Liên quan đến vụ 4 “ông lớn” đồng loạt tăng giá sữa, nhiều người đang băn khoăn về những vấn đề pháp lý của vụ việc này. Thời báo Đông Nam Á đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc công ty luật Hưng Nguyên.
PV: Thưa luật sư, luật sư có thể cho biết, vụ việc 4 “ông lớn” trong ngành sữa đồng loạt tăng giá trong thời gian gần đây có dấu hiệu vi phạm pháp luật không?
Theo thông tin báo chí, truyền thông phản ánh thì việc các doanh nghiệp kinh doanh sữa đồng loạt nâng giá sữa bản thân tôi thấy có nhiều dấu hiệu vi phạm luật và ảnh hưởng đến quyền lợi trực tiếp của người tiêu dùng, cụ thể: Theo quy định của luật giá năm 2012 thì tổ chức sản xuất kinh doanh phải có nghĩa vụ niêm yết công khai, không gây nhầm lẫn về giá cả.
Cũng theo quy định của luật giá năm 2012 thì cơ quan nhà nước có quyền hiệp thương giá với các bên có liên quan để đưa ra mức giá phù hợp với yếu tố thị trường và trong quy định của luật pháp.Tổ chức kinh doanh hàng hóa, cung ứng dịch vụ phảiđăng ký giá với cơ quan quản lý nhà nước, thực hiện niêm yết giá theo quy định của luật giá năm 2012.
Như vậy hành vi tự ý nâng giá sữa là có dấu hiệu thiếu minh bách và nếu không giải trình được đầy đủ căn cứ cơ sở thì đó là vi phạm pháp luật cạnh tranh, luật giá năm 2012.
PV: Thưa luật sư, luật sư có thể chia sẻ, hiện nay liên quan đến vấn đề tăng giá này có những quy định pháp luật nào điều chỉnh?
Nếu việc các doanh nghiệp tự ý nâng giá bán sữa, không tuân thủ quy định về đăng ký giá, niêm yết giá theo quy định của luật giá năm 2012, có dấu hiệu không minh bạch, trong thỏa thuận để thống lĩnh thị trường, làm giá thì các doanh nghiệp còn vi phạm Điều 8 luật cạnh tranh 2004.
Cụ thể vi phạm các thỏa thuận: Các thoả thuận hạn chế cạnh tranh trong đó có hành vi thỏa thuận ấn định giá hàng hóa dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, thỏa thuận phân chia thị trường tiêu thụ, nguồn cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ…
Khoản 2, Điều 11, luật cạnh tranh 2004, cũng quy định dấu hiệu nhận biết nhóm các doanh nghiệp thống lĩnh thị trường, cụ thể: Nhóm doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu cùng hành động nhằm gây hạn chế cạnh tranh và thuộc một trong các trường hợp hai doanh nghiệp có tổng thị phần từ 50% trở lên trên thị trường liên quan; Ba doanh nghiệp có tổng thị phần từ 65% trở lên trên thị trường liên quan; Bốn doanh nghiệp có tổng thị phần từ 75% trở lên trên thị trường liên quan”.
Điều 58 luật cạnh tranh năm 2004 quy định, khi người tiêu dùng là tổ chức, cá nhân phát hiện hoặc có căn cứ cho rằng quyền và lợi ích của mình bị xâm hại bởi hành vi vi phạm luật cạnh tranh thì có quyền khiếu nại lên cơ quan quản lý cạnh tranh.
PV: Vâng, luật sư có thể cho biết đối với doanh nghiệp vi phạm thì chế tài xử lý cụ thể như thế nào thưa luật sư?
Hành vi vi phạm luật cạnh tranh, tự ý nâng giá sản phẩm, gây thiệt hại cho người tiêu dùng có thể bị xử lý theo quy định tại Điều 11, Luật bảo vệ người tiêu dùng có hiệu lực năm 2011, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể Điều 11, luật bảo vệ người tiêu dùng năm 2011 quy định: Xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dung:
“1. Cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
2. Tổ chức vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
3. Cá nhân lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Trước đó, như chúng tôi đã đưa tin tại cuộc họp chính phủ ngày 28/2, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã đề nghị Bộ Công thương cùng các bộ liên quan cần bám sát, yêu cầu giải trình việc “4 ông lớn” trong ngành sữa đã đồng loạt tăng giá sản phẩm dành cho trẻ dưới 6 tuổi.
4 hãng sữa lớn nhất ở Việt Nam gồm Vinamilk của nội địa, và 3 hãng nước ngoài Mead Johnson Nutrition, Nestlé Việt Nam, Friesland Campina. Cả 4 hãng này đều đồng loạt tăng giá sữa cho trẻ dưới 6 tuổi.
Điều đáng nói là các hãng sữa không hề có một thông báo tăng giá bằng văn bản nào gửi các cửa hàng. Giải trình với Cục Quản lý giá, nguyên nhân các hãng sữa đưa ra cho đợt điều chỉnh giá lần này chủ yếu là do tăng chi phí nguyên vật liệu đầu vào, tăng giá nhập khẩu các sản phẩm.
Mời quý vị xem video:
Theo Seatimes
CÔNG TY LUẬT HƯNG NGUYÊN