Tháo gỡ để thu hút đầu tư FDI

Luật sư  tại Hà Nội – Trong 9 tháng đầu năm, các khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX, KCN) trên địa bàn TP HCM (Hepza) có tổng vốn thu hút đầu tư (kể cả cấp mới và tăng vốn) đạt hơn 480 triệu USD (tăng 48,22% so cùng kỳ). Trong đó, tổng vốn thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đạt hơn 341,39 USD (tăng 114,27% so cùng kỳ) trong khi vốn thu hút mới của DN trong nước chỉ đạt 138,8 triệu USD (giảm 15,69% so cùng kỳ).

Trong đó, vốn thu hút vào các KCX, KCN chủ yếu tập trung vào các DN thuộc khối FDI. Dẫn đầu các quốc gia đầu tư là Nhật Bản với 4 dự án có tổng vốn 31,95 triệu USD (chiếm 50,24% vốn đầu tư); Tiếp đến là Singapore với 3 dự án, với tổng vốn 16,75 triệu USD (chiếm 26,34% vốn đầu tư).

Còn lại là Úc, Đài Loan, Đức, Thụy Điển, Mỹ, Đan Mạch và Hàn Quốc. Các ngành nghề được các DN thuộc khối FDI đặc biệt quan tâm đầu tư gồm: dược phẩm, nhựa, cơ khí, may mặc, thực phẩm. Trong quá trình hoạt động, kim ngạch xuất khẩu (XK) của các DN trong các KCX, KCN đã tăng trưởng mạnh, đạt mức 3,4 tỷ USD (tăng 6,2% so cùng kỳ năm 2012) chủ yếu thuộc về các DN khối FDI, trong khi đó kim ngạch nhập khẩu (NK) chỉ đạt 2,5 tỷ USD (giảm 10,7% so cùng kỳ).

Về vấn đề này, theo giải thích của ông Hồ Xuân Lâm – Chánh văn phòng Ban quản lý Hepza: Nguyên nhân NK giảm là do nhiều DN có vốn đầu tư trong nước gặp khó khăn về thị trường, không có đơn hàng, chi phí sản xuất đầu vào tăng cao nên tạm ngưng, giãn tiến độ sản xuất hoặc thu hẹp sản xuất và ngưng NK nguyên vật liệu để sản xuất. Còn XK tăng là do DN khối FDI phát triển ổn định, ít bị ảnh hưởng bởi suy giảm kinh tế, vẫn đảm bảo tăng trưởng sản xuất.

DN có vốn đầu tư nước ngoài mở rộng hoạt động, giải quyết công ăn việc làm cho nhiều người lao động.

Thực trạng trên cho thấy, do tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, các DN trong nước rất chật vật để tồn tại vì phần lớn các DN là nhỏ và vừa. Theo thông tin từ Hepza, không chỉ giảm về đầu tư mới mà kể cả các DN đang hoạt động cũng giải thể, ngưng hoạt động khiến hơn 1.000 công nhân mất việc, chủ yếu tập trung ở các DN trong nước.

Trong 9 tháng đầu năm, có 20 dự án khó khăn phải tạm ngưng hoạt động hoặc ngưng hoạt động gồm 13 dự án FDI và 7 dự án trong nước; 21 dự án thanh lý, giải thể trước thời hạn gồm 5 dự án FDI và 16 dự án trong nước. Đa số các dự án thanh lý trước thời hạn là do các DN thuê lại nhà xưởng của các DN khác để hoạt động, chi phí thuê nhà xưởng tăng cao, trong khi hoạt động của DN không hiệu quả; 35 dự án gặp khó khăn phải giảm 20 – 30% công suất gồm 15 DN FDI và 20 DN trong nước, tập trung các ngành: VLXD, hàng trang trí nội thất, thiết bị điện, may mặc…

Trong khi các DN trong nước đang đối mặt với nhiều khó khăn như vậy nhưng DN khối FDI vẫn phát triển tốt và đóng góp rất lớn vào sự tăng trưởng kim ngạch XK, giải quyết được công ăn việc làm cho người lao động. Vì vậy, song song với việc thu hút các DN trong nước thì việc thu hút đầu FDI vẫn đang được các KCX, KCN đặc biệt quan tâm.

Hiện, tổng diện tích đất cho thuê của 15 KCX, KCN đạt tỷ lệ lấp đầy 73%. Trong đó, 12 KCX, KCN hiện hữu có tỷ lệ lấp đầy đạt 98%, còn 3 KCN (An Hạ, Tân Phú Trung, Đông Nam) tỷ lệ lấp đầy chỉ mới đạt 20% và đang hoàn thiện hạ tầng. Ông Hồ Xuân Lâm – Chánh văn phòng Ban quản lý Hepza cũng cho rằng: Việc thu hút đầu tư vào các KCX, KCN gặp khó khăn là giá thuê đất khá cao so với các tỉnh lân cận; TP. Hồ Chí Minh không còn ưu đãi về thuế… nên khó thu hút đầu tư vào KCX, KCN trong tình hình khó khăn như hiện nay.

