Hát karaoke 6 người bị chết, trách nhiệm pháp lý thuộc về ai

(ĐSPL) – “Trách nhiệm của chủ quán và những người khác liên quan là không thể tránh khỏi trong lỗi vô ý và thiếu trách nhiệm để hậu quả xẩy ra. Việc cho khách hát karaoke lưu trú qua đêm ngay tại phòng hát, có cả nam và nữ là trái phép”, luật sư Nguyễn Văn Nguyên nhận định.

Liên quan 6 người chết trong quán Karaoke Queen Club có địa chỉ tại xã Quảng Chính, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh đã gây tử vong cho 6 người và 6 người khác bị ngạt khí phải đi cấp cứu thì nguyên nhân tử vong bước đầu đã được xác định là do các nạn nhân đã bị ngạt khí CO2 của máy phát điện, ngoài ra các nạn nhân đã sử dụng chất kích thích.

Trao đổi về vấn đề này, luật sư Nguyễn Văn Nguyên, giám đốc công ty luật Hưng Nguyên, Đoàn luật sư TP. HN cho biết: “Việc cho khách hát karaoke lưu trú qua đêm ngay tại phòng hát, có cả nam và nữ là trái phép. Khách thuê phòng hát từ tối 7/9/2014 mà đến khoảng 16h chiều 8/9/2014 bên quán karaoke mới vào kiểm tra phòng và phát hiện sự việc đáng thương như trên”.

Luật sư Nguyễn Văn Nguyên.

Theo nguyên nhân xác định ban đầu thì do mất điện nên chủ quán đã sử dụng máy phát điện để phục vụ khách hàng hát tiếp nhưng lại để máy phát trong trong nhà dẫn đến gậu quả 6 nạn nhân tử vong vì bị suy hô hấp do ngạt khí máy phát điện, ngoài ra các nạn nhân đã sử dụng chất kích thích . Nhận định về sự việc này, luật sư Nguyễn Văn Nguyên cho biết thêm: “Từ sự vô ý và thiếu trách nhiệm của chủ quán hát Karaoke. Trách nhiệm của chủ quán và những người khác liên quan là không thể tránh khỏi trong lỗi vô ý và thiếu trách nhiệm để hậu quả xảy ra”.

Từ đó, luật sư Nguyên cho rằng: “Theo tôi, Cơ quan chức năng cần làm rõ quán karaoke này hoạt động có phép hay không, có đảm bảo điều kiện về giấy phép hoạt động hay không, CQĐT cần khởi tố vụ án để điều tra làm rõ các sai phạm của chủ quán karaoke và những người có trách nhiệm liên quan. Trước tiên có thể khởi tố vụ án, khởi tố chủ quán karaoke về “tội vô ý làm chết người” theo quy định tại điều 98 BLHS. Nếu bị khởi tố điều tra,truy tố, mức án mà bị can phải đối mặt lên đến 10 năm tù.”

Theo đó, Điều 98. Tội vô ý làm chết người quy định:

1. Người nào vô ý làm chết người thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2. Phạm tội làm chết nhiều người thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm”.

Trước đó, theo Báo Quảng Ninh, Vào hồi 16h ngày 8/ 9 tại 2 phòng hát thuộc quán Karaoke Queen club thuộc xã Quảng Chính (Hải Hà) đã phát hiện ra vụ ngạt khí khiến 6 người tử vong.

Theo thông tin ban đầu từ các cơ quan chức năng huyện Hải Hà cho biết, 12 người này đã đến quán hát từ tối 7- 9 trong khi hát xảy ra mất điện, chủ nhà hàng đã sử dụng máy phát điện để phục vụ. Đến khoảng 16 giờ chiều 8/9, nhà hàng kiểm tra và phát hiện ra 6 người tử vong, những người còn lại trong tình trạng nguy kịch và được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hải Hà, trong đó 5 nam, 1 nữ.

Các nạn nhân đã được nhanh chóng đưa đi cấp cứu.

Nhận được thông tin vụ việc, đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Chủ tịch UBND tỉnh đã cử đồng chí Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo Công An tỉnh, Sở Lao động Thương binh xã hội và Sở Y tế ra Hải Hà chỉ đạo và cứu chữa các nạn nhân.

Đồng chí Vũ Xuân Diện, Giám đốc Sở y tế cho biết: Đến 17 giờ 30 phút ngày 8/ 9, 3 đoàn công tác của Bệnh viện Móng Cái, Bệnh viện Bãi Cháy, Bệnh viện tỉnh đã đến Bệnh viện đa khoa huyện Hải Hà để phối hợp cứu chữa các nạn nhân. Trong đó có 1 chuyên gia chống độc của Bệnh viện Bạch Mai đã có mặt tại Bệnh viện đa khoa huyện Hải Hà, cùng các trang thiết bị phục vụ việc cứu chữa các nạn nhân.

Nguyên nhân ban đầu khiến các nạn nhân tử vong được xác định là do ngạt khí máy nổ, hiện các cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra làm rõ vụ việc.

KIỀU HOA

Trách nhiệm pháp lý vụ hai trẻ em bị nước cuốn trôi xuống công ở Bình Dương

ĐSPL) – Trong cùng ngày 6/9 tại Bình Dương đã xảy ra hai trường hợp: bé Lê Văn Mạnh (7 tuổi, quê Nghệ An, trú tại phường Tân Hiệp, thị xã Tân Uyên) và bé La Văn Tỷ (9 tuổi, quê An Giang, trú tại phường Thuận Giao, thị xã Thuận An) đã bị nước cuốn trôi xuống cống thoát nước. Hiện lực lượng cứu hộ vẫn chưa tìm thấy bé La Văn Tỷ.

 

Luật sư Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc Công ty Luật Hưng Nguyên, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.


Liên quan đến vụ việc này, Báo Đời sống và Pháp luật đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc Công ty Luật Hưng Nguyên, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội để làm rõ về trách nhiệm trong 2 vụ tai nạn đáng tiếc này.

