Tai nạn thảm khốc, 7 người chết: Trách nhiệm của đơn vị sửa đường?

Trong vụ tai nạn thảm khốc khiến 7 người chết trên đèo Prenn, với hành vi không đặt biển cảnh báo khi tiến hành sửa chữa đường đèo, chủ đầu tư và đơn vị thi công có thể bị xử phạt.

Liên quan vụ tai nạn xe khách thảm khốc trên đèo Prenn khiến 7 người tử vong xảy ra vào trưa ngày 19/6, tại buổi họp sau tai nạn giữa UBND tỉnh Lâm Đồng và Bộ Giao thông Vận tải, ông Khuất Việt Hùng – Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia – cho rằng, công tác thi công giữa đèo Prenn hết sức lỏng lẻo, đặc biệt là vấn đề không đặt biển báo từ xa.

“Khu vực đèo Prenn quanh co, nguy hiểm vậy mà tôi không thấy biển cảnh báo gì cả. Đối với tuyến đường này, đơn vị sửa chữa phải đặt biển từ xa để tài xế điều khiển phương tiện được biết” – Phó Chủ tịch Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc phát biểu.

Được biết, vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng và thương tâm trên đèo Prenn để lại nhiều đau thương cho thân nhân những người bị nạn. Cùng với đó, dư luận cũng đang đặt ra những trách nhiệm của đơn vị thi công và chủ đầu tư khi tiến hành sửa đường đèo mà không hề đặt bất kỳ biển cảnh báo này cho người tham gia giao thông.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề trên, Luật sư Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc Công ty Luật Hưng Nguyên (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, theo thông tin được đăng tải trên báo chí thì nguyên nhân vụ tai nạn có một phần trách nhiệm thuộc về  đơn vị đang thi công, sửa chữa đường vì không đặt biển cảnh báo từ xa nên dễ dẫn đến các tình huống tai nạn.

Cụ thể, với hành vi này, chủ đầu tư và đơn vị thi công có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, kinh doanh bất động sản, khai thác, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở, cụ thể:

Chủ đầu tư có thể bị xử phạt theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 15.Vi phạm quy định về giám sát thi công xây dựng công trình:

“1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không treo biển báo tại công trường thi công hoặc biển báo không đầy đủ nội dung theo quy định;”

– Đơn vị thi công có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 28 Nghị định 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, kinh doanh bất động sản, khai thác, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở quy định (Vi phạm quy định về an toàn trong thi công xây dựng công trình), nếu đơn vị thi công trong quá trình thi công không có biển báo an toàn thì có thể bị xử phạt từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

Trường hợp nếu xác định lỗi trực tiếp của cá nhân thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 229 Bộ luật hình sự về  Tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng.

“1. Người nào vi phạm quy định về xây dựng trong các lĩnh vực khảo sát, thiết kế, thi công, sử dụng nguyên liệu, vật liệu, máy móc, nghiệm thu công trình hay các lĩnh vực khác nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 220 của Bộ luật này gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

a) Là người có chức vụ, quyền hạn;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ tám năm đến hai mươi năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”.

Theo Đậu Vũ (nguoi dua tin)

Mức án nào cho nguyên đại úy CSGT Suối Tre Đồng Nai bắn chết đồng đội

ĐSPL) –  Theo dự kiến, sáng nay, ngày 26/8, TAND tỉnh Đồng Nai sẽ xét xử sơ thẩm nguyên đại úy CSGT nổ súng gây thiệt mạng cho 1 người và làm bị thương 2 người xảy ra vào đêm 22/9/2013 tại trạm CSGT Suối Tre.

Liên quan đến vụ việc trên, báo Đời sống và Pháp luật đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc công ty luật Hưng Nguyên, Đoàn luật sư TP. Hà Nội để làm rõ hơn về mức án dành cho nguyên đại úy CSGT Ngô Văn Vinh (39 tuổi), nguyên đại úy công tác tại Trạm Cảnh sát giao thông (CSGT) Suối Tre (Đồng Nai).

PV: Thưa luật sư, luật sư có nhận định như thế nào về vụ việc nguyên đại úy CSGT nổ súng gây thiệt mạng cho 1 người và làm bị thương 2 người xảy ra vào đêm 22/9/2013 tại trạm CSGT Suối Tre?

