Hướng dẫn trình tự thủ tục các bước thực hiện dự án đầu tư trong nước

0
Có 2,560 lượt xem

Hướng dẫn trình tự thủ tục các bước thực hiện dự án đầu tư trong nước

Bước 1: Chủ trương và địa điểm đầu tư

Trước khi tiến hành lập dự án, Chủ đầu tư cần đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh cho chủ trương đầu tư và xác định địa điểm đầu tư.

Hồ sơ gồm 06 bộ gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư; cụ thể:

-Tờ trình đề nghị cho chủ trương đầu tư và xác định địa điểm đầu tư; (gửi: UBND tỉnh và Sở Kế hoạch và Đầu tư).

-Bản thuyết minh trình bày ý tưởng đầu tư, trong đó cần thể hiện được các nội dung sau:

+Mục tiêu, quy mô đầu tư, công nghệ áp dụng.

+Địa điểm, diện tích đất dự kiến sử dụng.

+Tổng vốn đầu tư, thời hạn hoạt động, tiến độ dự kiến thực hiện.

+Sự phù hợp với quy hoạch, tính khả thi của dự án.

-Bản sao Giấy phép đăng ký kinh doanh.

-Đối với địa điểm đã được xác định trong quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 hoặc tỷ lệ 1/500 được cấp có thẩm quyền phê duyệt; các dự án xây dựng mới, mở rộng cải tạo mà phù hợp với quy hoạch thì không phải lập hồ sơ địa điểm xây dựng. Sau khi có chủ trương của UBND tỉnh cho phép nghiên cứu đầu tư xây dựng, chủ đầu tư tiến hành lập lập và trình duyệt quy hoạch chi tiết tổng mặt bằng xây dựng tỷ lệ 1/500 theo quy định tại phần Hướng dẫn thủ tục thẩm định Quy hoạch TMB dự án.

– Đối với địa điểm chưa xác định trong quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 hoặc tỷ lệ 1/500 thì chủ đầu tư phải lập Sơ đồ địa điểm (Sơ đồ địa điểm phải xác định sơ bộ về vị trí, ranh giới, hiện trạng và các dự án quy hoạch liền kề). (Sơ đồ thể hiện dưới dạng Bản đồ tỷ lệ 1/2000, 1/5000; 1/10000; 1/20000; đánh dấu vị trí dự kiến thực hiện dự án).

Sau khi nhận được hồ sơ, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương liên quan xem xét, trình UBND tỉnh cho chủ trương đầu tư và phê duyệt địa điểm đầu tư.

           Bước 2 . Đăng ký, cấp Giấy chứng nhận đầu tư

1. Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối hướng dẫn, tiếp nhận, trình Uỷ ban Nhân dân tỉnh cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư.

2. Nội dung hồ sơ gồm :

– Đối với dự án đầu tư trong nước có quy mô vốn đầu tư dưới 15 tỷ Việt Nam đồng, nếu nhà đầu tư có nhu cầu được xác nhận ưu đãi đầu tư, đăng ký đầu tư để được cấp Giấy chứng nhận đầu tư thì thực hiện theo Điều 43 của Nghị định số 108/2006/NĐ-CP.

– Đối với dự án đầu tư trong nước có quy mô vốn đầu tư từ 15 tỷ Việt Nam đồng đến dưới 300 tỷ Việt Nam đồng và không thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện, nếu nhà đầu tư có yêu cầu cấp Giấy chứng nhận đầu tư hoặc xác nhận ưu đãi đầu tư thìthực hiện theo Điều 43 của Nghị định số 108/2006/NĐ-CP.

– Đối với dự án có vốn đầu tư nước ngoài có quy mô vốn đầu tư dưới 300 tỷ Việt Nam đồng và không thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện thực hiện theo Điều 44 của Nghị định số108/2006/NĐ-CP.

3. Quy trình cấp Giấy chứng nhận đầu tư, điều chỉnh bổ sung Giấy chứng nhận đầu tư.

Bộ phận “một cửa liên thông” tiếp nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và trao giấy biên nhận ngay sau khi nhận được văn bản đăng ký đầu tư, đảm bảo thời gian xem xét, lấy ý kiến và trình cấp Giấy chứng nhận đầu tư, điều chỉnh bổ sung Giấy chứng nhận đầu tư không vượt quá 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ dự án đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến các Sở, Ban, Ngành liên quan (trong trường hợp cần thiết). Các cơ quan được hỏi có ý kiến trả lời bằng văn bản và chịu trách nhiệm về những vấn đề của dự án thuộc chức năng quản lý của mình trong thời hạn 05 ngày làm việc.

Sở Kế hoạch và Đầu tư lập báo cáo trình Uỷ ban Nhân dân tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư trong thời hạn không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Uỷ ban Nhân dân tỉnh xem xét cấp Giấy chứng nhận đầu tư trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Tờ trình đề nghị cấp Giấy chứng nhận đầu tư của Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Thẩm tra, cấp Giấy chứng nhận đầu tư

1. Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối hướng dẫn, tiếp nhận, thẩm tra, trình Uỷ ban Nhân dân tỉnh cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư.

2. Nội dung hồ sơ thẩm tra gồm:

– Đối với dự án đầu tư có quy mô vốn đầu tư từ 300 tỷ Việt Nam đồng trở lên và không thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện thực hiện theo Điều 45 của Nghị định số 108/2006/NĐ-CP.

