Vinh gây nên cái chết cho người bị hại là Trần Ngọc Sơn, thuộc trường hợp quy định tại khoản 1, điều 95 BLHS, như vậy bị cáo Ngô Văn Vinh có thể phải đối mặt với mức án cao nhất là 3 năm tù.

Luật sư Nguyễn Văn Nguyên.

PV: Thưa luật sư, việc nổ súng gây chết người trong trạng thái bị kích động mạnh có được xem là căn cứ để giảm nhẹ mức án đối với nguyên đại úy Ngô Văn Vinh hay không?

Luật sư Nguyễn Văn Nguyên: Chính vì xác định lúc bị cáo Ngô Văn Vinh bị kích động mạnh về tinh thần nên đã nổ sung giết ông Trần Ngọc sơn, nên cơ quan công tố (VKS) mới đề nghị truy tố bị cáo Vinh về tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh theo điều 95 BLHS. Vì thế, hành vi nổ súng giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh của bị cáo Vinh sẽ không được xem là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Theo luật hình sự Việt Nam, chỉ các tình tiết giảm nhẹ được quy định tại điều 46 BLHS hoặc tình tiết giảm nhẹ khác do HĐXX xác định mới được xem là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo. Điều 46 BLHS. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:

“1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:

a) Người phạm tội đã ngăn chặn, làm giảm bớt tác hại của tội phạm;

b) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả;

c) Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng;

d) Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;

đ) Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người bị hại hoặc người khác gây ra;

e) Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra;

g) Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn;

h) Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng;

i) Phạm tội vì bị người khác đe doạ, cưỡng bức;

k) Phạm tội do lạc hậu;

l) Người phạm tội là phụ nữ có thai;

m) Người phạm tội là người già;

n) Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;

o) Người phạm tội tự thú;

p) Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải;

q) Người phạm tội tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện, điều tra tội phạm;

r) Người phạm tội đã lập công chuộc tội;

s) Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác.

2. Khi quyết định hình phạt, Toà án còn có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ trong bản án.

3. Các tình tiết giảm nhẹ đã được Bộ luật hình sự quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ trong khi quyết định hình phạt”.

PV: Qua vụ việc đã đặt ra những vấn đề đáng chú ý trong công tác quản lý vũ khí đối với CSGT hiện nay. Vậy, luật sư có chia sẻ gì về việc quản lý vũ khí đối với CSGT hiện nay?

Luật sư Nguyễn Văn Nguyên: Qua vụ án này, các cơ quan quản lý nhà nước về vũ khí quân dụng cần phải quản lý chặt chẽ việc bảo vệ, sử dụng súng các vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ, vật liệu nổ trong lực lượng CSGT nói riêng và trong các lực lượng được giao trách nhiệm quản lý, sử dụng vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ, vật liệu nổ nói chung. Cần phải kiểm soát chặt chẽ những vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ, vật liệu nổ không để chúng lọt vào tay kẻ xấu nếu không hậu quả rất khó lường.

Xin cảm ơn luật sư!

Các cán bộ bị thương đã nhanh chóng được đưa đi cấp cứu.

Trước đó, Vào khoảng 18h ngày 22/9, trong lúc đang trực tại Trạm giao thông Suối Tre, một số cán bộ, chiến sĩ đã nghe tiếng súng nổ tại một phòng ngủ của các chiến sĩ trong trạm liền chạy đến để xem xét. Tại đây, mọi người phát hiện 3 cán bộ chiến sĩ gồm: Thiếu tá Trần Ngọc Sơn (39 tuổi, trạm phó), Đại úy Ngô Văn Vinh (38 tuổi) và Thượng úy Đoàn Thanh Phú (30 tuổi) đều bị thương nên đã nhanh chóng đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa thị xã Long Khánh (Đồng Nai). Tuy nhiên, do vết thương quá nặng ở vùng bụng nên sau gần 2 giờ đồng hồ, Thiếu tá Sơn đã tử vong, 2 chiến sĩ còn lại vẫn đang được các bác sĩ tiếp tục cứu chữa.

Sự việc có liên quan trước đó, khoảng 13 giờ ngày 22/9/2013, thiếu tá Trần Ngọc Sơn (Phó trạm CSGT Suối Tre) rủ bạn bè, trong đó có Trương Thành Chí (Trúc) đi nhậu. Sau khi nhậu xong, nhóm của Sơn vào quán Hân Linh (thị xã Long Khánh) hát karaoke thì gặp nhóm bạn của đại úy Ngô Văn Vinh cũng hát ở đây.

Khi nghe có Sơn, Vinh cùng Phạm Lê Ngọc Long (cán bộ Trạm CSGT Suối Tre) qua chào xã giao. Lúc này, Vinh ngồi cạnh Chí và hỏi chuyện. Do không đồng ý với ngôn từ sử dụng của Vinh nên Chí đã dùng ly bia đập thẳng vào mặt, trúng sống mũi khiến Vinh bị chảy máu.

Sau khi xô xát với Chí, Vinh tỏ ý không bằng lòng về việc Sơn là đồng đội nhưng không bênh mình nên đã đấm vào cổ anh Sơn một cái thì Long lại vào can ngăn và kéo Sơn ra ngoài.

Sau đó, Vinh bỏ về cơ quan (thị xã Long Khánh), lên phòng tập thể (lầu 2) lấy khẩu súng K59 do đơn vị cấp làm nhiệm vụ, rồi đi xuống lầu 1. Khi đến phòng nghỉ của thiếu tá Sơn, Vinh đập cửa thì anh Trương Học Lâm (người giữ xe tại Trạm CSGT Suối Tre) đang ngủ bên trong ra mở cửa. Vinh nói với Lâm điện thoại kêu Sơn về gấp nhưng Lâm không gọi mà giả vờ bấm số nhắn tin cho Sơn biết sự việc và khuyên không nên về đơn vị.

