Cần giám sát sự tuân thủ pháp luật của các chùa, các tổ chức từ thiện

(ĐSPL) – Vụ việc mua bán trẻ em tại Chùa Bồ Đề (quận Long Biên, Hà Nội) khiến dư luận hết sức phẫn nộ. Vậy cơ quan nào phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra vụ việc này? Liên quan đến vấn đề này này, PV báo ĐSPL đã có cuộc phỏng vấn với Luật sư Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc công ty Luật Hưng Nguyên, Đoàn Luật sư thành phố Hà nội.


Cần giám sát sự tuân thủ pháp luật của các Chùa, tổ chức từ thiện 

 Luật sư Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc Công ty Luật Hưng Nguyên.


PV:  Xin luật sư cho biết hiện nay nhà chùa bị quản lý hoạt động bởi những quy phạm pháp luật nào?

LS. Nguyễn Văn Nguyên: Ở Việt Nam hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo nói chung và hoạt động của các nhà chùa,  nói riêng chịu sự điều chỉnh của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo năm 2004 và Nghị định số 22/2005/NĐ-CP ngày 01-3-2005 Hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo. Theo đó nhà chùa là cơ sở của tổ chức tôn giáo, hoạt động của nhà chùa chị sự quản lý nhà nước và tuân thủ giáo lý, luật giáo của Giáo hội phật giáo Việt Nam.

PV:  Cơ quan nào có trách nhiệm giám sát việc tuân thủ pháp luật của các nhà chùa, hoạt động của các sư, thưa Luật sư?

LS. Nguyễn Văn Nguyên: Hoạt động của các nhà chùa, các sư phải tuân thủ các giáo lý, giáo luật của phật giáo, chịu sự quản lý của Giáo hội phật giáo Việt Nam. Ngoài ra phải tuân thủ pháp luật của nhà nước được quy định trong pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo.Cơ quan quản lý nhà nước cao nhất của chính phủ về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo là Ban tôn giáo của Chính phủ, ngoài ra trong phạm vi trách nhiệm quản lý hành chính nhà nước ở địa phương thì UBND các cấp có trách nhiệm quản lý đối với các nhiệm vụ được phân công.

PV:  Nhà chùa có được phép nhận nuôi trẻ em hay không? Nếu không được phép tại sao tình trạng nhận nuôi trẻ của các chùa thường diễn ra phổ biển mà cơ quan chức năng vẫn thờ ơ?

LS. Nguyễn Văn Nguyên: Việc nhiều cơ sở tôn giáo là các nhà chùa nhận trẻ em bị bỏ rơi về nuôi dưỡng thể hiện tính nhân đạo, nhân văn, nhưng không phù hợp với pháp luật hiện hành. Hiện nay không có quy định pháp luật nào quy định cụ thể việc nhà chùa, cơ sở tôn giáo được phép nhận nuôi dạy trẻ.Điều 2 nghị định 19/2011/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của luật nuôi con nuôi năm 2010

Thẩm quyền đăng ký việc nuôi con nuôi 

Thẩm quyền đăng ký việc nuôi con nuôi được thực hiện theo quy định tại Điều 9 của Luật Nuôi con nuôi và quy định cụ thể sau đây:

1. Đối với việc nuôi con nuôi trong nước, thì Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp xã), nơi thường trú của người được nhận làm con nuôi thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi.

Trường hợp cha dượng hoặc mẹ kế nhận con riêng của vợ hoặc chồng làm con nuôi; cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi hoặc có sự thỏa thuận giữa người nhận con nuôi với cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ của trẻ em được nhận làm con nuôi, thì Ủy ban nhân dân cấp xã thường trú của người nhận con nuôi thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi.

Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi chưa chuyển vào cơ sở nuôi dưỡng được nhận làm con nuôi, thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi lập biên bản xác nhận tình trạng trẻ em bị bỏ rơi thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi; trường hợp trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng được nhận làm con nuôi, thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có trụ sở của cơ sở nuôi dưỡng thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi.

2. Đối với việc nuôi con nuôi nước ngoài, thì Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh), nơi thường trú của người được nhận làm con nuôi quyết định cho người đó làm con nuôi; trường hợp trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng được nhận làm con nuôi, thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, nơi có trụ sở của cơ sở nuôi dưỡng trẻ em quyết định cho trẻ em đó làm con nuôi.

Sở Tư pháp thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi nước ngoài sau khi có quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

3. Đối với việc nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam với nhau tạm trú ở nước ngoài, thì Cơ quan đại diện nơi tạm trú của người được nhận làm con nuôi hoặc của người nhận con nuôi thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi; trường hợp cả hai bên tạm trú ở nước không có Cơ quan đại diện, thì người nhận con nuôi nộp hồ sơ đăng ký việc nuôi con nuôi tại Cơ quan đại diện nào thuận tiện nhất đối với họ”.

Như vậy việc nhận nuôi con nuôi là việc giữa cá nhân và cá nhân, nhà chùa không có quyền nhận nuôi con nuôi.