Luật sư Nguyễn Văn Nguyên: Vụ việc cảnh sát giao thông Ngô Văn Vinh (39 tuổi), nguyên đại úy công tác tại Trạm Cảnh sát giao thông (CSGT) Suối Tre (Đồng Nai) nổ súng bắn chết  đồng đội là thiếu tá Trần Ngọc Sơn (Phó trạm CSGT Suối Tre, Đồng Nai) là một vụ án gây xôn xao dư luận trong nhiều tháng qua, hậu quả của nó cũng rất nghiêm trọng vì gây hậu quả chết người. Điều dư luận bàng hoàng là hành vi nổ súng giết chết thiếu tá Trần Ngọc Sơn của bị cáo Ngô Văn Vinh (nguyên đại úy CSGT trạm Suối Tre) lại xẩy ra ngay chính cơ quan công tác của bị hại và bị cáo. Nguyên nhân vụ án xuất phát từ hành vi có lỗi của chính người bị hại, chỉ vì những mâu thuẫn từ bên ngoài lúc đi ăn nhậu, hát karaoke, thế nhưng bị hại và bị cáo lại lựa chọn những hành xử rất không chuẩn mức, trái pháp luật và gây ra hậu quả như vụ án này thì thật là đáng để lên án.

PV: Luật sư có thể cho biết: Với hành vi trên, mức án mà nguyên đại úy Ngô Văn Vinh phải đối mặt là gì?

Luật sư Nguyễn Văn Nguyên: Hành vi của Ngô Văn Vinh đã bị Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai đề nghị Truy tố về Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh theo quy định tại điều 95 BLHS.

“1. Người nào giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Giết nhiều người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm”.

Trong vụ án này, bị cáo Ngô Văn Vinh gây nên cái chết cho người bị hại là Trần Ngọc Sơn, thuộc trường hợp quy định tại khoản 1, điều 95 BLHS, như vậy bị cáo Ngô Văn Vinh có thể phải đối mặt với mức án cao nhất là 3 năm tù.

Luật sư Nguyễn Văn Nguyên.

PV: Thưa luật sư, việc nổ súng gây chết người trong trạng thái bị kích động mạnh có được xem là căn cứ để giảm nhẹ mức án đối với nguyên đại úy Ngô Văn Vinh hay không?

Luật sư Nguyễn Văn Nguyên: Chính vì xác định lúc bị cáo Ngô Văn Vinh bị kích động mạnh về tinh thần nên đã nổ sung giết ông Trần Ngọc sơn, nên cơ quan công tố (VKS) mới đề nghị truy tố bị cáo Vinh về tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh theo điều 95 BLHS. Vì thế, hành vi nổ súng giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh của bị cáo Vinh sẽ không được xem là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Theo luật hình sự Việt Nam, chỉ các tình tiết giảm nhẹ được quy định tại điều 46 BLHS hoặc tình tiết giảm nhẹ khác do HĐXX xác định mới được xem là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo. Điều 46 BLHS. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:

“1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:

a) Người phạm tội đã ngăn chặn, làm giảm bớt tác hại của tội phạm;

b) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả;

c) Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng;

d) Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;

đ) Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người bị hại hoặc người khác gây ra;

e) Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra;

g) Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn;

h) Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng;

i) Phạm tội vì bị người khác đe doạ, cưỡng bức;

k) Phạm tội do lạc hậu;

l) Người phạm tội là phụ nữ có thai;

m) Người phạm tội là người già;

n) Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;

o) Người phạm tội tự thú;

p) Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải;

q) Người phạm tội tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện, điều tra tội phạm;

r) Người phạm tội đã lập công chuộc tội;

s) Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác.

2. Khi quyết định hình phạt, Toà án còn có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ trong bản án.

3. Các tình tiết giảm nhẹ đã được Bộ luật hình sự quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ trong khi quyết định hình phạt”.

PV: Qua vụ việc đã đặt ra những vấn đề đáng chú ý trong công tác quản lý vũ khí đối với CSGT hiện nay. Vậy, luật sư có chia sẻ gì về việc quản lý vũ khí đối với CSGT hiện nay?