Đến 17 giờ cùng ngày, anh Sơn cùng nhóm bạn về đến cơ quan. Lâm liền can ngăn nhưng Sơn vẫn lên phòng nghỉ. Sau khi nghe Sơn kích động, Vinh lấy khẩu súng ra thì Sơn xông vào vật đánh và đè Vinh xuống để tước súng. Thượng úy Đoàn Thanh Phú ngồi giường kế bên liền vào can ngăn. Trong lúc Sơn giằng co để lấy khẩu súng trên tay Vinh làm súng phát nổ 2 phát, trong đó có 1 phát trúng vào hông thượng úy Phú. Lúc này, Sơn và Vinh vẫn giằng co khẩu súng. Vinh bắn thêm 4 phát, 2 phát trúng trần nhà, 2 phát trúng vào người anh Sơn làm anh Sơn gục xuống nền nhà. Lâm xông vào chụp tay anh Vinh thì súng nổ thêm 2 phát nữa nhưng không trúng ai. Sau đó, Chí lấy khẩu súng rớt dưới nền nhà giao nộp cho cán bộ Trạm CSGT Suối Tre. Sơn được đưa đi cấp cứu, nhưng đến 19 giờ 40 phút cùng ngày đã tử vong.

Ngày 28/9, Cơ quan cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh Đồng Nai đã thi hành lệnh khởi tố bị can, bắt tạm giam đại úy Ngô Văn Vinh (38 tuổi), sĩ quan CSGT của trạm Tuần tra kiểm soát giao thông Suối Tre (Phòng CSGT đường bộ, đường sắt, PC67), Công an tỉnh Đồng Nai.

 KIỀU HOA

Mức án cho người cha ruột nhẫn tâm hiếp dâm con gái 7 tuổi suốt 5 năm?

(ĐSPL) – Vụ việc người cha nhẫn tâm hiếp dâm con gái ruột từ lúc 7 tuổi và kéo dài suốt 5 năm xảy ra tại Kim Bôi, Hòa Bình gây chấn động dư luận. Theo Luật sư Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc công ty luật Hưng Nguyên, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, với hành vi thú tính và có tính chất loạn luân như trên, mức án người cha phải đối mặt từ 12 đến 20 năm tù.

Trước đó, ngày 15/7, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Kim Bôi đã ra lệnh bắt khẩn cấp đối với đối tượng Bùi Văn Thủy (SN 1980, trú tại xóm Đầm Giàn, xã Sào Báy, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình) về hành vi hiếp dâm trẻ em. Nạn nhân không phải ai khác chính là con gái ruột của Thủy là cháu Bùi Hồng Thương (SN 2002).

Mức án cho người cha ruột nhẫn tâm hiếp dâm con gái 7 tuổi suốt 5 năm?

Luật sư Nguyễn Văn Nguyên, giám đốc Công ty Luật Hưng Nguyên, Đoàn Luật sư tp.Hà nội.

Theo Luật sư với hành vi hiếp dâm trẻ em nhiều lần như trên thì người cha ruột phải chịu những tình tiết tăng nặng như thế nào?  Liệu người cha có bị xử lý 2 tội: tội loạn luân và tội hiếp dâm không?

Theo thông tin báo chí đưa tin, thì hiện nay CQĐT Công an huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với bị can Bùi Văn Thủy. Hành vi của Thủy sẽ được CQĐT đấu tranh chứng minh làm rõ. Nếu hành vi của Thủy đúng như thông tin báo chí nêu thì bị can Bùi Văn Thủy sẽ bị truy tố và xét xử theo điểm a, khoản 2, điều 112 BLHS về tội “Hiếp dâm trẻ em”, tình tiết tăng nặng định khung là phạm tội có tính chất loạn luân, ngoài ra Thủy còn phải chịu tình tiết tăng nặng là “phạm tội nhiều lần” theo quy định tại điểm g, khoản 1, điều 48 BLHS. Mức hình phạt tù mà bị can Bùi Văn Thủy phải đối mặt là từ mười hai đến hai mươi năm.

Điều 112. Tội hiếp dâm trẻ em

1. Người nào hiếp dâm trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm:

a) Có tính chất loạn luân;

b) Làm nạn nhân có thai;

c) Gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%;

d) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Có tổ chức;

b) Nhiều người hiếp một người;

c) Phạm tội nhiều lần;

d) Đối với nhiều người;

đ) Gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 61%trở lên;

e) Biết mình bị nhiễm HIVmà vẫn phạm tội;

g) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát.

4. Mọi trường hợp giao cấu với trẻ em chưa đủ 13 tuổi là phạm tội hiếp dâm trẻ em và người phạm tội bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.

5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”.

Luật sư có suy nghĩ gì qua vụ viêc trên? Luật sư có thể đưa ra khuyến cáo về công cụ pháp lý và cách tự bảo vệ bản thân cho trẻ em?

Bộ luật hình sự Việt Nam quy định, mọi hành vi giao cấu với trẻ em dưới 13 tuổi đều bị coi là hiếp dâm trẻ em và phạm tội hiếp dâm trẻ em theo quy định tại điều 112 BLHS. Hành vi của bị cáo Thủy thật đáng lên án, đã xâm hại đến chính con gái đẻ của mình, với một thời gian dài mới bị phát hiện.

Hành vi thể hiện sự thú tính và đồi bại của con người bị can. Tôi nghĩ bị can Thủy sẽ nhận được bản án xử phạt nghiêm khắc của Tòa án. Tuy nhiên ngoài pháp luật bị can Thủy còn phải chịu sự phán xét của Tòa án lương tâm, đạo đức, sự lên án của dư luận xã hội.

