Luật còn “treo”, dân còn rối

0
Có 2,288 lượt xem

Tình trạng luật ban hành nhưng không thi hành được vì phải chờ hướng dẫn đang là vấn đề gây bức xúc cho xã hội.

 Không chỉ có luật, pháp lệnh mà ngay đối với cả Hiến pháp cũng có nhiều quy định vẫn còn “treo” vì chưa có luật. Có những đạo luật có hiệu lực hơn 10 năm nhưng nhiều quy định vẫn bị “treo” vì chưa có hướng dẫn…Có thể nêu một số ví dụ như Hiến pháp năm 1992 quy định công dân có quyền biểu tình theo quy định của pháp luật (Điều 69) nhưng đến nay quyền này vẫn đang bị “treo” vì chưa có luật biểu tình; Bộ luật hình sự năm 1999 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009 có nhiều điều luật quy định “gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng” nhưng đến nay các quy định này hầu hết vẫn bị “treo” vì chưa có giải thích hoặc hướng dẫn và còn nhiều quy định khác cũng đang bị “treo” như thế nào là phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; thế nào là sự kiện bất ngờ; thế nào là tình trạng bị kích động mạnh, kích động chưa mạnh; thế nào là phạm tội có tính chất côn đồ… đều chờ hướng dẫn. Luật thi hành án hình sự có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2011 quy định thi hành án tử hình được thực hiện bằng tiêm thuốc độc nhưng đến nay việc thi hành án tử hình vẫn bị “treo” vì chưa có thuốc độc… Gần đây Luật xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực từ ngày 1-7-2013 nhưng xem ra đạo luật này cũng sẽ bị “treo”. Vì để thi hành đạo luật này, Chính phủ phải ban hành rất nhiều nghị định nhưng cho đến ngày 1-7-2013 chưa có một nghị định nào được ban hành.Không có hướng dẫn thì Luật xử lý vi phạm hành chính không thể thi hành, trong khi đó các văn bản pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong rất nhiều lĩnh vực như giao thông, đất đai, xây dựng, môi trường… đến ngày 1-7-2013 đều hết hiệu lực. Luật nào bị “treo” cũng ảnh hưởng đến đời sống của người dân và sự quản lý của Nhà nước trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội.Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này nhưng chủ yếu là do cách thức xây dựng pháp luật ở nước ta chưa đạt đến trình độ “chuyên nghiệp”: từ khâu soạn thảo, thông qua, giải thích, hướng dẫn đến thi hành. Ở nước ta chưa có một cơ quan “chuyên trách” soạn thảo các dự án luật. Khi cần ban hành một đạo luật nào đó, Quốc hội giao cho một cơ quan chủ trì soạn thảo. Cơ quan này lại là đối tượng điều chỉnh của đạo luật nên dù muốn hay không thì nội dung của dự án luật không thể tránh được “cái tôi”.Hoạt động thẩm định dự án luật của các cơ quan chuyên trách của Quốc hội nhiều khi cũng bị chi phối nếu cơ quan chủ trì soạn thảo không chịu tiếp thu; có trường hợp do thời gian gấp, chưa chuẩn bị kỹ nhưng ban soạn thảo vẫn đề nghị Quốc hội cứ thông qua rồi giao cho Chính phủ ban hành nghị định hướng dẫn sau! Hệ quả là luật ban hành vẫn phải chờ hướng dẫn.Dù Quốc hội đã đổi mới công tác xây dựng pháp luật nhưng kết quả vẫn chưa được như mong muốn. Tình trạng luật ban hành nhưng phải chờ hướng dẫn là vấn đề tồn tại lớn nhất hiện nay. Để khắc phục tình trạng luật “treo”, Quốc hội cần thành lập một Ủy ban soạn thảo dự án luật, chấm dứt tình trạng giao cho các cơ quan, tổ chức soạn thảo dự án luật; các sáng kiến luật của cá nhân, tổ chức đều gửi về Ủy ban soạn thảo dự án luật; chỉ có Ủy ban soạn thảo dự án luật mới có quyền trình dự án luật ra Quốc hội; khi trình dự án luật ra Quốc hội nhất thiết phải trả lời được các câu hỏi: Vì sao lại quy định như vậy, quy định như vậy thì được hiểu như thế nào, những nội dung nào của luật cần giải thích hướng dẫn, nội dung giải thích hoặc hướng dẫn đó như thế nào. Văn bản giải thích hay hướng dẫn phải được ban hành cùng thời điểm có hiệu lực của luật.ĐINH VĂN QUẾ