Vụ “nhân bản xét nghiệm”: Phạt cảnh cáo không có trong điều luật

0
Có 2,009 lượt xem

“Không có quy định về hình phạt cảnh cáo đối với người phạm tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại điều 285, Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009”, luật sư Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc công ty luật Hưng Nguyên, Đoàn luật sư TP Hà Nội khẳng định.

Ông Nguyễn Trí Liêm (ngoài cùng bên trái) và các bị cáo trong vụ án

Trước đó, ngày 7/3 TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án nhân bản kết quả xét nghiệm xảy ra tại bệnh viện đa khoa Hoài Đức. Tại phiên tòa hầu hết các bị cáo đều tỏ ra ăn năn và mong muốn được giảm án để sớm lại cuộc đời và hòa nhập cộng đồng.

Riêng nguyên giám đốc BVĐK Hoài Đức Nguyễn Trí Liêm thì cho rằng: “Bị cáo đã làm đúng trách nhiệm, không như cáo trạng truy tố và kết luận điều tra của cơ quan công an”. Người bào chữa cho bị cáo Liêm, luật sư Lê Văn Thiệp nhận định: Bị cáo Liêm bị truy tố tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo như cáo trạng là không có cơ sở, không có căn cứ.”

Trong khi đó người giữ quyền công tố khẳng định việc cơ quan công an truy tố bị cáo Liêm là có căn cứ. Việc để xảy ra tình trạng in khống diễn ra trong 10 tháng thì trách nhiệm phải thuộc về người đứng đầu cơ quan.  Do đó Viện kiểm sát giữ quan điểm truy tố bị cáo Liêm tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và đề nghị mức án từ 12-15 tháng cải tạo không giam giữ.

Chiều ngày 7/3 HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Trí Liêm hình phạt cảnh cáo cho tội danh trên. Bị cáo Nguyễn Thị Nhiên – nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức bị tuyên 10 tháng cải tạo không giam giữ. Bị cáo Vương Thị Kim Thành-nguyên Trưởng khoa Xét nghiệm: 12 tháng tù giam. Các bị cáo: Nguyễn Thị Ngà; Nguyễn Thị Thu Trang; Nguyễn Thị Hồng Nhung; Nguyễn Đông Sơn: 6 tháng tù treo. Các bị cáo: Vương Thị Lan và Nguyễn Thị Xuyên 8 tháng tù treo

Trao đổi với Seatimes về mức án mà Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã tuyên với các bị cáo, luật sư Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc công ty luật Hưng Nguyên, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết: “Vụ án nhân bản kết quả xét nghiệm xảy ra ở bệnh viện đa khoa Hoài Đức gây xôn xao dư luận trong thời gian vừa qua. Hành vi của các bị cáo gây thiệt hại không lớn chỉ hơn 16 triệu đồng, các bị cáo chiếm đoạt tiền bảo hiểm y tế, chưa gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của con người, nhưng gây nhiều dư luận xấu trong xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của bệnh viện Hoài Đức nói riêng và uy tín của đội ngũ y, bác sỹ nói chung. Tòa án đưa vụ án ra xét xử một cách kịp thời được dư luận ủng hộ, việc xét xử vụ án này cũng là hình thức giáo dục, răn đe cho những ai vì lợi ích mà bất chấp pháp luật để phạm tội.

Nói về hình phạt cảnh cáo dành cho bị cáo Nguyễn Trí Liêm, nguyên giám đốc bệnh viện đa khoa Hoài Đức, luật sư Nguyên cho rằng: Giám đốc Bênh viện có lỗi trong việc để nhân viên tự ý sao, ký khống các bản xét nghiệm vì thế ông ấy phải chịu TNHS về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo điều 285 BLHS là đúng. Tuy nhiên khi lượng hình, tòa án còn cân nhắc ở các tình tiết giảm nhẹ, thái độ thành khẩn khai báo, thái độ hợp tác của bị cáo, nhân thân bị cáo, hoàn cảnh phạm tội để quyết định hình phạt đối với bị cáo.

Không có quy định về hình phạt cảnh cáo đối với người phạm tội quy định tại điều 285. Tuy nhiên theo quy định tại điều 47 BLHS về quyết định hình phạt nhẹ hơn quy định của bộ luật thì việc tòa áp dụng điều 29 để phạt cảnh cáo đối với bị cáo Nguyễn Trí Liêm , Tòa án cần phải nêu rõ lý do và phải ghi trong bản án.”

Theo hồ sơ vụ án, ngày 5/6/2013, Cơ quan cảnh sát điều tra – Công an TP Hà Nội nhận được đơn của bà Hoàng Thị Nguyệt – nhân viên Khoa xét nghiệm, bà Khuất Thị Định – nhân viên Khoa sản và bà Phan Nam Đông – nhân viên khoa Liên chuyên khoa Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức, TP Hà Nội, tố cáo “Nguyễn Trí Liêm – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức để các bộ phận xét nghiệm ngoại trú lấy mẫu máu của bệnh nhân nhưng không làm xét nghiệm mà vứt bỏ đi rồi tự in ra nhiều kết quả xét nghiệm từ một mẫu máu khác để gắn trả cho người bệnh. Số lượng người bệnh bị lừa dối lên đến hàng nghìn người”.

Cơ quan cảnh sát điều tra vào và kết luận vụ việc: từ 1/8/2012 đến ngày 31/5/2013 các bị cáo đã lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao để thực hiện xét nghiệm huyết học không đúng quy định; làm xét nghiệm huyết học rồi tự ký vào các phiếu xét nghiệm trả kết quả cho các bệnh nhân và đưa vào hồ sơ thanh tóan bảo hiểm y tế tổng số 789 kết quả xét nghiệm huyết học khống, gây thiệt hại cho Bảo hiểm xã hội huyện Hoài Đức – Bảo hiểm TP Hà Nội hơn 16,5 triệu đồng.

Tuy thiệt hại về mặt vật chất không lớn, kết quả điều tra chưa phát hiện các kết quả xét nghiệm trên được dùng vào việc điều trị, chưa xác định có bệnh nhân nào, nhưng hành vi của các bị can gây ảnh hưởng lớn đến uy tín, đạo đức nghề nghiệp, làm giảm lòng tin của quần chúng nhân dân đối với đội ngũ y, bác sĩ.

Điều 285. Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng 
1. Người nào vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây hậu quả nghiêm trọng, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 144, 235 và 301 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm.
3. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Điều 29. Cảnh cáo 
Cảnh cáo được áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, nhưng chưa đến mức miễn hình phạt.

Theo seatimes.com.vn