Vụ án chấn động dư luận bởi tình trạng xâm hại tình dục trẻ em đang khá là nhức nhối trong xã hội hiện nay, nạn nhân bị xâm hại tình dục là các trẻ em gái tuổi đời còn rất ít, thiếu hiểu biết pháp luật, kiến thức về giới tính, thiếu các công cụ để phòng tránh xâm hại tình dục. Những người phạm tội lại thường là những người thân, có quan hệ rất gần gủi với các em, như quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng…

Theo tôi để ngăn chặn tội phạm này, cần đưa pháp luật về chăm sóc, giáo dục trẻ em, pháp luật hình sự liên quan đến các tội phạm xâm hại tình dục trẻ em vào giảng dạy trong các nhà trường phổ thông để nâng cao hiểu biết pháp luật cho các em và giúp các em kịp thời tố giác tội phạm khi bị xâm hại.

Xin cảm ơn Luật sư!

 Phương Vy

Vụ nam sinh chặt xác bạn tình: Cần điều tra lại lời khai của hung thủ

“Cơ quan điều tra sẽ mở rộng điều tra vụ án, áp dụng những biện pháp điều tra như, dựng lại hiện trường, thực nghiệm điều tra, giám định, cho đối chất giữa Duy và bạn gái của Duy là Linh …để xác định sự thật khách quan của vụ án” – Luật sư Nguyễn Văn Nguyên nêu quan điểm.

Liên quan đến vụ xác chết không đầu và tứ chi trong phòng trọ được phát hiện đêm 23/5 tại phòng 404 nhà số 1242 đường Quang Trung, P.8, Q.Gò Vấp, TP.HCM, ngày 25/5 công an Q.Gò Vấp cho biết đã bắt giữ Trần Nhật Duy (SN 1994, P.2, TX.Gò Công, tỉnh Tiền Giang, là sinh viên đại học tại TP.HCM) để điều tra, xử lý về hành vi “giết người” và “cướp tài sản”.

Cũng liên quan đến vụ án, công an Q.Gò Vấp bắt giữ bạn gái của Duy là Đặng Gia Linh (SN 1992, cùng ngụ đường Nguyễn Huệ, P.2, TX.Gò Công, tỉnh Tiền Giang). Được biết Linh bị cáo buộc về hành vi “không tố giác tội phạm” và “tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.

Để giúp bạn đọc có cái nhìn đầy đủ, toàn diện hơn về hung thủ và nạn nhân, PV đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Văn Nguyên, giám đốc công ty Luật Hưng Nguyên, đoàn luật sư thành phố Hà Nội.

Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo là chứng cứ duy nhất để kết tội

Theo luật sư Nguyễn Văn Nguyên, đây là vụ án giết người, cướp tài sản đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận khá quan tâm trong mấy ngày qua. Bị can Trần Nhật Duy đã thực hiện hành vi giết người, cưa xác phi tang với sự chuẩn bị, lên kế hoạch từ trước.

Theo lời khai ban đầu của bị can Trần Nhật Duy tại cơ quan điều tra, nguyên nhân dẫn đến hành vi giết nạn nhân, do bị nạn nhân ép quan hệ tình dục đồng tính từ năm 2011, nhiều lần ngăn cấm Duy có mối quan hệ với người khác, thậm chí đánh đập, đe dọa những người bạn của Duy.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là lời khai của bị can Trần Nhật Duy, theo quy định  tại điều 72 bộ luật TTHS 2003, lời nhận tội, lời khai của bị can, bị cáo chỉ được coi là chứng cứ, nếu phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án. Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo là chứng cứ duy nhất để kết tội.

Vì thế theo tôi, cơ quan điều tra sẽ mở rộng điều tra vụ án, áp dụng những biện pháp điều tra như, dựng lại hiện trường, thực nghiệm điều tra, giám định, cho đối chất giữa Duy và bạn gái của Duy là Linh …để xác định sự thật khách quan của vụ án.

Để làm sáng tỏ vụ án, lý giải hành vi phạm tội, nguyên nhân phạm tội của bị can Duy, thì cần phải làm rõ động cơ phạm tội ở đây là gì ví như: Giết người để trả thù, để xóa nợ..mục đích phạm tội, hoàn cảnh phạm tội của bị can Trần Nhật Duy.

Hung thủ gây án còn khá trẻ

Vụ án được dư luận quan tâm, một phần vì bị can Trần Nhật Duy còn khá trẻ, lại đang là sinh viên một trường đại học, thế nhưng đã thực hiện nhiều hành vi giết người, cưa xác phi tang, cướp tài sản rất đáng để lên án, hoàn cảnh phạm tội có liên quan đến yếu tố bị ép buộc quan hệ tình dục đồng tính.

Nếu như lời khai của bị can Trần Nhật Duy là đúng sự thật, thì vụ án này một lần nữa cho thấy kết cục đau buồn có liên quan đến tình dục đồng tính, ghen tuông, quan hệ đồng tính ở xã hội ta.

Hiện nay, Quốc hội đang thảo luận sửa đổi luật hôn nhân gia đình, đã có những đề xuất công nhận hôn nhân đồng tính, giải quyết hậu quả pháp lý của quan hệ hôn nhân đồng tính. Vì thế, chúng ta cần phải nghiêm túc nhìn nhận vấn đề này, sự tác động xã hội của nó, không phải là đơn lẻ, mà nó đã trở thành vấn đề xã hội, khá phổ biến, cần có luật quy định để điều chỉnh.

