Hiện nay nhiều DN thua lỗ nên không phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp. Do đó giảm thuế này cũng không có nhiều ý nghĩa.
Chiều 21-5, tại buổi thảo luận tổ về dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) và sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thuộc đoàn TP.HCM đề xuất mở chính sách ưu đãi thuế, giảm, miễn thuế mạnh hơn để hỗ trợ DN trong tình hình khó khăn hiện nay.
Cải cách thủ tục nộp thuế
ĐB Trần Du Lịch tán thành dự thảo sửa đổi Luật Thuế TNDN quy định giảm mức thuế suất phổ thông từ 25% xuống 22% (từ ngày 1-1-2014); DN vừa và nhỏ được hưởng thuế suất 20% (từ ngày 1-7-2013). Và kể từ ngày 1-1-2016, mức thuế suất phổ thông sẽ tiếp tục giảm xuống còn 20%; mức thuế suất ưu đãi 20% cũng được giảm tiếp xuống còn 17%. Tuy nhiên, ông Lịch thông tin thêm năm 2012, ở TP.HCM có đến khoảng 70% DN không có lãi hoặc thua lỗ nên không phải nộp thuế TNDN. Vì vậy việc giảm thuế suất TNDN cũng không có ý nghĩa với họ.
Vui với lộ trình giảm thuế nhưng ĐB Trương Trọng Nghĩa cũng cảnh báo: Chính sách ưu đãi, miễn, giảm thuế sẽ không có ý nghĩa nhiều nếu không thay đổi cơ chế hành thu. Chúng ta từng nhiều lần đưa ra chính sách ưu đãi nhưng nhà đầu tư nước ngoài lại không cần vì chi phí, công sức bỏ ra “chạy lo” cũng ngang ngửa với ưu đãi được hưởng. Điều quan trọng là phải cải cách thủ tục trong thi hành chính sách thuế, kê khai – nộp thuế, có cơ chế hành thu minh bạch, đơn giản, giảm tiêu cực, tránh lợi dụng chính sách ưu đãi thuế để trục lợi chung chi, rồi mặc cả “thay vì nộp thuế 10 đồng, giờ chỉ còn nộp 5 đồng thì anh chung chi 2 đồng đi”.
Đại biểu Trần Du Lịch cho biết năm 2012 ở TP.HCM có khoảng 70% DN không có lãi hoặc thua lỗ nên không phải nộp thuế TNDN.
Tranh luận về mức trần chi phí quảng cáo
Mặc dù dự thảo sửa đổi Luật Thuế TNDN đã tăng mức khống chế trần chi quảng cáo, khuyến mãi… từ 10% (hiện nay) lên 15% tổng chi phí nhưng nhiều ý kiến vẫn băn khoăn về nội dung này. Bởi lẽ báo cáo của Chính phủ cũng nhìn nhận hiện trên thế giới chỉ còn vài nước quy định “khống chế” mức trần chi phí quảng cáo (trong đó có Trung Quốc), còn các nước khác đã bỏ hết.
Ủng hộ quan điểm cần khống chế mức trần chi phí quảng cáo, tiếp thị nhưng ĐB Trần Du Lịch đề xuất mở cho DN dễ thở hơn với mức trần “15% doanh thu” (nhiều hơn mức “15% tổng chi phí” trong dự thảo). Quy định như vậy cũng giúp cho việc hạch toán thuận lợi, minh bạch hơn. “Ngay cả Trung Quốc họ vẫn quy định khống chế chi phí quảng cáo trên doanh thu, không tính trên tổng chi phí” – ông Lịch dẫn chứng.
ĐB Nguyễn Ngọc Hòa cho rằng xu hướng chung trên thế giới “không khống chế mức trần chi phí quảng cáo, khuyến mãi” nên VN cũng không nên đi ngược lại. DN bỏ tiền ra chi quảng cáo, khuyến mãi họ rất cân nhắc túi tiền của họ, nếu khống chế như thế DN Việt sẽ khó cạnh tranh thương hiệu với các DN nước ngoài.
Tuy nhiên, ĐB Huỳnh Ngọc Ánh lại lo ngại: “Đã xảy ra tình trạng DN nước ngoài đẩy chi phí quảng cáo rất cao, họ sẵn sàng để liên doanh chịu lỗ, đến khi DN Việt vốn ít “chịu hết nổi” rút vốn, thì họ hưởng hết thương hiệu, chiếm lĩnh thị trường, DN Việt trắng tay. Do vậy, dự thảo quy định chi quảng cáo tối đa 15% tổng chi phí là cần thiết”. Quan điểm này cũng được ĐB Phạm Văn Gòn ủng hộ.
Trong khi đó, ĐB Trương Trọng Nghĩa thẳng thắn: “Quy định này rơi vào căn bệnh “quản không nổi là siết quy định khống chế”. Không thể vì cơ quan chức năng quản lý yếu kém hay vì vài anh DN xấu, luồn lách mà đưa ra những chính sách điều chỉnh chung toàn thị trường. Thế thì chỉ chết những anh DN vừa và nhỏ thật thà, trung thực. Không thể đưa ra chính sách tùy thuộc vào năng lực quản lý”.
Hỗ trợ nhiều hơn cho báo chíBáo chí đang rất khó khăn để vừa hoàn thành nhiệm vụ tuyên truyền và vừa kinh doanh có lãi. Tuy dự thảo sửa đổi Luật Thuế TNDN lần này đã ưu đãi giảm thuế TNDN xuống 10% nhưng ưu đãi thuế TNDN chỉ có ý nghĩa với những báo đang có lãi, còn không ít báo đang gặp khó khăn, không có lãi thì cũng không được hưởng. Tốt nhất là nên hỗ trợ chính sách thuế nhằm giảm chi phí đầu vào. Đối với báo in nên đưa những vật tư đầu vào in báo (giấy, mực in…) vào danh mục chịu thuế VAT 5% (hiện thuế VAT những vật tư này 10%).Chi phí huê hồng thu hút quảng cáo của các báo cũng đang gặp khó do quy định khống chế mức trần 10%, nay dù dự thảo có tăng lên 15% cũng không thấm gì. Vì hiện nay có báo phải chi môi giới huê hồng quảng cáo đến 30% và phải tìm cách “lách luật” để có quảng cáo và thanh toán chi phí này.Ngoài ra, cần xem xét lại cơ chế ưu đãi khấu trừ chi phí báo biếu, báo tặng vì các báo khó có hóa đơn, chứng từ .ĐBQH ĐOÀN NGUYỄN THÙY TRANG, Phó Tổng biên tập báoKhoa Học Phổ Thông |
Theo BÌNH MINH (phapluattp.vn)