Mức án cho người cha ruột nhẫn tâm hiếp dâm con gái 7 tuổi suốt 5 năm?

(ĐSPL) – Vụ việc người cha nhẫn tâm hiếp dâm con gái ruột từ lúc 7 tuổi và kéo dài suốt 5 năm xảy ra tại Kim Bôi, Hòa Bình gây chấn động dư luận. Theo Luật sư Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc công ty luật Hưng Nguyên, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, với hành vi thú tính và có tính chất loạn luân như trên, mức án người cha phải đối mặt từ 12 đến 20 năm tù.

Trước đó, ngày 15/7, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Kim Bôi đã ra lệnh bắt khẩn cấp đối với đối tượng Bùi Văn Thủy (SN 1980, trú tại xóm Đầm Giàn, xã Sào Báy, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình) về hành vi hiếp dâm trẻ em. Nạn nhân không phải ai khác chính là con gái ruột của Thủy là cháu Bùi Hồng Thương (SN 2002).

Mức án cho người cha ruột nhẫn tâm hiếp dâm con gái 7 tuổi suốt 5 năm?

Luật sư Nguyễn Văn Nguyên, giám đốc Công ty Luật Hưng Nguyên, Đoàn Luật sư tp.Hà nội.

Theo Luật sư với hành vi hiếp dâm trẻ em nhiều lần như trên thì người cha ruột phải chịu những tình tiết tăng nặng như thế nào?  Liệu người cha có bị xử lý 2 tội: tội loạn luân và tội hiếp dâm không?

Theo thông tin báo chí đưa tin, thì hiện nay CQĐT Công an huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với bị can Bùi Văn Thủy. Hành vi của Thủy sẽ được CQĐT đấu tranh chứng minh làm rõ. Nếu hành vi của Thủy đúng như thông tin báo chí nêu thì bị can Bùi Văn Thủy sẽ bị truy tố và xét xử theo điểm a, khoản 2, điều 112 BLHS về tội “Hiếp dâm trẻ em”, tình tiết tăng nặng định khung là phạm tội có tính chất loạn luân, ngoài ra Thủy còn phải chịu tình tiết tăng nặng là “phạm tội nhiều lần” theo quy định tại điểm g, khoản 1, điều 48 BLHS. Mức hình phạt tù mà bị can Bùi Văn Thủy phải đối mặt là từ mười hai đến hai mươi năm.

Điều 112. Tội hiếp dâm trẻ em

1. Người nào hiếp dâm trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm:

a) Có tính chất loạn luân;

b) Làm nạn nhân có thai;

c) Gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%;

d) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Có tổ chức;

b) Nhiều người hiếp một người;

c) Phạm tội nhiều lần;

d) Đối với nhiều người;

đ) Gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 61%trở lên;

e) Biết mình bị nhiễm HIVmà vẫn phạm tội;

g) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát.

4. Mọi trường hợp giao cấu với trẻ em chưa đủ 13 tuổi là phạm tội hiếp dâm trẻ em và người phạm tội bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.

5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”.

Luật sư có suy nghĩ gì qua vụ viêc trên? Luật sư có thể đưa ra khuyến cáo về công cụ pháp lý và cách tự bảo vệ bản thân cho trẻ em?

Bộ luật hình sự Việt Nam quy định, mọi hành vi giao cấu với trẻ em dưới 13 tuổi đều bị coi là hiếp dâm trẻ em và phạm tội hiếp dâm trẻ em theo quy định tại điều 112 BLHS. Hành vi của bị cáo Thủy thật đáng lên án, đã xâm hại đến chính con gái đẻ của mình, với một thời gian dài mới bị phát hiện.

Hành vi thể hiện sự thú tính và đồi bại của con người bị can. Tôi nghĩ bị can Thủy sẽ nhận được bản án xử phạt nghiêm khắc của Tòa án. Tuy nhiên ngoài pháp luật bị can Thủy còn phải chịu sự phán xét của Tòa án lương tâm, đạo đức, sự lên án của dư luận xã hội.