Luật sư Nguyễn Văn Nguyên: Qua vụ án này, các cơ quan quản lý nhà nước về vũ khí quân dụng cần phải quản lý chặt chẽ việc bảo vệ, sử dụng súng các vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ, vật liệu nổ trong lực lượng CSGT nói riêng và trong các lực lượng được giao trách nhiệm quản lý, sử dụng vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ, vật liệu nổ nói chung. Cần phải kiểm soát chặt chẽ những vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ, vật liệu nổ không để chúng lọt vào tay kẻ xấu nếu không hậu quả rất khó lường.

Xin cảm ơn luật sư!

Các cán bộ bị thương đã nhanh chóng được đưa đi cấp cứu.

Trước đó, Vào khoảng 18h ngày 22/9, trong lúc đang trực tại Trạm giao thông Suối Tre, một số cán bộ, chiến sĩ đã nghe tiếng súng nổ tại một phòng ngủ của các chiến sĩ trong trạm liền chạy đến để xem xét. Tại đây, mọi người phát hiện 3 cán bộ chiến sĩ gồm: Thiếu tá Trần Ngọc Sơn (39 tuổi, trạm phó), Đại úy Ngô Văn Vinh (38 tuổi) và Thượng úy Đoàn Thanh Phú (30 tuổi) đều bị thương nên đã nhanh chóng đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa thị xã Long Khánh (Đồng Nai). Tuy nhiên, do vết thương quá nặng ở vùng bụng nên sau gần 2 giờ đồng hồ, Thiếu tá Sơn đã tử vong, 2 chiến sĩ còn lại vẫn đang được các bác sĩ tiếp tục cứu chữa.

Sự việc có liên quan trước đó, khoảng 13 giờ ngày 22/9/2013, thiếu tá Trần Ngọc Sơn (Phó trạm CSGT Suối Tre) rủ bạn bè, trong đó có Trương Thành Chí (Trúc) đi nhậu. Sau khi nhậu xong, nhóm của Sơn vào quán Hân Linh (thị xã Long Khánh) hát karaoke thì gặp nhóm bạn của đại úy Ngô Văn Vinh cũng hát ở đây.

Khi nghe có Sơn, Vinh cùng Phạm Lê Ngọc Long (cán bộ Trạm CSGT Suối Tre) qua chào xã giao. Lúc này, Vinh ngồi cạnh Chí và hỏi chuyện. Do không đồng ý với ngôn từ sử dụng của Vinh nên Chí đã dùng ly bia đập thẳng vào mặt, trúng sống mũi khiến Vinh bị chảy máu.

Sau khi xô xát với Chí, Vinh tỏ ý không bằng lòng về việc Sơn là đồng đội nhưng không bênh mình nên đã đấm vào cổ anh Sơn một cái thì Long lại vào can ngăn và kéo Sơn ra ngoài.

Sau đó, Vinh bỏ về cơ quan (thị xã Long Khánh), lên phòng tập thể (lầu 2) lấy khẩu súng K59 do đơn vị cấp làm nhiệm vụ, rồi đi xuống lầu 1. Khi đến phòng nghỉ của thiếu tá Sơn, Vinh đập cửa thì anh Trương Học Lâm (người giữ xe tại Trạm CSGT Suối Tre) đang ngủ bên trong ra mở cửa. Vinh nói với Lâm điện thoại kêu Sơn về gấp nhưng Lâm không gọi mà giả vờ bấm số nhắn tin cho Sơn biết sự việc và khuyên không nên về đơn vị.

Đến 17 giờ cùng ngày, anh Sơn cùng nhóm bạn về đến cơ quan. Lâm liền can ngăn nhưng Sơn vẫn lên phòng nghỉ. Sau khi nghe Sơn kích động, Vinh lấy khẩu súng ra thì Sơn xông vào vật đánh và đè Vinh xuống để tước súng. Thượng úy Đoàn Thanh Phú ngồi giường kế bên liền vào can ngăn. Trong lúc Sơn giằng co để lấy khẩu súng trên tay Vinh làm súng phát nổ 2 phát, trong đó có 1 phát trúng vào hông thượng úy Phú. Lúc này, Sơn và Vinh vẫn giằng co khẩu súng. Vinh bắn thêm 4 phát, 2 phát trúng trần nhà, 2 phát trúng vào người anh Sơn làm anh Sơn gục xuống nền nhà. Lâm xông vào chụp tay anh Vinh thì súng nổ thêm 2 phát nữa nhưng không trúng ai. Sau đó, Chí lấy khẩu súng rớt dưới nền nhà giao nộp cho cán bộ Trạm CSGT Suối Tre. Sơn được đưa đi cấp cứu, nhưng đến 19 giờ 40 phút cùng ngày đã tử vong.

