Văn hóa trong hoạt động xét xử góp phần tích cực vào việc giữ gìn và phát triển văn hóa Việt Nam, được hình thành và tồn tại trong hoạt động xét xử của tòa án.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, văn hóa phiên tòa chưa được quan tâm đúng mức. Hiện vẫn chưa có quy ước, chuẩn mực chung cho những người tham gia tố tụng và tiến hành tố tụng về ứng xử trước tòa nên vẫn còn lắm phiên tòa “cười ra nước mắt”.
Tại phiên tòa, không ít người tham gia tố tụng và cả người tiến hành tố tụng có những lời nói, hành động thiếu văn hóa. Trụ sở tòa án nào cũng có bảng nội quy: “Mọi người đến dự phiên tòa phải ăn mặc nghiêm chỉnh, không nói chuyện, không vỗ tay, không đi lại trong phòng xử án, phải tắt điện thoại di động; trẻ em dưới 16 tuổi không được vào phòng xử án, nếu không được tòa triệu tập…” nhưng các quy định này ít được chấp hành. Có phiên tòa còn để cho người nhà nạn nhân quấn khăn xô, mặc áo tang, mang di ảnh của người bị hại vào ngồi hết cả mấy hàng ghế đầu của phòng xử án. Có phiên tòa mà ở đó tiếng la hét, kêu gào của thân nhân bị hại, tiếng khóc của trẻ em, tiếng chuông điện thoại thay nhau lên tiếng và người ta thản nhiên nói cười như ở nhà! Có trường hợp các đương sự mắng chửi, rượt đuổi, đánh HĐXX ngay tại phiên tòa. Thậm chí có phiên tòa bị cáo bê cả vành móng ngựa ném lên HĐXX; có vụ phải huy động cả lực lượng cơ động đến để “giải vây”… Để xảy ra tình trạng thiếu văn hóa này, không chỉ có lỗi từ phía người dự phiên tòa mà không ít trường hợp lỗi từ phía những người tiến hành tố tụng và công tác tổ chức phiên tòa. Ở các nước, nếu ai có cử chỉ hoặc lời lẽ xúc phạm tòa án sẽ bị xử phạt rất nặng. Còn ở ta, nếu có người vi phạm nội quy cũng chỉ bị nhắc nhở và yêu cầu khắc phục, nặng nhất là yêu cầu rời khỏi phòng xử án!
Ngôn ngữ dùng trong phiên tòa cũng rất tùy hứng; tiếng nước ngoài, tiếng địa phương, tiếng lóng, thậm chí có cả những từ ngữ người ta chỉ thấy ở “đầu đường, xó chợ” cũng được dùng trong phiên tòa! Có trường hợp thiếu kiềm chế rồi chửi thề, cười nói oang oang trong phiên tòa; có người tiến hành tố tụng còn nói lắp, nói ngọng. Có phiên tòa không cho bị cáo xưng tôi, còn đối với người tham gia tố tụng khác thì lại được! Chủ tọa phiên tòa cũng không giải thích vì sao lại bất nhất như vậy? Luật sư hỏi bị cáo hoặc người tham gia tố tụng khác nhưng khi họ trả lời lại phải trả lời cho HĐXX chứ không được trả lời cho luật sư, cũng chẳng thấy ai giải thích và mỗi người tự “diễn nôm” theo cách hiểu của mình. Có những phiên tòa bị cáo ít học nhưng chủ tọa cứ vặn đi vặn lại: “Thời điểm bị cáo gây án lúc 9 giờ tối là mấy giờ?” làm bị cáo sững sờ không hiểu. Tòa cứ lặp đi lặp lại nhiều lần câu hỏi và bị cáo vẫn một mực trả lời “9 giờ tối”. Bực mình, chủ tọa mới nói rõ ý định “thống nhất giờ giấc” của mình: 9 giờ là 21 giờ, sao bị cáo chậm tiêu quá! “Khen” bị cáo xong, chủ tọa cũng chẳng giải thích vì sao lại quy đổi rắc rối như thế…
Hoạt động xét xử tại phiên tòa giữ một vị trí rất quan trọng, là nơi tập trung trí tuệ, thể hiện đầy đủ nhất trình độ, năng lực, kinh nghiệm nghề nghiệp của những người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng, đồng thời là nơi biểu hiện tập trung nhất của nền văn hóa tư pháp. Thông qua phiên tòa, những giá trị văn hóa có tác dụng giáo dục không chỉ đối với những người tham gia tố tụng, mà còn đối với những người dự phiên tòa.
Để một phiên tòa có văn hóa, cần phải chuẩn hóa cách tổ chức phiên tòa, từ cách sắp xếp chỗ ngồi, trang phục, cách xưng hô… và phải coi đây là một trong những nội dung cơ bản của tiến trình cải cách tư pháp.
ĐINH VĂN QUẾ