Vụ án chấn động dư luận bởi tình trạng xâm hại tình dục trẻ em đang khá là nhức nhối trong xã hội hiện nay, nạn nhân bị xâm hại tình dục là các trẻ em gái tuổi đời còn rất ít, thiếu hiểu biết pháp luật, kiến thức về giới tính, thiếu các công cụ để phòng tránh xâm hại tình dục. Những người phạm tội lại thường là những người thân, có quan hệ rất gần gủi với các em, như quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng…

Theo tôi để ngăn chặn tội phạm này, cần đưa pháp luật về chăm sóc, giáo dục trẻ em, pháp luật hình sự liên quan đến các tội phạm xâm hại tình dục trẻ em vào giảng dạy trong các nhà trường phổ thông để nâng cao hiểu biết pháp luật cho các em và giúp các em kịp thời tố giác tội phạm khi bị xâm hại.

Xin cảm ơn Luật sư!

 Phương Vy

Tribeco Bình Dương chối bỏ trách nhiệm trả thưởng, khách hàng cần kiện ra Tòa

(ĐSPL) – Để đảm bảo quyền lợi chính đáng của mình cũng như nhận được số tiền trúng thưởng 100 triệu đồng, ông Tạ Văn Ẩn nên gửi đơn khởi kiện ra tòa án nơi có trụ sở của Công ty TNHH Tribeco Bình Dương.

Đây là nhận định của Luật sư Nguyễn Khánh Toàn – Văn phòng Luật sư Nguyễn Khánh Toàn và Cộng sự trước việc ông Tạ Văn Ẩn (62 tuổi, ngụ tổ 5, ấp Nước Vàng, xã An Bình, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương) ăn mì gói hiệu “Unif bò rau thơm” trúng thưởng 100 triệu đồng nhưng bị Công ty TNHH Tribeco Bình Dương “bội tín”.

Thay vì làm thủ tục để trao thưởng cho ông Ẩn theo thông tin được ghi trong phiếu trúng thưởng thì Công ty TNHH Tribeco Bình Dương lại cho rằng đây là phiếu không hợp lệ.

Công ty lý giải phiếu hợp lệ phía sau phải có dán một tem vuông và một tem tròn, kèm một chữ ký xác nhận. Sau đó đại diện công ty chỉ đề nghị hỗ trợ ông Ẩn 2 triệu đồng. Tuy nhiên, khi ông Ẩn không đồng ý, mức hỗ trợ được nâng lên 5 triệu đồng nhưng vẫn không đạt được kết quả.

Việc thương lượng hỗ trợ cho ông Ấn với mức tiền giá trị thấp hơn rất nhiều lần giải thưởng càng khiến dư luận hồ nghi về tính hợp pháp của giải thưởng.

Đồng tình với quan điểm này, Luật sư Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc Công ty Luật Hưng Nguyên cho rằng cơ quan có thẩm quyền cần kiểm tra tính hợp pháp của chương trình khuyến mãi mà công ty Tribeco Bình Dương đưa ra.

Luật sư Nguyễn Văn Nguyên chỉ rõ: “Một chương trình khuyến mại hợp pháp thì phải tuân thủ quy định tại điều 92 Luật thương mại. Ngoài ra, chương trình khuyến mại đảm bảo đúng luật thì phải đăng ký tại sở Công Thương hoặc Bộ công thương”.

“Một khi công ty Tribeco Bình Dương hứa thưởng mà không thực hiện là đã thuộc hành vi cấm trong hoạt động khuyến mại theo Khoản 8, Điều 100 Luật thương mại 2005: Hứa tặng, thưởng nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng”, Luật sư Nguyễn Khánh Toàn phân tích thêm.

Tại Điều 590 của Bộ luật dân sự 2005 cũng quy định rõ về nghĩa vụ trả thưởng của người đã công khai hứa thưởng cho người đã thực hiện công việc theo yêu cầu của người hứa thưởng. Cụ thể: “1. Người đã công khai hứa thưởng phải trả thưởng cho người đã thực hiện công việc theo yêu cầu của người hứa thưởng”. 

Do đó, việc công ty Tribeco đưa ra lý do phiếu trúng thưởng không hợp lệ nên không trả thưởng là không hợp lý.

