Mạo danh người Việt, xuyên tạc lịch sử: Hình phạt nào cho HDV Trung Quốc?

“Hướng dẫn viên du lịch người Trung Quốc hành nghề trái pháp luật, xâm phạm lịch sử dân tộc Việt Nam gây nhiều bức xúc phẫn nộ trong dư luận cả nước cần được nghiêm minh xử lý và trục xuất ra khỏi Việt Nam” – Luật sư Nguyễn Văn Nguyên nhấn mạnh.

Vừa qua, một số hướng dẫn viên du lịch Trung Quốc bị “tố” mạo danh người Việt và ngang nhiên “xuyên tạc lịch sử” tại một điểm du lịch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Các hướng dẫn viên này bịa đặt, xuyên tạc lịch sử Việt Nam… Thực tế này đã khiến nhiều độc giả bức xúc.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề trên, Luật sư Nguyễn Văn Nguyên – Giám đốc Công ty Luật Hưng Nguyên (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, theo Luật du lịch, chỉ người nào có quốc tịch Việt Nam, thường trú tại Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, đáp ứng các điều kiện luật quy định mới được cơ quan có thẩm quyền cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch và muốn hành nghề hướng dẫn viên du lịch thì phải có hợp đồng với doanh nghiệp lữ hành.

Cụ thể , Điều 73 luật du lịch quy định. Điều kiện hành nghề, tiêu chuẩn cấp thẻ hướng dẫn viên:

“1. Hướng dẫn viên được hành nghề khi có thẻ hướng dẫn viên và có hợp đồng với doanh nghiệp lữ hành.

2. Người có đủ các điều kiện sau đây được cấp thẻ hướng dẫn viên nội địa:

a) Có quốc tịch Việt Nam, thường trú tại Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

b) Không mắc bệnh truyền nhiễm, không sử dụng các chất gây nghiện;

c) Có trình độ trung cấp chuyên nghiệp chuyên ngành hướng dẫn du lịch trở lên; nếu tốt nghiệp chuyên ngành khác thì phải có chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn du lịch do cơ sở đào tạo có thẩm quyền cấp.

3. Người có đủ các điều kiện sau đây được cấp thẻ hướng dẫn viên quốc tế:

a) Có quốc tịch Việt Nam, thường trú tại Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

b) Không mắc bệnh truyền nhiễm, không sử dụng các chất gây nghiện;

c) Có trình độ cử nhân chuyên ngành hướng dẫn du lịch trở lên; nếu tốt nghiệp đại học chuyên ngành khác thì phải có chứng chỉ nghiệp vụ về hướng dẫn du lịch do cơ sở đào tạo có thẩm quyền cấp;

d) Sử dụng thành thạo ít nhất một ngoại ngữ”.

Cũng theo ông Nguyên, tại khoản 1, Điều 12 luật du lịch quy định, các hướng dẫn viên du lịch nghiêm cấm có những hành vi làm phương hại đến chủ quyền, lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, truyền thống văn hoá, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc.

“Vì vậy đối với hướng dẫn viên du lịch người Trung Quốc hành nghề trái pháp luật, xâm phạm lịch sử dân tộc Việt Nam gây nhiều bức xúc phẫn nộ trong dư luận cả nước cần được nghiêm minh xử lý và trục xuất ra khỏi Việt Nam”, ông Nguyên cho biết.

Trước đó, tại buổi đối thoại giữa lãnh đạo Sở Văn hóa – Thể thao & Du lịch Đà Nẵng với các hướng dẫn viên tiếng Trung người Việt và các công ty lữ hành, một nữ hướng dẫn viên đã bày tỏ thái độ bức xúc vì hoạt động lữ hành chui trên địa bàn.

Cụ thể, theo lời nữ hướng dẫn viên, các hướng dẫn viên Trung Quốc không chỉ chiếm công ăn việc làm của người Việt mà còn mạo danh người Việt Nam để đón đoàn Trung Quốc.

“Họ giới thiệu với đoàn là người Việt Nam, rồi sau đó thuyết minh cho khách Trung Quốc… Khi đến các di tích văn hóa lịch sử ở Đà Nẵng, Huế, Hội An, họ nói đây là quần thể kiến trúc mô phỏng Trung Quốc, là phần đất thuộc Trung Quốc. Không ít hướng dẫn viên cũng thừa nhận từng làm sitting guide (hướng dẫn viên bản địa nhằm đối phó với cơ quan quản lý) và bị hướng dẫn viên người Trung Quốc cướp micro để thuyết minh cho khách những điều sai trái, mà không làm gì được” – nữ hướng dẫn viên cho biết.

Cũng theo lời nữ hưỡng dẫn viên, thì hướng dẫn viên tiếng Trung sẵn sàng làm chứng việc niều công ty lữ hành ở Đà Nẵng trong vòng 2, 3 năm trở lại đây nuôi hướng dẫn viên Trung Quốc ăn ngủ luôn tại đơn vị mình.