Bàn về trách nhiệm trong 2 vụ việc này, Luật sư Nguyễn Văn Nguyên cho biết: “Đây là những vụ tai nạn làm chết 2 cháu bé rất thương tâm. Từ thông tin báo chí cung cấp thì chúng ta đã thấy được nguyên nhận dẫn đến cái chết của các cháu đã bị nước cuốn vào các miệng cống (hay gọi là miệng hố ga) không được đậy nắp, không được che chắn, cảnh báo, vốn rất nguy hiểm trong những ngày thường và trở thành những cái bẫy chết người. Trong một ngày tại Bình Dương xẩy ra 2 trường hợp chết người rất thương tâm. Để xác định trách nhiệm trực tiếp và bồi thường thiệt hại cho gia đình các cháu bé không may này thì cơ quan chức năng cần kịp thời điều tra làm rõ đơn vị nào là chủ đầu tư, đơn vị nào thi công, làm rõ các vi phạm của đơn vị thi công, sự thiếu trách nhiệm, buông lỏng giám sát, quản lý của chủ đầu tư đối với đơn vị thi công, không cảnh bảo nguy hiểm, rào chắn các hố ga đó. Trong trường hợp này cả chủ đầu tư và đơn vị thi công, đơn vị được giao trách nhiệm quản lý, bảo trì công trình phải có nghĩa vụ liên đới bồi thường thiệt hại về tính mạng, tài sản,tinh thần và các thiệt hại hợp lý khác cho gia đình các cháu bé bị nạn. Căn cứ kết quả điều tra, tùy thuộc vào lỗi, hành vi và hậu quả của vi phạm, cơ quan chức năng có thể xử phạt vi phạm hành chính hoặc nếu có căn cứ khởi tố vụ án hình sự thì chuyển cơ quan điều tra để điều tra theo quy định của bộ luật hình sự và bộ luật TTHS 2003.”

Luật sư Nguyên cho biết thêm: “Trong các vụ việc trên thì trách nhệm liên đới bồi thường thiệt hại cho gia đình các cháu bị nạn là chủ đầu tư, đơn vị thi công, đơn vị được giao trách nhiệm quản lý, bảo trì công trình.”

Lực lượng cứu hộ trong cuộc tìm kiếm bé La Văn Tỷ.


Trong thực tế, những vụ tai nạn đáng tiếc do cống thoát nước từ trước đến nay không phải là ít. Bình luận về tình trạng này, Luật sư Nguyễn Văn Nguyên nhận định:“Những vụ tai nạn giao thông có liên quan đến sập hố ga, ổ gà..ở nước ta khá nhiều, nhiều vụ việc đã gây hậu quả chết người, tuy nhiên trong mấy năm qua chưa được giải quyết triệt để, chưa xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân có liên quan dẫn đến dư luận bức xúc. Tôi nghĩ cần phải nâng cao trách nhiệm và đẩy mạnh giám sát đối với chủ đầu tư, đơn vị thi công và cơ quan quản lý nhà nước đối với các công trình giao thông. Xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm quy tắc an toàn trong xây dựng, thi công và quản lý công trình giao thông.”

MY VÂN

Trăn trở về tình trạng hành nghề của luật sư

Trăn trở về tình trạng cản trở quyền hành nghề của luật sư, luật sư Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc Công ty Luật Hưng Nguyên, Đoàn luật sư TP. Hà Nội đã chia sẻ một số kiến nghị của mình trên Thời báo Đông Nam Á.

Báo Seatimes trích đăng bài viết của luật sư Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc công ty luật Hưng Nguyên:

“Thời gian qua báo chí truyền thông nhắc đến nhiều về các vụ việc luật sư bị trả thù do hoạt động nghề nghiệp của luật sư. Như vụ luật sư Trần Hồng Lĩnh – Đoàn luật sư TP. Hải Phòng bị tạt axit, văn phòng Luật sư Bùi Đình Ứng – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội bị đốt… và rất nhiều vụ việc khác nữa mà bản thân những luật sư trong cuộc cũng không muốn chia sẻ rộng rãi.

Các luật sư xem đó là sự vui buồn nghề nghiệp của các luật sư và thường cam chịu. Những hành vi trả thù luật sư thời gian vừa qua đã gây phẫn nộ trong dư luận, quần chúng nhân dân nói chung và giới luật sư nói riêng gây tâm lý hoang mang, lo sợ cho nhiều luật sư. Nếu không kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm minh sẽ dẫn đến hình ảnh người luật sư bị xuống cấp và tạo tiền lệ xấu cho các hành vi tiếp theo.


Luật sư Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc công ty luật Hưng Nguyên

Khi luật sư không đủ dũng cảm để đấu tranh bảo vệ lẽ phải, pháp lý và công bằng thì hậu quả sẽ dẫn đến oan sai và hệ lụy cho xã hội là rất lớn.

Luật sư là hiện thân cho người bảo vệ công ty, công bằng, giúp cho hoạt động tố tụng và các tranh chấp pháp lý được giải quyết đúng đắn. Tuy nhiên khi luật sư không thể tự bảo vệ mình, thì còn ai là người đứng ra bảo vệ người yếu thế, mắc oan sai và người nghèo, yếu thế trong xã hội. Khi vướng vào vòng lao lý hơn ai hết họ rất hiểu, rất cần sự trợ giúp hỗ trợ pháp lý của luật sư.

Hoạt động tác nghiệp của luật sư rất rộng trên nhiều lĩnh vực pháp luật. Trong vấn đề giải quyết các vụ án hình sự luật sư tham gia với tư cách người bào chữa cho bị can, bị cáo hoặc người bảo vệ quyền lợi ích cho bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự thì theo tôi pháp luật cần xem xét hoạt động của luật sư tương tự người thi hành công vụ.

Bởi lẽ, hoạt động của luật sư góp phần làm rõ sự thật khách quan, sai phạm, oan sai, làm cho việc điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và các hoạt động khác của các cơ quan nhà nước diễn ra đúng pháp luật. Vì thế luật sư trong trường hợp này phải được xem tương tự như là người thi hành công vụ.

Có quy định như vậy mới có chế tài, hướng xử lý đối với các hành vi trả thù, tố cáo, cản trở, gây khó khăn cho hoạt động nghề nghiệp đúng đắn của luật sư; chấm dứt những hành vi hành hung, gây thương tích cho luật sư. Từ đó tạo sự yên tâm của luật sư đối với hoạt động hành nghề, giúp luật sư tập trung mọi tâm huyết, trí tuệ để làm việc, nghiên cứu vụ việc đạt chất lượng tốt nhất.