Theo đánh giá của Hepza thì trong năm 2013, vốn đầu tư FDI chủ yếu là do một số dự án mở rộng đầu tư, còn các dự án cấp phép mới đa số có quy mô vốn vừa và nhỏ. Trước tình hình khó khăn trên, để hỗ trợ DN hoạt động trong KCX, KCN, trong thời gian tới Hepza sẽ tổ chức kết nối DN có nhu cầu vay vốn với ngân hàng thương mại để gỡ khó khăn về vốn cho DN. Đồng thời, hỗ trợ DN tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, cũng như đối thoại với lãnh đạo TP. Trong những tháng cuối năm, Hepza tiếp tục rà soát tiến độ triển khai, khó khăn, vướng mắc của các KCN mới và mở rộng để tiếp tục thu hút đầu tư. Đồng thời, tăng cường cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục hành chính…

Thúy Hà (CAND)

Công ty luật Hưng Nguyên

Hoàn thiện khung pháp lý PPP

Công ty luật Hưng Nguyên – Theo Bộ Giao thông Vận tải, nhu cầu vốn xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông ở nước ta ngày càng tăng. Nếu như giai đoạn 2011 – 2015 cần khoảng 480 nghìn tỷ đồng, thì 5 năm tiếp theo (từ 2016 – 2020) là 730 nghìn tỷ đồng. Trong điều kiện khó khăn của kinh tế hiện nay, việc có được nguồn vốn khổng lồ như trên gặp không ít khó khăn, vì thế vấn đề mở rộng hợp tác công – tư cần được đẩy mạnh hơn nữa. Ngoài dự án Dầu Giây –  Phan Thiết, một số dự án giao thông lớn khác như đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành… đang được Bộ Giao thông – Vận tải đề xuất áp dụng theo hình thức hợp tác công tư;  Thành phố Đà Nẵng cũng đang đề xuất áp dụng cơ chế PPP đối với một số dự án lớn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, hợp tác công tư ở nước ta còn rất mới, hơn nữa khu vực kinh tế tư nhân chưa “mặn mà”, vì các quy định hiện hành chưa thực sự hấp dẫn họ.

Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 71 ban hành “Quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức đối tác công – tư”, được coi là cơ sở pháp lý đầu tiên, tạo điều kiện cho hợp tác công – tư được thực hiện tại Việt Nam. Theo Quyết định này, các nhà đầu tư, nhà thầu tham gia dự án sẽ được ưu đãi về một số loại thuế, được quyền mua ngoại tệ, được bảo đảm cung cấp các dịch vụ công cộng và ưu đãi vốn vay, vốn viện trợ không hoàn lại.

Theo chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ, các quy định về hợp tác công – tư cần được xây dựng theo hướng mở và năng động, minh bạch hơn, nhất là vấn đề lợi ích giữa các bên: “Chủ yếu là mối quan hệ lợi ích công và tư như thế nào, nhà đầu tư được đảm bảo lợi ích đến mức nào khi họ tham gia hợp tác công tư, thì hành lang pháp lý hiện chưa thật rõ ràng. Và thứ hai là việc định giá của nhà đầu tư phải theo thị trường, chứ không phải theo giá áp đặt, nhất là trong lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng. Sắp tới chúng ta cần cố gắng đi vào từng lĩnh vực của chính sách để đưa ra những quy định cụ thể”.

“Quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức đối tác công – tư” có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 01 năm 2011 và được thực hiện trong thời gian từ 3 đến 5 năm, trong khi chờ khi Chính phủ ban hành Nghị định về đầu tư theo hình thức đối tác công – tư thay thế. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần sớm hoàn thiện khung khổ pháp lý cho hợp tác công tư ở nước ta bằng một Nghị định hoặc một đạo luật riêng, nhằm tạo môi trường pháp lý bình đẳng, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, tư nhân và xã hội mới có thể thu hút hiệu quả nguồn vốn của khu vực kinh tế tư nhân trong hợp tác công – tư./.

Phi Long/VOV – Trung tâm Tin

Luật sư Hà Nội, Tư vấn đầu tư – Văn phòng luật sư Hưng Nguyên

Tổng quan về quá trình hình thành các vùng kinh tế trọng điểm

Một trong những nhân tố đột phá then chốt để đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước là có những chính sách hợp lý nhằm đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, bao gồm cơ cấu ngành, cơ cấu thành phần kinh tế và cơ cấu vùng kinh tế. Yêu cầu đổi mới cơ cấu kinh tế của đất nước là một yêu cầu khách quan cấp thiết trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập kinh tế quốc tế. 

Từ nghiên cứu các đặc điểm về vị trí địa lý; điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên; đặc điểm và thực trạng kinh tế – xã hội của mỗi tỉnh/thành phố trong cả nước; các yếu tố tác động từ bên ngoài đến nền kinh tế của đất nước như: bối cảnh kinh tế, chính trị, văn hoá – xã hội của các nước trong khu vực và trên thế giới cũng như xu hướng toàn cầu hoá nhằm rút ra kết luận về những lợi thế, thời cơ phát triển cũng như những hạn chế, thách thức đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của mỗi tỉnh/thành phố trong cả nước nhằm giúp cho việc hoạch định những chính sách phát triển mang tính đột phá trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế quốc dân.

Để thúc đẩy sự phát triển chung của cả nước cũng như tạo mối liên kết và phối hợp trong phát triển kinh tế – xã hội giữa các vùng kinh tế, Chính phủ Việt Nam đã và đang cố gắng lựa chọn một số tỉnh/ thành phố để hình thành nên vùng kinh tế trọng điểm quốc gia có khả năng đột phá, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của cả nước với tốc độ cao và bền vững, tạo điều kiện nâng cao mức sống của toàn dân và nhanh chóng đạt được sự công bằng xã hội trong cả nước. Việc hình thành các vùng kinh tế trọng điểm là nhằm đáp ứng những nhu cầu của thực tiễn nói chung và đỏi hỏi của nền kinh tế nước ta nói riêng.

