Luật sư tư vấn Hà Nội đề nghị tăng khung hình phạt đối với một số loại hình phạm tội

Luật sư tại Hà Nội – Tình trạng vi phạm pháp luật, coi thường kỷ cương, côn đồ chống người thi hành công vụ, lâm tặc tàn phá rừng, khai thác khoáng sản… đặc biệt là đối tượng vị thành niên có xu hướng gia tăng cả về số lượng và mức độ, tính chất vi phạm, nhưng khung hình phạt còn thấp, các biện pháp chế tài chưa đủ sức răn đe, đề nghị tăng khung hình phạt cao hơn và thêm chức năng, nhiệm vụ, công cụ hỗ trợ cho những lực lượng thi hành từng nhiệm vụ.

1. Về đề nghị tăng hình phạt đối với tội chống người thi hành công vụ, phá rừng, khai thác khoáng sản…, đặc biệt là đối tượng vị thành niên.

– Theo quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009), tội chống người thi hành công vụ được quy định tại Điều 275, với mức hình phạt nhẹ nhất là cải tạo không giam giữ (6 tháng), và mức hình phạt nặng nhất là tù có thời hạn (7 năm). Hành vi chống người thi hành công vụ còn là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự cho một số tội phạm như tội giết người quy định tại Điều 93 (giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân, với mức hình phạt cao nhất là tử hình); tội đe dọa giết người quy định tại Điều 103 (đe dọa giết người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân, với mức hình phạt cao nhất là 7 năm tù); tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác quy định tại Điều 104 (phạm tội để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân, với mức hình phạt cao nhất là tù chung thân); tội lây truyền HIV cho người khác quy định tại Điều 117 (phạm tội đối với người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân, với mức hình phạt cao nhất là 7 năm tù); tội cố ý truyền HIV cho người khác quy định tại Điều 118 (phạm tội đối với người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân, với mức hình phạt cao nhất là tù chung thân); tội làm nhục người khác quy định tại Điều 121 (phạm tội đối với người thi hành công vụ, với mức hình phạt cao nhất là 3 năm tù); tội vu khống quy định tại Điều 122 (phạm tội đối với người thi hành công vụ, với mức hình phạt cao nhất là 3 năm tù); tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, quy định tại Điều 123 (phạm tội đối với người thi hành công vụ, với mức hình phạt cao nhất là 5 năm tù)…

Những quy định trong Bộ luật hình sự năm 1999 cho thấy Nhà nước ta có thái độ nghiêm khắc đối với hành vi chống người thi hành công vụ. Tuy nhiên, thực tiễn thời gian qua cho thấy, hành vi chống người thi hành công vụ có chiều hướng gia tăng cả về số lượng và tính chất nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, có nguyên nhân là do áp dụng pháp luật chưa nghiêm khắc, chính xác và thống nhất. Để góp phần khắc phục tình trạng trên, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an đã chủ trì phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp xây dựng dự thảo thông tư liên tịch hướng dẫn áp dụng Điều 257 Bộ luật hình sự về “Tội chống người thi hành công vụ” để thực hiện thống nhất; đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 257 Bộ luật hình sự theo hướng tăng mức hình phạt đối với tội chống người thi hành công vụ; kịp thời triển khai thực hiện có hiệu quả Pháp lệnh về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, nhất là các quy định về xử lý các hành vi vi phạm về mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; về sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ phục vụ công tác đảm bảo an ninh, trật tự, qua đó tạo điều kiện cho việc áp dụng pháp luật được chính xác, thống nhất. Về lâu dài khi sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự sẽ đề xuất có những quy định phù hợp hơn để đáp ứng yêu cầu xử lý tội phạm chống người thi hành công vụ.