Nếu như các cán bộ, công chức nói chung và cán bộ điều tra, kiểm sát viên, thư ký, thẩm phán khi thi hành nhiệm vụ được gọi là người thi hành công vụ thì luật sư lại không được xem như là người thi hành công vụ hoặc được xem tương tự như hoạt động công vụ.  Cơ chế xử lý các hành vi chống lại các chức danh tư pháp trên là rất nhiều, mạnh và đủ răn đe, trong khi đó quyền lợi của luật sư vẫn đang bị bỏ ngỏ chưa ai quan tâm.

Theo tôi, Liên đoàn luật sư Việt Nam đi vào hoạt động đã góp phần không nhỏ nâng cao vị thế, vai trò và hình ảnh của luật sư. Tuy nhiên Liên đoàn luật sư vẫn chưa phát huy được hết vai trò trong việc bảo vệ quyền lợi luật sư, chưa thật sự xem việc bảo vệ quyền lợi ích luật sư khi hành nghề là quan trọng nhất, dẫn đến những vụ việc hành hung, trả thù luật sư. Phía Liên đoàn vẫn chưa có được tiếng nói mạnh mẽ.

Vì thế Liên đoàn luật sư cần có những hoạt động tuyên truyền sâu rộng để nâng cao hình ảnh luật sư, phổ biến pháp luật và có nhiều hoạt động để bảo vệ quyền lợi luật sư khi hành nghề. Đồng thời kiến nghị với Ủy ban tư pháp của Quốc hội, Ủy ban pháp luật của Quốc hội, Bộ tư pháp và các cơ quan liên quan để sửa đổi Luật luật sư, bộ luật hình sự, Luật tố tụng hình sự và pháp luật có liên quan trong đó quy định hoạt động hành nghề của luật sư tương tự như chế độ công vụ và quy định các chế tại trách nhiệm dân sự, xử lý hành chính và hình sự để xử lý đối với các hành vi chống đối, xâm phạm sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tính mạng và quyền hoạt động nghề nghiệp đúng đắn của luật sư.

Các đoàn Luật sư cần phải tích cực, chủ động phối hợp với Liên đoàn luật sư, các cơ quan nhà nước để bảo vệ quyền lợi ích chính đáng của luật sư thành viên. Khi đoàn luật sư biết được thông tin về việc luật sư thành viên bị xâm phạm thì phải kịp thời xác minh, kiến nghị xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm.

Bản thân các luật sư cũng cần phải dũng cảm đấu tranh bảo vệ công lý công bằng, khi bị xâm phạm, trả thù thì cần dũng cảm đấu tranh, thông báo với Đoàn luật sư, Liên đoàn luật sư, báo chí truyền thông để bảo vệ quyền lợi ích chính đáng của mình.

Vậy để bảo vệ quyền lợi ích của luật sư cần phải có sự vào cuộc của toàn thể giới luật sư, Đoàn luật sư, Liên đoàn luật sư và các cơ quan hữu quan không những là sửa luật đưa ra cơ chế, chế tài xử lý mà còn phải nâng cao hình ảnh của luật sư và sự ủng hộ của báo chí, truyền thông, dư luận xã hội.”

Hưng Nguyên (theo seatimes.com.vn)

‘Ông Nguyễn Thanh Chấn bị oan sai không phải do Hiến pháp’

“Thời điểm xảy ra vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn thì các quy định của pháp luật về nguyên tắc suy đoán vô tội cũng đã được ghi nhận”, luật sư Nguyễn Văn Nguyên chia sẻ.

Sau khi Thời báo Đông Nam Á đăng tải bài viết “Nếu áp dụng Hiến pháp mới ông Chấn không bị oan sai?” với nội dung liên quan đến việc nhìn nhận vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn dưới góc độ của Hiến pháp mới, chúng tôi nhận được nhiều ý kiến phản hồi, chia sẻ từ độc giả và các chuyên gia pháp lý.

Báo Seatimes trích đăng ý kiến của luật sư Nguyễn Văn Nguyên, giám đốc Công ty luật Hưng Nguyên, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội xoay quanh vấn đề này (Bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn riêng của luật sư):

“Vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn như một điển hình về oan sai trong hoạt động tư pháp. Như giọt nước làm tràn ly cho một thực tế rằng có oan sai trong hoạt động Tư pháp điều tra, truy tố, xét xử ở nước ta.

Đã đến lúc cần phải thay đổi, sửa đổi hoàn thiện hệ thống pháp luật tố tụng để phù hợp với hiến pháp 1992, sửa đổi, bổ sung năm 2013. Một trong những nguyên nhân dẫn đến oan sai cho ông Nguyễn Thanh Chấn có thể là do việc cơ quan điều tra cố tình ép cung, gán ghép bắt bằng được bị can nhận tội.

Quá trình điều tra, truy tố xét xử thiếu dân chủ, khánh quan làm cho sự thật khách quan bị bóp méo, tiếng nói của người vô tội, bị oan sai, của bị can, bị cáo đã không được xem xét.

Thậm chí khi ông Nguyễn Thanh Chấn không nhận tội thì Tòa lại cho rằng bị cáo ngoan cố, quanh co chối tội. Đây là sai lầm của việc xét xử thẩm vấn một chiều, chỉ dựa vào hồ sơ, cảm nhận mang tính chất “niềm tin nội tâm” của các cán bộ tư pháp như điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán mà thiếu đi tinh thần tranh tụng và tôn trọng quyền tự bào chữa, nhờ người khác bào chữa của bị can, bị cáo.

Cần phải nhấn mạnh rằng thời điểm điều tra, truy tố, xét xử vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn thì hiến pháp 1992 sửa đổi năm 2001 đã có quy định về các nguyên tắc tôn trọng, bảo vệ quyền con người, cụ thể tại các Điều 71, Điều 72.

Một trong những quy định ấy là “Không ai bị bắt, nếu không có quyết định của Toà án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt và giam giữ người phải đúng pháp luật. Nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của công dân.”

Và “Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật.

Người bị bắt, bị giam giữ, bị truy tố, xét xử trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất và phục hồi danh dự. Người làm trái pháp luật trong việc bắt, giam giữ, truy tố, xét xử gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý nghiêm minh”.

