Hôm nay (16/10), giới luật sư Việt Nam lần đầu tiên kỷ niệm ngày truyền thống (10/10/1945 – 10/10/2013).
Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ngày 10/10 được chọn là ngày truyền thống luật sư Việt Nam xuất phát từ Sắc lệnh số 46/SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 10/10/1945, quy định về luật sư và tổ chức luật sư đầu tiên ở nước Việt Nam độc lập, cho thấy sự quan tâm từ rất sớm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước đối với giới luật sư và hoạt động luật sư.
Từ ngày khai sinh, ngành luật sư Việt Nam đã có những tên tuổi để lại dấu ấn sâu đậm trong việc đặt nền móng xây dựng nền tư pháp công bằng, bình đẳng, của dân, do dân vì dân như các luật sư Phan Văn Trường, Phan Anh, Thái Văn Lung, Ngô Bá Thành, đặc biệt là luật sư Nguyễn Hữu Thọ…
Đến nay cả nước đã có 3.200 tổ chức hành nghề luật sư với 8.021 luật sư đang hoạt động và gần 10.000 người đang tập sự hành nghề luật sư trong 63 đoàn luật sư trên toàn quốc.
Phát biểu lại buổi lễ kỷ niệm tại Nhà hát lớn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao vai trò của giới luật sư trong 68 năm đấu tranh bảo vệ công lý và bình đẳng xã hội, góp phần đáng kể vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
“Nhiều luật sư bằng tài năng, nhân cách và trí tuệ của mình đã có những cống hiến xuất sắc cho một nền tư pháp công bằng, dân chủ, từng bước tạo dựng hình ảnh và truyền thống tốt đẹp của nghề luật sư Việt Nam”, Thủ tướng nói.
“Giới luật sư đã và đang tham gia tích cực vào việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, nhà nước và các tổ chức kinh tế, xã hội, góp phần bảo vệ công lý, xây dựng một nền tư pháp dân chủ và pháp quyền, phục vụ nhân dân”.
Thủ tướng ghi nhận những đóng góp thiết thực của giới luật sư trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển đảo, cũng như tư vấn hiệu quả cho các giao dịch kinh tế, thương mại quan trọng với chất lượng ngày càng được nâng cao, nhiều luật sư hành nghề tâm huyết, tận tụy, công tâm.
“Có luật sư được công chúng tôn vinh là luật sư của người nghèo, tự nguyện bào chữa không nhận thù lao, dùng tiền của cá nhân hỗ trợ cho việc đi lại của khách hàng là người dân nghèo”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chia sẻ kỳ vọng của Đảng và Nhà nước đối với các luật sư trong việc thực hiện chức năng và sứ mệnh bảo vệ công lý, bảo vệ quyền tự do dân chủ của công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức nhà nước và tư nhân, góp phần nâng cao và đưa tính pháp quyền trở thành yếu tố chi phối mọi hoạt động trong đời sống xã hội.
Thủ tướng mong các luật sư trau dồi kỹ năng tranh tụng, đặc biệt là tranh tụng quốc tế để tham gia tích cực và hiệu quả hơn trong những tranh chấp thương mại quốc tế mà phần nhiều là bất bình đẳng đối với các doanh nghiệp VN.
“Cho đến nay, VN đã và đang đối mặt với 76 vụ kiện về phòng vệ thương mại, rất cần một số lượng lớn các luật sư chuyên sâu về thương mại, đầu tư để tham gia tranh tụng”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu về phẩm chất đối với nghề nghiệp quan trọng này: “Hơn ai hết, luật sư phải đi đầu trong tuân thủ pháp luật, tuân theo quy tắc đạo đức nghề nghiệp là độc lập, trung thực, phụng sự công lý, giữ cái tâm trong sáng, vì thân chủ, vì công lý, công bằng xã hội”.
Đáp từ những kỳ vọng này, Luật sư Lê Thúc Anh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư VN, cho biết: Mỗi luật sư sẽ ra sức phấn đấu, rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp, đóng góp sức mình vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tiếp tục phát huy vai trò của nghề luật sư trong thời kỳ đổi mới”.
Tại buổi lễ, Liên đoàn Luật sư VN cũng phát động phong trào góp sức xây dựng và bảo vệ Trường Sa bằng cách tích cực tham gia đấu tranh trên mặt trận pháp lý nhằm bảo vệ chủ quyền và quyền chủ quyền của VN đối với biển đảo Tổ quốc.
Chung Hoàng – Xuân Quý – Theo vietnamnet.vn