Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam “mặc cả” về Quỹ Bình ổn giá?!

0
Có 1,924 lượt xem

Tồn tại hay không tồn tại Quỹ bình ổn giá xăng dầu (QBO) là vấn đề đã “hút” được nhiếu ý kiến tại Hội thảo về Dự thảo Nghị định 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, do Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) tổ chức sáng qua – 17/5, tại Hà Nội.

Điệp khúc “lên nhanh, xuống chậm”

Bất cập về sự tồn tại của QBO giá xăng dầu được các chuyên gia tham gia Hội thảo “phơi bày” không thương tiếc, đó là việc trích lập QBO thông qua giá bán lẻ là thiếu hợp lý, không làm rõ các nguyên tắc quản lý quỹ và việc sử dụng không minh bạch, không đúng thời điểm, quá lạm dụng QBO để điều tiết giá bán lẻ, gây ra những cú sốc không cần thiết, gây bức xúc trong xã hội và chưa tạo được sự đồng thuận trong xã hội.

Nguyên nhân được xác định là do không thực hiện việc ổn định nhập khẩu như quy định tại Điều 25 và sử dụng thuế nhập khẩu như một công cụ thường xuyên điều chỉnh giá bán lẻ, làm giá bán lẻ xăng dầu trong nước không vận hành theo giá thị trường là nguyên nhân dẫn đến tình trạng khi tăng thì tăng cao, tăng nhanh nhưng khi giảm thì giảm nhỏ giọt khiến dư luận không đồng tình. Do đó, Khoản 2 Điều 26 Dự thảo Nghị định 84 sửa đổi đưa ra hai phương án bỏ QBO hay không bỏ QBO?

Mặc dù “dòng trên” thì Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đề xuất hai phương án, song “dòng dưới” Hiệp hội hoàn toàn nhất trí với phương án 1: nếu QBO giá vẫn tiếp tục được sử dụng thì nên đổi tên là Quỹ Dự trữ tài chính. Thủ tướng sẽ ban hành Quyết định riêng quy định nguyên tắc trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ.

Nếu QBO tiếp tục được duy trì và Nhà nước tiếp tục sử dụng thuế nhập khẩu như một công cụ điều tiết giá bán lẻ thì sẽ sửa đổi như sau: “Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở giảm trên 6% so với giá bán lẻ hiện hành, sau khi cơ quan có thẩm quyền áp dụng các giải pháp điều tiết về tài chính (phần vượt trên 6%) theo quy định của pháp luật (thuế nhập khẩu, QBO giá…), thương nhân đầu mối tiếp tục giảm giá bán lẻ của mình, không hạn chế khoảng thời gian giữa hai lần và số lần giảm giá”.

Còn trong trường hợp giá xăng dầu thế giới tăng, thì Hiệp hội kiến nghị sẽ sửa đổi như sau: “Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trong khoảng dưới 3%  so với giá bán lẻ hiện hành thì doanh nghiệp được quyền chủ động tăng giá tương ứng”.

Dư luận “bật cười” bởi khoảng chênh lệch khi giá thế giới giảm tới trên 6% thì giá xăng dầu trong nước mới được điều chỉnh, còn khi giá thế giới tăng dưới 3% DN đã có quyền chủ động tăng giá tương ứng. Vậy mà, các DN xăng dầu luôn miệng hướng tới “đảm bảo lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người sử dụng, tạo điều kiện để người sử dụng có được các thông tin minh bạch về giá bán lẻ xăng dầu”.

“Bình mới, rượu cũ”

Đặc biệt, Điều 27 Nghị định 84 về giá bán xăng dầu được đưa ra bàn thảo nhiều. Dù trong Dự thảo sửa đổi Điều 27 đưa ra ba phương án, song nhiều đại biểu tham gia Hội thảo đều “nghiêng về” phương án thứ nhất, vì họ cho rằng “tính khả thi cao nhất”.

Cụ thể, phương án 1 như sau: “Thời gian giữa hai lần điều chỉnh giá liên tiếp tối thiểu là 15 ngày dương lịch đối với trường hợp tăng giá, tối đa là 15 ngày dương lịch đối với trường hợp giảm giá, khi điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu, thương nhân đầu mối đồng thời phải gửi quyết định giá và phương án giá của mình đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Căn cứ tình hình kinh tế – xã hội, giá xăng dầu thế giới của từng thời kỳ, Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh các quy định nêu tại Điều này; giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp Bộ Công Thương quyết định biện pháp bình ổn giá và thời hạn áp dụng biện pháp bình ổn giá”.

Cơ bản, phương án 1 này cũng tương đồng như Nghị định 84, chỉ khác là Nghị định 84 cho phép thời gian điều chỉnh giá là 10 ngày, thì Dự thảo sửa đổi Nghị định 84, điều chỉnh là 15 ngày.

Trong khi đó, đó là tính đến ngày 28/3/2013, tổng số dư QBO giá xăng dầu đã âm tới 524 tỷ đồng.

Theo Mai Hoa – (phapluatvn.vn)