Bộ luật TTHS năm 2003 cũng có quy định các nguyên tắc, cụ thể nguyên tắc bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân (Điều 6), nguyên tắc bảo hộ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phậm, tài sản của công dân (Điều 7), nguyên tắc không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật (điều 9), điều 10 nguyên tắc xác định sự thật của vụ án,nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo (Điều 11) .

Như vậy nếu căn cứ các quy định của hiến pháp 1992, sửa đổi năm 2001, bộ luật TTHS năm 2003 thì ở thời điểm xảy ra vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn thì các quy định của pháp luật về nguyên tắc suy đoán vô tội cũng đã được ghi nhận, nghĩa vụ chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan điều tra, viện kiểm sát, Tòa án, bị can, bị cáo có quyền nhưng không có nghĩa vụ phải chứng minh mình vô tội.

Hiến pháp 1992, sửa đổi năm 2001 và bộ luật TTHS 2003 cũng đã quy định nghiêm cấm việc bức cung, nhục hình đối với bị can, bị cáo. Nói như vậy để thấy rằng ở thời điểm đó đã có sự ghi nhận nguyên tắc suy đoán vô tội, tuy nhiên vẫn không khắc phục được oan sai là có nguyên nhân vì nhiền lý do khác nhau mà các quy định này không được tôn trọng, áp dụng đầy đủ trong thực tế.

Một vấn đề nữa là quyền bào chữa của bị can, bị cáo không được tôn trọng và bảo đảm, quá trình tranh tụng trong hoạt động tố tụng không được thừa nhận như một nguyên tắc hiến định dẫn đến tiếng nói của luật sư, người bào chữa yếu hơn hẳn so với hồ sơ được lập từ cơ quan điều tra, Viện kiểm sát.

Trong khi hồ sơ được lập từ đầu nếu đã có dấu hiệu vi phạm tố tụng thì việc oan sai là khó tránh khỏi khi ý kiến luật sư không được HĐXX ghi nhận. Chính vì thế luật sư rất khó để người bào chữa gỡ tội cho bị cáo.

Nhiều khi luật sư bào chữa rất hùng hồn, thuyết phục, tuy nhiên lại không được HĐXX nghiêm túc lắng nghe hoặc chấp thuận, nhiều khi thành viên HĐXX còn mãi làm việc riêng trong khi luật sư thì cứ mải mê trình bày luận cứ bào chữa, vì thế làm cho phiên tòa trở nên thiếu nghiêm túc, giảm tâm huyết của người bào chữa.

Hiến pháp 1992, sửa đổi bổ sung năm 2013 lần này đã làm rõ thêm về nguyên tắc suy đoán vô tội, nguyên tắc tranh tụng được đảm bảo theo tôi đó là một bước tiến lớn để bảo vệ người dân khi vướng vào vòng lao lý.

Điều quan trọng là cần sớm sửa đổi luật TTHS năm 2003 hoặc cần thiết thì ban hành một bộ luật mới thật sự tiến bộ để ghi nhận đầy đủ những nguyên tắc, tư tưởng tiến bộ trong hiến pháp vào trong luật mới, không để tình trạng các điều luật bị chết, không thực hiện được trong thực tế.”

Hưng Nguyên (theo seatimes.com.vn)

 

Luật sư Nguyễn Văn Nguyên phân tích dự thảo sửa đổi luật phá sản năm 2004 “Tòa án tuyên phá sản ngân hàng dưới góc nhìn pháp lý”

(Seatimes) Dự thảo luật Phá sản (sửa đổi) vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, trong đó có đề cập đến vấn đề dỡ bỏ kiểm soát đặc biệt, các ngân hàng có thể bị tòa án tuyên bố phá sản chỉ trong vòng tối đa 15 ngày.

Theo quy định của pháp luật hiện hành thì các tổ chức tín dụng nói chung, trong đó gồm cả ngân hàng được coi là các đối tượng “không thể đổ vỡ” vì liên quan đến tiền gửi của đại bộ phận người dân, sự an toàn của cả hệ thống tài chính quốc gia.

Tuy trong thời gian qua hoạt động ngân hàng cũng cho thấy những vấn đề cần phải điều chỉnh lại cho phù hợp với sự vận hành của nền kinh tế. Theo đó dự thảo lần này, luật Phá sản đã dành hẳn một chương quy định về thủ tục phá sản của các tổ chức này. Một nội dung rất mới của dự thảo luật là việc áp dụng các quy định về thủ tục phá sản của tổ chức tín dụng. Đa số ý kiến của các Ủy viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đều tán thành.

Theo dự thảo, tổ chức tín dụng có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản sau khi Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà tổ chức tín dụng vẫn mất khả năng thanh toán.

Đặc biệt, trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với tổ chức tín dụng, Toà án có thẩm quyền ra quyết định tuyên bố phá sản đối với tổ chức tín dụng.

Về thứ tự phân chia tài sản, tiền gửi, tiền vay….theo quy định của dự thảo thì sẽ ưu tiên các khoản hoàn trả đặc biệt. Tức tổ chức tín dụng trước khi phá sản được vay đặc biệt của Ngân hàng nhà nước, tổ chức tín dụng khác nhưng vẫn không phục hồi được mà bị đóng cửa thì phải hoàn trả khoản này trước khi thực hiện việc phân chia tài sản.

Đối với khoản tiền gửi của cá nhân, tổ chức thì dự thảo luật quy định trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày Tòa án ra quyết định tuyên bố phá sản, người có tài sản ủy thác cho tổ chức tín dụng, gửi tổ chức tín dụng giữ hộ, giao tổ chức tín dụng quản lý thông qua hợp đồng ủy thác, giữ hộ, quản lý tài sản phải xuất trình giấy tờ chứng minh quyền sở hữu và các hồ sơ giấy tờ liên quan với Chấp hành viên để nhận lại tài sản của mình. Trong trường hợp có tranh chấp thì yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.

Đánh giá về dự thảo, chuyên gia tài chính Nguyễn Đức Trung cho rằng: “Đây là quy định tiến bộ. Vì theo đó  Ngân hàng không còn là một tổ chức quá đặc biệt. Ngân hàng sẽ cũng như một doanh nghiệp thông thường nếu làm ăn không hiệu quả thì phá sản theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, đây là ngành nghề kinh doanh đặc biệt có ảnh hưởng đến nhiều đối tượng, đến nền tài chính quốc gia. Trước mắt khi Ngân hàng hoạt động yếu kém thì tình trạng mua bán, sáp nhập có thể vẫn là giải pháp duy nhât, chứ chưa thể đưa ngay và áp dụng ngay quy định có trong dự thảo”.