Các hướng dẫn viên tiếng Trung cũng cho biết, thời gian vừa qua, họ đã trình báo cung cấp thông tin hướng dẫn viên nước ngoài hoạt động chui nhừng việc xử lý còn chậm trễ. Thậm chí, nhiều trường hợp, dù đã trình báo bằng cách gọi điện, nhắn tin, có ghi âm, quay video gửi cho cơ quan chức năng nhưng không thấy xử lý.

Phản hồi thông tin về sự chậm trễ nêu trên, Phó Giám đốc Sở Trần Chí Cường đã thừa nhận khiếm khuyết và xin lỗi các hướng dẫn viên tiếng Trung; đồng thời cho biết sẽ chấn chỉnh tình trạng trên. Ông Cường cũng cung cấp số điện thoại cá nhân để mọi người phản ánh, từ đó có thể có các biện pháp xử lý kịp thời.

Vũ Đậu

Nguồn : Người đưa tin

Chủ tịch xã trượt HĐND được định hướng làm Phó Bí thư có hợp lý?

Tự ứng cử và trượt Đại biểu HĐND xã, Chủ tịch xã Phạm Xuân Tứ được chính quyền địa phương định hướng sang làm Phó Bí thư thường trực Đảng uỷ.

Liên quan tới trường hợp hai cha con Chủ tịch Phạm Xuân Tứ và Bí thư đoàn xã Phạm Xuân Ý (xã Tùng Lâm, huyện  Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa) tự ứng cử HĐND nhưng đều bị rớt, mới đây, hôm 17/6, ông  Nguyễn Văn Lâm – Bí thư Đảng uỷ xã Tùng Lâm cho biết, xã đang định hướng để ông Tứ chuyển sang giữ chức cụ Phó Bí thư thường trực Đảng uỷ sau khi bầu chức danh Chủ tịch.

Việc ông Phạm Xuân Tứ trượt Đại biểu HĐND xã nhưng lại được định hướng làm Phó Bí thư khiến người dân địa phương bất ngờ. Tuy nhiên, theo lý giải của Bí thư Đảng uỷ xã, khi ông Tứ không còn giữ chức vụ Chủ tịch xã nhưng vẫn còn chức danh Phó Bí thư, “lại chưa bị kỷ luật gì cả nên địa phương phải xếp vị trí cho ông ấy” – (Nguyễn Văn Lâm – PV).

Trao đổi với phóng viên về quy trình được định hướng sang làm Phó Bí thư của ông Phạm Xuân Tứ, Luật sư Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc Công ty Luật Hưng Nguyên (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, việc “định hướng sang làm Phó Bí thư” của ông Tứ cần được nhìn nhận dưới góc độ công tác tổ chức cán bộ và dư luận nhân dân để giải quyết được thấu đáo.

Luật sư Nguyễn Văn Nguyên phân tích, theo luật tổ chức Chính quyền địa phương thì Đại biểu HĐND là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Như vậy, Đại biểu HĐND phải là người có uy tín, được nhân dân tin tưởng thay mình làm đại diện để nói lên ý chí, nguyện vọng. Là cán bộ thì phải có uy tín, được dân mến, dân yêu. Vậy thì một người đã không được nhân dân tin tưởng bầu vào HĐND thì nên xin nghỉ hoặc có cơ chế cho họ nghỉ việc.

“Nếu bố trí người không được tín nhiệm làm những công việc ở địa phương thì làm cho nhân dân không tâm phục, khẩu phục, dễ nảy sinh các vấn đề bức xúc trong dư luận và địa phương” – Luật sư Nguyên nhấn mạnh.

Còn theo  nhận định của Luật sư Lê Văn Thiệp, tổ chức Đảng sẽ có những quy định riêng về tổ chức cán bộ. Việc Chủ tịch xã rớt HĐND được định hướng sang làm Phó Bí thư thường trực Đảng uỷ có thể thuần túy là sự sắp xếp của cơ quan, tổ chức Đảng ở địa phương.

Trước đó, tại cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội (QH) và HĐND các cấp diễn ra vào ngày 22/5, ông Phạm Xuân Tứ, Chủ tịch xã Tùng Lâm, cùng ông Phạm Xuân Ý (con ông  Tứ) – Bí thư Đoàn xã Tùng Lâm, ra ứng cử đại biểu HĐND xã nhiệm kỳ 2016 – 2021 tại tổ bầu cử số 1 (thôn Khoa Trường, xã Tùng Lâm). Tổ bầu cử này có 794 cử tri.

Kết quả kiểm phiếu tại tổ bầu cử này, ông Tứ đạt 49,9% phiếu bầu, ông Ý đạt 36% phiếu bầu. Cả 2 ông đều không đạt tỷ lệ quá bán theo quy định nên đã “rớt” đại biểu HĐND xã. Được biết, ông Tứ và ông Ý là hai bố con, cùng ra ứng cử tại tổ bầu cử số 1 của xã Tùng Lâm.

Vũ Đậu (theo nguoi dua tin)