Cần giám sát sự tuân thủ pháp luật của các chùa, các tổ chức từ thiện

0
Có 2,751 lượt xem

(ĐSPL) – Vụ việc mua bán trẻ em tại Chùa Bồ Đề (quận Long Biên, Hà Nội) khiến dư luận hết sức phẫn nộ. Vậy cơ quan nào phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra vụ việc này? Liên quan đến vấn đề này này, PV báo ĐSPL đã có cuộc phỏng vấn với Luật sư Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc công ty Luật Hưng Nguyên, Đoàn Luật sư thành phố Hà nội.


Cần giám sát sự tuân thủ pháp luật của các Chùa, tổ chức từ thiện 

 Luật sư Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc Công ty Luật Hưng Nguyên.


PV:  Xin luật sư cho biết hiện nay nhà chùa bị quản lý hoạt động bởi những quy phạm pháp luật nào?

LS. Nguyễn Văn Nguyên: Ở Việt Nam hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo nói chung và hoạt động của các nhà chùa,  nói riêng chịu sự điều chỉnh của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo năm 2004 và Nghị định số 22/2005/NĐ-CP ngày 01-3-2005 Hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo. Theo đó nhà chùa là cơ sở của tổ chức tôn giáo, hoạt động của nhà chùa chị sự quản lý nhà nước và tuân thủ giáo lý, luật giáo của Giáo hội phật giáo Việt Nam.

PV:  Cơ quan nào có trách nhiệm giám sát việc tuân thủ pháp luật của các nhà chùa, hoạt động của các sư, thưa Luật sư?

LS. Nguyễn Văn Nguyên: Hoạt động của các nhà chùa, các sư phải tuân thủ các giáo lý, giáo luật của phật giáo, chịu sự quản lý của Giáo hội phật giáo Việt Nam. Ngoài ra phải tuân thủ pháp luật của nhà nước được quy định trong pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo.Cơ quan quản lý nhà nước cao nhất của chính phủ về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo là Ban tôn giáo của Chính phủ, ngoài ra trong phạm vi trách nhiệm quản lý hành chính nhà nước ở địa phương thì UBND các cấp có trách nhiệm quản lý đối với các nhiệm vụ được phân công.

PV:  Nhà chùa có được phép nhận nuôi trẻ em hay không? Nếu không được phép tại sao tình trạng nhận nuôi trẻ của các chùa thường diễn ra phổ biển mà cơ quan chức năng vẫn thờ ơ?

LS. Nguyễn Văn Nguyên: Việc nhiều cơ sở tôn giáo là các nhà chùa nhận trẻ em bị bỏ rơi về nuôi dưỡng thể hiện tính nhân đạo, nhân văn, nhưng không phù hợp với pháp luật hiện hành. Hiện nay không có quy định pháp luật nào quy định cụ thể việc nhà chùa, cơ sở tôn giáo được phép nhận nuôi dạy trẻ.Điều 2 nghị định 19/2011/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của luật nuôi con nuôi năm 2010

Thẩm quyền đăng ký việc nuôi con nuôi 

Thẩm quyền đăng ký việc nuôi con nuôi được thực hiện theo quy định tại Điều 9 của Luật Nuôi con nuôi và quy định cụ thể sau đây:

1. Đối với việc nuôi con nuôi trong nước, thì Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp xã), nơi thường trú của người được nhận làm con nuôi thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi.

Trường hợp cha dượng hoặc mẹ kế nhận con riêng của vợ hoặc chồng làm con nuôi; cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi hoặc có sự thỏa thuận giữa người nhận con nuôi với cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ của trẻ em được nhận làm con nuôi, thì Ủy ban nhân dân cấp xã thường trú của người nhận con nuôi thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi.

Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi chưa chuyển vào cơ sở nuôi dưỡng được nhận làm con nuôi, thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi lập biên bản xác nhận tình trạng trẻ em bị bỏ rơi thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi; trường hợp trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng được nhận làm con nuôi, thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có trụ sở của cơ sở nuôi dưỡng thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi.

2. Đối với việc nuôi con nuôi nước ngoài, thì Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh), nơi thường trú của người được nhận làm con nuôi quyết định cho người đó làm con nuôi; trường hợp trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng được nhận làm con nuôi, thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, nơi có trụ sở của cơ sở nuôi dưỡng trẻ em quyết định cho trẻ em đó làm con nuôi.

Sở Tư pháp thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi nước ngoài sau khi có quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

3. Đối với việc nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam với nhau tạm trú ở nước ngoài, thì Cơ quan đại diện nơi tạm trú của người được nhận làm con nuôi hoặc của người nhận con nuôi thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi; trường hợp cả hai bên tạm trú ở nước không có Cơ quan đại diện, thì người nhận con nuôi nộp hồ sơ đăng ký việc nuôi con nuôi tại Cơ quan đại diện nào thuận tiện nhất đối với họ”.

Như vậy việc nhận nuôi con nuôi là việc giữa cá nhân và cá nhân, nhà chùa không có quyền nhận nuôi con nuôi.

Việc để tình trạng nhà chùa nhận trẻ em bị bỏ rơi xẩy ra ở nhiều nơi có nhiều nguyên nhân trong đó có sự thiếu trách nhiệm, buông lòng quản lý của chính quyền địa phương và cơ quan quản lý chuyên trách.

PV: Trong trường hợp chủ trì nhà chùa chủ mưu và đã thực hiện đường dây mua bán trẻ em thì trách nhiệm hình sự sẽ như thế nào?

LS. Nguyễn Văn Nguyên: Pháp luật hình sự Việt Nam luôn trùng trị người chủ mưu, cầm đầu, phạm tội có tổ chức, ngoan cố chống đối. Trường hợp cơ quan điều tra xác định được sư trụ trì chùa Bồ Đề hoặc các cá nhân có liên quan đến hành vi mua bán trẻ em thì những người đó sẽ bị truy tố, xét xử về tội mua bán trẻ em theo quy định tại điều 120 BLHS.

Điều 120. Tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em

1. Người nào mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:

a) Có tổ chức

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Vì động cơ đê hèn;

d) Đối với nhiều trẻ em;

đ) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

e) Để đưa ra nước ngoài;

g) Để sử dụng vào mục đích vô nhân đạo;

h) Để sử dụng vào mục đích mại dâm;

i) Tái phạm nguy hiểm;

k) Gây hậu quả nghiêm trọng

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm hoặc phạt quản chế từ một năm đến năm năm”.

PV: Bài học quản lý đối với các nhà chùa, đơn vị từ thiện tại địa phương để tránh tình trạng lạm dụng hoạt động này để thực hiện hành vi mua bán trẻ em cũng như các hành vi phạm tội khác?

LS. Nguyễn Văn Nguyên: Vụ án rồi sẽ được điều tra làm rõ, các cá nhân có liên quan sẽ bị truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật. Vụ án được dư luận quan tâm và đặt ra nhiều đòi hỏi về trách nhiệm công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở tôn giáo đối với việc nhận và nuôi trẻ em bị bỏ rơi… Cần sớm đưa các trẻ em mồ côi, trẻ bị bỏ rơi vào các Trung tâm bảo trợ xã hội hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật.

Xin chân thành cảm ơn Luật sư.

 

Phương Vy