Ngày 28/9, Cơ quan cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh Đồng Nai đã thi hành lệnh khởi tố bị can, bắt tạm giam đại úy Ngô Văn Vinh (38 tuổi), sĩ quan CSGT của trạm Tuần tra kiểm soát giao thông Suối Tre (Phòng CSGT đường bộ, đường sắt, PC67), Công an tỉnh Đồng Nai.

 KIỀU HOA

Bảo vệ quyền lợi ích cho đương sự tại thị xã Sông Công, Thái Nguyên

Ngày 06/07/2013 Luật sư Nguyễn Văn Nguyên với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích cho ông Phạm Xuân Quyền nguyên là một cán bộ của Trường cao đẳng công nghiệp Việt Đức đã có buổi làm việc với UBND phường Thắng Lợi, thị xã Sông Công, tỉnh Thái Nguyên, đại diện Trường Cao đẳng Công nghiệp Việt Đức để hoàn giải cơ sở, giải quyết tranh chấp. Nội dung sự việc năm 2003 ông Quyền được Trường Việt Đức cho mượn khoảng 200 m2 đất với mục đích để xây dựng nhà ở hỗ trợ khó khăn cho cán bộ nhân viên nhà trường. Diện tích đất mượn thuộc khu vực đất bỏ hoang nhà trường không sử dụng đến, có nhiều cây cỏ dại thấp trũng hố sâu. Sau khi được cho mượn đất ông Quyền đã cải tạo, san lấp đất để làm một ngôi nhà nhỏ, vài ba công trình phụ và sử dụng liên tục đến thời điểm hiện nay. Khoảng năm 2011 nhà trường có chủ trương đòi lại đất để mở rộng quy mô. Ông Quyền cũng đồng ý việc bàn giao lại đất cho nhà trường tuy nhiên ông đề nghị nhà trường xem xét hỗ trợ chi phí di chuyển, hỗ trợ một phần các khó khăn di chuyển và phá dỡ nhà, nhưng phía nhà trường Việt Đức không đồng ý chi trả bất kỳ một khoản nào cho ông Quyền. Vì thế tranh chấp đến thời điểm hiện nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm. Với tư cách bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Quyền, luật sư Nguyên đã có nhiều kiến nghị và có những buổi làm việc riêng với lãnh đạo Trường Việt Đức, tuy nhiên quan điểm các bên vẫn chưa thống nhất được phương án giải quyết dứt điểm vụ việc. Quan điểm của chúng tôi về vụ việc là trên cơ sở đồng ý chấp thuận của nhà trường, ông Quyền đã được cho thuê đất, quá trình sử dụng đất ông Quyền đã có nhiều công sức cải tạo, làm gia tăng giá trị đất vì thế theo quy định luật bộ luật dân sự, luật đất đai 2003 khi nhà trường lấy lại đất cho mượn thì phải hỗ trợ chi phí hợp lý giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tiền cải tạo đất….Vì thế chúng tôi sẽ tiếp tục hướng làm việc với Trường Việt Đức và kiến nghị báo chí truyền thông lên tiếng bảo vệ quyền lợi ích của công dân. Thông tin tiếp theo của vụ việc chúng tôi sẽ cập nhật để bạn đọc quan tâm được biết.

