Hàng hóa kém chất lượng, trách nhiệm thuộc về ai?

0
Có 2,406 lượt xem

Big C được coi là một trong những hệ thống siêu thị lớn nhất toàn quốc. Vậy nhưng, vấn đề đảm bảo chất lượng hàng hóa của hệ thống siêu thị này ngày càng khiến người tiêu dùng hoang mang. Liên quan đến vấn đề này, Thời báo Đông Nam Á đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Văn Nguyên (Giám đốc công ty Luật Hưng Nguyên, Đoàn luật sư TP.HN).

Gần đây, trên các hệ thống siêu thị của Big C, người tiêu dùng phát hiện rất nhiều những hàng hóa kém chất lượng, thậm chí có cả sản phẩm quá hạn sử dụng. Trong đó, vụ việc big C bán thịt heo nghi nhiễm bệnh lợn gạo tại Big C Gò Vấp (TP.HCM) và  sữa chua, nước ép hoa quả quá hạn tại các hệ thống Big C Thăng Long, Big C Thanh Hóa khiến nhiều khách mua hàng bức xúc và muốn nhận được một lời giải thích thỏa đáng từ phía cơ quan có trách nhiệm.

Tuy nhiên, đến nay điều mà người tiêu dùng nhận được chỉ là sự đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan. Trách nhiệm về việc quyền lợi của người tiêu dùng đang bị xâm hại sẽ thuộc về ai, về phía nào?

Liên quan đến vấn đề này, Thời báo Đông Nam Á đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Văn Nguyên (Giám đốc công ty Luật Hưng Nguyên, Đoàn luật sư TP.HN):

Vâng, thưa luật sư, việc Big C Gò Vấp bán thịt heo nghi nhiễm bệnh lợn gạo và Big C Thăng Long, Big C Thanh Hóa bán sữa chua, nước ép hoa quả quá hạn có phải là hành vi vi phạm pháp luật? Và nếu có thì trách nhiệm sẽ thuộc về phía nào?

“Theo quy định của luật bảo vệ người tiêu dùng năm 2011, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, nguồn gốc, nhãn mác xuất xứ của hàng hóa, dịch vụ đó. Luật cũng quy định khi phát hiện hàng hóa không đảm bảo các yêu cầu chất lượng, “hàng hóa bị khuyết tật” thì tổ chức, cá nhân kinh doanh sẽ phải có trách nhiệm thu hồi theo điều 22 và điều 11 luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Luật cũng trao quyền năng cho người tiêu dùng, khi bị xâm phạm thì có quyền khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại khi quyền và lợi ích hợp pháp trong lĩnh vực tiêu dùng của mình bị xâm phạm.

Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2011 cũng giao trách nhiệm quản lý nhà nước, thanh tra, phát hiện, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho cơ quan quản lý có thẩm quyền. Vì vậy các cơ quan này có nghĩa vụ phát hiện và kịp thời xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực được phân công trách nhiệm quản lý nhà nước.”

Thưa luật sư, vậy luật sư có thể phân tích làm rõ các dấu hiệu vi phạm pháp luật và mức phạt cho các hành vi vi phạm đó?

“Dấu hiệu vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là: Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, cung ứng các hàng hóa, dịch vụ không đúng, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc các nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết với người tiêu dùng.

Hiện nay việc xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là lĩnh vực rộng lớn, liên quan đến các luật chuyên ngành khác, tuy nhiên về cơ bản được quy định trong luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dụng năm 2011, luật xử lý vi phạm hành chính năm 2013 và được quy định cụ thể một số trường hợp vi phạm trong Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013, có hiệu lực từ ngày 01/01/2014 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.”

Một lần nữa cảm ơn Luật sư Nguyễn Văn Nguyên!

Điều 22 luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2011 quy định. Trách nhiệm thu hồi hàng hóa có khuyết tật“Khi phát hiện hàng hóa có khuyết tật, tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa có trách nhiệm:1. Kịp thời tiến hành mọi biện pháp cần thiết để ngừng việc cung cấp hàng hóa có khuyết tật trên thị trường;2. Thông báo công khai về hàng hóa có khuyết tật và việc thu hồi hàng hóa đó ít nhất 05 số liên tiếp trên báo ngày hoặc 05 ngày liên tiếp trên đài phát thanh, truyền hình tại địa phương mà hàng hóa đó được lưu thông với các nội dung sau đây:a) Mô tả hàng hóa phải thu hồi;
b) Lý do thu hồi hàng hóa và cảnh báo nguy cơ thiệt hại do khuyết tật của hàng hóa gây ra;
c) Thời gian, địa điểm, phương thức thu hồi hàng hóa;
d) Thời gian, phương thức khắc phục khuyết tật của hàng hóa;
đ)  Các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong quá trình thu hồi hàng hóa;3. Thực hiện việc thu hồi hàng hóa có khuyết tật đúng nội dung đã thông báo công khai và chịu các chi phí phát sinh trong quá trình thu hồi;4. Báo cáo kết quả cho cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cấp tỉnh nơi thực hiện thu hồi hàng hóa có khuyết tật sau khi hoàn thành việc thu hồi; trường hợp việc thu hồi hàng hóa có khuyết tật được tiến hành trên địa bàn từ hai tỉnh trở lên thì báo cáo kết quả cho cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở trung ương”.Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ mà cố tình vi phạm gây thiệt hại cho sức khỏe, tài sản, quyền lợi của người tiêu dùng thì tùy theo tính chất mức độ vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu TNHS theo quy định tại điều 11 luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2011. Cụ thể:
Điều 11. Xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng1. Cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.2. Tổ chức vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.3. Cá nhân lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.4. Chính phủ quy định chi tiết việc xử phạt vi phạm hành chính trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”.

Theo Seatimes.com.vn