Từ xưa đến nay, chúng ta vẫn thường nghe chồng vũ phu bạo hành chứ ít ai thấy chuyện đàn ông phải hứng chịu bi kịch ngược lại.
Tuy nhiên thực tế, không phải cứ bị đánh đập mới gọi là bạo hành, mà đối với đàn ông, thì những lời đay nghiến, chì chiết của người vợ cũng chính là hành vi bạo lực khiến họ chai lì xảm xúc, chán nản… Khi những cảm xúc này xuất hiện, thì con đường dẫn đến ly hôn và nhiều hệ lụy đau lòng khác sẽ trở nên cực kỳ ngắn ngủi. Đây cũng là câu chuyện mà luật sư Nguyễn Văn Nguyên (giám đốc Công ty Luật Hưng Nguyên – Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội ) muốn kể và nhắc nhở để các chị, các mẹ giữ hạnh phúc.
Vợ bạo lực tinh thần chồng là con đường dẫn đến hồi kết của hôn nhân. Ảnh minh họa.
|
Những năm tháng dằn vặt nhau
Thời gian khá lâu đã trôi qua, nhưng ký ức về tấn bi kịch gia đình đặc biệt này chưa thể phai mời với luật sư Nguyên. Trò chuyện cùng người viết, anh kể: “Anh Thiều và chị Oanh yêu nhau mặn nồng suốt bốn năm trời trước khi quyết định lên xe hoa bằng đám cưới ngập tràn hạnh phúc. Không lâu sau khi kết hôn, cả hai đưa nhau rời quê hương Thanh Hóa lên huyện Di Linh (tỉnh Lâm Đồng) làm kinh tế mới. Cuộc sống trong giai đoạn đó dẫu vất vả nhưng tràn ngập niềm hạnh phúc. Hai vợ chồng trẻ hết mực yêu thương nhau, chàng tần tảo, nàng chắt chiu nuôi nấng những đứa con lần lượt chào đời. Để cải thiện kinh tế gia đình, anh Thiều dồn tiền tích cóp, mua đất trồng cà phê. Sau này, khi làm ăn khấm khá, người chồng quần quật trồng cà, chăn nuôi dê, bò… cải thiện thu nhập. Kinh tế gia đình phất lên nhưng cũng vì thế, anh Thiều thường xuyên phải vắng nhà vì đi đổ mối hàng, nhậu nhẹt tạo quan hệ. Chính từ sự thay đổi này, bi kịch gia đình đã ập đến”.
Giọng trầm ngâm, luật sư Nguyên chép miệng buồn rầu nhớ lại, khi tìm đến anh, người chồng vẫn không hiểu nổi những thay đổi chóng vánh trong tính nết của vợ mình. Chồng phải vắng nhà vì công việc, nhưng chị luôn nổi cơn ghen bóng gió một cách vô lý. Mỗi lần đi giao dịch, làm ăn vắng nhà ít ngày trở về, anh lại phải nghe vợ chì chiết: “Anh sẵn tiền trong tay rồi đem cho gái phải không…”. Điệp khúc ấy cứ lập đi lập lại khiến anh Thiếu nhiều lúc không thể kiềm chế, gằn giọng quát mắng vợ. Chỉ chờ có thế, chị Oanh “nổi trận lôi đình”, khua chân múa tay chỉ mặt chồng quát nạt: “Anh ngoại tình rồi về chán vợ, chửi bới vợ, đánh vợ, bạo lực với vợ…”. Từ đấy, hễ anh Thiều ra ngoài, người vợ lại suốt ngày gọi điện tra hỏi, làm phiền. Những lúc bận tiếp khách không nghe máy, anh lại phải đối mặt với những lời ngờ vực, trách móc khi về đến nhà.
“Ngồi tâm sự đến đây, anh Thiều não nuột than thở: “Khổ lắm, tôi đã cố gắng bỏ ngoài tai những cơn ghen tuông vô lối của vợ nhưng vẫn mệt mỏi vô cùng. Mỗi ngày về nhà nhìn vợ khó đăm đăm, than vãn, cằn nhằn không ngớt, rồi ca đi ca lại điệp khúc: “Tôi phải hy sinh suốt ngày vì anh, vì cái gia đình này rồi anh lại đem tiền đi cho con nào…”, thì tôi lại stress nặng. Một dạo, tôi chán nản đến mức không muốn về nhà nữa, chỉ suốt ngày tụ tập bạn bè nhậu nhẹt đến khi say khướt cho quên mọi chuyện””, luật sư Nguyên nhớ lại.
Để níu kéo hạnh phúc, nhiều lần, anh Thiều cũng nhỏ to nói chuyện, mong cùng vợ xua tan bầu không khí căng thẳng. Nhưng lần nào cũng vậy, mâu thuẫn cũ chưa được giải quyết thì cuộc trò chuyện lại làm bùng phát thêm những rắc rối mới. Dù anh Thiều có giải thích như thế nào, chị Oanh cũng nhất quyết không tin chồng vắng nhà, nhậu nhẹt mà lại không có bồ bịch. Thậm chí, người vợ còn lên tiếng thách thức: “Ly hôn đi để tôi còn có thế giới của mình”. Vì quá chán nản, anh Thiều đã muốn đồng ý để giải thoát cho bản thân. Nhưng khoảnh khắc ấy, tình phụ tử trỗi dậy lại khiến anh Thiều không thể chấp bút vào lá đơn. “Nghĩ đến các con, anh Thiều quyết định cùng vợ ly thân nhưng vẫn chung một nhà. Anh ấy vẫn tin, như thế sẽ có điều kiện chăm sóc các con, đồng thời hy vọng thời gian trôi qua sẽ khiến chị Oanh thấu hiểu mọi chuyện”, luật sư Nguyên cho biết. Thế nhưng, trong suốt khoảng thời gian “chiến tranh lạnh” này, người vợ tai ác vẫn không để anh Thiều yên thân. Thay vì chăm lo các con, bình tĩnh suy nghĩ để cảm thông cho chồng, chị Oanh liên tục nhắn tin chì chiết, thậm chí nhiều lần theo dõi sinh hoạt, công việc của anh Thiều.