Bị can Trần Nhật Duy khai, giữa Duy và anh Vạn Anh T. có quan hệ đồng tính từ năm 2011. Khi ấy Duy còn đang học lớp 11, trong thời gian này, T. nhiều lần ép buộc Duy quan hệ đồng tính, ngăn cấm Duy có mối quan hệ với người khác, thậm chí đánh đập, đe dọa những người bạn của Duy.Tháng 10/2013, Duy đậu đại học và đến thuê trọ tại một căn nhà trên đường Quang Trung (quận Gò Vấp), T. cũng đến cư trú cùng và tiếp tục ngăn cấm, đánh đập không cho Duy qua lại với bạn gái. Muốn tự “giải thoát” mình, Duy đã lên mạng tìm hiểu về chất độc rồi mua về để giết anh T.Duy mua chất độc Kali-Xyanua, giữ trong người để chờ cơ hội ra tay. Tối 16/5, Duy cho chất độc vào tô mì rồi đưa anh T. ăn. Tuy nhiên, lượng chất độc ít nên chỉ làm anh T. ngộ độc, nôn ói. Đến 20h tối 19/5, Duy tiếp tục cho thuốc độc vào 2 viên thuốc con nhộng rồi lừa anh T. uống. Lần này, liều thuốc độc quá cao, anh T. đã chết khoảng 2 giờ sau đó.Sát hại anh T. xong, Duy để xác nạn nhân ngay trong phòng trọ rồi tiếp tục đi học, rồi điện thoại cho Đặng Gia Linh (22 tuổi, quê Tiền Giang, bạn gái của Duy) thông báo đã giết chết T. rồi nhờ Linh cùng đến dọn dẹp hiện trường. Ngày 20/5, Duy và Linh mua 1 cưa sắt, 1 cưa máy, kéo, băng keo, túi xách để chuẩn bị phân xác của nạn nhân thành nhiều phần và phi tang rồi cả hai dùng bình xịt phòng để khử mùi.Ngày 21/5, Duy dùng cưa cắt rời từng phần thân thể của anh T. bỏ vào bọc và đem vứt tại khu vực bến phà Mỹ Lợi (Tiền Giang). Một ngày sau đó, Duy về phòng và tiếp tục cắt một số phần thi thể anh T. và cho vào 2 túi xách. Đến ngày 23/5, Duy mang 2 túi xách vứt trên đường đèo thuộc huyện Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.

Sau đó Duy chiếm đoạt 1 xe gắn máy, 1 điện thoại di động và gần 2 triệu đồng. Chiếc điện thoại Duy bán được 1,2 triệu đồng. Sau đó, Duy cùng Linh mang xe máy của nạn nhân bán được 8,8 triệu đồng. Bước đầu, lực lượng công an đã di lý Duy về khu vực đèo Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) để tìm lại các phần thi thể của nạn nhân. Hiện đầu và hai chân của anh T. đã được tìm thấy, riêng phần tay của anh T. Duy khai ném tại bến phà Mỹ Lợi (tỉnh Tiền Giang) vẫn chưa được tìm thấy.

Theo  Nguồn : Tin Mới / Nguoiduatin.vn

Bầu Kiên không cần luật sư bào chữa?

Trước những câu trả lời sắc bén của Nguyễn Đức Kiên tại phiên tòa đang điễn ra, nhiều người nghĩ rằng bị cáo Kiên đang thay luật sư tự bào chữa.

Trước thắc mắc của nhiều độc giả, Luật sư Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc Công ty Luật Hưng Nguyên, đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết: “Theo tôi được biết thì trong vụ án này, ông Nguyễn Đức Kiên mời 4 luật sư bào chữa cho các tội danh mà mình bị cáo buộc. Trong những ngày qua, phiên tòa đang ở trong giai đoạn xét hỏi, thẩm vấn, chưa đến phần tranh tụng của các luật sư. Vì thế dư luận cho rằng ông Kiên tự bào chữa cho mình là chưa thật sự chính xác, nó chỉ một phần mà thôi, ở giai đoạn xét hỏi ông Kiên chỉ trả lời các câu hỏi của HĐXX, chưa phải là việc tranh tụng, bào chữa. Tuy nhiên quá trình xét hỏi đã thể hiện ông Kiên khá am hiểu về pháp luật, có khả năng viện dẫn các quy định của pháp luật và điều đó là rất có lợi cho việc tranh tụng, bào chữa cho ông”.

Bầu Kiên tại phiên tòa xét xử

 “Đây là một đại án kinh tế, được dư luận và báo chí rất quan tâm, bởi tính chất đặc biệt nghiêm trọng, liên quan đến nhiều quan hệ pháp luật phức tạp trong quá trình giải quyết vụ án, như pháp luật về tài chính, ngân hàng, chứng khoán, thuế…Vì thế theo tôi quá trình xét xử phải hết sức thận trọng, xem xét tỷ mỷ mọi vấn đề, đặc biệt để tránh oan, sai, xét xử đúng người, đúng tội, làm cho dư luận tâm phục, khẩu phục, thì HĐXX cần phải khách quan, tạo mọi điều kiện để bên buộc tội, bên bào chữa tranh luận một cách dân chủ tại Tòa theo tinh thần cải cách tư pháp và hiến pháp năm 2013” – luật sư Nguyên nói.

Trước đó, chiều 20/5, VKSND TP Hà Nội công bố bản cáo trạng của VKSND Tối cao truy tố Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên) và các đồng phạm trong vụ án.

Đứng trước tòa án, bầu Kiên không chỉ chứng tỏ là người có kỹ năng nắm chắc luật pháp tuyệt vời mà còn tỏ rõ phong thái, khí chất đặc biệt của mình.