Việc để tình trạng nhà chùa nhận trẻ em bị bỏ rơi xẩy ra ở nhiều nơi có nhiều nguyên nhân trong đó có sự thiếu trách nhiệm, buông lòng quản lý của chính quyền địa phương và cơ quan quản lý chuyên trách.

PV: Trong trường hợp chủ trì nhà chùa chủ mưu và đã thực hiện đường dây mua bán trẻ em thì trách nhiệm hình sự sẽ như thế nào?

LS. Nguyễn Văn Nguyên: Pháp luật hình sự Việt Nam luôn trùng trị người chủ mưu, cầm đầu, phạm tội có tổ chức, ngoan cố chống đối. Trường hợp cơ quan điều tra xác định được sư trụ trì chùa Bồ Đề hoặc các cá nhân có liên quan đến hành vi mua bán trẻ em thì những người đó sẽ bị truy tố, xét xử về tội mua bán trẻ em theo quy định tại điều 120 BLHS.

Điều 120. Tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em

1. Người nào mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:

a) Có tổ chức

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Vì động cơ đê hèn;

d) Đối với nhiều trẻ em;

đ) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

e) Để đưa ra nước ngoài;

g) Để sử dụng vào mục đích vô nhân đạo;

h) Để sử dụng vào mục đích mại dâm;

i) Tái phạm nguy hiểm;

k) Gây hậu quả nghiêm trọng

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm hoặc phạt quản chế từ một năm đến năm năm”.

PV: Bài học quản lý đối với các nhà chùa, đơn vị từ thiện tại địa phương để tránh tình trạng lạm dụng hoạt động này để thực hiện hành vi mua bán trẻ em cũng như các hành vi phạm tội khác?

LS. Nguyễn Văn Nguyên: Vụ án rồi sẽ được điều tra làm rõ, các cá nhân có liên quan sẽ bị truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật. Vụ án được dư luận quan tâm và đặt ra nhiều đòi hỏi về trách nhiệm công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở tôn giáo đối với việc nhận và nuôi trẻ em bị bỏ rơi… Cần sớm đưa các trẻ em mồ côi, trẻ bị bỏ rơi vào các Trung tâm bảo trợ xã hội hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật.

Xin chân thành cảm ơn Luật sư.

 

Phương Vy

Công ty Luật Hà Nội: Đề nghị trưng cầu dân ý về sở hữu toàn dân với đất đai

Là người phát biểu thứ 20 trong tổng số 21 đại biểu tham gia thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sáng 17/6, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đã tỏ rõ sự băn khoăn về quy định “sở hữu toàn dân” đối với đất đai.

Tại báo cáo tiếp thu giải trình dự án luật, trên cơ sở tổng hợp ý kiến nhân dân và đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ: “Đa số ý kiến tán thành với việc tiếp tục quy định chế độ sở hữu toàn dân đối với đất đai. Một số ý kiến đề nghị thực hiện chế độ đa sở hữu đối với đất đai, sở hữu tư nhân đối với đất ở. Có ý kiến đề nghị dùng khái niệm sở hữu nhà nước thay cho sở hữu toàn dân”.

Khẳng định sự đồng tình với quy định “sở hữu toàn dân”, tuy nhiên, đại biểu Thuyền nhấn mạnh, khi tiếp xúc cử tri thì đa số nhân dân đề nghị quyền sở hữu về đất ở.

“Báo cáo tổng hợp nói đa số nhân dân đồng tình, nhưng theo tôi không phải như thế. Chúng ta viết như thế hơi chủ quan, bởi đa số nhân dân người ta muốn sở hữu về đất ở, chứ không phải như chúng ta tổng hợp đâu”, ông Thuyền phát biểu.

“Chúng ta nói là đất đai là sở hữu toàn dân, vậy nếu cần thiết thì chúng ta trưng cầu dân ý, xem nhân dân có đồng ý vấn đề này hay không? Bởi vì chúng ta xác định là sở hữu toàn dân thì người dân có quyền quyết định vấn đề này. Tôi đề nghị nên xem lại”, ông Thuyền phát biểu.

Theo lập luận của đại biểu Thuyền, khi nói đến quyền sở hữu thì chỉ có 3 quyền: quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt. Trong khi đó đất ở giao cho nhân dân là sử dụng lâu dài, trao cho dân thêm 8 quyền: chuyển đổi, sang nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng, cho quyền sử dụng đất, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Như vậy còn cao hơn quyền sở hữu.

Liên quan đến việc thu hồi đất với các dự án phát triển kinh tế – xã hội, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền cho rằng cần phải có sự cân nhắc, bởi vì rất nhiều ý kiến cho rằng trong thời gian vừa qua điều này tạo ra nhiều thiệt thòi cho người dân và tạo điều kiện cho tham nhũng phát triển.

“Khi chúng ta thu hồi đất cho dự án kinh tế – xã hội, rõ ràng là người dân rất thiệt, nhà nước cũng không được gì, nhưng chắc chắn cán bộ có chức, có quyền sẽ được hưởng lợi trong việc này, vì khoản chênh lệch rất lớn”, ông Thuyền nói.

Quy định thu hồi đất thế nào để người dân có đất không bị thiệt thòi cũng là băn khoăn của nhiều ý kiến khác.

Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) đề nghị khi thu hồi đất và tài sản gắn liền trên đất như nhà cửa, kiến trúc thì cơ quan quản lý nhà nước phải cần tách bạch bằng cách loại hình cố định hành chính khác nhau.

Cụ thể, thu hồi đất phải có quyết định thu hồi đất riêng, có bồi thường. Còn về tài sản phải bồi thường thiệt hại thoả đáng cho người dân theo nguyên tắc thoả thuận bằng một quyết định hành chính riêng, ông Minh góp ý.

Góp ý về cơ chế thu hồi, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) nhận xét lý do ban soạn thảo chưa tiếp thu cơ chế trưng mua quyền sử dụng đất là chưa hợp lý và thiếu tính thuyết phục.

Theo phân tích của đại biểu Vinh thì đang có sự nhầm lẫn trong các lý giải việc trưng mua đất và trưng mua quyền sử dụng đất. Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước là đại diện chủ sở hữu, do đó không thể dùng cơ chế trưng mua đất được, nhưng quyền sử dụng đất lại khác.

Dẫn dự thảo Hiến pháp (sửa đổi) năm 1992 điều 58 quy định “quyền sử dụng đất là quyền tài sản được pháp luật bảo hộ”, còn theo Bộ luật Dân sự năm 2005 thì quyền tài sản là tài sản, do đó có đầy đủ các quyền như mua, bán, tặng, cho, thế chấp, ông Vinh nhấn mạnh khi nhà nước đã giao quyền sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân thì quyền sử dụng đất cần được bảo hộ và trường hợp cần thiết vì lý do phát triển kinh tế nhà nước sẽ trưng mua lại quyền sử dụng đất đã giao cho tổ chức, cá nhân sử dụng trước đó.

“Nếu chúng ta chỉ quy định thu hồi đất thì rõ ràng chúng ta đang đối xử không công bằng với người dân, lợi ích chính đáng của họ trước pháp luật chưa được tôn trọng và bảo vệ, người dân vẫn sống trong cảnh thụ động, với tâm lý có thể bị tước đoạt tài sản bất cứ lúc nào”, ông Vinh nhấn mạnh.

Đại biểu Vinh cũng cho rằng cần phải bảo đảm hài hòa mục tiêu đất để phát triển kinh tế – xã hội với vấn đề an dân. Nếu coi nhẹ vấn đề an dân thì mục đích phát triển kinh tế – xã hội cũng khó có thể đạt được.

Công ty Luật Hưng Nguyên – theo VNEconomy.vn

Thủ tướng phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 – 2020, trong đó tập trung tái cơ cấu đầu tư công, các tổ chức tín dụng, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Mục tiêu của Đề án nhằm hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo lập hệ thống đòn bẩy khuyến khích hợp lý, ổn định và dài hạn, nhất là ưu đãi về thuế và các biện pháp khuyến khích đầu tư khác, thúc đẩy phân bố và sử dụng nguồn lực xã hội chủ yếu theo cơ chế thị trường vào các ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, nâng cao năng suất lao động, năng suất các yếu tố tổng hợp và năng lực cạnh tranh.

Bên cạnh đó, hình thành và phát triển cơ cấu kinh tế hợp lý trên cơ sở cải thiện, nâng cấp trình độ phát triển các ngành, lĩnh vực, vùng kinh tế; phát triển các ngành, lĩnh vực sử dụng công nghệ cao, tạo ra giá trị gia tăng cao từng bước thay thế các ngành công nghệ thấp, giá trị gia tăng thấp để trở thành các ngành kinh tế chủ lực.

Theo đó, về tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công, sẽ huy động hợp lý các nguồn lực cho đầu tư phát triển, bảo đảm tổng đầu tư xã hội khoảng 30 – 35% GDP, duy trì ở mức hợp lý các cân đối lớn của nền kinh tế như: tiết kiệm, đầu tư và tiêu dùng, ngân sách nhà nước, cán cân thương mại, cán cân thanh toán quốc tế, nợ công và nợ nước ngoài quốc gia… Duy trì tỷ trọng đầu tư nhà nước hợp lý, khoảng 35 – 40% tổng đầu tư xã hội; dành khoảng 20 – 25% tổng chi ngân sách cho đầu tư phát triển.

Về tái cơ cấu hệ thống tài chính – ngân hàng, trọng tâm là các tổ chức tín dụng, trong giai đoạn 2013 – 2015, sẽ tập trung lành mạnh hóa tình trạng tài chính của các tổ chức tín dụng… Cơ cấu lại căn bản, triệt để và toàn diện hệ thống các tổ chức tín dụng để đến năm 2020 phát triển được hệ thống các tổ chức tín dụng đa năng theo hướng hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả vững chắc với cấu trúc đa dạng về sử hữu, quy mô và loại hình…

Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm khẩn trương xây dựng và triển khai ngay trong nửa đầu năm 2013 Chương trình hành động tái cơ cấu theo lĩnh vực, ngành hoặc vùng lãnh thổ thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước được giao.

Theo Chinhphu.vn