Khung phạt Luật hình sự rộng dễ dẫn đến tùy tiện

0
Có 1,893 lượt xem

Hội nghị khảo sát thực tiễn 11 năm thi hành Bộ Luật Hình sự (BLHS) năm 1999 vừa được Bộ Tư pháp phối hợp với UBND TP.HCM tổ chức hôm qua (5/11).

Dưới sự chủ trì của Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên, hội nghị đã tập trung thảo luận các vấn đề về tình hình thi hành và hiệu quả việc thi hành BLHS 1999; những khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng BLHS trong công tác điều tra, truy tố, xét xử các loại tội phạm; những điều, khoản của BLHS ít được áp dụng trên thực tế; những loại hành vi vi phạm mới cần xử lý hình sự nhưng chưa được quy định trong BLHS; tình hình áp dụng các biện pháp tư pháp, nhất là các biện pháp tư pháp đối với tội phạm chưa thành niên, việc áp dụng hình phạt tử hình…

Đánh giá về khoảng cách giữa mức tối đa và mức tối thiểu của hình phạt trong các điều luật cụ thể của BLHS, ông Vũ Phi Long, Phó Chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM, cho rằng: Trong nhiều điều luật có quy định khung hình phạt tiền thì khoảng cách giữa mức tối thiểu và mức tối đa còn khá lớn. Ví dụ: tại Khoản 1, Điều 172, BLHS, mức tối thiểu của hình phạt tiền là 50 triệu đồng, mức tối đa là 1 tỷ đồng (khoảng cách là 20 lần). Điều này theo ông Long rất dễ dẫn đến sự tùy tiện, không thống nhất áp dụng hình phạt tiền trong những trường hợp phạm tội.

Thiếu Tướng Phan Anh Minh, Phó giám đốc Công an TP. HCM lại phân tích: Tội đánh bạc quy định tại Điều 148 BLHS, thực tiễn rất khó xác định số tiền, tài sản của các con bạc có phải để sử dụng vào việc đánh bạc hay không. Trên thực tế, nhiều trường hợp bắt quả tang số lượng tiền trên các chiếu bạc rất ít so với số tiền các đối tượng cất, giấu trong người. Nghị quyết 01/2001/HĐTP lại càng gây khó khăn khi hướng dẫn tình tiết tiền bạc, tài sản dùng để ăn thua trong cả ba trường hợp đều phải là thu giữ, kể cả các con bạc thanh toán cho nhau rõ ràng qua ngân hàng…

Tại hội nghị, các đại biểu kiến nghị Bộ Tư pháp và  các bộ, ngành Trung ương nói chung cần tham mưu sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện bộ luật đáp ứng tình hình thực tiễn. Bên cạnh đó, cần hướng dẫn cụ thể hơn về việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự; nghiên cứu mở rộng phạm vi chủ thể tội phạm tham nhũng – không chỉ trong khu vực nhà nước mà cả ở khu vực tư nhân để đáp ứng hội nhập quốc tế. Các đại biểu cũng kiến nghị, cùng với việc hạn chế tử hình, nên giảm hình phạt ở một số tội, xem xét lại quy định về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự đối với tội phạm vị thành niên, mở rộng hình phạt tiền trong tội phạm kinh tế…

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Thế Liên đánh giá cao và ghi nhận những ý kiến đề xuất của các đại biểu.  Thứ trưởng cũng cho rằng, phạt tiền hay phạt tù, BLHS nên “nhân đạo hóa”, ngoài hình phạt tù phải tăng hình phạt tiền một số tội thay thế cho phạt tù, làm thế nào ngắn lại thời gian tù của trẻ nhỏ phạm tội.

Đặng Chung