Ở khía cạnh pháp lý khác, luật sư Nguyễn Văn Nguyên, giám đốc Công ty Luật Hưng Nguyên, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho hay: “Bản chất của tuyên bố phá sản doanh nghiệp là khai tử về mặt pháp lý của doanh nghiệp đó, vì thế theo tôi nếu khai sinh tức là đăng ký thành lập được quy định cởi mở, càng thông thoáng thuận lợi hơn thì khai tử đối với doanh nghiệp cũng cần phải nhanh chóng, thuận lợi. Xuất phát từ tuyên bố phá sản các bên có quyền nghĩa vụ liên quan sẽ khởi động một quá trình mới là xử lý nợ và giải quyết các vấn đề như lao động, tiền lương, bảo hiểm… của chấm dứt hoạt động của pháp nhân bị tuyên bố phá sản.

Dự thảo Luật sửa đổi luật phá sản quy định mới làm rõ và cụ thể thêm về trình tự, thủ tục phá sản, tuyên bố phá sản của Tổ chức tín dụng, theo tôi là việc làm cần thiết vì nó sẽ quy định rõ thêm những nét đặc thù riêng có và sự thận trọng trong quy trình, thủ tục của phá sản tổ chức tín dụng. Một vấn đề theo tôi cũng cần phải tính toán thật kỹ để đảm bảo quyền lợi của khách hàng khi gửi tiền gửi tại Ngân hàng, tổ chức tín dụng vì họ là những chủ nợ bất đắc dĩ trong trường hợp này.”

Theo Băng Tâm (http://seatimes.com.vn)

Luât sư phân tích dự thảo thông tư của Bộ công an về việc nêu người vi phạm giao thông lên báo

Bộ Công an mới có đề xuất, nhà chức trách sẽ tổng hợp hàng tuần danh sách người bị tước giấy phép lái xe do chạy quá tốc độ, lái xe khi uống nhiều rượu bia… gây tai nạn giao thông để nêu trên báo, đài truyền thanh. Nhiều luật sư đã có những ý kiến phân tích về đề xuất này.

Quy định chưa có cơ sở pháp lý

Chia sẻ với phóng viên Nguoiduatin.vnluật sư Phạm Thị Hương, công ty luật Song Thanh cho biết: Theo ý kiến của cá nhân tôi, dự thảo quy định này của Bộ công an mang ý nghĩa rất tốt, nhằm mục đích răn đe, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân.

Tuy nhiên, cần phải xem lại căn cứ pháp luật, có trái văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực cao hơn hay không?

Cụ thể, tại Điều 72, Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2013, quy định về việc công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng việc xử phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính như sau:

1. Trường hợp vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm; chất lượng sản phẩm, hàng hóa; dược; khám bệnh, chữa bệnh; lao động; xây dựng; bảo hiểm xã hội; bảo hiểm y tế; bảo vệ môi trường; thuế; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; đo lường; sản xuất, buôn bán hàng giả mà gây hậu quả lớn hoặc gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội thì cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm công bố công khai về việc xử phạt.

2. Nội dung công bố công khai bao gồm cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính, hành vi vi phạm, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả.

3. Việc công bố công khai được thực hiện trên trang thông tin điện tử hoặc báo của cơ quan quản lý cấp bộ, cấp sở hoặc của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi xảy ra vi phạm hành chính.

Căn cứ quy định nêu trên thì việc công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng không áp dụng với hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông. Như vậy, Dự thảo quy định xử phạt của Bộ công an có thể xem là chưa có cơ sở pháp lý.

Nêu tên lên báo đài không xâm phạm danh dự cá nhân

Lý giải về việc nêu tên người vi phạm giao thông lên các báo, đài truyền thanh thì quy định này có xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân theo quy định tại Điều 37, Bộ luật dân sự hay không?, luật sư Phạm Thị Hương phân tích: “Việc thông báo danh sách cá nhân vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa trên báo, đài, truyền thanh địa phương không thể xem là hành vi xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm của người bị xử phạt.

Bởi vì, theo quy định tại Điều 3, Luật xử lý vi phạm hành chính, nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính như sau: Việc xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật. Theo cá nhân tôi thì các hành vi vi phạm pháp luật không thuộc nội hàm khái niệm “danh dự, nhân phẩm”  hay quyền riêng tư của cá nhân.

Vì vậy, việc công khai thông tin người vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông không vi phạm quy định tại Điều 37, Bộ luật dân sự”.

Cần xử lý cả những tiêu cực trong xử lý vi phạm

Đó là ý kiến của luật sư Nguyễn Văn Nguyên, giám đốc Công ty Luật Hưng Nguyên, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, luật sư Nguyên cho rằng: “Đề xuất của Bộ công an việc công khai danh tính người vi phạm đối với những vi phạm được quy định trong Dự thảo sửa đổi Thông tư 38/2010/TT-BCA xử lý người vi phạm giao thông là khá mạnh dạn với mong muốn chấn chỉnh vấn nạn vi phạm giao thông, văn hóa tham gia giao thông ở Việt Nam hiện nay.

Một thực trạng dễ nhận thấy rằng tình trạng vi phạm giao thông ở Việt Nam trong mấy năm qua chưa được chấn chỉnh là vì quy định chế tài xử phạt chưa nghiêm khắc, sự công khai, minh bạch trong xử lý vi phạm của những người thực thi công vụ chưa được thực hiện triệt để, còn nể nang, né tránh, ngại đụng chạm, nhất là đến những người có chức vụ, quyền hạn khi vi phạm… ý thức tuân thủ pháp luật của người dân khi tham gia giao thông cũng chưa được nghiêm túc, những nguyên nhân đó dẫn đến người dân nhờn luật.

Tuy nhiên để những quy định đó thực thi được trong thực tế thì cần phải tiến hành nhiều biện pháp cả về quản lý nhà nước, công tác cán bộ, nhất là kỹ luật kỷ cương, ý thức công vụ của cán bộ thực thi công vụ, xử lý vi phạm, cần có quy định xử lý nghiêm khắc trong việc để ra tiêu cực trong xử lý vi phạm và có cơ chế giám sát các cơ quan thực thi nhiệm vụ”.