Ánh mắt sắc lạnh, tay chắp sau lưng, tuyệt nhiên không nở nụ cười khi đối chất, nói câu nào là chắc nịnh câu đó, là những gì mà người ta nhìn thấy về ông bầu tóc bạc Nguyễn Đức Kiên trong những ngày gần đây.

Phút gần gũi hiếm hoi của vợ chồng “bầu” Kiên tại phiên tòa hôm qua. Ảnh: Bảo Thắng

Bầu Kiên không ít lần khẳng khái: “Tôi là đàn ông, tôi không trốn trách nhiệm”, hay “Tôi không đổ trách nhiệm lên đầu họ (những người trong HĐQT đang bị xét xử cùng bầu Kiên – PV).

Trong vụ việc ở công ty vợ và em gái, bầu Kiên nhận hết trách nhiệm về mình. “Ở công ty B&B, tôi là cổ đông chi phối trên 60%, cá nhân tôi tôi có quyền quyết định mọi hoạt động của công ty. Vợ tôi làm một số việc do tôi ủy quyền. Vợ tôi và em tôi mới kinh doanh nên mọi việc ở B&B tôi điều hành và chịu trách nhiệm”- Kiên khẳng định.

Bầu Kiên nói tại phiên tòa: “Từng người phải chịu trách nhiệm về lời khai của mình trước pháp luật. Tôi không bình luận về lời khai của những người khác. Tôi chỉ nói rằng, tôi và các anh trong HĐQT đều là bạn bè, đồng nghiệp trong 20 năm, có người là bạn, có người là bề trên tôi rất kính trọng như ông Giá, có người là nhân viên tôi đã đào tạo. Tôi không đổ trách nhiệm cho họ. Tôi chỉ nhận trách nhiệm của tôi đến đâu, nếu tòa hỏi”.

Có một điều đặc biệt ấn tượng về cách ông Bầu này trả lời trước HĐXX là luôn dùng ánh mắt sắc lạnh quen thuộc, chắp tay sau lưng, rất hiếm khi mỉm cười, dùng lời lẽ chắc chắn và quyết đoán. Khi đồng ý với lập luận của tòa, ông lạnh lùng “chính xác”. Khi không đồng ý, ông không ngại gì khi nói “Tôi không đồng ý”.

Theo bản cáo trạng, Nguyễn Đức Kiên (50 tuổi, nguyên Chủ tịch hội đồng đầu tư Ngân hàng ACB, nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng ACB, nguyên phó chủ tịch hội đồng sáng lập ACB) bị truy tố về 4 tội danh: kinh doanh trái phép, trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

– Kinh doanh trái phép (K.2 điều 159 BLHS): Đã lập, thông qua 6 công ty, kinh doanh trái phép cổ phần, cổ phiếu, vàng trị giá hơn 21.490 tỉ đồng.

– Trốn thuế (K.3 điều 161 BLHS): Công ty B&B của Bầu Kiên lãi hơn 100 tỉ đồng, nhưng bầu Kiên chuyển lợi nhuận của DN sang cá nhân, trốn thuế 25 tỉ đồng.- Lừa đảo chiếm đoạt tài sản (khoản 4 điều 139 BLHS): Công ty ACBI đã thế chấp 20 triệu cổ phần Công ty CP thép Hòa Phát, nhưng vẫn ký bán số cổ phần đã thế chấp, lừa đảo chiếm đoạt 264 tỉ đồng.

– Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (K.3 điều 165 BLHS): Cùng các lãnh đạo ACB chủ trương ủy quyền cho nhân viên ACB đem gử 718,8 tỉ đồng cho Ngân hàng Vietinbank CN Nhà Bè (bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt), thiệt hại cho ACB 718,9 tỉ đồng.

Luật sư Nguyễn Văn Nguyên, giám đốc Công ty Luật Hưng Nguyên, đoàn luật sư thành phố Hà Nội nêu quan điểm: Cáo trạng của VKSND TC truy tố Nguyễn Đức Kiên về 4 tội danh là:

Thứ nhất, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại điều 139 BLHS với khung hình phạt cao nhất lên đến tù chung thân. Với hành vi phạm tội này, ông Kiên còn phải có nghĩa vụ hoàn trả lại số tiền đã chiếm đoạt của bị hại, bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, tội kinh doanh trái phép quy định tại điều 159 BLHS có khung hình phạt cao nhất là 2 năm tù. Với tội danh này, ông Kiên còn có thể chịu hình phạt bổ sung là bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng.

Thứ ba,  tội trốn thuế quy định tại điều 161 BLHS có khung hình phạt là 7 năm tù. Với tội danh này, ông Nguyễn Đức Kiên còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền bằng một lần hoặc ba lần số tiền đã trốn thuế.

Thứ tư, tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại điều 165 BLHS, với khung hình phạt cao nhất lên đến hai mươi năm.  Ngoài ra còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Căn cứ quy định tại 50 BLHS. Quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội thì tổng hợp hình phạt với mức án cao nhất mà ông Nguyễn Đức Kiên có thể phải chịu lên đến tù chung thân, ngoài ra ông Kiên còn phải chịu các tổng hợp hình phạt bổ sung khác nếu có.

Cự Giải

Nguồn : Tin Mới

Luật sư của Dương Chí Dũng đề nghị hoãn phiên tòa

Luật sư Trần Đình Triển bào chữa cho bị cáo Dương Chí Dũng cho rằng vì hồ sơ vụ án thu thập thêm rất dày nên sẽ xin hoãn phiên tòa. Sau khi hội ý chủ tọa Nguyễn Văn sơn quyết định tiếp tục xét xử vụ án.

Dương Chí Dũng tại tòa án

Bị cáo Dương Chí Dũng cùng các bị cáo khác tại phiên tòa.

