Công ty luật Hưng Nguyên – Theo Bộ Giao thông Vận tải, nhu cầu vốn xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông ở nước ta ngày càng tăng. Nếu như giai đoạn 2011 – 2015 cần khoảng 480 nghìn tỷ đồng, thì 5 năm tiếp theo (từ 2016 – 2020) là 730 nghìn tỷ đồng. Trong điều kiện khó khăn của kinh tế hiện nay, việc có được nguồn vốn khổng lồ như trên gặp không ít khó khăn, vì thế vấn đề mở rộng hợp tác công – tư cần được đẩy mạnh hơn nữa. Ngoài dự án Dầu Giây – Phan Thiết, một số dự án giao thông lớn khác như đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành… đang được Bộ Giao thông – Vận tải đề xuất áp dụng theo hình thức hợp tác công tư; Thành phố Đà Nẵng cũng đang đề xuất áp dụng cơ chế PPP đối với một số dự án lớn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, hợp tác công tư ở nước ta còn rất mới, hơn nữa khu vực kinh tế tư nhân chưa “mặn mà”, vì các quy định hiện hành chưa thực sự hấp dẫn họ.
Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 71 ban hành “Quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức đối tác công – tư”, được coi là cơ sở pháp lý đầu tiên, tạo điều kiện cho hợp tác công – tư được thực hiện tại Việt Nam. Theo Quyết định này, các nhà đầu tư, nhà thầu tham gia dự án sẽ được ưu đãi về một số loại thuế, được quyền mua ngoại tệ, được bảo đảm cung cấp các dịch vụ công cộng và ưu đãi vốn vay, vốn viện trợ không hoàn lại.
Theo chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ, các quy định về hợp tác công – tư cần được xây dựng theo hướng mở và năng động, minh bạch hơn, nhất là vấn đề lợi ích giữa các bên: “Chủ yếu là mối quan hệ lợi ích công và tư như thế nào, nhà đầu tư được đảm bảo lợi ích đến mức nào khi họ tham gia hợp tác công tư, thì hành lang pháp lý hiện chưa thật rõ ràng. Và thứ hai là việc định giá của nhà đầu tư phải theo thị trường, chứ không phải theo giá áp đặt, nhất là trong lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng. Sắp tới chúng ta cần cố gắng đi vào từng lĩnh vực của chính sách để đưa ra những quy định cụ thể”.
“Quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức đối tác công – tư” có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 01 năm 2011 và được thực hiện trong thời gian từ 3 đến 5 năm, trong khi chờ khi Chính phủ ban hành Nghị định về đầu tư theo hình thức đối tác công – tư thay thế. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần sớm hoàn thiện khung khổ pháp lý cho hợp tác công tư ở nước ta bằng một Nghị định hoặc một đạo luật riêng, nhằm tạo môi trường pháp lý bình đẳng, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, tư nhân và xã hội mới có thể thu hút hiệu quả nguồn vốn của khu vực kinh tế tư nhân trong hợp tác công – tư./.
Phi Long/VOV – Trung tâm Tin
Luật sư Hà Nội, Tư vấn đầu tư – Văn phòng luật sư Hưng Nguyên