Luật sư hà nội và doanh nghiệp đồng hành

0
Có 2,051 lượt xem

 Lịch sử hình thành và phát triển của nghề luật sư ở Việt Nam không dài so với lịch sử của nghề này ở những quốc gia phát triển như Mỹ,Anh hay Pháp và nhiều nước châu Âu – quê hương của nghề luật. Nhưng đến đầu năm 2008, khi luật sư đã được cọ xát trong thực tiễn tròn 1 năm thì nghề này ở nước ta đã có môi trường phát triển thực sự. Trong tiến trình đổi mới của đất nước, có lẽ chưa bao giờ vai trò của “thầy cãi” với việc hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh lại được coi trọng và thực sự cần thiết như giai đoạn hiện nay.

 Trước sự phát triển như vũ bão của các thành phần kinh tế ở Việt Nam sau sự kiện lịch sử nước ta gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), ngày 22-11-2007, Hội đồng các giám đốc điều hành Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã đưa ra thông báo lạc quan: Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam đạt 8,2% năm 2006 và tăng lên khoảng 8,3% năm 2007. Dự báo trong năm 2008 kinh tế Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá nhờ vào việc đẩy mạnh xuất khẩu; tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài ở mức kỷ lục mới và sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Đồng nghĩa với kết quả này là vai trò của các “thầy cãi” được đánh giá cao bởi mọi hoạt động đầu tư, kinh doanh trong và ngoài nước đều không thể thiếu luật sư tư vấn. Trong số hàng nghìn doanh nghiệp và 3 triệu hộ kinh doanh hiện nay trên cả nước, ngày càng có nhiều ông, bà chủ giám bỏ một khoản tiền không nhỏ cho việc tư vấn kinh doanh để không bị vấp phải cảnh “kiếm củi ba năm thiêu một giờ”. Có cầu ắt có cung, 4 tháng trở lại đây, đội ngũ luật sư ngày càng đông, các văn phòng luật sư xuất hiện ngày càng nhiều, sự cạnh tranh giữa các văn phòng đang diễn ra rất mạnh mẽ. Nếu như trước kia, hoạt động của luật sư còn khá thụ động, trông chờ doanh nghiệp tìm đến mới cung cấp dịch vụ thì nay họ đã biết tự quảng bá hình ảnh, thương hiệu của mình. Trong tổng số gần 5.000 luật sư Việt Nam tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng đang góp phần hỗ trợ tư vấn pháp luật cho các tập đoàn, cơ sở kinh tế lớn nhỏ hội nhập an toàn trong sân chơi kinh tế chung hiện nay, tính ra có khoảng 50 người hiểu biết uyên thâm về luật pháp quốc tế để giúp đỡ doanh nghiệp trong những giao dịch thương mại. Đáng mừng là giới luật sư trẻ đã ngày càng bứt lên tốp đầu vì trình độ ngoại ngữ, chuyên môn tốt,  lại có kinh nghiệm giao dịch quốc tế. Với những đóng góp tích cực vào hoạt động kinh doanh của Công ty Menulife, mới đây, luật sư trẻ Lê Đình Bửu Trí đã được giới hành nghề luật pháp quốc tế thừa nhận tài năng và đề cử Tạp chí AsianLaw trao tặng Giải thưởng Luật sư Cty xuất sắc nhất trong năm của Việt Nam.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là nếu nhu cầu sử dụng luật gia tăng thì với lượng người như hiện nay, liệu có đủ đáp ứng nhu cầu? PGS.TS Phạm Hồng Hải – Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội đánh giá: “Số lượng gần 5.000 luật sư không đủ để thực hiện trợ giúp pháp lý”.

Nắm bắt được thực trạng này, Đoàn luật sư Hà Nội đã có kế hoạch đào tạo cho hàng trăm thành viên mỗi năm thông qua Nhà pháp luật Việt Nam. Bộ Tư pháp cũng đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức các lớp đào tạo về hợp đồng thương mại quốc tế; ký văn bản ghi nhớ với một đoàn luật sư của Pháp về việc giúp nâng cao trình độ, kỹ năng hành nghề cho các luật sư. Trong bối cảnh đất nước chúng ta đang tham dự hoàn toàn vào cuộc chơi chung của thế giới trong sân chơi WTO thì vậy “thầy cãi” và doanh nghiệp đồng hành trong tiến trình đổi mới quả là tín hiệu tốt lành. Bởi cho dù là một người khổng lồ hay một chú tí hon thì cũng có vô vàn những điểm yếu, điểm mạnh và điểm và điểm tương đồng để cùng nhau hợp tác. Mọi cơ hội chỉ có ý nghĩa khi người ta có một phương sách đúng, một chiến lược đúng để tận dụng được nó. Lịch sử đã chứng minh người Việt có khả năng hội nhập rất khôn khéo, tài ba và hiệu quả, biết mình biết người, giới doanh nhân Việt Nam và các “thầy cãi” đang tỉnh táo đi tới những thành công ngoài mong đợi.

Công ty luật Hưng Nguyên

HÀ PHONG