– Về hành vi phạm tội phá rừng, khai thác khoáng sản: Theo quy định của Bộ luật hình sự năm 1999, hành vi phạm tội phá rừng, tùy từng trường hợp mà bị xử lý về tội hủy hoại rừng quy định tại Điều 189, tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng quy định tại Điều 175 hoặc về tội vi phạm quy định về quản lý rừng quy định tại Điều 176. Theo đó, hành vi phạm tội hủy hoại rừng có thể bị phạt đến 15 năm tù, hành vi phạm tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng có thể bị phạt đến 10 năm tù, hành vi phạm tội vi phạm quy định về quản lý rừng có thể bị phạt đến 12 năm tù. Hành vi phạm tội khai thác khoáng sản được quy định tại Điều 172 Bộ luật hình sự năm 1999, với hình phạt cao nhất là 10 năm tù. Như vậy, hình phạt quy định đối với các hành vi phạm tội phá rừng và khai thác khoáng sản khá nghiêm khắc. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy hành vi vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ rừng, quản lý khoáng sản ngày càng diễn biến phức tạp, tốc độ rừng bị tàn phá không ngừng gia tăng, nguồn tài nguyên, khoáng sản ngày càng cạn kiệt, gây hậu quả nghiêm trọng cho môi trường sinh thái. Bộ Công an cho rằng, để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ rừng, quản lý tài nguyên, khoáng sản thì biện pháp quan trọng là cần nâng cao ý thức, trách nhiệm và hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng, tài nguyên, khoáng sản của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, nâng cao trách nhiệm và năng lực của các lực lượng làm công tác phòng, chống vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng, tài nguyên, khoáng sản. Tuy nhiên, việc quy định tăng nặng trách nhiệm hình sự cũng là một biện pháp góp phần nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm. Vì vậy, Bộ Công an xin ghi nhận kiến nghị của cử tri để có đề nghị thích hợp trong quá trình tham gia xây dựng Bộ luật Hình sự sửa đổi lần này.

– Đối với đề nghị tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội: Xuất phát từ nguyên tắc nhân đạo xã hội chủ nghĩa và đặc điểm phát triển tâm sinh lý của người chưa thành niên, Bộ luật hình sự đã có các quy định riêng đối với người chưa thành niên phạm tội. Theo đó, việc xử lý người chưa thành niên phạm tội chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội; việc truy cứu trách nhiệm hình sự người chưa thành niên phạm tội và áp dụng hình phạt đối với họ được thực hiện chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào tính chất của hành vi phạm tội, vào đặc điểm về nhân thân và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm; không xử phạt tù chung thân, tử hình, hình phạt bổ sung đối với người chưa thành niên phạm tội… Tuy nhiên, thực tiễn gần đây cho thấy tình hình tội phạm do người chưa thành niên thực hiện có chiều hướng gia tăng cả về số lượng và tính chất, mức độ nghiêm trọng. Bộ Công an cho rằng, để hạn chế sự gia tăng tội phạm do người chưa thành niên thực hiện, biện pháp quan trọng là cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật, thực hiện lối sống có văn hóa, lành mạnh, nâng cao trách nhiệm của nhà trường, gia đình trong việc quản lý, giáo dục người chưa thành niên; quản lý chặt chẽ các điểm kinh doanh trò chơi trực tuyến, quán bar, karaoke và các lĩnh vực, cơ sở kinh doanh, dịch vụ nhạy cảm khác để kịp thời ngăn chặn, loại trừ các nguyên nhân, điều kiện vi phạm pháp luật của người chưa thành niên. Việc tăng nặng trách nhiệm hình sự là một trong những biện pháp nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm. Tuy nhiên, việc quy định tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội là vấn đề lớn, do vậy Bộ Công an xin ghi nhận kiến nghị của cử tri để có đề nghị thích hợp trong quá trình tham gia xây dựng Bộ luật hình sự sửa đổi lần này.

2. Về đề nghị thêm chức năng, nhiệm vụ, công cụ hỗ trợ cho những lực lượng thi hành công tác phòng, chống tội phạm.

Bộ Công an đã ban hành các quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng lực lượng trong đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm và vi phạm pháp luật. Qua ý kiến của cử tri, tới đây, Quốc hội sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự, nếu tăng khung hình phạt và biện pháp chế tài đối với các hành vi vi phạm pháp luật trên, Bộ Công an sẽ điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của các lực lượng liên quan cho phù hợp để đáp ứng kịp thời công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, trong đó, có đề nghị tăng thẩm quyền cho điều tra viên, cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ điều tra, xử lý tội phạm và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội…

Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tổ chức rà soát, xây dựng kế hoạch và thực hiện cải tiến, bổ sung, thay thế, trang bị các loại phương tiện, vũ khí, công cụ hỗ trợ cho lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự. Hiện nay, trang thiết bị và điều kiện làm việc của lực lượng Công an nhân dân đã được cải thiện một bước, góp phần quan trọng nâng cao năng lực và sức mạnh chiến đấu, bảo vệ an ninh, trật tự của lực lượng Công an nhân dân. Tuy nhiên, việc trang bị các phương tiện hiện đại để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm có hiệu quả hơn còn phụ thuộc vào sự phát triển kinh tế, cần phải có thời gian và lộ trình phù hợp./.

Theo BCA

Công ty luật Hưng Nguyên – Văn phòng luật sư Hà Nội

Khung phạt Luật hình sự rộng dễ dẫn đến tùy tiện

Hội nghị khảo sát thực tiễn 11 năm thi hành Bộ Luật Hình sự (BLHS) năm 1999 vừa được Bộ Tư pháp phối hợp với UBND TP.HCM tổ chức hôm qua (5/11).

