Bản án lương tâm cho người phạm tội

0
Có 2,346 lượt xem

Mức án có thể là nhẹ so với hành vi phạm tội thông thường, tuy nhiên chắc chắn những ngày tháng cuối đời của cụ ông 76 tuổi sẽ là những ngày tháng đè nặng bởi bản án lương tâm, sự dằn vặt và nỗi ám ảnh bởi cái nhìn của người đời.

Mới đây, TAND TP. Hà Nội tiến hành xét xử phúc thẩm vụ án “Dâm ô trẻ em” xảy ra tại quận Long Biên, Hà Nội hồi cuối tháng 9/2013 đối với ông Phạm Đình T., cựu tổ trưởng tổ dân phố. Tại phiên phúc thẩm ông T. được giảm án và được trả tự do ngay tại tòa.

Từng là một tổ trưởng tổ dân phố được bà con lối xóm nhận xét là sống mẫu mực, có uy tín, vậy mà chỉ trong chốc lát không kiềm chế được bản thân, cụ ông đã đánh mất chính mình, đánh mất những điều đã xây dựng gần như suốt cả cuộc đời.

Mức án có thể là nhẹ so với hành vi phạm tội thông thường tuy nhiên chắc chắn những ngày tháng cuối đời của cụ ông 76 tuổi sẽ là những ngày tháng đè nặng bởi bản án lương tâm, sự dằn vặt và nỗi ám ảnh bởi cái nhìn của những người xung quanh.

Phân tích về việc Tòa phúc thẩm giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo, luật sư Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc Công ty Luật Hưng Nguyên, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: “Theo quy định các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại điều 46 Bộ luật hình sự thì ông T. có các tình tiết giảm nhẹ sau: Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả (điểm b, khoản 1 điều 46); Người phạm tội là người già (điểm m, khoản 1, điều 46); Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng theo điểm h khoản 1, điều 46”.

Luật sư Nguyên phân tích: “Về lý luận thì tội dâm ô với trẻ em là tội cấu thành hình thức, tức là khi người phạm tội có hành vi tình dục dâm ô, nhưng không phải giao cấu với trẻ em là đã cấu thành tội này.

Cũng theo quy định tại điều 47 BLHS về quyết định hình phạt nhẹ hơn quy định của bộ luật toà án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà điều luật đã quy định nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật; trong trường hợp điều luật chỉ có một khung hình phạt hoặc khung hình phạt đó là khung hình phạt nhẹ nhất của điều luật, thì Toà án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn”.

“Vụ án này bị kháng cáo, vì thế thẩm quyền phán quyết thuộc về hội đồng xét xử phúc thẩm, tôi nghĩ HĐXX phúc thẩm đã thực hiện đúng trách nhiệm và có căn cứ để chấp nhận đơn kháng cáo giảm nhẹ TNHS cho ông T.”, luật sư Nguyên nói.

Theo hồ sơ vụ án, chiều 25/9, ông T. đến nhà bà Nguyễn Thị Th. (ở Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội) để thu cước điện thoại nhưng không gặp. Lúc đó, cháu Nguyễn Minh T. (SN 2006, con gái bà Th.) đi học về. Cô bé mở cửa để ông T. vào nhà. Biết bố mẹ cháu bé đi làm vắng, ông T. đã nảy sinh ý định xấu.

Ông T. kéo cháu bé về phía mình rồi có hành vi dâm ô với cháu bé. Được chừng 4 phút, ông ta đứng dậy ra về. Trước lúc về, ông lão còn dặn cháu bé: “Hẹn tháng sau gặp lại”. Sau đó, chị của bé T. đi học về, nghe em gái kể lại chuyện vừa xảy ra nên đã vội gọi điện cho mẹ thông báo sự việc.

Bà Th sau đó đã đến cơ quan công an tố cáo hành vi đồi bại của ông T. Trong phiên tòa sơ thẩm, ông T. đã thừa nhận hành vi phạm tội đồng thời bày tỏ sự ân hận về hành trái đạo đức của mình. Trước phiên tòa sơ thẩm, ông T. đã đền bù thiệt hại cho gia đình nạn nhân số tiền hơn 30 triệu đồng.

Tại phiên phúc thẩm, sau khi xem xét các tình tiết trong vụ án, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ và đơn xin giảm nhẹ hình phạt của gia đình bị hại, HĐXX đã chấp nhận kháng cáo, giảm mức án cho ông T. từ 12 tháng tù giam xuống còn 4 tháng 29 ngày tù, thả tự do tại tòa.

Theo Chu Du (phunutoday.vn)