Thêm vào đó, ông Ẩn có được phiếu trúng thưởng vào ngày 2/6 khi thời gian khuyến mãi của công ty còn hiệu lực từ 30/4-28/7 nhưng công ty lại không trả thưởng cho khách hàng là đã vi phạm quy chế mở thưởng mà công ty ban hành.

Thực tế, ông Ẩn nói riêng và khách hàng nói chung không thể phân biệt phiếu trúng thưởng do Công ty Tribeco Bình Dương phát hành là hợp lệ hay không hợp lệ. Khi chối bỏ trách nhiệm trao thưởng của mình, Công ty Tribeco Bình Dương phải chứng minh rõ ràng, hợp lý và có căn cứ thực sự thuyết phục chứ không thể chỉ kết luận đơn thuần phiếu trúng thưởng không hợp lệ là xong.

Do vậy, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cũng như có thể nhận được số tiền trúng thưởng, Luật sư Nguyễn Khánh Toàn cho rằng, ông Ẩn nên khởi kiện ra Tòa án nơi có trụ sở của Công ty TNHH Tribeco Bình Dương để yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định tại Điều 161. Quyền khởi kiện vụ án của Bộ luật Tố tụng dân sự: “Cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình”.

Bá – Hương

Trăn trở về tình trạng hành nghề của luật sư

Trăn trở về tình trạng cản trở quyền hành nghề của luật sư, luật sư Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc Công ty Luật Hưng Nguyên, Đoàn luật sư TP. Hà Nội đã chia sẻ một số kiến nghị của mình trên Thời báo Đông Nam Á.

Báo Seatimes trích đăng bài viết của luật sư Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc công ty luật Hưng Nguyên:

“Thời gian qua báo chí truyền thông nhắc đến nhiều về các vụ việc luật sư bị trả thù do hoạt động nghề nghiệp của luật sư. Như vụ luật sư Trần Hồng Lĩnh – Đoàn luật sư TP. Hải Phòng bị tạt axit, văn phòng Luật sư Bùi Đình Ứng – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội bị đốt… và rất nhiều vụ việc khác nữa mà bản thân những luật sư trong cuộc cũng không muốn chia sẻ rộng rãi.

Các luật sư xem đó là sự vui buồn nghề nghiệp của các luật sư và thường cam chịu. Những hành vi trả thù luật sư thời gian vừa qua đã gây phẫn nộ trong dư luận, quần chúng nhân dân nói chung và giới luật sư nói riêng gây tâm lý hoang mang, lo sợ cho nhiều luật sư. Nếu không kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm minh sẽ dẫn đến hình ảnh người luật sư bị xuống cấp và tạo tiền lệ xấu cho các hành vi tiếp theo.


Luật sư Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc công ty luật Hưng Nguyên

Khi luật sư không đủ dũng cảm để đấu tranh bảo vệ lẽ phải, pháp lý và công bằng thì hậu quả sẽ dẫn đến oan sai và hệ lụy cho xã hội là rất lớn.

Luật sư là hiện thân cho người bảo vệ công ty, công bằng, giúp cho hoạt động tố tụng và các tranh chấp pháp lý được giải quyết đúng đắn. Tuy nhiên khi luật sư không thể tự bảo vệ mình, thì còn ai là người đứng ra bảo vệ người yếu thế, mắc oan sai và người nghèo, yếu thế trong xã hội. Khi vướng vào vòng lao lý hơn ai hết họ rất hiểu, rất cần sự trợ giúp hỗ trợ pháp lý của luật sư.

Hoạt động tác nghiệp của luật sư rất rộng trên nhiều lĩnh vực pháp luật. Trong vấn đề giải quyết các vụ án hình sự luật sư tham gia với tư cách người bào chữa cho bị can, bị cáo hoặc người bảo vệ quyền lợi ích cho bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự thì theo tôi pháp luật cần xem xét hoạt động của luật sư tương tự người thi hành công vụ.

Bởi lẽ, hoạt động của luật sư góp phần làm rõ sự thật khách quan, sai phạm, oan sai, làm cho việc điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và các hoạt động khác của các cơ quan nhà nước diễn ra đúng pháp luật. Vì thế luật sư trong trường hợp này phải được xem tương tự như là người thi hành công vụ.