Theo hướng đó, cuối năm 1997 và đầu năm 1998, Thủ tướng Chính phủ đã lần lượt phê duyệt các quyết định số 747/1997/QĐ-TTg, 1018/1997/QĐ-TTg và Quyết định số 44/1998/QĐ-TTg về Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội ba vùng kinh tế trọng điểm quốc gia đến năm 2010, bao gồm vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, Trung bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trong 3 vùng kinh tế trọng điểm này, có 13 tỉnh/thành phố được xếp vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội các vùng kinh tế trọng điểm.

Bảng 1. Số tỉnh được xếp vào vùng kinh tế trọng điểm theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ năm 1997 và năm 1998

I-Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ

1

Hà Nội

2

Hưng Yên

3

Hải Phòng

4

Quảng Ninh

5

Hải Dương

II- Vùng kinh tế trọng điểm Trung bộ

1

Thừa Thiên – Huế

2

Đà Nẵng

3

Quảng Nam

4

Quảng Ngãi

III- Vùng kinh tế trọng điểm Nam bộ

1

TP. Hồ Chí Minh

2

Bình Dương

3

Bà Rịa -Vũng Tàu

4

Đồng Nai

Tổng số: 13

 

Trong Hội nghị các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm Nam bộ ngày 20-21/6/2003, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định mở rộng ranh giới của vùng. Văn phòng Chính phủ sau đó đã ra Thông báo số 99/TB-VPCP ngày 02/7/2003 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào vùng kinh tế trọng điểm Nam bộ thêm 3 tỉnh: Tây Ninh, Bình Phước, Long An. Tổng diện tích vùng kinh tế trọng điểm sau khi bổ sung là 23.994,2 km2, bằng 7,3% diện tích cả nước. Dân số (tính đến năm 2002) là 12,3 triệu người, bằng 15,4% so với cả nước.

Trong Hội nghị các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ ngày 14-15/7/2003, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định mở rộng ranh giới của vùng; sau đó Văn phòng Chính phủ đã ra thông báo số 108/TB-VPCP ngày 30/7/2003 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị, trong đó có quyết định “Đồng ý bổ sung 3 tỉnh: Hà Tây, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc vào vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ”. Tổng diện tích vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ sau khi bổ sung là 15.277 km2, bằng 4,64% diện tích và dân số (tính đến năm 2002) là 13,035 triệu người, bằng 16,35% so với cả nước.    

Vùng kinh tế trọng điểm Trung bộ, theo quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ số 1018/1997/QĐ-TTg ngày 29/11/1997, gồm thành phố Đà Nẵng và các tỉnh Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Nay quy mô của vùng được mở rộng thêm tỉnh Bình Định. Như vậy, vùng có diện tích tự nhiên 27.879 km2, dân số năm 2002 có khoảng 6 triệu người, chiếm 8,47% về diện tích tự nhiên và khoảng 7,49% dân số so với cả nước.

Sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong những năm vừa qua có được sự tăng trưởng cao và ổn định là do đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Song sự tăng trưởng đó một phần là do sự tác động qua lại không chỉ giữa các vùng kinh tế trọng điểm mà còn do những tác nhân quan trọng khác như: hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông bao gồm: đường bộ, đường thuỷ, sân bay, các bến, cảng v.v trong các vùng kinh tế trọng điểm và các tỉnh/ thành phố trong cả nước nhằm mục tiêu tác động cùng phát triển…

Trong quá trình hình thành và phát triển, các vùng kinh tế trọng điểm đang phát huy lợi thế, tạo nên thế mạnh của mình theo cơ cấu kinh tế mở, gắn với nhu cầu thị trường trong và ngoài nước, và không chỉ tạo ra động lực thúc đẩy sự chuyển dịch nhanh cơ cấu nền kinh tế quốc dân theo chiều hướng tích cực mà còn góp phần ổn định nền kinh tế vĩ mô, đặc biệt là hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của các tỉnh lân cận trong vùng. Nhà nước tiếp tục thúc đẩy các vùng kinh tế trọng điểm phát huy vai trò đầu tàu tăng trưởng nhanh, đồng thời tạo điều kiện và đầu tư thích đáng hơn cho vùng nhiều khó khăn. Thống nhất quy hoạch phát triển trong cả nước, giữa các vùng, tỉnh, thành phố, tạo sự liên kết trực tiếp về sản xuất, thương mại, đầu tư, giúp đỡ kỹ thuật về nguồn nhân lực, nâng cao trình độ dân trí và đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của vùng và khu vực, gắn chặt phát triển kinh tế – xã hội với bảo vệ, cải thiện môi trường và quốc phòng an ninh.

Nhận thức được vị trí, vai trò và tầm quan trọng của các vùng kinh tế trọng điểm trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước; để đảm bảo cho sự vận hành về phát triển kinh tế của từng vùng cũng như giữa các vùng một cách hiệu quả, ngày 18 tháng 02 năm 2004, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 20/2004/QĐ-TTg về việc thành lập Tổ chức điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm ở cấp Trung ương. Cơ cấu, bộ máy của Tổ chức điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm bao gồm: Ban Chỉ đạo điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) và các Tổ điều phối của các Bộ, ngành và địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm.