Theo Hưng Nguyên

Bào chữa cho các bị cáo trong vụ án cố ý gây thương tích

Ngày 11/03/2013 Luật sư Nguyễn Văn Nguyên đã tham gia phiên Tòa hinh sư sơ thẩm tại Tòa án nhân dân thành phố Thanh Hóa với tư cách người bào chữa cho 03 bị cáo trong vụ án cố ý gây thương tích. Các bị cáo bị Viện kiểm sát nhân dân thành phố Thanh Hóa truy tố về tội cố ý gây thương tích theo khoản 2 điều 104 BLHS với tình tiết tăng nặng định khung là dùng hung khí nguy hiểm được quy định tại điểm a, khoản 1 điều 104 BLHS. Do các bị cáo và người bị hại đều kháng cáo phúc thẩm vụ án vì thế ngày 11/06/2013 Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành xét xử phúc thẩm vụ án, tại phiên Tòa với các tinh tiết mới, các kiến nghị của Luật sư bào chữa về việc cần làm rõ các mâu thuẫn trong bản kết luận giám định thương tích của bị hại đã được HĐXX chấp thuận, vì vầy HĐXX đã tạm đình chỉ vụ án để tiến hành trưng cầu giám định lại thương tích của bị hại. Đây là vụ án mà Luật sư Nguyễn Văn Nguyên tham gia tố tụng bào chữa cho các bị cáo vướng vào vòng lao lý ngay từ giai đoạn khởi tố điều tra cho đến truy tố, xét xử ở sơ thẩm, phúc thẩm. Ngày 17/09/2013 Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã mở phiên tòa phúc thẩm lần 2. Sau khi bản án phúc thẩm được tuyên, thể theo nguyện vọng của các bị cáo, gia đinh và người thân các bị cáo, Luật sư Nguyễn Văn Nguyên tiếp tục nhận lời bào chữa cho các bị cáo để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm lên Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Theo Hưng Nguyên

Tham gia bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho bị đơn tại Tòa án nhân dân thành phố Thanh Hóa

Ngày 16/08/2013 Luật sư Nguyễn Văn nguyên – Công ty Luật Hưng Nguyên, tham gia phiên Tòa dân sự tại Tòa án nhân dân thành phố Thanh Hóa với tư cách người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Bị đơn trong vụ án “Tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do việc xây dựng nhà ở công trình khác gây ra”.  Sau khi nghị án 05 ngày, ngày 22/08/2013 Hội đồng xét xử đã tuyên án, hiện nay vụ án đang được Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa thụ lý để xét xử phúc thẩm do Nguyên đơn, Bị đơn kháng cáo, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Thanh Hóa kháng nghị.  Diễn biến tiếp theo của vụ án chúng tôi sẽ sớm cập nhật để bạn đọc quan tâm được biết.

Theo Hưng Nguyên

Công ty Luật Hà Nội: Đề nghị trưng cầu dân ý về sở hữu toàn dân với đất đai

Là người phát biểu thứ 20 trong tổng số 21 đại biểu tham gia thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sáng 17/6, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đã tỏ rõ sự băn khoăn về quy định “sở hữu toàn dân” đối với đất đai.

Tại báo cáo tiếp thu giải trình dự án luật, trên cơ sở tổng hợp ý kiến nhân dân và đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ: “Đa số ý kiến tán thành với việc tiếp tục quy định chế độ sở hữu toàn dân đối với đất đai. Một số ý kiến đề nghị thực hiện chế độ đa sở hữu đối với đất đai, sở hữu tư nhân đối với đất ở. Có ý kiến đề nghị dùng khái niệm sở hữu nhà nước thay cho sở hữu toàn dân”.

Khẳng định sự đồng tình với quy định “sở hữu toàn dân”, tuy nhiên, đại biểu Thuyền nhấn mạnh, khi tiếp xúc cử tri thì đa số nhân dân đề nghị quyền sở hữu về đất ở.

“Báo cáo tổng hợp nói đa số nhân dân đồng tình, nhưng theo tôi không phải như thế. Chúng ta viết như thế hơi chủ quan, bởi đa số nhân dân người ta muốn sở hữu về đất ở, chứ không phải như chúng ta tổng hợp đâu”, ông Thuyền phát biểu.

“Chúng ta nói là đất đai là sở hữu toàn dân, vậy nếu cần thiết thì chúng ta trưng cầu dân ý, xem nhân dân có đồng ý vấn đề này hay không? Bởi vì chúng ta xác định là sở hữu toàn dân thì người dân có quyền quyết định vấn đề này. Tôi đề nghị nên xem lại”, ông Thuyền phát biểu.

Theo lập luận của đại biểu Thuyền, khi nói đến quyền sở hữu thì chỉ có 3 quyền: quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt. Trong khi đó đất ở giao cho nhân dân là sử dụng lâu dài, trao cho dân thêm 8 quyền: chuyển đổi, sang nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng, cho quyền sử dụng đất, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Như vậy còn cao hơn quyền sở hữu.