Có quy định như vậy mới có chế tài, hướng xử lý đối với các hành vi trả thù, tố cáo, cản trở, gây khó khăn cho hoạt động nghề nghiệp đúng đắn của luật sư; chấm dứt những hành vi hành hung, gây thương tích cho luật sư. Từ đó tạo sự yên tâm của luật sư đối với hoạt động hành nghề, giúp luật sư tập trung mọi tâm huyết, trí tuệ để làm việc, nghiên cứu vụ việc đạt chất lượng tốt nhất.

Nếu như các cán bộ, công chức nói chung và cán bộ điều tra, kiểm sát viên, thư ký, thẩm phán khi thi hành nhiệm vụ được gọi là người thi hành công vụ thì luật sư lại không được xem như là người thi hành công vụ hoặc được xem tương tự như hoạt động công vụ.  Cơ chế xử lý các hành vi chống lại các chức danh tư pháp trên là rất nhiều, mạnh và đủ răn đe, trong khi đó quyền lợi của luật sư vẫn đang bị bỏ ngỏ chưa ai quan tâm.

Theo tôi, Liên đoàn luật sư Việt Nam đi vào hoạt động đã góp phần không nhỏ nâng cao vị thế, vai trò và hình ảnh của luật sư. Tuy nhiên Liên đoàn luật sư vẫn chưa phát huy được hết vai trò trong việc bảo vệ quyền lợi luật sư, chưa thật sự xem việc bảo vệ quyền lợi ích luật sư khi hành nghề là quan trọng nhất, dẫn đến những vụ việc hành hung, trả thù luật sư. Phía Liên đoàn vẫn chưa có được tiếng nói mạnh mẽ.

Vì thế Liên đoàn luật sư cần có những hoạt động tuyên truyền sâu rộng để nâng cao hình ảnh luật sư, phổ biến pháp luật và có nhiều hoạt động để bảo vệ quyền lợi luật sư khi hành nghề. Đồng thời kiến nghị với Ủy ban tư pháp của Quốc hội, Ủy ban pháp luật của Quốc hội, Bộ tư pháp và các cơ quan liên quan để sửa đổi Luật luật sư, bộ luật hình sự, Luật tố tụng hình sự và pháp luật có liên quan trong đó quy định hoạt động hành nghề của luật sư tương tự như chế độ công vụ và quy định các chế tại trách nhiệm dân sự, xử lý hành chính và hình sự để xử lý đối với các hành vi chống đối, xâm phạm sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tính mạng và quyền hoạt động nghề nghiệp đúng đắn của luật sư.

Các đoàn Luật sư cần phải tích cực, chủ động phối hợp với Liên đoàn luật sư, các cơ quan nhà nước để bảo vệ quyền lợi ích chính đáng của luật sư thành viên. Khi đoàn luật sư biết được thông tin về việc luật sư thành viên bị xâm phạm thì phải kịp thời xác minh, kiến nghị xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm.

Bản thân các luật sư cũng cần phải dũng cảm đấu tranh bảo vệ công lý công bằng, khi bị xâm phạm, trả thù thì cần dũng cảm đấu tranh, thông báo với Đoàn luật sư, Liên đoàn luật sư, báo chí truyền thông để bảo vệ quyền lợi ích chính đáng của mình.

Vậy để bảo vệ quyền lợi ích của luật sư cần phải có sự vào cuộc của toàn thể giới luật sư, Đoàn luật sư, Liên đoàn luật sư và các cơ quan hữu quan không những là sửa luật đưa ra cơ chế, chế tài xử lý mà còn phải nâng cao hình ảnh của luật sư và sự ủng hộ của báo chí, truyền thông, dư luận xã hội.”

