Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Luật sư (LS) đang được gấp rút hoàn thiện để trình Chính phủ ban hành kịp ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư có hiệu lực (từ 1/7), với những quy định phù hợp hơn cho hoạt động LS.
Tránh tình trạng “mượn danh”
Tham gia ý kiến vào dự thảo Nghị định qui định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Luật sư (LS), LS.Trần Tuấn Phong (Cty luật Vilaf – Hồng Đức) đã nhiều lần đề nghị xem xét các qui định về quyền của LS nước ngoài, của LS Việt Nam làm việc tại các tổ chức hành nghề LS nước ngoài tại Việt Nam theo hướng “mở tối đa” để tạo điều kiện cho LS Việt Nam được làm việc tại các tổ chức hành nghề LS nước ngoài, cũng như không rơi vào tình trạng “được thuê để làm việc… hình thức”.
LS. Phong cũng cảnh báo, “nếu không “mở” phạm vi hoạt động cho các LS Việt Nam làm việc tại các tổ chức hành nghề LS nước ngoài tại Việt Nam thì 15-20 năm nữa khó hy vọng có những LS giỏi về pháp luật quốc tế hay có những hãng luật như YKVN, Vilaf”.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật LS đã “bó hẹp” hơn Luật LS 2006 khi qui định tổ chức hành nghề LS nước ngoài chỉ “được cử luật sư Việt Nam trong tổ chức hành nghề của mình tư vấn pháp luật Việt Nam” và để rõ hơn dự thảo Nghị định qui định rõ “LS Việt Nam làm việc cho chi nhánh, công ty luật nước ngoài được tư vấn pháp luật Việt Nam, trực tiếp đưa ra ý kiến pháp lý về pháp luật Việt Nam cho khách hàng; không được xác nhận giấy tờ pháp lý liên quan đến pháp luật Việt Nam”.
Bà Đỗ Hoàng Yến (Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp – Bộ Tư pháp) cho biết, qui định như vậy là để “nâng tầm” cho LS Việt Nam làm việc cho các tổ chức hành nghề LS nước ngoài, không để họ rơi vào nguy cơ bị sử dụng như “những bình phong” cho các hoạt động tư vấn pháp luật của LS nước ngoài tại tổ chức này.
Theo qui định hiện hành, LS Việt Nam có thể được tổ chức hành nghề LS nước ngoài “cử tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự cho khách hàng trước Toà án Việt Nam đối với các vụ, việc mà chi nhánh, công ty thực hiện tư vấn pháp luật, trừ các vụ án hình sự” (Điều 70 Luật LS 2006) nên không loại trừ trường hợp “mượn danh” LS Việt Nam ký vào các biên bản tư vấn pháp luật Việt Nam do LS nước ngoài thực hiện tư vấn hoặc tham gia tố tụng đối với những vụ án đó như qui định trên.
Tuy nhiên, Điều 47 của dự thảo Nghị định lại đặt ra những lo ngại tiềm ẩn “sự bất bình” của các tổ chức hành nghề LS nước ngoài tại Việt Nam vì “quá chung, khó xác định loại giấy tờ pháp lý liên quan” đó là những giấy tờ nào.
Do vậy, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường tại cuộc họp với Ban soạn thảo và Tổ Biên tập dự thảo Nghị định sáng qua (15/5) chỉ đạo phải qui định rõ các “loại giấy tờ pháp lý” đó theo nguyên tắc “những lĩnh vực pháp luật Việt Nam qui định phải do các chức danh tư pháp thực hiện” thì không thuộc phạm vi hành nghề của LS ở các tổ chức hành nghề LS nước ngoài tại Việt Nam như nuôi con nuôi, quốc tịch, công chứng…
Tuy nhiên, các LS tại các tổ chức này có thể được chứng thực các loại giấy tờ tự mình phát hành.
Đóng tiền cho người khác làm thay nghĩa vụ?
Dự thảo Nghị định qui định, “mỗi LS phải tham gia thực hiện TGPL ít nhất là 10 ngày trong một năm”. Nghĩa vụ này dự kiến sẽ được thực hiện theo hướng dẫn của Liên đoàn LS Việt Nam theo điều 3 của dự thảo Nghị định. Đây là một bảo đảm nghĩa vụ trợ giúp pháp lý của LS vì thực tế đang cho thấy, không nhiều LS thực sự “tha thiết” với hoạt động mang tính “vì cộng đồng” cao cả này mà một phần là do thù lao của LS quá… “hẻo”.
LS Hoàng Huy Được phản ánh, mỗi năm, các LS của Đoàn LS thành phố Hà Nội tham gia khoảng 1.000 vụ án (cả ở trung ương và địa phương) song số vụ án chỉ định mà họ được thanh toán thù lao là rất ít, trong khi mức thù lao 120.000 đồng/ngày theo qui định của Nghị định 28/2007 không đủ tiền xăng xe, nhất là đối với những vụ ở xa trung tâm, chưa nói đến “chất xám”, thời gian của LS bỏ ra cho việc giải quyết vụ án.
Tuy nhiên, dưới góc độ nhân văn, đa số tán thành qui định “LS có nghĩa vụ TGPL theo qui định của pháp luật”, thậm chí theo LS Hoàng Huy Được (Phó Chủ nhiệm Đoàn LS thành phố Hà Nội) nghĩa vụ này “phải thực hiện miễn phí”, song vẫn còn một số băn khoăn về thời gian thực hiện TGPL của LS.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên đoàn LS Việt Nam Đỗ Ngọc Thịnh “kêu” rằng “10 ngày là quá dài so với điều kiện hoạt động của LS hiện nay” nên đề nghị “rút xuống còn 5 ngày và tính theo giờ để thuận tiện cho việc tính thù lao cũng như phù hợp với cách thức làm việc của LS”.
Ngoài ra, LS Thịnh đưa ra một giải pháp cho những LS không có điều kiện tham gia TGPL là “đóng tiền cho LS khác, những người tâm huyết với TGPL, thực hiện nghĩa vụ này”. Dẫu có tính hợp lý để giải quyết cho những trường hợp LS phải đảm nhiệm công tác quản lý hoặc có những lý do khách quan không thể thực hiện nghĩa vụ TGPL vào thời điểm nào đó, song nếu quy định “cứng” để LS “có thể đóng tiền cho người khác thực hiện nghĩa vụ TGPL” sẽ mất đi ý nghĩa “nghĩa vụ xã hội” của qui định này.
Huy Anh