Liên quan đến việc thu hồi đất với các dự án phát triển kinh tế – xã hội, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền cho rằng cần phải có sự cân nhắc, bởi vì rất nhiều ý kiến cho rằng trong thời gian vừa qua điều này tạo ra nhiều thiệt thòi cho người dân và tạo điều kiện cho tham nhũng phát triển.

“Khi chúng ta thu hồi đất cho dự án kinh tế – xã hội, rõ ràng là người dân rất thiệt, nhà nước cũng không được gì, nhưng chắc chắn cán bộ có chức, có quyền sẽ được hưởng lợi trong việc này, vì khoản chênh lệch rất lớn”, ông Thuyền nói.

Quy định thu hồi đất thế nào để người dân có đất không bị thiệt thòi cũng là băn khoăn của nhiều ý kiến khác.

Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) đề nghị khi thu hồi đất và tài sản gắn liền trên đất như nhà cửa, kiến trúc thì cơ quan quản lý nhà nước phải cần tách bạch bằng cách loại hình cố định hành chính khác nhau.

Cụ thể, thu hồi đất phải có quyết định thu hồi đất riêng, có bồi thường. Còn về tài sản phải bồi thường thiệt hại thoả đáng cho người dân theo nguyên tắc thoả thuận bằng một quyết định hành chính riêng, ông Minh góp ý.

Góp ý về cơ chế thu hồi, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) nhận xét lý do ban soạn thảo chưa tiếp thu cơ chế trưng mua quyền sử dụng đất là chưa hợp lý và thiếu tính thuyết phục.

Theo phân tích của đại biểu Vinh thì đang có sự nhầm lẫn trong các lý giải việc trưng mua đất và trưng mua quyền sử dụng đất. Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước là đại diện chủ sở hữu, do đó không thể dùng cơ chế trưng mua đất được, nhưng quyền sử dụng đất lại khác.

Dẫn dự thảo Hiến pháp (sửa đổi) năm 1992 điều 58 quy định “quyền sử dụng đất là quyền tài sản được pháp luật bảo hộ”, còn theo Bộ luật Dân sự năm 2005 thì quyền tài sản là tài sản, do đó có đầy đủ các quyền như mua, bán, tặng, cho, thế chấp, ông Vinh nhấn mạnh khi nhà nước đã giao quyền sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân thì quyền sử dụng đất cần được bảo hộ và trường hợp cần thiết vì lý do phát triển kinh tế nhà nước sẽ trưng mua lại quyền sử dụng đất đã giao cho tổ chức, cá nhân sử dụng trước đó.

“Nếu chúng ta chỉ quy định thu hồi đất thì rõ ràng chúng ta đang đối xử không công bằng với người dân, lợi ích chính đáng của họ trước pháp luật chưa được tôn trọng và bảo vệ, người dân vẫn sống trong cảnh thụ động, với tâm lý có thể bị tước đoạt tài sản bất cứ lúc nào”, ông Vinh nhấn mạnh.

Đại biểu Vinh cũng cho rằng cần phải bảo đảm hài hòa mục tiêu đất để phát triển kinh tế – xã hội với vấn đề an dân. Nếu coi nhẹ vấn đề an dân thì mục đích phát triển kinh tế – xã hội cũng khó có thể đạt được.

Công ty Luật Hưng Nguyên – theo VNEconomy.vn

Bao giờ án hành chính hết “khó xử”, “xử khó”?

Lâu nay người ta gọi vụ án hành chính là vụ “dân kiện quan”, hay “con kiến kiện củ khoai” để nói về sự chênh lệch vị thế xã hội giữa người khởi kiện và bên bị kiện, nhằm thể hiện tính chất đặc biệt của loại án này.