Hưng Nguyên (theo seatimes.com.vn)

Doanh nghiệp ‘thoát tù’ nhờ tư vấn luật

Đến nay, tôi có thể tự hào rằng, công ty chúng tôi không bị lừa và cũng không có khách hàng nào của chúng tôi bị lừa khi tham gia mua bán các dự án bất động sản. Đó là nhờ có luật sư tham gia hỗ trợ tư vấn pháp lý ngay từ ban đầu…”, ông Phạm Thanh Bình, TGĐ Công ty CP Tập đoàn địa ốc Phú Thái chia sẻ.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm đàm triển khai Đề án thiết lập mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp tại các địa phương có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, do câu lạc bộ Luật sư Long Biên phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam tổ chức, ông Phạm Thanh Bình, TGĐ Công ty CP Tập đoàn địa ốc Phú Thái (Phuthailand), chia sẻ, khi ông khởi nghiệp làm doanh nghiệp, ông đã xác định tư vấn pháp luật là một phần quan trọng trong các hoạt động của công ty, do đó, trong bất kỳ hoạt động thương mại nào ông cũng tham khảo ý kiến của luật sư.

Phuthailand cũng từng nhận phân phối cho dự án Thanh Hà- Cienco 5, dự án mà đã có vị Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng và dịch vụ 1.5, ông Lê Hòa Bình bị bắt, do những ký kết hợp đồng trái luật với khách hàng.

“Đến nay, tôi có thể tự hào rằng, công ty chúng tôi không bị lừa và cũng không có khách hàng nào của chúng tôi bị lừa khi tham gia mua bán các dự án bất động sản. Đó là nhờ có luật sư tham gia hỗ trợ tư vấn pháp lý ngay từ ban đầu…”, ông Phạm Thanh Bình chia sẻ.

Đây là một trong nhiều ví dụ về sự cần thiết của tư vấn pháp luật cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, được đại diện các doanh nghiệp nêu ra tại buổi tọa đàm (ngày 25/12/2013)

Buổi tọa đàm có đầy đủ đại diện các cơ quan: Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Trung tâm hỗ trợ pháp luật và phát triển nguồn nhân lực, Ban quản lý chương trình Hỗ trợ pháp lý liên ngành danh cho doanh nghiệp (585), Đoàn Luật sư Tp. Hà Nội, Câu lạc bộ Luật sư Long Biên, các tổ chức hành nghề luật sư…

Tại buổi tọa đàm, Ban tổ chức cũng đã giới thiệu khá chi tiết về chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp và Đề án thiết lập mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp tại những vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Các đại biểu cùng thảo luận cách thức tư vấn pháp luật hiệu quả cho doanh nghiệp tại các vùng có điều kiện khó khăn về kinh tế – xã hội và đặc biệt khó khăn.

Các hình thức tư vấn pháp luật của mạng lưới bao gồm: Giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp (giải đáp trực tiếp, giải đáp bằng văn bản, thông qua mạng điện tử, điện thoại); hướng dẫn, đưa ra ý kiến giúp doanh nghiệp soạn thảo các giấy tờ liên quan đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp; tư vấn cho doanh nghiệp áp dụng đúng pháp luật; cung cấp thông tin pháp lý liên quan trực tiếp tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp…

Nhiều đề xuất cho Đề án

Đại diện các luật sư đã tham gia nhiều ý kiến khác nhau góp ý cho việc triển khai Đề án. Theo Luật sư Nguyễn Văn Hà, Văn phòng luật sư Hà Lan và Công sự Đoàn Luật sư Tp.Hà Nội , Đề án nên sử dụng lực lượng luật sư tham gia mạng lưới tư vấn là lực lượng chủ chốt, bởi hiện nay số lượng luật sư đã được phủ kín trên toàn quốc, ở tất cả các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương đều đã có Đoàn luật sư và các luật sư thành viên; Thực hiện công tác tuyên truyền sâu rộng đến cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các vùng kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn để họ biết được ý nghĩa và tầm quan trọng của mạng lưới hỗ trợ pháp lý miễn phí cho doanh nghiệp…

Luật sư Ngô Thế Thêm, Văn phòng Luật sư Doanh Gia nêu ra một số rủi ro pháp lý mà doanh nghiệp thường mắc phải, như: Rủi ro trong việc tranh chấp giữa các thành viên công ty; rủi ro trong việc tranh chấp với chính người lao động của đơn vị mình; rủi ro trong việc tổ chức vận hành hoạt động và cơ cấu nội bộ của công ty; rủi ro trong hoạt động kinh doanh; vay vốn tín dụng…

Thực tiễn trong quá trình tư vấn, giải quyết các vụ việc của doanh nghiệp các luật sư nhận thấy rằng các chủ doanh nghiệp thường chưa quan tâm nhiều đến việc tư vấn pháp luật, sự cần thiết phải có sự tư vấn pháp luật. Từ thực tiễn này cho thấy, cần hơn nữa một hệ thống tư vấn, hỗ trợ pháp luật từ phiá các cộng tác viên tư vấn pháp luật.