Công ty Luật Hưng Nguyên, theo nguoiduatin.vn

Luật sư Nguyễn Văn Nguyên phân tích vụ cựu Giám đốc Bệnh viên Bưu điện bị điều tra về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” điều 281 BLHS

“Hành vi của giám đốc Bệnh viện Bưu Điện có dấu hiệu phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng với số tiền 66 tỷ đồng có thể bị điều tra, truy tố, xét xử theo khoản 3 điều 281 Bộ luật hình sự”, luật sư Nguyễn Văn Nguyên, giám đốc Công ty Luật Hưng Nguyên, đoàn luật sư thành phố Hà Nội nhận định.

Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng Bộ Công an vừa tống đạt quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh khám xét, bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Văn Oai (60 tuổi), cựu giám đốc Bệnh viện Bưu điện (thuộc Tập đoàn Bưu chính viễn thông VN – VNPT).

Báo Nguoiduatin.vn trích đăng bài phân tích của luật sư Nguyễn Văn Nguyên, giám đốc Công ty luật Hưng Nguyên về hành vi mà cựu giám đốc Bệnh viện Bưu Điện đang bị cơ quan công an khởi tố để điều tra:

Hành vi của giám đốc Bệnh viện Bưu điện có đầy đủ dấu hiệu của tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 281 Bộ luật hình sự). Cụ thể:

Về mặt chủ thể, người lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ phải là chủ thể đặc biệt tức là người có chức vụ quyền hạn, như: Người được bổ nhiệm, được bầu cử, hợp đồng. Người có chức vụ nói trên đây là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ được quy định tại điều 277 Bộ luật hình sự.

Về mặt khách quan, hành vi của người phạm tội này đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để làm trái với công vụ tức là chức trách và nhiệm vụ được giao. Về khách thể thì hành vi này xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, quyền và lợi ích của công dân.

Xét trên yếu tố mặt chủ quan, lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý. Người phạm tội biết được hành vi của mình là trái pháp luật, vi phạm điều cấm, không được phép nhưng vì vụ lợi, vì động cơ cá nhân mà vẫn bất chấp và vẫn thực hiện. Động cơ thực hiện tội phạm và vì vụ lợi, động cơ cá nhân khác như củng cố địa vị, uy tín… cá nhân.

Mục đích của hành vi là nhằm chiếm đoạt lợi ích vật chất hoặc củng cố địa vị uy tín cá nhân.. Hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ được coi là hoàn thành khi gây ra hậu quả cho nhà nước, xã hội, quyền và lợi ích của công dân.

Hành vi của Cựu giám đốc Bệnh viện Bưu Điện có dấu hiệu phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng với số tiền 66 tỷ đồng có thể bị điều tra, truy tố, xét xử theo khoản 3 điều 281 Bộ luật hình sự với khung hình phạt từ mười năm đến mười lăm năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng.

Trước đó, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Bệnh viện Bưu điện. Quá trình xác minh đơn thư tố cáo tiêu cực tại Bệnh viện Bưu điện, CQĐT phát hiện trong thời gian giữ chức giám đốc, ông Nguyễn Văn Oai đã chỉ đạo một số cán bộ dưới quyền lập khống chứng từ, báo cáo sai sự thật số bệnh nhân điều trị tại bệnh viện này để được Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam hỗ trợ khoản tiền hơn 66 tỷ đồng. Phần lớn số tiền trên được ông Oai chia cho cán bộ nhân viên BV và mua sắm trang thiết bị.Ông Nguyễn Văn Oai (SN 1953, quê ở Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương) tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội chuyên khoa nội năm 1978.

Năm 1979, bác sĩ Nguyễn Văn Oai lên đường nhập ngũ. Năm 1985, sau một thời gian dài phục vụ trong quân ngũ, bác sĩ Nguyễn Văn Oai chuyển ngành và được điều về làm việc tại Bệnh viện Y học dân tộc Hà-Nam-Ninh.

Từ năm 1986 đến năm 1995, ông Oai là PGĐ Bệnh viện Y học dân tộc Hà-Nam-Ninh; từ năm 1996 chuyển về Bệnh viện Bưu điện.

Năm 1997, bác sĩ Nguyễn Văn Oai được phong tặng danh hiệu “Thầy thuốc Ưu tú”; tháng 3/2008 được phong danh hiệu cao quý “Thầy thuốc Nhân dân”.

Ông Nguyễn Văn Oai giữ chức vụ giám đốc bệnh viện Bưu điện từ năm 1997 đến năm 2012. Dưới thời kỳ ông làm lãnh đạo, bệnh viện Bưu điện được coi như điểm sáng trong ngành y với danh xưng “Bệnh viện không phong bì”. Theo nguoiduatin.vn

Bi kịch từ trào lưu thuê Tây mang thai hộ để con… thông minh hơn

Mang thai hộ không còn lạ ở Việt Nam, gần đây, có nhiều cặp hiếm muộn đã lựa chọn hình thức thuê người nước ngoài mang thai hộ với mong muốn con khỏe mạnh, thông minh hơn.

Tuy nhiên, có nhiều hệ lụy phát sinh khó giải quyết từ hành vi mang thai hộ có yếu tố nước ngoài mà người đi thuê không ngờ tới.

Thuê “Tây” đẻ hộ để… có con thông minh!?

Mặc dù lấy nhau đã 5 năm, nhưng vợ chồng chị N.T.Nhâm (Từ Liêm, Hà Nội) vẫn chưa có mụn con nào. Quyết định đi thăm khám, chị Nhâm mới ngã ngửa khi được bác sỹ cho biết, chị không có tử cung, lại bị đa nang buồng trứng, vì thế không có khả năng có con. Dù khát khao có con bồng bế đến mấy, vợ chồng chị Nhâm như rơi vào tuyệt vọng. Một lần lang thang trên các diễn đàn, chị có đọc được topic nhận mang thai hộ. Lần theo địa chỉ và số điện thoại tại đây, chị Nhâm tìm được một bà dẫn mối mang thai hộ.