Người khởi kiện đa phần được xem là những người dân yếu thế, “thấp cổ bé họng”. Trong khi đối tượng bị kiện là người nắm giữ quyền lực công, là một cơ quan nhà nước hoặc đại diện cho cơ quan nhà nước có uy thế, vị thế và có tầm ảnh hưởng nhất định  trong mắt mọi người, kể cả… quan tòa.
Chính tính chất đặc thù đó của vụ án hành chính đã chi phối ít nhiều đến thái độ tâm lý của những người có liên quan trong vụ án, người khởi kiện dễ có cảm giác của bên yếu thế; thậm chí thẩm phán trong nhiều trường hợp, thiếu khách quan, minh bạch khi xét xử. Nói án hành chính là loại án mà tòa “khó xử” và “xử khó” là vậy.
Nhìn nhận một cách khách quan thì bên bị kiện là cơ quan hành chính luôn có một bộ máy và đội ngũ công chức, có trình độ chuyên môn, có điều kiện tiếp cận thông tin và pháp luật. Khi bị kiện, cơ quan hành chính luôn có được thông tin cần thiết và cả điều kiện thu thập thông tin bổ sung để bảo vệ quyết định của mình trước tòa án; chưa kể, do có trình độ và bộ máy tư vấn nên bên bị kiện rất hay lách luật một cách tinh vi.
Bên cạnh đó, cơ quan hành chính có ngân sách nhà nước là nguồn lực dồi dào, trong khi người dân thường chỉ có khối tài sản tư của mình. Việc theo đuổi một vụ án hành chính thường phải tốn kém thời gian cũng như chi phí tố tụng nhất định, bởi vậy bao giờ cơ quan hành chính cũng có lợi thế hơn. Thực tế đã có nhiều trường hợp, người dân từ bỏ vụ án và chấp nhận thua cuộc không phải vì đuối lý, mà đơn giản chỉ vì không có thời gian, tiền bạc để đi cho đến cùng.
Xét về mặt chủ quan, hiện vẫn tồn tại tình trạng Thẩm phán nể nang, ngại va chạm với chính quyền, tâm lý lo sợ không được tái bổ nhiệm khiến nhiều Tòa án, Thẩm phán “ngại” ngay từ khâu thụ lý vụ án hành chính, hoặc buộc phải thụ lý thì “kiểu gì cũng phải xử bác đơn” để được “an toàn”. Vụ kiện mới đây nhất của TAND huyện Cẩm Khê là một ví dụ. Mặc dù các chứng cứ, lập luận được nêu tại phiên tòa cho thấy việc Chủ tịch UBND huyện ra quyết định thu hồi đất là hoàn toàn trái pháp luật. Tuy nhiên, Tòa đã bác đơn của ông Đặng Văn Thông yêu cầu hủy quyết định này, bất chấp sự bất bình của người dân tham dự.
Dường như với cơ chế như hiện nay, bổ nhiệm thẩm phán có một quy trình bắt buộc là phải xin ý kiến cấp ủy, mà cấp ủy thì bao giờ cũng có ông phó bí thư là Chủ tịch UBND- người có quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính bị kiện – không ít thẩm phán “khó xử” là vì lẽ đó.
Rõ ràng, mô hình cơ quan xét xử theo đơn vị hành chính lãnh thổ như hiện nay và những mối quan hệ phụ thuộc về tổ chức, nhân sự giữa tòa án và chính quyền địa phương đã ảnh hưởng không nhỏ đến tính độc lập trong xét xử của tòa án, đặc biệt khi bên bị kiện là các cơ quan trong bộ máy hành chính ở địa phương.
Trước thực tế trên, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, cần xúc tiến thành lập mô hình Tòa khu vực để bảo đảm sự độc lập của tòa án hành chính đối với bị đơn về mọi phương diện, giúp người dân tiếp cận với công lý hành chính một cách hiệu quả nhất.
Công Tâm 

Bộ luật hình sự 1999

BỘ LUẬT HÌNH SỰ
CỦA NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM SỐ 15/1999/QH10

LỜI NÓI ĐẦU

Pháp luật hình sự là một trong những công cụ sắc bén, hữu hiệu để đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm, góp phần đắc lực vào việc bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức, góp phần duy trì trật tự an toàn xã hội, trật tự quản lý kinh tế, bảo đảm cho mọi người được sống trong một môi trường xã hội và sinh thái an toàn, lành mạnh, mang tính nhân văn cao. Đồng thời, pháp luật hình sự góp phần tích cực loại bỏ những yếu tố gây cản trở cho tiến trình đổi mới và sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh.

