‘Việt Nam không thể xử lý nợ xấu kiểu Mỹ’

Trước những ý “chê trách” tiến độ còn chậm, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng, với nguồn lực hạn chế của Việt Nam, chỉ trong một năm xử lý 39.000 tỷ đồng nợ xấu bằng nguồn dự phòng tự có là “quá quyết liệt”.

Chiều 27/12, trao đổi với báo chí về kết quả điều hành 2012 và định hướng năm 2013, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã trả lời về một trong những câu chuyện được xem là”nóng” và “rát” nhất của năm 2012: Nợ xấu.

Chưa đưa ra thống kê mới nhất về quy mô nợ xấu tính đến tháng 12, Thống đốc tiếp tục dẫn chứng số liệu đến tháng 10 là 8,82%. Trước ý kiến cho rằng việc xử lý các ngân hàng yếu kém như trong năm 2012 là “quá chậm” dẫn đến việc xử lý nợ xấu chậm trễ, Thống đốc trả lời nhận định trên “vừa đúng, vừa không đúng”. Theo ông, đúng là nợ xấu thì phải xử lý và thật nhanh nhưng cần phải cân nhắc trong bối cảnh của Việt Nam chứ không thể so sánh với mọi trường hợp khác. Người đứng đầu ngành ngân hàng chia sẻ rằng, Việt Nam đã xử lý nợ xấu trong cảnh “cái khó bó cái khôn”.

“Lấy trường hợp ở Mỹ, họ bơm tiền ra mua đứt tất cả các khoản nợ, không cần biết nợ đó xấu hay tốt. Nhưng chỉ có Mỹ mới làm được như vậy thôi bởi họ mới có nguồn lực để làm còn Việt Nam thì lấy ở đâu? Tôi nghĩ trong môi trường của thế mà xử lý được như thời gian vừa qua thì không phải chậm mà là quá quyết liệt”, Thống đốc nói.

Một trong những biểu hiện để thấy rõ sự “quyết liệt” của nhà điều hành được Thống đốc chỉ ra là ở sự thay đổi về lợi nhuận, lương thưởng của chính bản thân ngành ngân hàng. “Chưa năm nào như năm nay, không có thông tin nào về ngân hàng lãi khủng. Nói cách khác, các ngân hàng cũng đã hy sinh lợi nhuận để trích lập dự phòng rủi ro cùng xử lý nợ xấu. Mọi năm có thể chia nhau hàng tháng tiền thưởng Tết nhưng năm nay đã có nhiều ngân hàng tuyên bố không có tháng lương nào cả. Ngân hàng không chia cổ tức cũng là bình thường”, ông Bình lý giải. Người đứng đầu ngành cho rằng, nên nhìn nhận sự việc này là những chia sẻ và nỗ lực của ngành ngân hàng với nhiệm vụ xử lý nợ xấu của toàn nền kinh tế.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, các nhà băng đến nay trích lập được khoảng 90.000 tỷ dự phòng rủi ro. “Coi như những gì hệ thống ngân hàng có thể làm được chúng tôi đã làm hết sức. Năm vừa rồi tôi luôn phải tuyên bố trước Quốc hội, Chính phủ rằng cần hiểu nợ xấu là của nền kinh tế. Bởi vậy, tại sao chỉ có ngân hàng mà cần có cả hệ thống chính trị”, ông Bình trần tình.

Để chứng minh nợ xấu đã được xử lý nhanh, vị “tư lệnh trưởng” của ngành ngân hàng cũng nhắc lại những số liệu ông từng nêu trong phiên họp Thường vụ hôm 13/11. “Đến tháng 10, những gì đã được làm là 252.000 tỷ đồng nợ được cơ cấu lại – tương ứng 8% dư nợ tín dụng. Nếu không xử lý như vậy, nợ xấu của ngân hàng sẽ tăng lên ít nhất 8% nữa”, ông Bình giải thích.

Chánh Thanh tra Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Hữu Nghĩa cũng cho rằng các ngân hàng đã sẵn sàng hy sinh ngắn hạn trong việc giảm lợi nhuận để tăng dự phòng rủi ro và xử lý nợ xấu. “Đến nay các ngân hàng đã tự xử lý được 39.000 tỷ nợ xấu. Khẳng định nội dung xử lý nợ xấu mà nhà điều hành đang làm là đúng đắn, người đứng đầu ngành thanh tra ngân hàng lấy dẫn chứng, 4 tháng đầu năm 2012, khi chưa có những quyết định, chỉ thị để cơ cấu nợ, khắc phục xử lý nợ xấu, tốc độ tăng của nợ xấu lên tới 8-9% mỗi tháng. Ngược lại, đến nay theo ông Nghĩa, nợ xấu chỉ tăng trung bình 3% một tháng.

Ông Nghĩa cũng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ Đề án xử lý nợ xấu và Đề án Thành lập công ty quản lý tài sản. Theo ông, đề án thứ hai được cho là một công cụ để đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu.

Về tiến trình xử lý các ngân hàng yếu kém – một trong những bước quan trọng để dọn “cục máu đông” nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước khẳng định đến nay đã đảm bảo khả năng chi trả của 9 nhà băng này. Ông Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết, trong 9 trường hợp thuộc diện cần tái cơ cấu, hiện chỉ còn duy nhất một ngân hàng vẫn chưa xây dựng xong phương án tái cơ cấu. Tuy nhiên, đại diện Ngân hàng Nhà nước chưa thông tin cụ thể danh tính nhà băng này.

Ngoài 9 nhà băng này, người đứng đầu Thanh tra Ngân hàng Nhà nước cũng nhắc đến tình trạng yếu kém của cả ngân hàng thương mại nhà nước. “Vẫn có những ngân hàng thương mại nhà nước có yếu kém lộ diện rõ ràng cần phải xử lý. Và chúng tôi cũng có phương án cụ thể, rõ ràng với ngân hàng này”, ông Nghĩa nói thêm.