Ngày 13 tháng 8 năm 2004, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Quyết định số 145, 146, 148/2004/QĐ-TTg về phương hướng chủ yếu phát triển kinh tế -xã hội vùng kinh tế trọng điểm đến năm 2010 và tầm nhìn năm 2020. Trong các quyết định này, quy mô của các vùng kinh tế trọng điểm đã được mở rộng thêm 7 tỉnh gồm Hà Tây, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh (Bắc bộ); Bình Định (Trung bộ) và Tây Ninh, Bình Phước, Long An (Nam bộ). Đồng thời, các quyết định này cũng thay thế cho các quyết định số 747/1997/QĐ-TTg, 1018/1997/QĐ-TTg và Quyết định số 44/1998/QĐ-TTg đã ban hành năm 1997 và năm 1998.

Bảng 2: Số tỉnh được xếp vào các vùng kinh tế trọng điểm theo các Quyết định 145, 146, 148/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ:

I-Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ

1

Hà Nội

2

Hưng Yên

3

Hải Phòng

4

Quảng Ninh

5

Hải Dương

6

Hà Tây

7

Bắc Ninh

8

Vĩnh Phúc

II- Vùng kinh tế trọng điểm Trung bộ

1

Thừa Thiên – Huế

2

Đà Nẵng

3

Quảng Nam

4

Quảng Ngãi

5

Bình Định

III- Vùng kinh tế trọng điểm Nam bộ

1

TP. Hồ Chí Minh

2

Bình Dương

3

Bà Rịa – Vũng Tàu

4

Đồng Nai

5

Tây Ninh

6

Bình Phước

7

Long An

Tổng số: 20

 

Nhằm tạo ra sự thống nhất, đồng bộ để đạt được hiệu quả cao trong phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường và bảo đảm quốc phòng, an ninh của các vùng kinh tế trọng điểm, thực hiện thành công định hướng phát triển của các vùng kinh tế trọng điểm được xác định trong Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội; chủ trương, chính sách, đường lối phát triển kinh tế – xã hội của Đảng và Nhà nước về phát triển ba vùng kinh tế trọng điểm ở nước ta, ngày 10 tháng 10 năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 159/2007/QĐ-TTg, ban hành Quy chế phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương đối với các vùng kinh tế trọng điểm. Theo Quyết định này, quy mô của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam được mở rộng, bao gồm các tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước, Long An, Tiền Giang.

Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XII, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 15/2008/QH12 về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan. Theo đó, từ ngày 1 tháng 8 năm 2008, hợp nhất toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của tỉnh Hà Tây vào thành phố Hà Nội. Như vậy, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ bao gồm 7 tỉnh: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh.

Ngày 16 tháng 4 năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án thành lập vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long gồm 4 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là: thành phố Cần Thơ, tỉnh An Giang, tỉnh Kiên Giang và tỉnh Cà Mau. Theo đó, xây dựng Vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long trở thành vùng phát triển năng động, có cơ cấu kinh tế hiện đại, có đóng góp ngày càng lớn vào nền kinh tế của đất nước, góp phần quan trọng vào việc xây dựng cả vùng đồng bằng sông Cửu Long giàu mạnh, các mặt văn hoá, xã hội tiến kịp mặt bằng chung của cả nước; bảo đảm ổn định chính trị và an ninh quốc phòng vững chắc.

Bảng 3: Số tỉnh được xếp vào các vùng kinh tế trọng điểm cho đến nay:

I – Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ

1

Hà Nội

2

Hưng Yên

3

Hải Phòng

4

Quảng Ninh

5

Hải Dương

6

Bắc Ninh

7

Vĩnh Phúc

II- Vùng kinh tế trọng điểm Trung bộ

1

Thừa Thiên – Huế

2

Đà Nẵng

3

Quảng Nam

4

Quảng Ngãi

5

Bình Định

III- Vùng kinh tế trọng điểm Nam bộ

1

TP. Hồ Chí Minh

2

Bình Dương

3

Bà Rịa – Vũng Tàu

4

Đồng Nai

5

Tây Ninh

6

Bình Phước

7

Long An

8

Tiền Giang

IV- Vùng kinh tế trọng điểm

vùng đồng bằng sông Cửu Long

1

  TP. Cần Thơ

2

  An Giang

3

  Kiên Giang

4

  Cà Mau

Tổng số: 24

Tiến tới bộ TTHC trong thực hiện dự án đầu tư

Dự kiến, đến năm 2015, một bộ thủ tục đầu tư thống nhất, tinh gọn, minh bạch sẽ được ban hành giúp doanh nghiệp giảm tải được nhiều rủi ro trong các khâu pháp lý.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường phát biểu tại hội thảo. Ảnh: VGP/Hồng Hạnh

Ngày 13/9 tại Đà Nẵng, Hội đồng Tư vấn cải cách Thủ tục hành chính, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Bộ Tư pháp) và Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) phối hợp tổ chức Hội thảo bàn về một số giải pháp cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC) trong thực hiện dự án đầu tư.

Dự Hội thảo có Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường và lãnh đạo chính quyền, doanh nghiệp, nhà đầu tư, văn phòng luật sư các tỉnh thành Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam.

