Luật sư Nguyễn Văn Nguyên phân tích dự thảo sửa đổi luật phá sản năm 2004 “Tòa án tuyên phá sản ngân hàng dưới góc nhìn pháp lý”

(Seatimes) Dự thảo luật Phá sản (sửa đổi) vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, trong đó có đề cập đến vấn đề dỡ bỏ kiểm soát đặc biệt, các ngân hàng có thể bị tòa án tuyên bố phá sản chỉ trong vòng tối đa 15 ngày.

Theo quy định của pháp luật hiện hành thì các tổ chức tín dụng nói chung, trong đó gồm cả ngân hàng được coi là các đối tượng “không thể đổ vỡ” vì liên quan đến tiền gửi của đại bộ phận người dân, sự an toàn của cả hệ thống tài chính quốc gia.

Tuy trong thời gian qua hoạt động ngân hàng cũng cho thấy những vấn đề cần phải điều chỉnh lại cho phù hợp với sự vận hành của nền kinh tế. Theo đó dự thảo lần này, luật Phá sản đã dành hẳn một chương quy định về thủ tục phá sản của các tổ chức này. Một nội dung rất mới của dự thảo luật là việc áp dụng các quy định về thủ tục phá sản của tổ chức tín dụng. Đa số ý kiến của các Ủy viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đều tán thành.

Theo dự thảo, tổ chức tín dụng có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản sau khi Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà tổ chức tín dụng vẫn mất khả năng thanh toán.

Đặc biệt, trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với tổ chức tín dụng, Toà án có thẩm quyền ra quyết định tuyên bố phá sản đối với tổ chức tín dụng.

Về thứ tự phân chia tài sản, tiền gửi, tiền vay….theo quy định của dự thảo thì sẽ ưu tiên các khoản hoàn trả đặc biệt. Tức tổ chức tín dụng trước khi phá sản được vay đặc biệt của Ngân hàng nhà nước, tổ chức tín dụng khác nhưng vẫn không phục hồi được mà bị đóng cửa thì phải hoàn trả khoản này trước khi thực hiện việc phân chia tài sản.

Đối với khoản tiền gửi của cá nhân, tổ chức thì dự thảo luật quy định trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày Tòa án ra quyết định tuyên bố phá sản, người có tài sản ủy thác cho tổ chức tín dụng, gửi tổ chức tín dụng giữ hộ, giao tổ chức tín dụng quản lý thông qua hợp đồng ủy thác, giữ hộ, quản lý tài sản phải xuất trình giấy tờ chứng minh quyền sở hữu và các hồ sơ giấy tờ liên quan với Chấp hành viên để nhận lại tài sản của mình. Trong trường hợp có tranh chấp thì yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.

Đánh giá về dự thảo, chuyên gia tài chính Nguyễn Đức Trung cho rằng: “Đây là quy định tiến bộ. Vì theo đó  Ngân hàng không còn là một tổ chức quá đặc biệt. Ngân hàng sẽ cũng như một doanh nghiệp thông thường nếu làm ăn không hiệu quả thì phá sản theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, đây là ngành nghề kinh doanh đặc biệt có ảnh hưởng đến nhiều đối tượng, đến nền tài chính quốc gia. Trước mắt khi Ngân hàng hoạt động yếu kém thì tình trạng mua bán, sáp nhập có thể vẫn là giải pháp duy nhât, chứ chưa thể đưa ngay và áp dụng ngay quy định có trong dự thảo”.

Ở khía cạnh pháp lý khác, luật sư Nguyễn Văn Nguyên, giám đốc Công ty Luật Hưng Nguyên, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho hay: “Bản chất của tuyên bố phá sản doanh nghiệp là khai tử về mặt pháp lý của doanh nghiệp đó, vì thế theo tôi nếu khai sinh tức là đăng ký thành lập được quy định cởi mở, càng thông thoáng thuận lợi hơn thì khai tử đối với doanh nghiệp cũng cần phải nhanh chóng, thuận lợi. Xuất phát từ tuyên bố phá sản các bên có quyền nghĩa vụ liên quan sẽ khởi động một quá trình mới là xử lý nợ và giải quyết các vấn đề như lao động, tiền lương, bảo hiểm… của chấm dứt hoạt động của pháp nhân bị tuyên bố phá sản.

Dự thảo Luật sửa đổi luật phá sản quy định mới làm rõ và cụ thể thêm về trình tự, thủ tục phá sản, tuyên bố phá sản của Tổ chức tín dụng, theo tôi là việc làm cần thiết vì nó sẽ quy định rõ thêm những nét đặc thù riêng có và sự thận trọng trong quy trình, thủ tục của phá sản tổ chức tín dụng. Một vấn đề theo tôi cũng cần phải tính toán thật kỹ để đảm bảo quyền lợi của khách hàng khi gửi tiền gửi tại Ngân hàng, tổ chức tín dụng vì họ là những chủ nợ bất đắc dĩ trong trường hợp này.”