Luật sư Ngô Thế Thêm kỳ vọng, Đề án 585 của Chính phủ sau khi triển khai thực hiện sẽ đạt được những mục tiêu chung, cũng như mục tiêu cụ thể hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở những địa bàn kinh tế khó khăn và đặc biệt khó khăn, khắc phục được phần lớn những rủi ro pháp lý của doanh nghiệp, xây dựng được đội ngũ doanh nghệp phát triển một cách bền vững, an toàn về pháp lý khi Việt Nam gia nhập sâu rộng hơn kinh tế quốc tế.

Chủ nhiệm Câu lạc bộ Luật sư Long Biên, Luật sư Bùi Đình Ứng cho biết, mục đích của Đề án này là tạo điệu kiện cho doanh nghiệp, nhưng cũng nên hướng tới các cơ quan quản lý….CLC Luật sư Long Biên sẵn sàng là một đầu mối tư vấn cho Đề án.

Đại diện doanh nghiệp, ông Phạm Thanh Bình, TGĐ Công ty CP Tập đoàn địa ốc Phú Thái đề nghị, nếu được các văn phòng tư vấn công khai tên tuổi luật sư tư vấn, lý lịch trích ngang.

Giám đốc công ty TNHH sản xuất thương mại Tứ Quang, ông Bùi Đức Cử thừa nhận, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ rất hạn chế về hiểu biết pháp luật. Chỉ khi có phát sinh tranh chấp lúc đó họ mới nghĩ đến mời luật sư, chuyên gia giúp đỡ, còn vấn đề phòng ngừa rủi ro về pháp lý hầu như không. Do đó, cần tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông một cách sâu rộng cho các doanh nghiệp biết về đề án này, đối tượng nào được hưởng, hưởng cái gì và họ phải làm như thế nào…?

Xuất phát từ thực tiễn mà công ty ông gặp phải, ông Cử kiến nghị, để thực hiện đề án cần thành lập một bộ phận chuyên trách gồm các chuyên gia pháp luật có kinh nghiệm, uy tín rà soát lại các văn bản pháp luật, quy định hiện hành để kiến nghị các bộ, ngành liên qua cùng thống nhất quy định, đơn giản hóa các giấy tờ kèm theo hàng hóa khi lưu thông trên thị trường. Đó là cách trợ giúp pháp luật rất thiết thực cho doanh nghiệp.

Tổng hợp các ý kiến tại buổi tọa đàm, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, ông Tô Hoài Nam cho biết, các ý kiến tham gia tại buổi tọa đàm gần như đồng nhất. Ban tổ chức sẽ tiếp thu, tổng hợp, chuẩn bị để có cách thức triển khai tốt nhất.

Tin tức nguồn:xaluan
Công ty luật Hưng Nguyên

Hạn chế can thiệp hành chính vào quan hệ dân sự

“Bộ luật Dân sự phải thực sự trở thành Bộ luật của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”…

“Là Bộ luật chi phối nhiều đạo luật khác trong hệ thống pháp luật nên Bộ luật Dân sự phải thực sự trở thành Bộ luật của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo được cú hích đáng kể cho sự phát triển của các quan hệ thị trường…”, Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại Hội nghị toàn quốc tổng kết thi hành Bộ luật Dân sự năm 2005 vừa diễn ra tại Hà Nội.