Sau khi tìm hiểu thông tin, chị bàn với chồng về việc nhờ người sinh con cho mình. Theo lời bà dẫn mối này, nếu thuê người trong nước mang thai hộ cũng tùy từng mức, chọn những người có trình độ đại học, cao đẳng thì một lần mang thai giá khoảng 200 triệu – 500 triệu đồng, nếu chọn những người dáng cao, to khỏe thì giá khoảng 50 triệu – 200 triệu đồng… Còn nếu thuê người nước ngoài mang thai hộ giá khoảng 800 triệu – 1 tỷ đồng sẽ có một đứa con to khỏe, thông minh.

Bàn tính kỹ lưỡng, vợ chồng chị Nhâm quyết định chọn người nước ngoài mang thai hộ với mong muốn sẽ có một đứa con trai khỏe mạnh, thông minh. Chị Nhâm kể lại: Sau khi lấy tinh trùng của chồng để cấy vào trứng một người phụ nữ đẻ thuê, đại lý mang thai hộ bên Mỹ cho chị gặp luật sư và người đẻ thuê để thỏa thuận. Những vấn đề ràng buộc như tài chính, giới tính, ADN, giao con… được thảo luận kỹ. Đến nay người phụ nữ kia sắp đến ngày sinh nở, vợ chồng chị lại khăn gói sang Mỹ chuẩn bị đón con về nhà.

Theo chị Nhâm, ngoài việc muốn có đứa con như ý, vợ chồng chị quyết định nhờ người nước ngoài mang thai hộ là do lo sợ nếu thuê người trong nước đẻ, sẽ xảy ra trường hợp sau khi sinh con họ không đành lòng giao con hoặc sau khi giao rồi lại tìm cách tiếp cận, đòi lại con.

Cũng như chị Nhâm, tâm sự trên trang web mangthaiho…, một member có nick Lily kể câu chuyện về gia đình mình và việc quyết định sang Thái Lan thuê người đẻ hộ. Sau khi thỏa thuận, các bác sỹ tại Thái Lan đã lấy tinh trùng của chồng sau đó phối với trứng của chị rồi cấy vào người đẻ hộ. Niềm vui của anh chị được nhân đôi, khi các bác sỹ thông báo gia đình chị sẽ có một cặp song sinh một trai, một gái. Anh chị chấp nhận trả với giá 1 tỷ đồng cho hai đứa con này.

Đến nay, hai nhóc nhà chị đã được 6 tháng, khỏe mạnh, nhanh nhẹn và giống cả bố lẫn mẹ. Theo cặp vợ chồng này, việc thuê người nước ngoài mang thai hộ có cơ hội lựa chọn được giới tính thai nhi, đồng thời sẽ giảm nguy cơ tranh chấp con cái sau khi sinh so với thuê người trong nước.

Tiền mất, con không

Không may mắn như những cặp đôi ở trên, nhiều gia đình sau khi đã đầu tư một khoản tiền khá lớn để thuê người nước ngoài mang thai hộ thì rơi vào cảnh: Tiền mất mà con cũng không được nhận.

Anh Trần Thế Huy và chị Vũ Khánh Linh kết hôn với nhau đã 6 năm nhưng vẫn chưa có con. Vợ chồng chị Linh đã khăn gói sang Ấn Độ để thực hiện thụ tinh, cấy trứng. Do quá tin tưởng vào người họ hàng kia cộng với sự thiếu hiểu biết, vợ chồng chị chỉ thỏa thuận miệng với đối tác mà không có văn bản pháp lý nào. Anh chị đã thanh toán trước 2/3 số tiền gần 800 triệu đồng và mọi chi phí trong quá trình điều trị, mang thai và sinh nở đều do vợ chồng nhà anh Huy chịu. Tuy nhiên sau khi sinh con được vài ngày, người phụ nữ này cầm nốt số tiền còn lại và ôm con đi mất. Đến nước này thì vợ chồng anh Huy mới tá hỏa vì không biết phải thưa kiện như thế nào, với ai, đành ngậm ngùi quay về nước với nỗi hận trong lòng.

Cũng có nhiều trường hợp lặn lội sang nước ngoài gửi con, sau khi làm đầy đủ các thủ tục hợp đồng, xét nghiệm, lấy trứng, tinh trùng, mọi ràng buộc đều được ký kết rõ ràng, tuy nhiên, sau 3 tháng mang thai hộ, các bác sỹ phát hiện đứa con được gửi bị dị tật. Theo đó, cái thai phải bỏ, ở trường hợp này, những người đi thuê mang thai hộ phải thanh toán cho đối tác ít nhất 1/3 số tiền đã thỏa thuận.

Trao đổi về vấn đề liên quan đến pháp lý khi thuê người nước ngoài mang thai hộ, luật sư Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc Công ty Luật Hưng Nguyên – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết, tại Điều 5, Nghị định 12/2003/NĐ-CP ngày 12/02/2003 quy định về sinh con theo phương pháp khoa học có yếu tố nước ngoài như sau: Người nước ngoài được áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản nếu được cơ sở y tế Việt Nam khám và xác định vô sinh, xác định tinh trùng của người chồng, noãn của người vợ bảo đảm chất lượng để thụ thai. Thứ hai, không thực hiện cho, nhận noãn; cho, nhận tinh trùng; cho, nhận phôi đối với người nước ngoài.

Cơ sở pháp lý lỏng lẻo

Như vậy, mọi hành vi giao dịch, thỏa thuận mang thai hộ, thuê người mang thai hộ của công dân Việt Nam với người nước ngoài đều là hành vi trái pháp luật. Ngoài ra, theo luật sư Nguyên, việc thuê người nước ngoài mang thai hộ sẽ phát sinh nhiều hệ lụy khó giải quyết.

“Do hành vi này bị pháp luật cấm, nên khi thực hiện giao dịch, các bên chủ yếu thỏa thuận ngầm, chui… Vì thế khi có tranh chấp xảy ra sẽ rất khó giải quyết, đồng thời quyền lợi của các bên sẽ rất thiệt thòi. Nếu các bên không tự thỏa thuận được thì phải khởi kiện vụ án theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Trong trường hợp này, bên mang thai hộ sẽ phải hoàn lại tiền cho người thuê, còn người thuê sẽ không có quyền nhận đứa con đó là con đẻ. Đặc biệt, quyền lợi, khai sinh, xác định quốc tịch cho đứa con rất phức tạp, phải căn cứ vào các điều kiện của luật Quốc tịch 2008 về trường hợp có được công nhận đứa trẻ là quốc tịch Việt Nam hay không”, luật sư Nguyên nói.