Bộ luật hình sự này được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát huy những nguyên tắc, chế định pháp luật hình sự của nước ta, nhất là của Bộ luật hình sự năm 1985, cũng như những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm trong nhiều thập kỷ qua của quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bộ luật hình sự thể hiện tinh thần chủ động phòng ngừa và kiên quyết đấu tranh chống tội phạm và thông qua hình phạt để răn đe, giáo dục, cảm hoá, cải tạo người phạm tội trở thành người lương thiện; qua đó, bồi dưỡng cho mọi công dân tinh thần, ý thức làm chủ xã hội, ý thức tuân thủ pháp luật, chủ động tham gia phòng ngừa và chống tội phạm.

Thi hành nghiêm chỉnh Bộ luật hình sự là nhiệm vụ chung của tất cả các cơ quan, tổ chức và toàn thể nhân dân.

 

PHẦN CHUNG

CHƯƠNG I
ĐIỀU KHOẢN CƠ BẢN

Điều 1. Nhiệm vụ của Bộ luật hình sự

Bộ luật hình sự có nhiệm vụ bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân, bảo vệ quyền bình đẳng giữa đồng bào các dân tộc, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức, bảo vệ trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa, chống mọi hành vi phạm tội; đồng thời giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm.

Để thực hiện nhiệm vụ đó, Bộ luật quy định tội phạm và hình phạt đối với người phạm tội.

Điều 2. Cơ sở của trách nhiệm hình sự

Chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự.

 

Điều 3. Nguyên tắc xử lý

1. Mọi hành vi phạm tội phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật.

2. Mọi người phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt nam, nữ, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội.

Nghiêm trị người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, lưu manh, côn đồ, tái phạm nguy hiểm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội; người phạm tội dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả nghiêm trọng.

Khoan hồng đối với người tự thú, thành khẩn khai báo, tố giác người đồng phạm, lập công chuộc tội, ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra.

3. Đối với người lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng, đã hối cải, thì có thể áp dụng hình phạt nhẹ hơn hình phạt tù, giao họ cho cơ quan, tổ chức hoặc gia đình giám sát, giáo dục.

4. Đối với người bị phạt tù thì buộc họ phải chấp hành hình phạt trong trại giam, phải lao động, học tập để trở thành người có ích cho xã hội; nếu họ có nhiều tiến bộ thì xét để giảm việc chấp hành hình phạt.

5. Người đã chấp hành xong hình phạt được tạo điều kiện làm ăn, sinh sống lương thiện, hoà nhập với cộng đồng, khi có đủ điều kiện do luật định thì được xóa án tích.

 

Điều 4. Trách nhiệm đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm

1. Các cơ quan Công an, Kiểm sát, Toà án, Tư pháp, Thanh tra và các cơ quan hữu quan khác có trách nhiệm thi hành đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của mình, đồng thời hướng dẫn, giúp đỡ các cơ quan khác của Nhà nước, tổ chức, công dân đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm, giám sát và giáo dục người phạm tội tại cộng đồng.

2. Các cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ giáo dục những người thuộc quyền quản lý của mình nâng cao cảnh giác, ý thức bảo vệ pháp luật và tuân theo pháp luật, tôn trọng các quy tắc của cuộc sống xã hội chủ nghĩa; kịp thời có biện pháp loại trừ nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm trong cơ quan, tổ chức của mình.

3. Mọi công dân có nghĩa vụ tích cực tham gia đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm.

CHƯƠNG II
HIỆU LỰC CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ

Điều 5. Hiệu lực của Bộ luật hình sự đối với những hành vi phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa ViệtNam

1. Bộ luật hình sự được áp dụng đối với mọi hành vi phạm tội thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa ViệtNam.

2. Đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng các quyền miễn trừ ngoại giao hoặc quyền ưu đãi và miễn trừ về lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia hoặc theo tập quán quốc tế, thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao.

 

Điều 6. Hiệu lực của Bộ luật hình sự đối với những hành vi phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa ViệtNam

1. Công dân ViệtNamphạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa ViệtNamcó thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại ViệtNamtheo Bộ luật này.

Quy định này cũng được áp dụng đối với người không quốc tịch thường trú ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa ViệtNam.

2. Người nước ngoài phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật hình sự Việt Nam trong những trường hợp được quy định trong các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia.

download văn bản tại đây