Dưới sự chủ trì của Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên, hội nghị đã tập trung thảo luận các vấn đề về tình hình thi hành và hiệu quả việc thi hành BLHS 1999; những khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng BLHS trong công tác điều tra, truy tố, xét xử các loại tội phạm; những điều, khoản của BLHS ít được áp dụng trên thực tế; những loại hành vi vi phạm mới cần xử lý hình sự nhưng chưa được quy định trong BLHS; tình hình áp dụng các biện pháp tư pháp, nhất là các biện pháp tư pháp đối với tội phạm chưa thành niên, việc áp dụng hình phạt tử hình…

Đánh giá về khoảng cách giữa mức tối đa và mức tối thiểu của hình phạt trong các điều luật cụ thể của BLHS, ông Vũ Phi Long, Phó Chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM, cho rằng: Trong nhiều điều luật có quy định khung hình phạt tiền thì khoảng cách giữa mức tối thiểu và mức tối đa còn khá lớn. Ví dụ: tại Khoản 1, Điều 172, BLHS, mức tối thiểu của hình phạt tiền là 50 triệu đồng, mức tối đa là 1 tỷ đồng (khoảng cách là 20 lần). Điều này theo ông Long rất dễ dẫn đến sự tùy tiện, không thống nhất áp dụng hình phạt tiền trong những trường hợp phạm tội.

Thiếu Tướng Phan Anh Minh, Phó giám đốc Công an TP. HCM lại phân tích: Tội đánh bạc quy định tại Điều 148 BLHS, thực tiễn rất khó xác định số tiền, tài sản của các con bạc có phải để sử dụng vào việc đánh bạc hay không. Trên thực tế, nhiều trường hợp bắt quả tang số lượng tiền trên các chiếu bạc rất ít so với số tiền các đối tượng cất, giấu trong người. Nghị quyết 01/2001/HĐTP lại càng gây khó khăn khi hướng dẫn tình tiết tiền bạc, tài sản dùng để ăn thua trong cả ba trường hợp đều phải là thu giữ, kể cả các con bạc thanh toán cho nhau rõ ràng qua ngân hàng…

Tại hội nghị, các đại biểu kiến nghị Bộ Tư pháp và  các bộ, ngành Trung ương nói chung cần tham mưu sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện bộ luật đáp ứng tình hình thực tiễn. Bên cạnh đó, cần hướng dẫn cụ thể hơn về việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự; nghiên cứu mở rộng phạm vi chủ thể tội phạm tham nhũng – không chỉ trong khu vực nhà nước mà cả ở khu vực tư nhân để đáp ứng hội nhập quốc tế. Các đại biểu cũng kiến nghị, cùng với việc hạn chế tử hình, nên giảm hình phạt ở một số tội, xem xét lại quy định về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự đối với tội phạm vị thành niên, mở rộng hình phạt tiền trong tội phạm kinh tế…

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Thế Liên đánh giá cao và ghi nhận những ý kiến đề xuất của các đại biểu.  Thứ trưởng cũng cho rằng, phạt tiền hay phạt tù, BLHS nên “nhân đạo hóa”, ngoài hình phạt tù phải tăng hình phạt tiền một số tội thay thế cho phạt tù, làm thế nào ngắn lại thời gian tù của trẻ nhỏ phạm tội.

Đặng Chung

Bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung 2009

LUẬT

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ

CỦA QUỐC HỘI KHÓA XII KỲ HỌP THỨ 5
SỐ 37/2009/QH12 NGÀY 19 THÁNG 6 NĂM 2009

 

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;

Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 15/1999/QH10.

 

Điều 1

Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật hình sự:

1. Bỏ hình phạt tử hình ở các điều 111, 139, 153, 180, 197, 221, 289 và 334.

Sửa đổi cụm từ “hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình” thành cụm từ “hai mươi năm hoặc tù chung thân” tại khoản 3 Điều 111, khoản 4 Điều 139, khoản 4 Điều 153, khoản 3 Điều 180, khoản 4 Điều 197, khoản 3 Điều 221, khoản 4 Điều 289 và khoản 4 Điều 334.

2. Sửa đổi mức định lượng tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 của một số điều như sau:

a) Sửa đổi cụm từ “năm trăm nghìn đồng” thành cụm từ “hai triệu đồng” tại khoản 1 các điều 137, 138, 139, 143, 278, 279, 280, 283, 289, 290 và 291;

b) Sửa đổi cụm từ “một triệu đồng” thành cụm từ “bốn triệu đồng” tại khoản 1 và bỏ từ “trên” tại điểm d khoản 2 Điều 140;

c) Sửa đổi cụm từ “năm triệu đồng” thành cụm từ “mười triệu đồng” tại khoản 1 Điều 141.

