Tư vấn đầu tư sang Campuchia

0
Có 3,019 lượt xem

Công ty luật Hà Nội tư vấn luật lĩnh vực đầu tư cho cách doanh nghiệp Việt Nam

Đầu tư sang Campuchia và Lào

Theo công bố của Bộ Kế hoạch – đầu tư VN tại hội nghị, số lượng giấy phép đầu tư VN sang Campuchia đã tăng mạnh từ 56 dự án năm 2009 lên 112 dự án sáu tháng đầu năm nay, với tổng vốn đầu tư lên đến 2,36 tỉ USD.

Campuchia hiện đứng thứ hai trong tổng số 60 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp VN, chủ yếu ở các lĩnh vực nông – lâm nghiệp, trồng cây công nghiệp, viễn thông, hàng không, ngân hàng, khoáng sản… Hiện các dự án của doanh nghiệp VN tại Campuchia đã tạo việc làm ổn định cho hàng vạn lao động nước này.

Sau 3 năm xúc tiến đầu tư vào Campuchia, hoạt động đầu tư, thương mại và du lịch giữa hai nước đã đạt được những kết quả lớn. Năm 2011, Việt Nam có 90 dự án đầu tư tại Campuchia với số vốn đầu tư gần 2 tỷ USD. Năm 2012, mặc dù, chịu tác động từ những khó khăn chung của kinh tế thế giới, số dự án đầu tư của Việt Nam tiếp tục tăng đưa tổng số dự án đầu tư lên 124 với tổng vốn đầu tư đạt 2,5 tỷ USD, gấp 4,4 lần so với năm 2009, thuộc top 5 nhà đầu tư lớn nhất tại nước bạn.

Về thương mại, năm 2012, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Campuchia ước đạt 3,3 tỷ USD, tăng 17,8% so với năm 2011. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Campuchia sang Việt Nam đạt 420 triệu USD (tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2011), kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Campuchia đạt 2,52 tỷ USD (tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2011), giữ vị trí số hai trong số hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ có quan hệ thương mại với Campuchia.

Hoạt động du lịch cũng đạt được những tín hiệu tích cực. Năm 2011, lượng khách du lịch Việt Nam sang Campuchia là 600.000 lượt người, tăng 34% so với năm 2010. Trong 10 tháng đầu năm 2012, có 638.000 lượt khách du lịch Việt Nam đến Campuchia (tăng 24% so với cùng kỳ và lớn hơn 6,3% so với cả năm 2011, chiếm 22,3% lượng khách du lịch quốc tế đến Campuchia). Dự báo năm 2012 sẽ đạt trên 750.000 lượt khách, tăng 25% so với năm 2011. Việt Nam tiếp tục đứng thứ nhất về lượng khách du lịch đến Campuchia.

Doanh nghiệp Việt triển khai các dự án đúng tiến độ cam kết, trong 3 năm đã đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của Campuchia khoảng 5% GDP, đóng góp vào thu ngân sách Campuchia hàng trăm triệu USD và tạo việc làm cho trên 3 vạn lao động, tăng lượng khách du lịch của Campuchia (bình quân 36% một năm).

Công tác an sinh xã hội của các doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia cũng được thực hiện liên tục, hiệu quả. AVIC với vai trò đầu mối đã kêu gọi, vận động, phối hợp với hội viên tổ chức, tham gia nhiều chương trình an sinh xã hội thiết thực với tổng số tiền đạt khoảng 30 triệu USD. Một số dự án điển hình như xây dựng trường học khu vực biển Hồ, xây dựng trường học cấp 3 Om bachok, trường đào tạo nghề cho học viên nữ, trường mầm non cho Thủ đô PhnomPenh, hỗ trợ nguồn kinh phí cho Hội chữ thập đỏ Campuchia…

Luật sư tư vấn – Văn phòng luật sư Hà Nội – Công ty luật Hưng Nguyên cung cấp thông tin thêm về dịch vụ của ngân hàng Sacombank

Sacombank nhận chuyển vốn đầu tư sang Lào và Campuchia với mức phí ưu đãi

  • Tiện ích
  • Có nhiều hình thức chuyển tiền phù hợp với các mục đích, nhu cầu đa dạng của quý khách hàng
  • Được tư vấn dịch vụ miễn phí
  • Thủ tục đơn giản
  • Tiết kiệm chi phí, thời gian

Đầu tư sang Lào – Campuchia cần lưu ý điều gì?

