Công ty luật tư vấn thủ tục trợ giúp pháp lý

0
Có 2,220 lượt xem
thủ tục trợ giúp pháp lý

Câu hỏi : Những thủ tục gì để được trợ giúp pháp lý

Luật sư tư vấn công ty luật trả lời:

Theo quy định tại Luật trợ giúp pháp lý và các văn bản hướng dẫn thi  hành, khi có nhu cầu, người thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý thực hiện các thủ tục sau:

– Nộp đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý (đơn theo mẫu do tổ chức trợ giúp pháp lý cung cấp hoặc tự viết đơn có chữ ký hoặc điểm chỉ).

Trong trường hợp người được trợ giúp pháp lý không thể tự mình viết đơn yêu cầu thì người thực hiện trợ giúp pháp lý có trách nhiệm ghi các nội dung vào mẫu đơn, để họ tự đọc hoặc đọc lại cho họ nghe và yêu cầu họ ký tên hoặc điểm chỉ. Nếu người có yêu cầu trợ giúp không đến được mà có người đại diện, người giám hộ đến thay thì người đại diện, người giám hộ ký tên hoặc điểm chỉ vào đơn. Người đến thay phải xuất trình Giấy chứng minh nhân dân của mình hoặc giấy uỷ quyền có ký xác nhận của người có yêu cầu. Người nộp đơn thay ghi rõ họ, tên, số Giấy chứng minh nhân dân, địa chỉ cư trú và ký tên vào Sổ theo dõi, tổng hợp vụ việc trợ giúp pháp lý.

Đơn được nộp trực tiếp tại trụ sở hoặc địa điểm làm việc của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý (Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật tham gia trợ giúp pháp lý) hoặc nộp trực tiếp cho người thực hiện trợ giúp pháp lý (trong trường hợp thực hiện trợ giúp pháp lý bên ngoài trụ sở) hoặc được gửi đến tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý qua thư tín hoặc bằng các hình thức khác.

– Nộp giấy tờ chứng minh là người thuộc diện được trợ giúp pháp lý (trong trường hợp là thương binh thì nộp Giấy chứng nhận thương binh).

–  Cung cấp các giấy tờ, tài liệu có liên quan đến vụ việc.

Người có yêu cầu phải cung cấp các giấy tờ, tài liệu có liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý (nếu có). Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý chỉ nhận đơn và bản sao (không cần chứng thực) các giấy tờ, tài liệu có liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý để lưu trữ trong hồ sơ vụ việc và không hoàn trả lại. Trong trường hợp cần thiết, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý đề nghị người có yêu cầu cung cấp bản chính để đối chiếu. Người có yêu cầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của các giấy tờ, tài liệu có liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý.

Sau khi nhận đủ các giấy tờ của người có yêu cầu trợ giúp pháp lý, tổ chức trợ giúp pháp lý sẽ tiến hành trợ giúp pháp lý thông qua các hình thức tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng và các hình thức trợ giúp pháp lý khác.

Văn phòng luật sư Hưng Nguyên