3. Khoản 5 Điều 69 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“5. Không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội.

Khi áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội cần hạn chế áp dụng hình phạt tù. Khi xử phạt tù có thời hạn, Toà án cho người chưa thành niên phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đã thành niên phạm tội tương ứng.

Không áp dụng hình phạt tiền đối với người chưa thành niên phạm tội ở độ tuổi từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi.

Không áp dụng hình phạt bổ sung đối với người chưa thành niên phạm tội.”

4. Tên Điều 84 được sửa đổi như sau:

“Điều 84. Tội khủng bố” được sửa đổi thành “Điều 84. Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân”.

5. Điều 119 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 119. Tội mua bán người

1. Người nào mua bán người thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ năm năm đến hai mươi năm:

a) Vì mục đích mại dâm;

b) Có tổ chức;

c) Có tính chất chuyên nghiệp;

d) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

đ) Để đưa ra nước ngoài;

e) Đối với nhiều người;

g) Phạm tội nhiều lần.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.”

6. Khoản 2 Điều 120 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Vì động cơ đê hèn;

d) Đối với nhiều trẻ em;

đ) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

e) Để đưa ra nước ngoài;

g) Để sử dụng vào mục đích vô nhân đạo;

h) Để sử dụng vào mục đích mại dâm;

i) Tái phạm nguy hiểm;

k) Gây hậu quả nghiêm trọng.”

7. Khoản 1 Điều 160 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“1. Người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hoá có số lượng lớn nhằm bán lại thu lợi bất chính gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ hai mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.”

8. Điều 161 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 161. Tội trốn thuế

1. Người nào trốn thuế với số tiền từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 153, 154, 155, 156, 157, 158, 159, 160, 164, 193, 194, 195, 196, 230, 232, 233, 236 và 238 của Bộ luật này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ một lần đến năm lần số tiền trốn thuế hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm.

2. Phạm tội trốn thuế với số tiền từ ba trăm triệu đồng đến dưới sáu trăm triệu đồng hoặc tái phạm về tội này, thì bị phạt tiền từ một lần đến năm lần số tiền trốn thuế hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

3. Phạm tội trốn thuế với số tiền từ sáu trăm triệu đồng trở lên hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một lần đến ba lần số tiền trốn thuế.”

9. Bổ sung Điều 164a như sau:

“Điều 164a. Tội in, phát hành, mua bán trái phép hoá đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước

1. Người nào in, phát hành, mua bán trái phép hoá đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước với số lượng lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

download văn bản tại đây

 

Bộ luật hình sự 1999

BỘ LUẬT HÌNH SỰ
CỦA NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM SỐ 15/1999/QH10

LỜI NÓI ĐẦU

Pháp luật hình sự là một trong những công cụ sắc bén, hữu hiệu để đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm, góp phần đắc lực vào việc bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức, góp phần duy trì trật tự an toàn xã hội, trật tự quản lý kinh tế, bảo đảm cho mọi người được sống trong một môi trường xã hội và sinh thái an toàn, lành mạnh, mang tính nhân văn cao. Đồng thời, pháp luật hình sự góp phần tích cực loại bỏ những yếu tố gây cản trở cho tiến trình đổi mới và sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh.

Bộ luật hình sự này được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát huy những nguyên tắc, chế định pháp luật hình sự của nước ta, nhất là của Bộ luật hình sự năm 1985, cũng như những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm trong nhiều thập kỷ qua của quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bộ luật hình sự thể hiện tinh thần chủ động phòng ngừa và kiên quyết đấu tranh chống tội phạm và thông qua hình phạt để răn đe, giáo dục, cảm hoá, cải tạo người phạm tội trở thành người lương thiện; qua đó, bồi dưỡng cho mọi công dân tinh thần, ý thức làm chủ xã hội, ý thức tuân thủ pháp luật, chủ động tham gia phòng ngừa và chống tội phạm.

Thi hành nghiêm chỉnh Bộ luật hình sự là nhiệm vụ chung của tất cả các cơ quan, tổ chức và toàn thể nhân dân.

 

PHẦN CHUNG

CHƯƠNG I
ĐIỀU KHOẢN CƠ BẢN

Điều 1. Nhiệm vụ của Bộ luật hình sự

Bộ luật hình sự có nhiệm vụ bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân, bảo vệ quyền bình đẳng giữa đồng bào các dân tộc, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức, bảo vệ trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa, chống mọi hành vi phạm tội; đồng thời giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm.