Những năm qua, tuy Chính phủ và các bộ, ngành luôn liên tục thúc đẩy quá trình CCTTHC, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư, nhưng vẫn còn rất nhiều vấn đề bất cập, thiếu thống nhất giữa các cơ quan ban ngành và giữa các địa phương.

Hiện ở Việt Nam chưa có một qui trình cụ thể, thống nhất các TTHC mà nhà đầu tư phải thực hiện khi muốn triển khai một dự án đầu tư. Trước “ma trận” này, các nhà đầu tư phải đối mặt với nhiều rủi ro từ những quy định không giống nhau có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau.

Theo điều tra khảo sát của VCCI cho thấy, 8.053 doanh nghiệp trong nước và 1.540 doanh nghiệp FDI đánh giá những thủ tục phiền hà hàng đầu đối với nhà đầu tư là các thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng. Chỉ tính riêng quy định pháp luật liên quan tới TTHC trong thực hiện dự án đầu tư đã có tới 6 luật, 10 nghị định, 9 thông tư.

Không chỉ vậy, ông Đậu Anh Tuấn, quyền Trưởng ban Pháp chế VCCI cho hay, mỗi địa phương đều có những văn bản qui định điều chỉnh khác nhau, số lượng và trình tự thực hiện TTHC khác nhau cho cùng một vấn đề, sự chồng chéo các thủ tục giữa các ban, ngành dẫn đến tình trạng “loạn sứ quân” gây ức chế đối với nhà đầu tư.

Hầu như không có cơ quan quản lý Nhà nước nào nắm toàn bộ hoạt động đầu tư của dự án. Sự phối hợp, cơ chế chia sẻ thông tin giữa các ban, ngành và nội bộ các cơ quan Nhà nước không thống nhất đã làm sức hút đầu tư FDI ở Việt Nam kém cạnh tranh hơn các quốc gia khác trong khu vực.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Chủ tịch Hội đồng tư vấn CCTTHC của Thủ tướng Chính phủ, cũng thừa nhận: “Công tác CCHC, đơn giản hóa TTHC trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh thời gian qua vẫn còn rườm rà, phức tạp, chi phí tuân thủ còn lớn, gây cản trở cho hoạt động đầu tư, làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam, đồng thời còn cản trở sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước”.

Định hình bộ TTHC thống nhất

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Đà Nẵng Võ Duy Khương cho rằng, nguyên nhân của vấn đề trên do nội dung hướng dẫn về đầu tư qui định còn tản mạn trong nhiều văn bản của bộ, ngành, đôi lúc còn chưa thật sự rõ ràng, đồng bộ.

Theo kiến nghị từ phía VCCI, trong giai đoạn ngắn hạn từ nay đến năm 2015, Chính phủ cần rà soát toàn bộ qui trình và tiến trình hài hòa để có sự thống nhất cao nhất, nhằm rút ngắn giấy tờ, thủ tục, thời gian, sự rủi ro cho nhà đầu tư. Ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh, hiện nay Việt Nam đang tiến hành sửa đổi, bổ sung các luật quan trọng như Luật Đất đai, Xây dựng, Đầu tư… là cơ hội tốt để có một sự thống nhất trong các TTHC giữa bộ, ngành, có thể hình thành Luật TTHC cho nhà đầu tư, dùng “một luật sửa nhiều luật” liên quan.

Ông Võ Quang Huệ, Tổng Giám đốc Công ty Bosch tại Việt Nam, cho rằng để Việt Nam có sức cạnh tranh với các nước trong khu vực về thu hút đầu tư, thì cần đẩy nhanh hơn nữa tốc độ CCHC. Mà cụ thể là hoàn thiện kênh Chính phủ điện tử để chuyên nghiệp hóa các qui trình thực hiện TTHC trong đầu tư. Qua đó, tác động mạnh đến tính cạnh tranh thu hút đầu tư FDI tại các nước trong khu vực, cải thiện bức tranh môi trường đầu tư và nền kinh tế của Việt Nam trong tương lai.

Được biết, các ý kiến trong Hội thảo sẽ được tổng hợp trình Chính phủ xem xét trong tháng 10/2013. Các doanh nghiệp đều kỳ vọng có một bộ thủ tục đầu tư thống nhất, minh bạch, dễ thực hiện sớm được ban hành, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động, nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả.

Được biết, nếu bộ thủ tục này thông qua, sẽ rút ngắn được khoảng 1/2 thời gian thực hiện thủ tục liên quan đến dự án đầu tư từ 155-865 ngày xuống còn 80-385 ngày. Bên cạnh đó, các thủ tục cũng được rút gọn thống nhất hơn so với qui trình ban đầu như không yêu cầu nhà đầu tư thực hiện thủ tục cấp giấy phép, thẩm định, phê duyệt qui hoạch; không cần văn bản xác nhận hoặc thẩm định về nhu cầu sử dụng đất của cơ quan quản lý Nhà nước về tài nguyên-môi trường.

Hồng Hạnh (chinh phu)

Hình mẫu hợp tác đầu tư Việt Nam-Singapore

Luật sư tại Hà Nội – Khởi đầu dựa trên ý tưởng của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt và cựu Thủ tướng Singapore Goh Chok Tong, các KCN Việt Nam-Singapore (VSIP) giờ đây đã trở thành hình mẫu trong hợp tác đầu tư giữa hai nước.