Ông Nguyên cũng cho biết, hiện văn bản pháp luật điều chỉnh vấn đề mang thai hộ nói chung và mang thai hộ có yếu tố nước ngoài rất ít. Luật Hôn nhân và Gia đình, bộ Luật Dân sự cũng chưa có quy định cụ thể nào về vấn đề này.

Hệ quả phức tạp có thể xảy ra

Mới đây, cuối tháng 11/2013, tại phiên thảo luận về dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và Gia đình, đại biểu Lê Văn Hoàng (Đà Nẵng) cũng đã đưa ra hàng loạt giả định về những hệ quả phức tạp có thể xảy ra với việc mang thai hộ: Nếu sự thỏa thuận giữa hai bên (bên nhờ và bên mang thai hộ) chỉ bằng miệng, sau đó người mang thai hộ không giao đứa trẻ hoặc sinh đứa trẻ bị khuyết tật, người nhờ mang thai hộ không nhận đứa trẻ, dẫn đến phát sinh tranh chấp thì giải quyết ra sao? Người mang thai hộ sinh 2-3 bé nhưng người nhờ mang thai chỉ nhận một bé thì sao?

Theo Ong Lý (ĐSPL)

Hoàn thiện khung pháp lý PPP

Công ty luật Hưng Nguyên – Theo Bộ Giao thông Vận tải, nhu cầu vốn xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông ở nước ta ngày càng tăng. Nếu như giai đoạn 2011 – 2015 cần khoảng 480 nghìn tỷ đồng, thì 5 năm tiếp theo (từ 2016 – 2020) là 730 nghìn tỷ đồng. Trong điều kiện khó khăn của kinh tế hiện nay, việc có được nguồn vốn khổng lồ như trên gặp không ít khó khăn, vì thế vấn đề mở rộng hợp tác công – tư cần được đẩy mạnh hơn nữa. Ngoài dự án Dầu Giây –  Phan Thiết, một số dự án giao thông lớn khác như đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành… đang được Bộ Giao thông – Vận tải đề xuất áp dụng theo hình thức hợp tác công tư;  Thành phố Đà Nẵng cũng đang đề xuất áp dụng cơ chế PPP đối với một số dự án lớn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, hợp tác công tư ở nước ta còn rất mới, hơn nữa khu vực kinh tế tư nhân chưa “mặn mà”, vì các quy định hiện hành chưa thực sự hấp dẫn họ.

Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 71 ban hành “Quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức đối tác công – tư”, được coi là cơ sở pháp lý đầu tiên, tạo điều kiện cho hợp tác công – tư được thực hiện tại Việt Nam. Theo Quyết định này, các nhà đầu tư, nhà thầu tham gia dự án sẽ được ưu đãi về một số loại thuế, được quyền mua ngoại tệ, được bảo đảm cung cấp các dịch vụ công cộng và ưu đãi vốn vay, vốn viện trợ không hoàn lại.

Theo chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ, các quy định về hợp tác công – tư cần được xây dựng theo hướng mở và năng động, minh bạch hơn, nhất là vấn đề lợi ích giữa các bên: “Chủ yếu là mối quan hệ lợi ích công và tư như thế nào, nhà đầu tư được đảm bảo lợi ích đến mức nào khi họ tham gia hợp tác công tư, thì hành lang pháp lý hiện chưa thật rõ ràng. Và thứ hai là việc định giá của nhà đầu tư phải theo thị trường, chứ không phải theo giá áp đặt, nhất là trong lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng. Sắp tới chúng ta cần cố gắng đi vào từng lĩnh vực của chính sách để đưa ra những quy định cụ thể”.

“Quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức đối tác công – tư” có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 01 năm 2011 và được thực hiện trong thời gian từ 3 đến 5 năm, trong khi chờ khi Chính phủ ban hành Nghị định về đầu tư theo hình thức đối tác công – tư thay thế. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần sớm hoàn thiện khung khổ pháp lý cho hợp tác công tư ở nước ta bằng một Nghị định hoặc một đạo luật riêng, nhằm tạo môi trường pháp lý bình đẳng, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, tư nhân và xã hội mới có thể thu hút hiệu quả nguồn vốn của khu vực kinh tế tư nhân trong hợp tác công – tư./.

Phi Long/VOV – Trung tâm Tin

Luật sư Hà Nội, Tư vấn đầu tư – Văn phòng luật sư Hưng Nguyên

Bào chữa cho các bị cáo trong vụ án cố ý gây thương tích

Ngày 11/03/2013 Luật sư Nguyễn Văn Nguyên đã tham gia phiên Tòa hinh sư sơ thẩm tại Tòa án nhân dân thành phố Thanh Hóa với tư cách người bào chữa cho 03 bị cáo trong vụ án cố ý gây thương tích. Các bị cáo bị Viện kiểm sát nhân dân thành phố Thanh Hóa truy tố về tội cố ý gây thương tích theo khoản 2 điều 104 BLHS với tình tiết tăng nặng định khung là dùng hung khí nguy hiểm được quy định tại điểm a, khoản 1 điều 104 BLHS. Do các bị cáo và người bị hại đều kháng cáo phúc thẩm vụ án vì thế ngày 11/06/2013 Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành xét xử phúc thẩm vụ án, tại phiên Tòa với các tinh tiết mới, các kiến nghị của Luật sư bào chữa về việc cần làm rõ các mâu thuẫn trong bản kết luận giám định thương tích của bị hại đã được HĐXX chấp thuận, vì vầy HĐXX đã tạm đình chỉ vụ án để tiến hành trưng cầu giám định lại thương tích của bị hại. Đây là vụ án mà Luật sư Nguyễn Văn Nguyên tham gia tố tụng bào chữa cho các bị cáo vướng vào vòng lao lý ngay từ giai đoạn khởi tố điều tra cho đến truy tố, xét xử ở sơ thẩm, phúc thẩm. Ngày 17/09/2013 Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã mở phiên tòa phúc thẩm lần 2. Sau khi bản án phúc thẩm được tuyên, thể theo nguyện vọng của các bị cáo, gia đinh và người thân các bị cáo, Luật sư Nguyễn Văn Nguyên tiếp tục nhận lời bào chữa cho các bị cáo để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm lên Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Theo Hưng Nguyên