Để thực hiện nhiệm vụ đó, Bộ luật quy định tội phạm và hình phạt đối với người phạm tội.

Điều 2. Cơ sở của trách nhiệm hình sự

Chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự.

 

Điều 3. Nguyên tắc xử lý

1. Mọi hành vi phạm tội phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật.

2. Mọi người phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt nam, nữ, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội.

Nghiêm trị người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, lưu manh, côn đồ, tái phạm nguy hiểm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội; người phạm tội dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả nghiêm trọng.

Khoan hồng đối với người tự thú, thành khẩn khai báo, tố giác người đồng phạm, lập công chuộc tội, ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra.

3. Đối với người lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng, đã hối cải, thì có thể áp dụng hình phạt nhẹ hơn hình phạt tù, giao họ cho cơ quan, tổ chức hoặc gia đình giám sát, giáo dục.

4. Đối với người bị phạt tù thì buộc họ phải chấp hành hình phạt trong trại giam, phải lao động, học tập để trở thành người có ích cho xã hội; nếu họ có nhiều tiến bộ thì xét để giảm việc chấp hành hình phạt.

5. Người đã chấp hành xong hình phạt được tạo điều kiện làm ăn, sinh sống lương thiện, hoà nhập với cộng đồng, khi có đủ điều kiện do luật định thì được xóa án tích.

 

Điều 4. Trách nhiệm đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm

1. Các cơ quan Công an, Kiểm sát, Toà án, Tư pháp, Thanh tra và các cơ quan hữu quan khác có trách nhiệm thi hành đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của mình, đồng thời hướng dẫn, giúp đỡ các cơ quan khác của Nhà nước, tổ chức, công dân đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm, giám sát và giáo dục người phạm tội tại cộng đồng.

2. Các cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ giáo dục những người thuộc quyền quản lý của mình nâng cao cảnh giác, ý thức bảo vệ pháp luật và tuân theo pháp luật, tôn trọng các quy tắc của cuộc sống xã hội chủ nghĩa; kịp thời có biện pháp loại trừ nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm trong cơ quan, tổ chức của mình.

3. Mọi công dân có nghĩa vụ tích cực tham gia đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm.

CHƯƠNG II
HIỆU LỰC CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ

Điều 5. Hiệu lực của Bộ luật hình sự đối với những hành vi phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa ViệtNam

1. Bộ luật hình sự được áp dụng đối với mọi hành vi phạm tội thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa ViệtNam.

2. Đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng các quyền miễn trừ ngoại giao hoặc quyền ưu đãi và miễn trừ về lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia hoặc theo tập quán quốc tế, thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao.

 

Điều 6. Hiệu lực của Bộ luật hình sự đối với những hành vi phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa ViệtNam

1. Công dân ViệtNamphạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa ViệtNamcó thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại ViệtNamtheo Bộ luật này.

Quy định này cũng được áp dụng đối với người không quốc tịch thường trú ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa ViệtNam.

2. Người nước ngoài phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật hình sự Việt Nam trong những trường hợp được quy định trong các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia.

download văn bản tại đây

 

Lọt tội phạm do sợ bồi thường oan sai?

Từ khi có luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng có tâm lý sợ oan sai liên quan đến trách nhiệm cá nhân, dẫn đến bỏ lọt tội phạm”, Trưởng phòng Kiểm sát điều tra (Viện KSND TP.HCM) cho biết.

Công ty Luật

Ngày 25/10, tại TP.HCM, Bộ Tư pháp tổ chức tọa đàm đánh giá 3 năm thi hành luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Lúng túng giải quyết bồi thường

Năm 1997, bà Trần Thị Thuận bị cơ quan CSĐT Công an quận 8 khởi tố tội “hủy hoại tài sản”. Tuy nhiên, quá trình điều tra không chứng minh được hành vi phạm tội của bà. 8 năm sau, VKSND quận 8 ra quyết định đình chỉ, tuyên bố bà Thuận không phạm tội.

VKSND quận 8 gửi thông báo cho bà Thuận biết, trường hợp của bà thuộc diện được bồi thường. Cơ quan này cũng nhiều lần mời bà Thuận đến nhận quyết định đình chỉ và tiến hành thương lượng nhưng bà Thuận không đến. UBND quận cũng lập đoàn công tác đến nhà bà Thuận nhưng bà không tiếp. “Trường hợp này phải giải quyết ra sao?”, ông Trần Thật, Trưởng phòng Kiểm sát điều tra (Viện KSND TP.HCM) nêu vấn đề.