 

Liên doanh VSIP đầu tiên được thành lập vào năm 1996, đã được phát triển và xây dựng thành một mô hình công nghiệp tích hợp cả 3 các yếu tố “làm việc, sống và giải trí”.

Đến nay, đã có 4 khu công nghiệp VSIP trên cả nước với tổng quỹ đất hơn 6.000 ha bao gồm đất công nghiệp, đô thị và dịch vụ, trong đó có 2 dự án tại miền Nam (tỉnh Bình Dương), 2 dự án tại miền Bắc (tỉnh Bắc Ninh và TP. Hải Phòng).

Dự kiến ngày 13/9, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long sẽ dự Lễ động thổ Khu liên hợp công nghiệp-đô thị-dịch vụ VSIP thứ 5 tại Quảng Ngãi.

Thực tế, các khu công nghiệp VSIP đã và đang góp phần rất lớn trong thu hút đầu tư. Số liệu từ Công ty liên doanh TNHH VSIP cho biết, tính đến nay, các VSIP đã thu hút 492 nhà đầu tư, với tổng vốn đầu tư lên tới 6,7 tỷ USD.

Riêng hai khu VSIP ở Bình Dương thu hút được 425 nhà đầu tư từ 22 quốc gia khác nhau, với tổng vốn đăng ký 4,7 tỷ USD. Trong đó, VSIP 1 với diện tích phủ kín 100%, tạo ra hơn 96.367 việc làm cho người lao động và góp phần vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa tỉnh Bình Dương. Khu công nghiệp VSIP 2 đã hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng, lấp đầy 98% diện tích, tạo việc làm cho 26.043 lao động.

VSIP Bắc Ninh đã thu hút được 46 nhà đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn đầu tư trên 900 triệu USD với các nhà đầu tư tên tuổi như: Pepsi Co., Nokia,… là địa điểm lý tưởng cho các nhà máy điện tử, dược phẩm, phụ tùng ô tô, cơ khí chính xác, hàng tiêu dùng và kho vận.

Dự án VSIP Hải Phòng hiện đã có khoảng 17 doanh nghiệp cam kết đầu tư trong đó tập đoàn Kyocera Mita (Nhật Bản) đã khởi công xây dựng nhà máy trong năm 2011 và hiện đã đi vào hoạt động.

VSIP Quảng Ngãi được cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày 23/4/2012, với tổng diện tích 1.746 ha, trong đó đất cho khu công nghiệp là 1.226 ha, tổng vốn đầu tư giai đoạn I là 125,35 triệu USD.

Ngay tại lễ khởi công ngày 13/9, Quảng Ngãi sẽ cấp chứng nhận đầu tư cho 3 dự án, đồng thời công bố 2 nhà đầu tư đã ký cam kết đầu tư vào VSIP Quảng Ngãi. Trong đó, đáng chú ý là Dự án Nhà máy Sản xuất bánh kẹo và nước giải khát URC Central Dung Quất (Anh), với tổng vốn đầu tư 742,7 tỷ đồng.

Sau hơn 17 năm hình thành và phát triển, các khu công nghiệp VSIP đã góp phần thúc đẩy nên kinh tế của Việt Nam phát triển, và củng cố vị thế của Việt Nam trong khu vực như một trung tâm đầu tư bền vững.

Thạch Huệ (chinh phu)

Nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng FDI

Luật sư – Công ty luật Hưng Nguyên – Điều chỉnh một số nguyên tắc quản lý và phân cấp đầu tư; đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư; tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động đầu tư;…là những giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong thời gian tới.

Ảnh minh họa

Tập trung sửa đổi chính sách ưu đãi đầu tư

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 103/NQ-CP về định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thời gian tới.

Theo Nghị quyết, cần sửa đổi chính sách ưu đãi đầu tư bảo đảm tính hệ thống từ ưu đãi thuế (Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế xuất nhập khẩu), ưu đãi tài chính đến ưu đãi phi tài chính; thống nhất giữa chính sách thuế và chính sách đầu tư nhằm góp phần nâng cao tính cạnh tranh với các nước trong khu vực về thu hút đầu tư nước ngoài (ĐTNN).

Bên cạnh đó, điều chỉnh đối tượng hưởng ưu đãi về thuế theo hướng gắn ưu đãi theo ngành, lĩnh vực ưu tiên với theo vùng lãnh thổ để thúc đẩy sự phân công lao động giữa các địa phương; thực hiện ưu đãi đầu tư có chọn lọc phù hợp với định hướng mới đối với thu hút ĐTNN; nghiên cứu, bổ sung ưu đãi đối với các dự án đầu tư trong Khu công nghiệp.

Đồng thời, rà soát, bỏ bớt các hạn chế không cần thiết và cho phép tham gia nhiều hơn vào các thị trường vốn, thị trường tài chính trên nguyên tắc hiệu quả, nhưng chặt chẽ.

Ngoài căn cứ xét ưu đãi theo lĩnh vực và địa bàn, cần nghiên cứu bổ sung tiêu chí để xét ưu đãi đầu tư như: Dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, dự án có giá trị gia tăng cao, dự án sử dụng nhiều nguyên liệu, vật tư trong nước và dự án cam kết chuyển giao công nghệ tiên tiến…

Điều chỉnh một số nguyên tắc quản lý và phân cấp đầu tư

Một trong các giải pháp khác nhằm nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý FDI trong thời gian tới là điều chỉnh một số nguyên tắc quản lý và phân cấp đầu tư.