Đánh giá 7 năm thi hành Bộ luật Dân sự, Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Bộ luật này có vị trí đặc biệt quan trọng, chi phối nhiều đạo luật khác trong hệ thống pháp luật và tác động tới tất cả các quan hệ dân sự trong xã hội. Bộ luật Dân sự cũng cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về các quyền tự do, bình đẳng về nhân thân và tài sản cá nhân…

Tuy nhiên đến nay, Bộ luật đã bộc lộ một số bất cập như chưa xác định rõ mối quan hệ với các luật khác điều chỉnh quan hệ dân sự, các quy định vẫn còn mang nặng tính hành chính, nhiều quy định chưa tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia…

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng đánh giá: “Bộ luật Dân sự 2005 cũng là lần đầu tiên quy định đầy đủ địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý cho cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác; quyền và nghĩa vụ của các chủ thể về nhân thân và tài sản trong các quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động… Chính Bộ luật Dân sự 2005 đã đánh dấu bước phát triển mới, khẳng định một diện mạo mới không chỉ của pháp luật dân sự mà của cả hệ thống pháp luật Việt Nam”.

Ông Tụng cũng thừa nhận, sau hơn 7 năm thi hành Bộ luật Dân sự đã bộc lộ những bất cập, hạn chế; thiếu nhiều quy định cụ thể như quy định liên quan đến hộ gia đình, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bồi thường thiệt hại trong trường hợp gây thiệt hại cho nhiều người… Nhiều quy định thuộc phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Dân sự nhưng đến nay chưa có văn bản hướng dẫn thi hành kịp thời hoặc chưa cụ thể nên khó thực thi trên thực tế… Một số quy định hướng dẫn không phản ánh kịp thời yêu cầu của thực tiễn.

Việc công nhận, thực hiện quyền dân sự về thân nhân, tài sản, sở hữu và giao dịch còn nhiều bất cập như hệ thống đăng ký sở hữu, quyền sử dụng đất, đăng ký giao dịch và công chứng giao dịch còn chưa thực sự liên thông, làm giảm tính công khai, minh bạch trong giao dịch…

Đó cũng là lí do tại Hội nghị tổng kết này, Bộ Tư pháp đặt vấn đề sửa đổi bổ sung Bộ luật Dân sự. Theo Thứ trưởng Đinh Trung Tụng, Bộ luật Dân sự phải được xây dựng trên cơ sở tôn trọng quyền tự do giao dịch dân sự giữa các cá nhân, tổ chức. Tiến tới hạn chế sự can thiệp của cơ quan công quyền vào quá trình hình thành, tồn tại và phát triển của các quan hệ giao dịch dân sự, bảo đảm các quan hệ này được hình thành một cách dễ dàng, phát triển ổn định.

Bộ luật Dân sự sửa đổi lần này phải có đầy đủ có cơ chế bảo đảm, bảo vệ thích hợp các quyền liên quan đến chế độ sở hữu, hình thức sở hữu, các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu. Bên cạnh đó còn tiến hành hoàn thiện thêm một bước các quy định về quyền của các chủ thể đối với tài sản của người khác, đặc biệt là quyền sử dụng đất.

Bộ luật Dân sự phải hướng đến việc đề cao nguyên tắc tự do hợp đồng, bảo đảm quyền kinh doanh của các chủ thể và bảo đảm an toàn pháp lý cho các chủ thể khi tham gia vào các quan hệ dân sự.

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong lần sửa đổi này Bộ luật Dân sự cần phải thể hiện được 2 quan điểm quan trọng: Phải thực sự trở thành nền tảng pháp lý của hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ có chủ thể bình đẳng, tự thỏa thuận, tự định đoạt và tự chịu trách nhiệm; phải thực sự trở thành Bộ luật của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo được cú hích đáng kể cho sự phát triển của các quan hệ thị trường, thúc đẩy sự chủ động và sáng tạo của các chủ thể tham gia các hoạt động giao lưu dân sự, huy động mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư cho sản xuất, kinh doanh, hạn chế đến mức thấp nhất sự can thiệp hành chính vào giao lưu dân sự…

Phó thủ tướng lưu ý phải xác định rõ mục tiêu, quan điểm và những định hướng lớn sửa đổi, bổ sung Bộ luật Dân sự năm 2005, nhất là trong giai đoạn lịch sử lập hiến, lập pháp của đất nước đang bước vào thời kỳ phát triển mới theo các quan điểm dân chủ, dân sinh, dân quyền thể hiện đậm nét trong Cương lĩnh xây dựng đất nước.