Ông Vũ Thanh Bình, Phó phòng kiểm tra (Cục Thi hành án dân sự TP.HCM) cũng nêu một trường hợp khó xử lý khác.

Ông Trương Văn Lập (quận Bình Tân) yêu cầu Chi cục Thi hành án dân sự quận 11 bồi thường 26 lượng vàng (trị giá hơn 1 tỷ đồng) do một nhân viên của chi cục này thiếu sót trong quá trình xác minh tài sản thi hành bản án của TAND TP.HCM để người phải thi hành án là ông Hồ A Cẩu tẩu tán nhà, trốn tránh thi hành án.

Tuy nhiên, Chi cục Thi hành án dân sự quận 11 chưa thể xác định được mức độ thiệt hại do căn nhà mà ông Cẩu tẩu tán là tài sản chung của gia đình ông Cẩu. Hơn nữa, đến nay căn nhà đã được sang tên nhiều người.

“Việc xác định thiệt hại theo luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong vụ này đang gặp khó khăn. Những cơ quan nào phối hợp cùng với cơ quan Thi hành án dân sự quận để xác minh thiệt hại cũng chưa có hướng dẫn cụ thể”, ông Bình nói.

Một lo ngại khác, ông Trần Thật thừa nhận, từ khi có luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đến nay, các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng có tâm lý sợ oan sai liên quan đến trách nhiệm cá nhân, dẫn đến bỏ lọt tội phạm.

Vị đại diện Viện KSND TP.HCM nói, kể từ lúc “thò bút” phê chuẩn lệnh bắt tạm giam để điều tra đến lúc kết thúc vụ án, Viện kiểm sát chịu trách nhiệm từ đầu đến cuối. Có những vụ án, hành vi phạm tội là có thật nhưng do sai sót trong việc thu thập chứng cứ, quy trình xử lý chứng cứ nên nhiều khi trách nhiệm bồi thường thuộc về Viện kiểm sát.

Từ đó, không ít kiểm sát viên rơi vào tâm lý, thà bỏ lột tội phạm còn hơn bắt giữ oan sai, liên đới đến trách nhiệm cá nhân. Nhưng chính điều đó dẫn đến hệ quả là không ngăn chặn được tội phạm, gây hậu quả khôn lường.

Ông Trần Thật đề nghị xây dựng cơ chế ngăn chặn tình trạng sợ oan sai dẫn đến bỏ lọt tội phạm cũng như cơ chế đãi ngộ tương xứng đối với người thực hiện công vụ liên quan đến việc thi hành luật này.

Người bị oan sai là doanh nghiệp xử lý thế nào?

Nhiều đại biểu cũng cho rằng, đối với những người làm công ăn lương thì có thể căn cứ vào tài sản là tiền lương để bồi thường thiệt hại nhưng đối với các doanh nghiệp, sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang, đảng viên, cán bộ, người nước ngoài… thì chưa biết hướng xử lý vì khó xác định tổn hại về vật chất và tinh thần.

“Đối với người bị oan là các chủ doanh nghiệp, việc xác định thiệt hại về vật chất là rất khó khăn. Ví dụ khi một chủ doanh nghiệp bị oan sai, họ sẽ mất hợp đồng kinh tế, mất đối tác về sau và nhất là ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp… thì sẽ được tính toán bồi thường như thế nào? Hiện chưa có hướng dẫn”, đại diện Viện KSND TP.HCM lo ngại.

Thừa nhận trong quá trình triển khai và bản thân luật có nhiều hạn chế, Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thanh Tịnh khẳng định, mặc dù đã có thiệt hại thực tế xảy ra nhưng người bị thiệt hại không có quyền yêu cầu bồi thường ngay mà phải thực hiện các thủ tục cần thiết để có được văn bản xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ, thông tư liên tịch hướng dẫn thi hành luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước cũng chưa có gây khó khăn trong công tác xử lý…

Để có hướng xử lý cụ thể các vụ việc bồi thường thiệt hại, ông Tịnh cho biết, các bộ ngành đang khẩn trương hoàn thiện dự thảo văn bản hướng dẫn thi hành luật để ban hành cuối năm nay hoặc đầu năm sau.

Đối với việc xác định thiệt hại của chủ doanh nghiệp, ông Tịnh cho rằng, nếu thu nhập xác định được thì phải bồi thường đầy đủ cho họ. “Mà đã là thu nhập xác định được thì dù là chủ doanh nghiệp cũng phải có căn cứ để chứng minh. Chủ doanh nghiệp cũng có lương. Nếu chủ doanh nghiệp có thu nhập 50-100 triệu mỗi tháng thì chúng ta cũng phải bồi thường”, ông Tịnh nói.