Thông báo cho biết, mới đây, Chính phủ Lào và Campuchia đã điều chỉnh một số chính sách đầu tư nước ngoài mới, đặc biệt các chính sách đất đai cho dự án. Các quy định mới này sẽ có tác động nhất định tới các dự án của nhà đầu tư Việt Nam.

Cụ thể, ngày 11/6/2012, Thủ tướng Chính phủ Lào đã ban hành Chỉ thị số 13 về việc dừng xem xét và cấp phép dự án đầu tư mới vào lĩnh vực tìm kiếm và khảo sát khoáng sản, dự án trồng cao su và bạch đàn trong toàn quốc để nhằm kiểm tra, đánh giá lại việc tổ chức thực hiện và thúc đẩy các dự án đã được Chính phủ cấp phép, nghiêm chỉnh tiến hành các bước theo quy định của pháp luật và hợp đồng.

Trong khi đó, ngày 7/5/2010, Thủ tướng Campuchia đã ban hành Sắc lệnh số 01 về việc Chính phủ Campuchia sẽ tạm dừng việc giao đất trồng cao su, khẳng định không giao đất thêm cho các dự án mới đến ngày 21/12/2015. Ngày 4/9/2012, cơ quan chức năng của Campuchia cũng ra thông báo tạm ngưng việc khai thác gỗ tại tất cả các khu vực đất tô nhượng kinh tế có diện tích rừng già hoặc khu vực bảo tồn và khu vực rừng giữ lại, ngoại trừ trường hợp có quyết định của Chính phủ nước này.

Các chính sách mới nêu trên của Chính phủ Lào, Campuchia có thể ảnh hưởng trực tiếp tới các dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam. Do đó, để hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam, mới đây, ngày 03 tháng 8 năm 2012, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức buổi họp với các doanh nghiệp Việt Nam để quán triệt một số nội dung liên quan đến chính sách mới của Lào và Campuchia trong lĩnh vực trồng cây công nghiệp và khoáng sản. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư đồng thời phòng tránh những rủi ro pháp lý cho dự án thì rất cần sự chủ động, tích cực từ phía các doanh nhiệp Việt Nam đối với các nội dung sau:

Thứ nhất, các doanh nghiệp Việt Nam triển khai thực hiện dự án phải theo đúng tiến độ, mục tiêu quy định trong Giấy CNĐTRNN do Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam cấp; các nội dung quy định trong các văn bản pháp lý, các Giấy phép được chính quyền nước sở tại cấp cho nhà đầu tư; phải tuân thủ chặt chẽ luật pháp của Việt Nam và luật pháp nước sở tại;

Thứ hai, đối với các dự án trồng cây công nghiệp, trong bối cảnh phía Lào, Campuchia đang hạn chế việc giao đất, nhà đầu tư Việt Nam cần chủ động rà soát và nghiên cứu kỹ lưỡng các thủ tục giao đất theo quy định của nước sở tại để đảm bảo tính pháp lý chặt chẽ của dự án;

Thứ ba, nhà đầu tư Việt Nam cần lưu ý việc tập hợp và lưu lại các chứng từ liên quan đến các hoạt động chi phí vật tư, hàng hóa, nguyên liệu đưa từ Việt Nam sang Campuchia phục vụ cho dự án để bảo đảm quyền lợi của mình;

Thứ tư, Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Lào, Campuchia cần phát huy vai trò hỗ trợ nhà đầu tư Việt Nam trong việc triển khai thực hiện dự án đầu tư, kịp thời nắm bắt các vướng mắc liên quan đến dự án và có kiến nghị với các cơ quan chức năng của Lào, Campuchia và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư Việt Nam;

Thứ năm, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cần tiến hành rà soát tất cả các dự án đầu tư trong lĩnh vực trồng cây cao su và cây công nghiệp đã được Bộ Nông, lâm, ngư nghiệp Campuchia ký hợp đồng với các doanh nghiệp Việt Nam, đảm bảo thực hiện Thỏa thuận ghi nhớ giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ Campuchia, với Chính phủ Lào về Hợp tác đầu tư trồng mới 100.000 ha cao su;

Thứ sáu, trong quá trình triển khai thực hiện dự án, trường hợp gặp khó khăn vướng mắc, doanh nghiệp cần kịp thời báo cáo tới các Bộ, ngành để có phương án tháo gỡ, hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Chính sách thuế và thuế suất

Chính phủ Campuchia đã loại bỏ hầu hết các rào cản phi thuế quan và các giấy phép nhập khẩu.