Cụ thể, khẩn trương xây dựng cơ chế phối hợp trong công tác quản lý Nhà nước về ĐTNN nhằm tăng cường sự phối hợp giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế phân cấp việc cấp giấy chứng nhân đầu tư (GCNĐT) nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo, chịu trách nhiệm của địa phương, đồng thời đảm bảo quản lý thống nhất của Trung ương, trong đó, bổ sung quy trình thẩm định đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, trong đó bao gồm cả các dự án quy mô lớn, có sức lan tỏa, có tác động mạnh đến sự phát triển kinh tế-xã hội của cả vùng và quốc gia, dự án sử dụng diện tích đất lớn.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các dự án có vốn ĐTNN đã được cấp, điều chỉnh GCNĐT. Kiên quyết đình chỉ đối với những dự án đã được cấp hoặc điều chỉnh GCNĐT mà không phù hợp với quy hoạch, quy trình, thủ tục…

Đối với dự án có quy mô lớn, có tác động lớn về kinh tế, xã hội, cơ quan cấp GCNĐT cần chú trọng xem xét, đánh giá về khả năng huy động vốn của nhà đầu tư, có các chế tài hoặc yêu cầu đặt cọc để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ triển khai dự án đúng tiến độ.

Đối với các dự án ĐTNN khai thác khoáng sản, việc chọn nhà đầu tư phải gắn khai thác với chế biến sâu, tạo ra giá trị gia tăng cao bằng việc sử dụng công nghệ, thiết bị hiện đại và hệ thống xử lý môi trường phù hợp để sử dụng nguồn tài nguyên có hiệu quả. Đối với một số địa bàn, khu vực có liên quan trực tiếp đến an ninh quốc phòng, cần lựa chọn nhà đầu tư nước ngoài phù hợp để đảm bảo hài hòa lợi ích về kinh tế và an ninh quốc phòng…

Các bộ, ngành cần quy định chi tiết, rõ ràng các tiêu chí, điều kiện đầu tư trong lĩnh vực phụ trách làm căn cứ cho việc cấp phép và quản lý sau cấp phép (suất đầu tư, tiêu chuẩn và yêu cầu kỹ thuật, công nghệ, môi trường…).

Đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư

Cũng theo Nghị quyết, cần đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư. Theo đó, hằng năm và từng thời kỳ, trên cơ sở nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của cả nước và đặc thù, lợi thế của từng vùng, địa phương cũng như xu hướng của dòng vốn ĐTNN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp ý kiến các bộ, ngành, ban hành tiêu chí hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch xúc tiến đầu tư (XTĐT). Các bộ, ngành, địa phương trên cơ sở tiêu chí do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành để xây dựng kế hoạch XTĐT theo từng năm gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, thống nhất, điều phối chung (về nội dung, thời gian, địa điểm…) và hướng dẫn phối hợp; khắc phục tình trạng chồng chéo, kém hiệu quả.

Bên cạnh đó, tăng cường XTĐT đối với các tập đoàn lớn, đa quốc gia; đồng thời, chú trọng XTĐT đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Khi tiến hành XTĐT ở nước ngoài, trong những trường hợp cần thiết (như: địa bàn XTĐT có nhiều nhà ĐTNN quan tâm, đối tác quan trọng, quy mô hoạt động XTĐT lớn hoặc có nhiều địa phương cùng đi XTĐT ở nước ngoài vào cùng thời gian và địa điểm…) thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổ chức Đoàn hoặc tham gia để hỗ trợ và trình bày về các chính sách chung, còn các bộ, ngành, địa phương sẽ trình bày về lợi thế, đặc thù, tiềm năng và sự hỗ trợ của ngành, địa phương mình.

Coi trọng XTĐT tại chỗ, theo đó, cần tăng cường hỗ trợ các dự án đã được cấp GCNĐT để các dự án này triển khai hoạt động một cách thuận lợi, có hiệu quả; tăng cường đối thoại với các nhà đầu tư giải quyết kịp thời những kiến nghị hợp lý của doanh nghiệp ĐTNN nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Phải coi việc XTĐT tại chỗ là kênh quan trọng và thông qua các nhà đầu tư đã thành công tại Việt Nam để trình bày về kinh nghiệm đầu tư tại Việt Nam và giới thiệu về môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động đầu tư

Nghị quyết nêu rõ, định kỳ hằng quý phải rà soát, phân loại các dự án ĐTNN để có hướng xử lý thích hợp đối với những dự án có khó khăn.

Bên cạnh đó, các cơ quan cấp phép đầu tư phải tăng cường kiểm tra, giám sát các dự án ĐTNN trên địa bàn để kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để tìm giải pháp hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn; đôn đốc các dự án chậm tiến độ, chậm triển khai hoặc chưa tuân thủ các cam kết; đồng thời, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật.