Còn nếu thu nhập không xác định được, ông Tịnh cho biết, sẽ áp dụng lương tối thiểu để tính toán bồi thường thiệt hại.

Tá Lâm

Những pháp nhân nào phải chịu trách nhiệm hình sự?

Vấn đề gây nhiều tranh cãi là những pháp nhân nào phải chịu trách nhiệm hình sự?. Bởi lẽ, nếu quy định tất cả mà không có loại trừ sẽ dẫn đến thiếu khả thi.

Công ty Luật Hưng Nguyên

Do BLHS hiện hành chỉ quy định trách nhiệm hình sự của cá nhân nên khi đặt ra vấn đề trách nhiệm hình sự của pháp nhân theo nhiều chuyên gia, nó sẽ kéo theo hàng loạt vấn đề khác về năng lực chịu trách nhiệm hình sự, lỗi, hình phạt…Nói như vậy để thấy rằng nếu đưa vấn đề trên vào BLHS sửa đổi thì phải cân nhắc thận trọng và có sự nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung các quy định liên quan.

 

Một vấn đề quan trọng khác đó là việc xác định chủ thể trách nhiệm hình sự của pháp nhân. Nhiều ý kiến cho rằng nên phải giới hạn chủ thể chịu trách nhiệm hình sự là các tổ chức có tư cách pháp nhân. Không nên đưa nhà nước là chủ thể phải chịu trách nhiệm hình sự vì Nhà nước là phạm trù rộng, đặc biệt, nhà nước đặt ra chính sách hình sự và nhà nước không thể tự mình trừng trị mình.

 

Tội phạm kinh tế, môi trường: Cần quy định pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự

 

Một số chuyên gia cho rằng, nên quy định, các chủ thể chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân bao gồm: các cơ quan của Chính phủ, các cơ quan chính quyền địa phương, các cơ quan hành chính – sự nghiệp, các đoàn thể, tổ chức xã hội, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, các tổng công ty, công ty, xí nghiệp nhà nước, doanh nghiệp của các tổ chức chính trị – xã hội được thành lập phục vụ lợi ích công cộng. 

 

Tuy nhiên, theo TS. Cao Thị Oanh, Khoa Pháp luật Hình sự, Trường Đại học Luật Hà Nội thì bước đầu, nếu bổ sung trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân vào BLHS thì nên quy định ở các tội mà khả năng pháp nhân là chủ thể của tội phạm cao như các tội phạm về kinh tế, các tội phạm về môi trường, một số tội phạm về ma túy và một số tội phạm về an toàn công cộng, trật tự công cộng.

 

TS Oanh cũng cho rằng, từ góc độ áp dụng pháp luật, để truy cứu trách nhiệm hình sự tổ chức, chỉ cần chứng minh hành vi phạm tội, lỗi của người lãnh đạo, chỉ huy tổ chức và các điều kiện khác của trách nhiệm hình sự  (như vai trò lãnh đạo, chỉ huy của cá nhân trong tổ chức, nhân danh, thay mặt tổ chức, vì lợi ích của tổ chức…) là đủ.

 

Bên cạnh đó, cần áp dụng nguyên tắc trách nhiệm kép trong giải quyết vấn đề trách nhiệm hình sự của pháp nhân ở nước ta là hoàn toàn hợp lý. Như vậy, nếu người lãnh đạo, người đại diện của pháp nhân phạm tội vì lợi ích hoặc trong khuôn khổ hoạt động của pháp nhân thì cả pháp nhân và người lãnh đạo, người đại diện đó phải chịu trách nhiệm về tội phạm được thực hiện.

 

Đồng tình với TS. Oanh, một số chuyên gia nhấn mạnh, trong điều kiện hiện nay, để phù hợp với tình hình và đảm bảo tính khả thi của luật, nên tập trung quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân vào các nhóm tội cơ bản như tội phạm kinh tế, tội phạm môi trường..

 

Vi phạm vì lợi ích pháp nhân: phải xử lý

 

Tuy nhiên để có thể xử lý một cách “tận gốc” tội phạm hình sự do pháp nhân thực hiện trong điều kiện hiện nay (hành vi phạm tội được thực hiện rất tinh vi, phức tạp) thì cần phải quy định rất chặt chẽ, cụ thể về các điều kiện để truy cứu trách nhiệm hình sự.

 

Ví dụ, hiện nay, điển hình trong các vi phạm về trốn thuế hay môi trường, nhiều vụ không phải do chính người đứng đầu cơ quan, tổ chức thực hiện mà họ ủy quyền cho người khác thực hiện (ví dụ như cấp phó). Những trường hợp này cũng cần xác định cũng là do pháp nhân thực hiện. Hay những trường hợp không phải là ủy quyền nhưng thực hiện nhân danh pháp nhân thì cũng phải được coi là chính pháp nhân đó vi phạm. 