– Đối với dự án đầu tư có quy mô vốn đầu tư dưới 300 tỷ Việt Nam đồng và thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện thực hiện theo Điều 46 của Nghị định số108/2006/NĐ-CP.

– Đối với dự án đầu tư có quy mô vốn đầu tư từ 300 tỷ Việt Nam đồng trở lên và thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện thực hiện theo Điều 47 của Nghị định 108/2006/NĐ –CP.

3. Quy trình thẩm tra cấp Giấy chứng nhận đầu tư, điều chỉnh bổ sung Giấy chứng nhận đầu tư.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ dự án đầu tư, cơ quan tiếp nhận hồ sơ kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và gửi hồ sơ lấy ý kiến thẩm tra của Sở, Ngành liên quan; trường hợp cần thiết thì gửi hồ sơ lấy ý kiến các Bộ, Ngành liên quan. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo bằng văn bản cho nhà đầu tư biết để sửa đổi, bổ sung hồ sơ.

Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ dự án đầu tư, cơ quan được hỏi có ý kiến thẩm tra bằng văn bản và chịu trách nhiệm về những vấn đề của dự án thuộc chức năng quản lý của mình.

Trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Kế hoạch và Đầu tư lập báo cáo thẩm tra, trình Uỷ ban Nhân dân Tỉnh cấp Giấy chứng nhận.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo thẩm tra của Sở Kế hoạch và Đầu tư hoặc ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ (đối với trường hợp dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ), Uỷ ban Nhân dân Tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư.

Trường hợp dự án đầu tư không được chấp thuận, cơ quan tiếp nhận hồ sơ dự án đầu tư gửi thông báo bằng văn bản cho nhà đầu tư, trong đó nêu rõ lý do.

Bước 3. Thẩm định thiết kế cơ sở; Thẩm định phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng dự án

Sau khi có chủ trương chấp thuận đầu tư của Uỷ ban Nhân dân tỉnh, nhà đầu tư mang hồ sơ (thiết kế cơ sở, quy hoạch tổng mặt bằng) đến nộp tại bộ phận “một cửa liên thông”. Bộ phận “một cửa liên thông” có trách nhiệm chuyển hồ sơ đến Sở Xây dựng và Sở chuyên ngành. Đơn vị tiếp nhận hồ sơ sẽ xem xét, lấy ý kiến các ngành liên quan (nếu cần thiết), thẩm định trình Uỷ ban Nhân dân tỉnh quyết định và chuyển, trả hồ sơ tại bộ phận “một cửa liên thông”.

Nội dung, trình tự, thời gian xem xét và thẩm định thực hiện theo Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày ngày 10 tháng 02 năm 2009 về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình và các Quy định hiện hành của Uỷ ban Nhân dân tỉnh.

Trường hợp thiết kế cơ sở chưa đủ điều kiện để phê duyệt dự án theo quy định, cơ quan chủ trì thẩm định phải thông báo kết quả thẩm định bằng văn bản (chỉ một lần), văn bản thẩm định phải rõ nội dung những vấn đề đồng ý, những vấn đề không đồng ý, những nội dung cần bổ sung hoàn chỉnh và gửi cho chủ đầu tư để bổ sung hoàn thiện trình cơ quan thẩm định thiết kế cơ sở đóng dấu xác nhận hồ sơ đã thẩm định trước khi phê duyệt dự án.

Bước 4. Thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường

Nhà đầu tư mang hồ sơ đến nộp tại Sở Kế hoạch và Đầu tư (bộ phận “một cửa liên thông”). Bộ phận “một cửa liên thông” có trách nhiệm chuyển hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền. Cơ quan có thẩm quyền trực tiếp giải quyết hoặc lấy ý kiến các ngành liên quan (nếu cần thiết), thẩm định trình Uỷ ban Nhân dân tỉnh xem xét quyết định (theo phân cấp thẩm quyền được pháp luật quy định). 

Nội dung, trình tự, thời gian xem xét và thẩm định thực hiện theo Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09/08/2006 củaChính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Môi trường và Thông tư số 08/2006/TT-BTNMT ngày 08/9/2006 về «Hướng dẫn về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường».

(Nhà đầu tư có thể nộp Hồ sơ Báo cáo đánh giá tác động môi trường đồng thời với Hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đầu tư).

Bước 5. Giao đất; cho thuê đất (đối với dự án có nhu cầu thuê đất)

Sau khi được chấp thuận chủ trương, Giấy chứng nhận đầu tư và có quyết định phê duyệt địa điểm, phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng, phê duyệt thiết kế cơ sở, nhà đầu tư nộp hồ sơ xin giao đất và cho thuê đất tại bộ phận “một cửa liên thông”. Bộ phận “một cửa liên thông” có trách nhiệm chuyển hồ sơ đến Sở Tài nguyên và Môi trường. Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ xem xét, lấy ý kiến các ngành liên quan (nếu cần thiết), thẩm định trình Uỷ ban Nhân dân tỉnh xem xét quyết định và chuyển, trả hồ sơ tại bộ phận “một cửa liên thông”.

Nội dung, trình tự, thời gian xem xét và thẩm định thực hiện theo các Quy định hiện hành của Nhà nước và Uỷ ban Nhân dân tỉnh.

Công ty luật Hưng NguyênCông ty luật tại hà nội,