 Công ty Luật Hưng Nguyên – Theo Thanh Thanh Lan

Công ty Luật Hưng Nguyên – “Tối hậu thư” cho các ngân hàng yếu kém

Trong những phiên họp thường kỳ gần đây, Chính phủ liên tục nhắc nhở và yêu cầu NHNN hướng vào trọng tâm xử lý các ngân hàng yếu kém. Trong 9 ngân hàng được đưa vào diện tái cấu trúc, 5 ngân hàng đã bắt tay thực hiện.Sớm hoàn thiện Đề án xử lý nợ xấu

Tại Nghị quyết về phiên họp thường kỳ tháng 10 vừa mới ban hành, Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục thực hiện các biện pháp tăng cường kỷ cương trong lĩnh vực ngân hàng. Tại đây, cơ quan điều hành yêu cầu, một nhiệm vụ trọng tâm là xử lý các ngân hàng yếu kém.

Đây là vấn đề được nhấn mạnh nhiều lần. Trong tháng trước, Chính phủ cũng đã chỉ đạo, việc xử lý các ngân hàng yếu kém phải dứt điểm trong năm 2013.

Theo NHNN, đã có 9 ngân hàng được đưa vào diện tái cấu trúc, bao gồm 3 ngân hàng đã thực hiện hợp nhất là Đệ Nhất, Tín Nghĩa và Sài Gòn, NH Habubank – đã sáp nhập vào SHB, TienPhongBank (đã tự tái cơ cấu) Đại Tín, Nam Việt, Phương Tây, và GPBank.

Từ nay tới cuối năm nếu các đơn vị không có phương án phù hợp, NHNN cho biết sẽ có biện pháp bắt buộc. Riêng công ty tài chính sẽ có phương án sáp nhập với một số ngân hàng hoặc trở thành công ty con trực thuộc ngân hàng trong thời gian tới.

Ngoài ra, NHNN cũng được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện Đề án xử lý nợ xấu, báo cáo Chính phủ cho ý kiến trước khi trình Bộ Chính trị.

Theo ước tính của NHNN, mặc dù con số nợ xấu đã được giải quyết từ đầu năm đến nay khoảng 36.000 tỷ, nhưng con số nợ xấu của toàn ngành tính đến thời điểm cuối tháng 10 vẫn chiếm vào khoảng từ 8,8-10% tổng dư nợ. Trong số này, 84% nợ xấu là có tài sản đảm bảo và hiện tại các tổ chức tín dụng cũng đã trích lập được dự phòng rủi ro 70.000 tỷ đồng.Hiện tại, đề án thành lập Công ty mua bán nợ đã được hoàn thành và dự kiến trình Chính phủ thông qua trước 15/11. Khi công ty này đi vào hoạt động, số nợ xấu kỳ vọng được xử lý khoảng từ 60 nghìn đến 100 nghìn tỷ đồng.

Cũng trong chỉ đạo của Chính phủ lần này, NHNN được yêu cầu tăng cường dự trữ ngoại tệ, đáp ứng kịp thời nhu cầu sản xuất, kinh doanh và nhân dân về ngoại tệ trong những tháng cuối năm 2012.

Mạnh tay với hàng giả và đầu cơ, găm hàng

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh việc giải ngân các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn Chương trình mục tiêu quốc gia, vốn trái phiếu Chính phủ. Riêng vốn Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2012 cho phép giải ngân đến ngày 31/3/2013.

Chính phủ lưu ý đến việc quản lý thị trường cuối năm. Theo đó các bộ, cơ quan, địa phương phải phối hợp chặt chẽ trong quản lý, điều hành thị trường, giá cả, bảo đảm cân đối cung – cầu hàng hóa, dịch vụ, đặc biệt là giá thực phẩm trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán.

Cũng trong thời gian này, đối với những hành vi đầu cơ, găm hàng, đẩy giá lên cao, Thủ tướng yêu cầu phải xử lý nghiêm. Bộ Công Thương được giao làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát hàng nhập khẩu, chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, bảo đảm cân đối đủ hàng hóa cho nhu cầu sản xuất – đời sống nhân dân và triển khai đồng bộ các giải pháp phù hợp để giảm hàng tồn kho.

Bộ này vừa rồi cho biết, theo báo cáo chưa đầy đủ từ Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong tháng 10, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra 12,5 nghìn trường hợp, xử lý 6,3 nghìn vụ vi phạm. Trong đó có 1,3 nghìn vụ buôn bán hàng lậu, hàng cấm; hơn 1 nghìn vụ hàng giả, kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ, 2,7 nghìn vụ kinh doanh trái phép và 1,3 nghìn vụ vi phạm trong lĩnh vực giá với số thu 25,6 tỷ đồng.

Ưu tiên vốn người thu nhập thấp có nhà

Về hướng tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương kiểm tra, rà soát và phân loại các dự án đô thị và nhà ở; hướng dẫn việc tạm dừng hoặc điều chỉnh cơ cấu các dự án, quy mô căn hộ theo hướng tăng tỷ lệ các loại hình nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu và khả năng thanh toán của người dân.

Đồng thời các Bộ ngành cũng được yêu cầu phải có đề xuất phương án giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và việc giãn thời điểm nộp tiền sử dụng đất cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở. Đặc biệt lưu ý đến đến chính sách hỗ trợ cho người thu nhập thấp mua nhà ở, từ đó gỡ nút cho bất động sản và đẩy mạnh việc tiêu thụ hàng vật liệu xây dựng tồn đọng. Mà điều cần làm là NHNN phải ưu tiên vốn cho phát triển nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp.

Bích Diệp