Sự tan vỡ không đáng có
Sau 10 năm sống ly thân nhưng vợ không hề có biến chuyển, anh Thiều cực chẳng đã phải tìm đến luật sư, nhờ tư vấn cho việc ly hôn. Luật sư Nguyên cho biết: “Lời đầu tiên trước khi bắt đầu công việc, anh Thiều đã cay đắng thốt lên: “Tôi rất muốn níu giữ hạnh phúc này, nhưng thực sự là tôi kiệt sức. Càng gồng mình lên để hàn gắn, níu giữ gia đình trong những năm sống ly thân, tôi lại càng phải hứng chịu những căng thẳng, mệt mỏi. Oanh không những nhắn tin khủng bố tinh thần chồng mà còn bỏ mặc con cái, sống theo kiểu bất cần. Chứng kiến tình trạng ấy, tôi đành chấp nhận để cô ấy ra đi, cũng là cách tự giải thoát cho mình khỏi cuộc sống địa ngục trần gian”.
Luật sư Nguyễn Văn Nguyên |
Theo luật sư Nguyên, ban đầu khi hay tin anh Thiều gửi đơn ly dị thì chị Oanh cũng phản đối kịch liệt. Nhưng sau một thời gian hòa giải bất thành, đồng thời tòa án xem xét khía cạnh hai vợ chồng đã nhiều năm ly thân, nên nguyện vọng của anh Thiều vẫn được giải quyết. “Ly thân là một giải pháp khá hợp lý cho các cặp vợ chồng đang rạn nứt về tình cảm nhìn nhận lại cuộc hôn nhân của mình, đồng thời tìm ra hướng đi thích hợp. Tuy nhiên nếu trong thời gian đó, một trong hai không hợp tác, hoặc không hài lòng về nhau, không hòa giải được có thể đơn phương đưa đơn ly hôn thì tòa sẽ xem xét và giải quyết”.
Từng bào chữa nhiều vụ án ly hôn, Luật sư Nguyên phân tích với chúng tôi: “Thật ra, chị Oanh chỉ hờn dỗi và đòi ly hôn để anh Thiều phải giữ mình lại như những lần trước. Chị không ngờ, anh Thiều lại lựa chọn giải pháp sống ly thân suốt 10 năm. Khoảng thời gian ấy, chị Oanh càng cay nghiệt vì nỗi ám ảnh chồng có bồ nên mới nghĩ ra đủ kiểu “làm tình làm tội”. Nhưng người phụ nữ này không hiểu, càng làm như vậy, chị càng đẩy chồng ra xa mình hơn.
Khi ly hôn, phụ nữ cũng là những người phải chịu nhiều thiệt thòi và đau khổ. Từ trường hợp đổ vỡ đáng tiếc của gia đình anh Thiều, chị Oanh, tôi nghĩ trong cuộc sống, người phụ nữ cần phải khéo léo để giữ hạnh phúc gia đình. Phải biết thông cảm, quan tâm để hiểu công việc của chồng, không nên ghen tuông mù quáng đẩy chồng vào tình thế áp lực và dẫn đến sự tan vỡ không đáng có”, luật sư Nguyên chia sẻ.
“Khi ly thân thì tình yêu đã chết”
Trao đổi cùng người viết về trường hợp bạo hành tinh thần khá hy hữu của cặp vợ chồng trong câu chuyện, PGS.TS Trịnh Hòa Bình, giám đốc trung tâm điều tra dư luận xã hội, Viện Xã Hội Học đánh giá: “Thường bạo lực tinh thần chủ yếu xảy ra ở nữ đối với nam, đó là việc không để cho người đàn ông thực hiện chức phận làm chồng, hoặc là từ chối quan hệ tình dục. Rồi suốt ngày lẩm bẩm tạo nên những vây ép căng thẳng, stress không đáng có từ những lời ăn tiếng nói hay thái độ vùng vằng, quăng quật làm cho đối phương không chịu được. Những cách thức bạo lực ấy rất dễ mang lại những hệ quả xấu. Tức là khi người đàn ông nín nhịn nhiều đến một lúc nào đó, người ta có thể bùng phát và đạp đổ hoàn toàn. Thậm chí trong cơn nóng giận họ có thể kết liễu mạng sống của người gieo giắt bạo lực cho họ. Hệ quả thứ hai là có thể dẫn đến người đàn ông bị chai lì, bị miễn nhiễm hoặc vô cảm đối với vợ và các thành viên khác trong gia đình, trong xã hội, cộng đồng… Đó là hai thái độ phổ biến. Khi các gia đình chọn ly thân để nhìn lại cuộc hôn nhân thì gần như, tình yêu đã chết. Nếu cứ thường xuyên tạo áp lực lên đối tác như thế thì con đường sớm muộn phải ly thân dẫn đến ly hôn là đương nhiên. Trong trường hợp này, ly hôn cũng có thể là đích của người tạo ra stress ấy, nhưng cũng có thể nếu đó không phải đích thì sẽ là một sự thất bại nặng nề”.
|
Kỳ 3: Tự sự cay đắng của người phụ nữ phải rời bỏ hạnh phúc ngay sau… tuần trăng mật
Thanh Hiên – Theo giadinh.net.vn