Theo Băng Tâm (http://seatimes.com.vn)

Vai trò của luật sư trong hoạt động trợ giúp pháp lý

(VBF) – Trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật trợ giúp pháp lý, giúp người được trợ giúp pháp lý bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; góp phần vào việc phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo vệ công lý, bảo đảm công bằng xã hội, phòng ngừa, hạn chế tranh chấp và vi phạm pháp luật.
Với ý nghĩa và mục tiêu quan trọng của trợ giúp pháp lý, kể từ khi thành lập cho đến nay Liên đoàn luật sư Vệt Nam đã không ngừng có những định hướng, những biện pháp nhằm thúc đây các tổ chức trong Liên đoàn và Đoàn luật sư các tỉnh, thành phố trong toàn quốc đẩy mạnh công tác trợ giúp pháp lý, đưa hoạt động trợ giúp pháp lý đến với người dân, để người dân hiểu và đặt niềm tin vào trợ giúp pháp lý.
Trong năm 2012, Trung tâm tư vấn pháp luật Liên đoàn luật sư Việt Nam đã tổ chức thành công nhiều buổi trợ giúp pháp lý lưu động trong đó phải kể đến Ngày tư vấn pháp luật miễn phí cho cộng đồng tại tỉnh Quảng Ninh 14/09/2012
Dưới sự chỉ đạo của Liên đoàn luật sư Việt Nam, Đoàn luật sư các tỉnh, thành phố cũng không ngừng khuyến khích các tổ chức hành nghề luật sư, các luật sư thành viên tham gia công tác trợ giúp pháp lý.
Xác định Trợ giúp pháp lý là nghĩa vụ cao quý của luật sư, trong những năm qua các luật sư thành viên của Đoàn luật sư các tỉnh, thành phố đã rất tích cực hưởng ứng các hoạt động trợ giúp pháp lý trên nhiều lĩnh vực. Đó có thể là trợ giúp pháp lý trong các vụ án, đó có thể là đại diện ngoài tố tụng, đó có thể là trợ giúp pháp lý lưu động…
Riêng ở Hà Nội, theo con số thống kê của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước TP Hà Nội tính đến thời điểm hiện nay đã có hơn 300 luật sư của Đoàn luật sư TP Hà Nội tham gia với tư cách là luật sư Cộng tác viên của Trung tâm. Họ đều là những luật sư rất tâm huyết với công tác trợ giúp pháp lý. Đó là chưa kể số lượng luật sư tham gia vào các tổ chức xã hội khác có thực hiện các hoạt động trợ giúp pháp lý như Hội luật gia; trung tâm tư vấn pháp luật Liên đoàn luật sư Việt Nam; Hội bảo trợ tư pháp cho người nghèo…
Có thể nói luật sư tham gia trợ giúp pháp lý là một hoạt động có tính nhân văn, được xã hội thừa nhận.
Trong lĩnh vực tham gia tố tụng: Luật sư tham gia trợ giúp pháp lý với tư cách là người bào chữa cho các bị can, bị cáo người bị tạm giữ trong các vụ án Hình sự hoặc là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự trong các vụ án Dân sự, Hành chính, Lao động, Ly hôn, người bị hại trong các vụ án hình sự.Họ là những người thuộc diện được trợ giúp pháp lý.
Ngoài ra luật sư cũng trợ giúp pháp lý cho người chưa thành niên; người có nhược điểm về thể chất tâm thần; người có khung hình phạt cao nhất là tử hình theo quy định tại Điều 57 Bộ luật tố tụng hình sự… theo sự phân công của Trung tâm trợ giúp pháp lý, Đoàn luật sư và Tổ chức hành nghề luật sư trên cơ sở yêu cầu trợ giúp pháp lý của người thuộc diện trợ giúp pháp lý hoặc của Cơ quan tiến hành tố tụng.
Có luật sư tham gia trợ giúp pháp lý, quyền và lợi ích hợp pháp của các bị can, bị cáo, người bị tạm giữ, bị hại và các đương sự trong các vụ án được đảm bảo hơn. Đây là điều mà chính các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng cũng phải thừa nhận.
Trong lĩnh vực đại diện ngoài tố tụng: Luật sư sẽ cùng người dân hoặc thay mặt người dân – những đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý để làm việc với các cá nhân, tổ chức, cơ quan nhà nước có thẩm quyền để giải quyết các vụ việc liên quan đến việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Thông thường, luật sư tham gia đại diện ngoài tố tụng thể hiện trong các lĩnh vực như Hành chính, Lao động, Khiếu nại…
Trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý lưu động: Luật sư sẽ cùng một số các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý như Trung tâm trợ giúp pháp lý, các Chi nhánh trợ giúp pháp lý, Đoàn luật sư; Hội luật gia… đi về các địa phương để trực tiếp tuyên truyền, tư vấn pháp luật cho người dân để người dân hiểu và tuân theo pháp luật. Luật sư có thể làm Báo cáo viên giảng giải những vấn đề pháp luật mà người dân quan tâm trong các buổi tuyên truyền đó.
Có thể nói, thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý, luật sư đã đem đến cho người dân những thông tin pháp luật hữu ích, giải đáp những thắc mắc, giúp người dân hiểu hơn về các trình tự, thủ tục hành chính cần thiết khi giải quyết công việc, tránh việc đi lại nhiều lần dẫn đến tốn kém thời gian, tiền bạc và công sức của người dân, những người được trợ giúp pháp lý. Những vụ việc của họđược những luật sư trợ giúp pháp lý tư vấn, đại diện, kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết vụ việc nhanh chóng, đúng pháp luật, góp phần rất lớn vào công cuộc cải cách hành chính ở nước ta hiện nay.
Trong một số trường hợp, bằng sự trợ giúp pháp lý của mình, luật sư còn giúp chính quyền giải tỏa những vụ việc vướng mắc pháp luật, giải quyết những bất cập giữa chính quyền với dân trong đời sống hằng ngày tại địa phương, giữ gìn sự đoàn kết trong cộng đồng, giảm bớt các khiếu kiện vượt cấp, góp phần tạo niềm tin của nhân dân với chính quyền, làm cho người dân luôn “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”./.