Luật sư Trần Đại Thắng bào chữa cho bị cáo Dương Chí Dũng đề nghị triệu tập đại diện Công ty Nga nơi bán ụ nổi và lái xe của bị cáo Sơn đã đón Dũng tại khách sạn Victory. Đại diện VKS cho rằng việc mua bán đã được thể hiện trong hợp đồng, điều này đã rõ nên không cần triệu tập đại diện bên bán.

Luật sư Trần Đình Triển bào chữa cho bị cáo Dương Chí Dũng (đã có mặt tại tòa kịp thời do trước đó đi trễ): Liên quan đến 1,666 triệu USD giữa phía Nga với công ty AP. Công ty AP chúng tôi đã thu thập đúng trình tự của Công ước quốc tế và đã cung cấp cho HĐXX tại phiên tòa hôm nay. Phía Nga thì chưa có. Đây là vấn đề mấu chốt của vụ án: ai là người thương thảo, ai là người được hưởng lợi? Đề nghị của luật sư đồng nghiệp là đúng. Luật sư Triển đề nghị có lẽ phải hoãn phiên tòa. “Vì toàn bộ hồ sơ chúng tôi đã thu thập thêm được rất dày, tôi không photo kịp nên tôi sẽ cung cấp toàn bộ cho HĐXX vào đầu giờ chiều”- Luật sư Triển nói.

Sau khi hội ý, chủ tọa Nguyễn Văn sơn cho rằng đối với yêu cầu của các luật sư cần triệu tập thêm nhân chứng ở Nga, (những người có thể biết việc ăn chia của các bị cáo trong vụ án này), HĐXX thấy tại phiên tòa, luật sư Triển đã có những tài liệu liên quan đến lời khai của ông Goh (công ty AP), nếu các luật sư khác có yêu cầu HĐXX sẽ photo cung cấp.

Việc yêu cầu triệu tập lái xe của bị cáo Sơn, (người đã đến đón Sơn tại khách sạn Victory sau khi Sơn gặp bị cáo Dũng) thì đã có lời khai tại cơ quan điều tra. HĐXX quyết định tiếp tục xét xử vụ án.

PV (PLO)
CÔNG TY LUẬT HƯNG NGUYÊN

Tránh thảm kịch “gấu bị bắt nhận là… thỏ”

Có thể đã không có án oan Thanh Chấn và nhiều “con gấu bị bắt nhận là thỏ” nếu hành trình tiếp cận công lý của người dân có sự đồng hành và trợ giúp hiệu quả.

Tiếp cận công lý có thể coi là một cuộc hành trình của người dân. Hành trình đó có thể thuận lợi hoặc gian nan tùy thuộc vào những trở ngại mà người dân gặp phải ít hay nhiều. Những trở ngại này có thể nằm trong quy trình tố tụng, trong tổ chức, vận hành của bộ máy các cơ quan tư pháp, trong thái độ và ý thức trách nhiệm của nhân viên công quyền và trong cả ý thức pháp luật của người dân.
Nhận diện và dỡ bỏ những trở ngại này, làm thông thoáng hành trình đi tìm công lý của người dân là việc không thể không làm nếu chúng ta muốn đảm bảo quyền tiếp cận công lý với tư cách là quyền con người trong nhà nước pháp quyền.