 

Phó Chủ nhiệm Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội Trịnh Quốc Toàn cho rằng, nếu chỉ xử lý về hình sự đối với người đại diện, những người được ủy quyền hoặc những nhân viên thừa hành thực hiện thì rõ ràng là bỏ lọt tội phạm, trái với nguyên tắc công bằng trong BLHS. Đã đến lúc vấn đề TNHS của pháp nhân – tổ chức phải được giải quyết về mặt hình sự một cách trực tiếp.

 

Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng điều kiện để truy cứu TNHS của pháp nhân là có một cá nhân thực hiện tội phạm trong khuôn khổ hoạt động hoặc vì lợi ích của pháp nhân. 

 

Một trong những chủ trương sửa đổi BLHS hiện hành là tăng phạt tiền, giảm phạt tù thì đối với pháp nhân, ngoài việc xác định hệ thống hình phạt liên quan đến trách nhiệm hình sự thì cần quy định một hệ thống hình phạt riêng bao gồm hình phạt chính, hình phạt bổ sung, trong đó cần chú trọng hình phạt tiền.

 

Công ty Luật Hưng Nguyên – Theo Việt Hòa

Thừa nhận trách nhiệm hình sự của pháp nhân là tất yếu

Một trong những vấn đề lý luận quan trọng được đặt ra trong lần sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự lần này là có thể truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS) đối với pháp nhân không. Tại Việt Nam đang có nhiều ý kiến về vấn đề này,, nhưng ở nhiều nước thì việc thừa nhận TNHS của pháp nhân trong luật hình sự là xu thế tất yếu.

Công ty Luật Hưng Nguyên

Từ giữa thế kỷ XIX, một số nước như Anh, Mỹ, Canada, Australia sau một thời gian cải cách pháp luật hình sự đã quay lại áp dụng chế định TNHS của pháp nhân trong thực tiễn xét xử. Bắt đầu vào nửa cuối thế kỷ XIX trở đi, nhiều nước châu Âu cũng quy định nguyên tắc TNHS của pháp nhân trong luật thực định. Chẳng hạn, Hà Lan năm 1950 đối với các tội phạm kinh tế và đến năm 1976 đối với mọi tội phạm, Bồ Đào Nha năm 1982, Pháp năm 1992, Phần Lan năm 1995, Vương quốc Bỉ năm 1999, Thụy Sỹ năm 2003, Luxembourg và Tây Ban Nha năm 2010…
Hiện nay, chế định TNHS của pháp nhân được xây dựng không chỉ trong luật hình sự ở những nước trên mà còn được thừa nhận trong luật hình sự của một số nước châu Á như Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc…
Đối với pháp luật quốc tế, TNHS của pháp nhân chính thức được khuyến nghị trong nhiều văn bản pháp luật của Liên hợp quốc và của khu vực. Cụ thể là, khoản 1 Điều 5 Công ước quốc tế về trừng trị việc tài trợ cho khủng bố của Liên hợp quốc, Công ước về bảo vệ môi trường bằng pháp luật hình sự, Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng, Khuyến cáo số 12 và số 18 của Ủy ban các Bộ trưởng Hội đồng châu Âu về tình trạng tội phạm về kinh tế, thương mại…
Trong một số điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia hoặc phê chuẩn như Công ước của Liên hợp quốc về tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng đều có quy định về việc khuyến nghị các quốc gia thiết lập chế định TNHS của pháp nhân. Mặc dù Việt Nam tuyên bố không bị ràng buộc bởi một số quy định mang tính tùy nghi, không bắt buộc áp dụng của Công ước, trong đó có chế định TNHS của pháp nhân nhưng về lâu dài, các chuyên gia pháp lý cho rằng: Để Việt Nam có thể thực hiện hiệu quả các quy định của các Công ước quốc tế cũng như nhận được sự đồng thuận của các quốc gia trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm, đặc biệt là phòng, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, tội phạm tham nhũng thì cần nghiên cứu tiếp thu kinh nghiệm lập pháp của các nước và từng bước nội luật hóa vấn đề TNHS của pháp nhân trong pháp luật hình sự nhằm tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ cho sự hợp tác về các lĩnh vực này.
Không những thế, vấn đề trên cũng đã thể hiện rất rõ trong Quyết định số 445/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng. Trong đó, có yêu cầu nghiên cứu bổ sung tội danh tham nhũng và quy định pháp nhân là chủ thể của hành vi tham nhũng.
Công ty Luật Hưng Nguyên – theo Uyên San