Công ty Luật Hưng Nguyên – theo Công Lê (Theo VnEconomy)

Ngân hàng phải cùng doanh nghiệp gỡ khó

Sau khi đánh giá tình hình kinh tế-xã hội năm 2012 và mục tiêu năm 2013, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã ra Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2013 với tỷ lệ phiếu tán thành cao.

Theo đó, Quốc hội yêu cầu Chính phủ từ nay đến cuối năm tập trung chỉ đạo giải quyết hàng hóa tồn kho và nợ xấu. Cần tập trung xử lý các mặt hàng tồn kho cao, chủ yếu là sắt thép, xi măng, vật liệu xây dựng, căn hộ nhà chung cư, đẩy mạnh tuyên truyền khuyến khích, mở các đợt bán giảm giá thu hút người tiêu dùng; tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu nhất là các mặt hàng nông, thủy, hải sản; khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng sản phẩm của nhau.

Các ngân hàng thương mại, trước hết là ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước nắm quyền chi phối phải chia sẻ và tham gia tháo gỡ khó khăn cùng với doanh nghiệp; các tổ chức tín dụng cần nhận thức tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chính là tháo gỡ khó khăn cho chính hệ thống tổ chức tín dụng mình. Cần sớm hoàn thành việc rà soát lại các công trình đầu tư dở dang đang bị giãn, hoãn tiến độ, đẩy nhanh việc thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản; tập trung đầu tư hoàn thiện các dự án trọng yếu, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của cả nước, ngành, vùng, địa phương. Khẩn trương chỉ đạo giải ngân các chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm chất lượng.

Hạ lãi suất theo chỉ số giá tiêu dùng

Theo Nghị quyết, nhiệm vụ đặt ra trong năm 2013 là cần phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong việc huy động, sử dụng các nguồn lực cho phát triển kinh tế, đồng thời bảo đảm kiềm chế lạm phát, tăng tính ổn định kinh tế vĩ mô. Nâng cao chất lượng công tác dự báo, phân tích diễn biến thị trường trong nước và thế giới, có biện pháp điều hành phù hợp; bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ, điều chỉnh giá một số mặt hàng Nhà nước quản lý theo lộ trình một cách linh hoạt với liều lượng hợp lý. Khắc phục bất cập trong quản lý, ổn định thị trường vàng, bảo đảm giá vàng trong nước liên thông với giá vàng quốc tế, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp về tài sản của người dân. Thu hút và đẩy mạnh giải ngân các nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, vốn hỗ trợ phát triển chính thức, quản lý có hiệu quả đầu tư gián tiếp nước ngoài; hoàn thiện cơ chế bảo đảm lợi ích của Nhà nước và các bên có liên quan để thu hút nhiều dự án đầu tư theo hình thức công – tư kết hợp; tạo thuận lợi thu hút khách du lịch quốc tế và kiều hối.

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay, hạ lãi suất tín dụng phù hợp với mức giảm lạm phát; khuyến khích các ngân hàng thương mại cho vay lãi suất thấp đối với các lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp tạo nhiều việc làm, doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp; giám sát chặt chẽ bảo đảm thực hiện nghiêm quy định của Nhà nước, nhất là quy định lãi suất, tiếp cận vốn tín dụng; tiếp tục các giải pháp giảm nợ xấu, cho phép cơ cấu lại nợ các khoản vay phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng đã hoàn thành công trình nhưng vốn ngân sách chưa thanh toán; có chính sách tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

Mở rộng thị trường đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu hàng tiêu dùng không thiết yếu, hàng xa xỉ; tăng cường công tác quản lý thị trường chống hàng nhập lậu, hàng giả, có chính sách phát triển thị trường trong nước, xây dựng các hàng rào phi thuế quan phù hợp với cam kết quốc tế để hạn chế nhập khẩu máy móc, thiết bị công nghệ lạc hậu, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và tạo điều kiện nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng Việt Nam. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong sinh hoạt, đời sống của nhân dân, trong chi tiêu ngân sách nhà nước, giảm hội họp, hạn chế tổ chức lễ hội, kỷ niệm thành lập ngành, cắt giảm các đoàn đi công tác nước ngoài bằng nguồn ngân sách, kể cả đối với các doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu nhà nước nắm quyền chi phối. Tiếp tục thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”./.