Rào cản từ quy định con và thủ tục con
Thế nhưng câu chuyện tiếp cận công lý có lẽ nằm ở luật để thực thi (luật thủ tục) và những con người đang vận hành cái thủ tục đó. Thủ tục tố tụng giống như đường ray pháp luật vạch sẵn, trên cái đường ray đó hệ thống tòa án và các cơ quan tư pháp vận hành chuyên chở công lý đến xã hội.
Nói về luật thủ tục, Mác đã đề cập trong tác phẩm Luật về hái trộm củi, đại ý rằng nếu thủ tục không tốt thì quy định pháp luật sẽ chỉ là những quy phạm chết cứng.
Rà soát hệ thống pháp luật tố tụng vẫn tìm thấy những quy định “lắt nhắt” nhưng lại gây trở ngại cho quyền tiếp cận công lý. Ví dụ trong Bộ luật Tố tụng dân sự có quy định người dân khi khởi kiện thì kèm theo đơn khởi kiện phải có giấy tờ chứng minh yêu cầu khởi kiện. Quy định này khiến cho thẩm phán có thể áp dụng tùy tiện làm khó dễ cho người dân bởi giấy tờ chứng minh quyền khởi kiện không phải bao giờ cũng có thể nộp ngay cho tòa án và không biết thế nào là đủ. Chính vì vậy, có người cho rằng đang có tồn tại chế độ “thủ tục trị”thay cho pháp trị.
Các luật sư cũng hay than phiền về thủ tục cấp giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư và coi đây là thứ “giấy phép con” của các cơ quan tiến hành tố tụng. Để có giấy phép luật sư phải có 5 loại giấy tờ, trong khi luật quy định chỉ cần có 3 (đơn yêu cầu được bào chữa, thẻ Luật sư và giấy giới thiệu của tổ chức hành nghề luật sư). Chưa kể trong thực tế có những vụ bị can, bị cáo từ chối luật sư “một cách khó hiểu”.
Quyền tiếp cận công lý trong vụ án hình sự bị cản trở bởi thủ tục hành chính này khi muốn bào chữa cho thân chủ, luật sư phải có tới 3 giấy phép của cơ quan điều tra, viện kiểm sát, và tòa án.
Thiếu người đồng hành và trợ giúp pháp lý
Không ai có thể biết được hết các quy định pháp luật cũng như các thủ tục tố tụng. Chính vì vậy, trong quá trình tiếp cận công lý, người dân nhất là những đối tượng yếu thế trong xã hội cần có sự hỗ trợ từ nhiều phía. Tình trạng thiếu hụt các dịch vụ pháp lý ở nước ta vẫn còn trầm trọng.
Theo Báo cáo về chỉ số Công lý, có tới 42,4% số người được phỏng vấn “chưa bao giờ nghe đến” hoặc “không biết gì” về Hiến pháp. Trong số những người có biết Hiến pháp, 23% không biết gì về quá trình sửa đổi Hiến pháp đang diễn ra. Có tới 20% tất cả các khiếu kiện của công dân về chính sách xã hội và môi trường không nhận được ý kiến phản hồi của các cơ quan hữu quan của Nhà nước; khoảng 50% các tranh chấp đất đai và khiếu kiện về môi trường vẫn chờ đợi Nhà nước xử lý và các cơ quan nhà nước thường cần nhiều thời gian hơn luật định để xử lý các khiếu kiện hành chính.
Thời gian trung bình để xử lý một khiếu kiện hành chính kéo dài từ 17 đến 27 tháng, tùy thuộc vào khiếu kiện đó là của các cá nhân hay hộ gia đình. Đây là khoảng thời hạn xử lý quá dài so với luật định và như vậy, chính các cơ quan nhà nước đang vi phạm quy định pháp luật.
Hiện nay, cả nước có khoảng 6.000 (*) luật sư trên 90 triệu dân. Chỉ có 10% vụ án có luật sư tham gia và chỉ tập trung ở những vùng kinh tế – xã hội phát triển. Phát triển đội ngũ luật sư, xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý, chú trọng đến sự thiếu hụt pháp lý của những người yếu thế là biện pháp người dân tiếp cận công lý.
Sự đồng hành không chỉ đến từ đội ngũ luật sư mà còn đến từ những nhân viên công quyền mẫn cán, những nhà báo có lương tâm, trách nhiệm, và đến từ cả xã hội
Có thể đã không có vụ án oan của ông Chấn và nhiều “con gấu bị bắt nhận là thỏ” như một câu chuyện tiếu lâm nước ngoài đã nói, sẽ không có đất cho nhân viên công quyền vi phạm pháp luật, nếu hành trình tiếp cận công lý của người dân có sự đồng hành và trợ giúp hiệu quả.
Phẩm chất của nhân viên tư pháp
Ở đây bao gồm trình độ chuyên môn nghiệp vụ và tinh thần trách nhiệm. Một thẩm phán trình độ năng lực yếu thì dễ “biến một điều luật tốt thành một điều luật chẳng ra gì” (Xixeron) và đương nhiên người dân sẽ không thể tìm thấy công lý trong những phán quyết của họ.
Bên cạnh đó, sự vô trách nhiệm, tệ hại hơn là tham nhũng, cửa quyền của đội ngũ nhân viên tư pháp cũng là rào cản rất lớn đối với quá trình tiếp cận công lý của người dân. Các nhân viên tư pháp kém cỏi về chuyên môn và đạo đức dù chỉ là những con sâu, nhiều khi lại là những “lục lâm thảo khấu” rình rập trên con đường tiếp cận công lý vốn đã gian nan.
Để quyền tiếp cận công lý dược đảm bảo và thực hiện, bên cạnh vấn đề xây dựng nhận thức chung của xã hội với công lý, nhất thiết cần phải khai thông lộ trình đi tìm công lý của người dân bằng việc tháo gỡ những trở ngại trên./.

Công ty Luật Hưng Nguyên – theo Đinh Thế Hưng (Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam)

Bê bối đường sắt Việt Nam: Luật sư nói gì?

“Vụ việc xảy ra không những gây ảnh hưởng lớn đến quan hệ cung cấp vốn ODA của Nhật Bản cho Việt Nam mà còn ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trong lĩnh vực đấu thầu, quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA của các đối tác quốc tế”, luật sư Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc công ty luật Hưng Nguyên, Đoàn luật sư TP. Hà Nội chia sẻ.

iên quan tới vụ việc báo Nhật Bản tố cán bộ ngành đường sắt Việt Nam nhận hối lộ 16 tỷ đồng, Phunutoday đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc Công ty luật Hưng Nguyên, Đoàn luật sư TP HN.

Luật sư Nguyễn Văn Nguyên chia sẻ: “Đây là một vụ việc được dư luận trong và ngoài nước rất quan tâm. Có liên quan đến việc đấu thầu các dự án thuộc nguồn vốn viện trợ không hoàn lại ODA của Nhật Bản.

Vụ việc xảy ra, không những gây ảnh hưởng lớn đến quan hệ cung cấp vốn ODA của Nhật Bản cho Việt Nam, mà còn ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trong lĩnh vực đấu thầu, quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA của các đối tác quốc tế.

Theo tôi, nếu sự việc trên được xác minh là thật thì cơ quan điều tra cần sớm khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can để lấy lại niềm tin và trừng trị răn đe chung. Việc điều tra vụ án có yếu tố nước ngoài, hiện nay Việt Nam và Nhật Bản chưa có hiệp ước tương trợ tư pháp hình sự, việc chuyển hóa chứng cứ từ Nhật bản vào Việt Nam, việc ủy thác tư pháp sẽ rất khó khăn.

Tuy nhiên quá trình điều tra sẽ thuận lợi nếu có sự hỗ trợ tích cực từ phía Bộ GTVT và Tổng công ty đường sắt Việt Nam”.