Thuế hải quan:

Về nguyên tắc, tất cả các hàng hóa nhập hay xuất đi từ Campuchia đều phải chịu các loại thuế xuất nhập khẩu theo quy định của Tổng cục Hải quan và chịu thuế tiêu thụ.

Thuế nhập khẩu:

Thuế nhập khẩu được thu tại bất cứ điểm vào hay ra của tất cả hàng hóa qua biên giới, trừ những hàng hóa đặc biệt được miễn thuế hải quan theo luật hay hàng hóa của các cơ quan đặc biệt.

Thuế giữ lại cổ tức được tính đối với các cổ tức phát cho cổ đông trong nước và nước ngoài với tỷ lệ tương đương mức thuế lợi nhuận của doanh nghiệp.

Thuế xuất khẩu:

Hiện Campuchia không đánh thuế xuất khẩu, chỉ trừ loại thuế đánh vào các sản phẩm xuất khẩu hạn chế như gỗ, gỗ xẻ, gỗ cây, kim loại và đá quý hiếm, hải sản và đồ cổ.

Hồ sơ nhập và xuất khẩu

Hải quan Campuchia yêu cầu người nhập khẩu và xuất khẩu phải xuất trình vận đơn và hóa đơn cho tất cả các chuyến hàng. Hàng hóa được vận tải bằng tàu qua Việt Nam đi bằng đường sông Mekong cũng phải có giấy phép quá cảnh.

Các yêu cầu về nhãn mác

Hiện Campuchia không có yêu cầu nào về nhãn mác.

Tiêu chuẩn

CAMCONTROL là đơn vị thuộc Bộ Thương mại phụ trách việc đề ra các tiêu chuẩn. CAMCONTROL cấp các giấy tờ và chứng nhận các sản phẩm xuất khẩu và xác nhận về chất lượng của các sản phẩm dịch vụ.

Thủ tục thành lập công ty tại Campuchia

Các thủ tục, giấy tờ xin mở công ty, chi nhánh, văn phòng đại diện công ty Việt Nam tại Campuchia:

A. Các giấy tờ cần thiết xin thành lập công ty Việt Nam tại Campuchia:

1. Đơn xin thành lập công ty tại Campuchia (theo mẫu của Bộ Thương mại Campuchia);
2. Hợp đồng thuê nhà tại Campuchia (tiếng Khmer hoặc tiếng Anh);
3. Giấy chứng nhận mở tài khoản ngân hàng tại Campuchia;
4. Photo hộ chiếu có visa và 03 ảnh chụp 4×6 của người đứng tên giám đốc công ty
5. Đơn xin đăng ký tên công ty vào danh sách các công ty tại Bộ Thương mại Campuchia (theo mẫu của Bộ Thương mại Campuchia);
6. Nộp lệ phí xin mở công ty theo quy định của Bộ Thương mại Campuchia;
7. Đơn khẳng định không phải là công chức nhà nước, không phạm tội (theo mẫu). Thời gian nhận kết quả khoảng 5 ngày làm việc, hồ    sơ xin thành lập công ty nộp tại Bộ Thương mại Campuchia, Cục Đăng ký thương mại.

B. Các giấy tờ cần thiết xin thành lập chi nhánh công ty, văn phòng đại diện công ty Việt Nam tại Campuchia:

1. Đơn xin thành lập chi nhánh văn phòng đại diện công ty tại Campuchia (theo mẫu của Bộ Thương mại Campuchia);
2. Hợp đồng thuê nhà tại Campuchia (tiếng Khmer hoặc tiếng Anh);
3. Dịch công chứng ra tiếng Anh toàn bộ giấy tờ của công ty gốc tại Việt Nam, bao gồm: Điều lệ công ty,Giấy thành lập công ty, Chứng nhận ngành nghề đăng ký kinh doanh…
4. Photo hộ chiếu có visa và 03 ảnh chụp 4×6 của người đứng tên làm trưởng chi nhánh hoặc văn phòng đại diện công ty vào danh sách   các công ty tại Bộ Thương mại Campuchia.
5. Nộp lệ phí xin mở chi nhánh, văn phòng đại diện công ty theo quy định của Bộ Thương mại Campuchia. Thời gian nhận kết quả khoảng 05 ngày làm việc, hồ sơ xin thành lập chi nhánh hoặc văn phòng đại diện Công ty nộp tại Bộ Thương mại Campuchia, Cục Đăng ký thương mại.

CÔNG TY LUẬT HƯNG NGUYÊN