Liên quan đến căn cứ pháp lý để khởi tố vụ án và mức án khởi tố nếu vụ bê bối trên được xác minh là thật: “Theo quy định tại điều 100, bộ luật TTHS năm 2003  về căn cứ khởi tố vụ án hình sự: “Chỉ được khởi tố vụ án hình sự khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm. Việc xác định dấu hiệu tội phạm dựa trên những cơ sở có tố giác của công dân; Tin báo của cơ quan, tổ chức; Tin báo trên các phương tiện thông tin đại chúng; Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án, Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển và các cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trực tiếp phát hiện dấu hiệu của tội phạm; Người phạm tội tự thú”.

Thông tin báo chí là một trong những tin tố giác tội phạm làm căn cứ khởi tố vụ án hình sự. Với những thông tin báo chí, truyền thông đưa tin thì theo tôi đã có đủ cơ sở để khởi tố vụ án hình sự để điều tra.

Luật sư Nguyên cho rằng: “Đây là vụ án khá phức tạp, liên quan đến yếu tố nước ngoài, cần xác minh điều tra thận trọng. Thẩm quyền điều tra thuộc cơ quan điều tra bộ công an.

Về tội danh có thể  khởi tố theo khoản 4, điều 279 BLHS. Tội nhận hối lộ. Cụ thể người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới mười triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng; Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm; Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục A Chương này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm…thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm;

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp có tổ chức; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn; Phạm tội nhiều lần; Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước; Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt; Của hối lộ có giá trị từ mười triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng; Gây hậu quả nghiêm trọng khác thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm;

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp hối lộ có giá trị từ ba trăm triệu đồng trở lên; Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình”.

Trước đó, Theo tờ Yomiuri Shimbun, thứ ba tuần trước 18/3, Chủ tịch Công ty Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) ông Tanio Kanikuma thừa nhận công ty mình đã “lại quả” tổng cộng 130 triệu Yên để dành được hợp đồng trong 5 dự án ODA tại Việt Nam, Uzbekistan và Indonesia.Trong đó, một nguồn tin cho Yomiuri Shimbun biết, JTC đã hối lộ 80 triệu Yên (khoảng 16,5 tỷ đồng theo tỷ giá hiện tại) cho một quan chức cấp cao tại một cơ quan có trách nhiệm quản lý dự án tại Đường sắt Việt Nam. Đổi lại, JTC trúng thầu một dự án ODA trị giá 4,2 tỷ Yên (~867 tỷ đồng).

Việc đưa tiền hối lộ được tiến hành khoảng 40 lần, trong thời gian từ năm 2008 đến 2012.

Theo phunutoday.vn

Nghi can vụ bắt cóc nam sinh đối mặt với hai tội danh

Với hành vi bắt cóc, tống tiền sau đó giết nạn nhân, nghi can vụ bắt cóc nam sinh ở TP HCM có thể đối mặt với hai tội danh.

Mới đây, Cơ quan công an quận Bình Tân phối hợp cùng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) đã bắt giữ đối tượng Nguyễn Kim An (SN 1995, quê Bình Định, ngụ tại quận Tân Bình, TP HCM) được coi là nghi can chính trong vụ bắt cóc, tống tiền, sát hại rồi vứt xác phi tang bạn mình là Lưu Vĩnh Đạt (SN 1996, quận Tân Bình, TP HCM).

Tại cơ quan điều tra Nguyễn Kim An khai nhận do nhầm tưởng gia đình bạn mình có nhiều tiền nên đã nảy sinh ý định bắt cóc nạn nhân Lưu Vĩnh Đạt nhằm chiếm đoạt tài sản.

Vào ngày 26/2, An rủ Đạt tới nhà trọ hỏi về lịch học rồi dùng thuốc ngủ để lừa nạn nhân uống. Sau khi uống, nạn nhân bị sốc thuốc nên nghi can Nguyễn Kim An đã trói chân, bỏ nạn nhân vào bao tải để thực hiện hành vi vứt xác phi tang. Sau đó, An dùng điện thoại nhắn tin tống tiền gia đình Đạt.

Trao đổi về vấn đề này, luật sư Nguyễn Văn Nguyên – Giám đốc Công ty Luật Hưng Nguyên, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng: “Thời điểm vứt xác, nạn nhân Lưu Vĩnh Đạt chưa tử vong nhưng An vẫn vứt nạn nhân xuống sông Sài Gòn. Như vậy, đây là hành vi được thực hiện với lỗi cố ý gây nên cái chết cho nạn nhân Lưu Vĩnh Đạt. Hơn nữa, động cơ và mục đích của Nguyễn Kim An giết nạn nhân để chiếm đoạt tài sản (chiếc xe máy, điện thoại của nạn nhân) thuộc trường hợp giết người vì động cơ đê hèn. Hành vi này của Nguyễn Kim An đã phạm tội giết người theo quy định tại đểm q khoản 1, điều 93 BLHS – giết người vì động cơ đê hèn.

Mặc dù đã giết và phi tang vứt xác nạn nhân nhưng Nguyễn Kim An vẫn nhắn tin đòi tiền chuộc của gia đình nạn nhân, hành vi đó đã thể hiện ý chí muốn thực hiện đến cùng hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản. Hành vi này của Nguyễn Kim An đã đủ yếu tố cấu thành tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 134 BLHS.

Theo tôi, để không bỏ lọt tội phạm hoặc oan sai thì cơ quan điều tra cần chứng minh lời khai của Nguyễn Kim An tại cơ quan điều tra là đúng sự thật khách quan của vụ án và phù hợp với các chứng cứ có trong vụ án”.

Điều 134. Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản

1. Người nào bắt cóc người khác làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;

đ) Đối với trẻ em;

e) Đối với nhiều người;

g) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người bị bắt làm con tin mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%;

h) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

i) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười năm đến mười tám năm:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người bị bắt làm con tin mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%;

b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người bị bắt làm con tin mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm chết người;

b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.

Hưng Nguyên (theo phunutoday.vn)