Cùng với đó là tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình cấp phép và quản lý dự án ĐTNN của các cơ quan cấp GCNĐT để chấn chỉnh công tác cấp phép và quản lý sau cấp phép, tập trung vào các nội dung: Việc tuân thủ các quy trình, quy định của pháp luật trong quá trình tiếp nhận Hồ sơ, thẩm tra, cấp phép; việc quy định các ưu đãi đối với các dự án; việc thực hiện trách nhiệm kiểm tra, giám sát sau cấp phép,…

Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ quản lý chuyên ngành cùng các cơ quan cấp GCNĐT tăng cường phối hợp, rà soát, khi cần thiết thì tiến hành kiểm tra đối với các dự án ĐTNN, đặc biệt lưu ý các dự án thuộc các nhóm: Có quy mô lớn; chiếm diện tích đất lớn; dự án có nguy cơ ô nhiễm môi trường; dự án tiêu tốn năng lượng; các dự án nhạy cảm khác… Trong quá trình kiểm tra, giám sát, khi phát hiện sai phạm thì tùy theo mức độ có thể kiến nghị cơ quan cấp GCNĐT thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án chậm triển khai, vi phạm quy định của pháp luật,… hoặc kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ Quyết định cấp Giấy chứng nhận đầu tư của cơ quan cấp GCNĐT.

Thời gian qua, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã đóng góp tích cực vào thành tựu tăng trưởng và phát triển của Việt Nam. Tính đến tháng 6/2013, đã có 15.067 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký khoảng 218,8 tỷ USD, vốn thực hiện khoảng 106,3 tỷ.

 

ĐTNN đóng góp ngân sách (khoảng 3,7 tỷ USD năm 2012), phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo việc làm (trên 2 triệu lao động trực tiếp, từ 3-4 triệu lao động gián tiếp)…

Hoàng Diên (Chinh Phu)

Các chương trình hợp tác đầu tư của Việt Nam với nước ngoài

Chương trình hợp tác với các nước

Các văn bản Nhà nước về hợp tác kinh tế khu vực và quốc tế
Luật Đầu tư nước ngoài và các hiệp định của Chính phủ trong: hợp tác kinh tế , văn hóa và khoa học kỹ thuật giữa Chính phủ với các nước ASIA; thương mại WTO hội nhập kinh tế WTO.

Kết quả
– Về thu hút đầu tư nước ngoài:
+ Kể từ khi có Luật Đầu tư nước ngoài từ năm 1988 đến nay, tổng số dự án đăng ký trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (còn hiệu lực) là 4.041 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 31,32 tỷ USD; tổng vốn đầu tư thực hiện là 12,4 tỷ USD, đạt gần 42,4% so với tổng vốn đầu tư đăng ký.
+ Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã đóng góp 23,2% vào GDP của thành phố; 38,6% vào giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố; Giá trị xuất khẩu đạt 5,5 tỷ USD, chiếm 34,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố; Ngoài ra các dự án có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp 18,6% tổng vốn đầu tư toàn xã hội của thành phố; Đóng góp khoảng 13,5% tổng thu ngân sách trên địa bàn.
+ Các quốc gia/ vùng lãnh thổ có vốn đầu tư lớn vào Thành phố Hồ Chí Minh là Singapore; Malaysia; Hồng Kông; Hàn Quốc; Đài Loan …;
+ Các ngành nghề và lĩnh vực có vốn đầu tư mới dẫn đầu tại Thành phố Hồ Chí Minh: hoạt động kinh doanh bất động sản, tư vấn; công nghiệp; thương nghiệp, khách sạn, nhà; vận tải, kho bãi, bưu điện; xây dựng.
– Về đầu tư ra nước ngoài:
+ Chủ yếu các doanh nghiệp Thành phố đầu tư ra nước ngoài tại các nước khối ASIA, hiện tại Vương quốc Campuchia, nước Cộng hoa Dân Chủ Nhân dân Lào có khoảng 70 doanh nghiệp với vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài khoảng 2 nghìn tỷ đồng.

Các nhóm ngành Thành phố khuyến khích phát triển, thu hút đầu tư
– Thành phố khuyến khích phát triển 9 nhóm ngành dịch vụ: tài chính – tín dụng – ngân hàng – bảo hiểm; thương mại; vận tải, kho bãi, dịch vụ cảng – hậu cần hàng hải và xuất nhập khẩu; bưu chính – viễn thông và công nghệ thông tin – truyền thông; kinh doanh tài sản – bất động sản; dịch vụ thông tin tư vấn, khoa học – công nghệ; du lịch; y tế; giáo dục – đào tạo. Bảo đảm khu vực dịch vụ có tốc độ tăng trưởng và tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu kinh tế trên địa bàn.
– Thành phố cũng khuyến khích phát triển 4 ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học – công nghệ và giá trị gia tăng cao: cơ khí, điện tử – công nghệ thông tin, hóa dược – cao su, chế biến tinh lương thực thực phẩm và các ngành công nghệ sinh học, công nghiệp sạch, tiết kiệm năng lượng, công nghiệp phụ trợ. Đầu tư hiện đại hóa ngành xây dựng sử dụng vật liệu mới, ứng dụng công nghệ xây dựng hiện đại; nâng tốc độ tăng trưởng của ngành xây dựng cao hơn tốc độ tăng trưởng các ngành công nghiệp.
– Ngoài ra, Thành phố cũng kêu gọi đầu tư cở sở hạ tầng, tạo bước đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng thành phố với định hướng xây dựng hệ thống đường sắt đô thị, phát triển đường vành đai, đường trên cao, đường cao tốc, luồng tàu đường biển, đường sông; cấp nước, thoát nước, chống ngập, xử lý chất thải, hạ tầng năng lượng và hạ tầng viễn thông.. . Khuyến khích tham gia đầu tư xây dựng vào các khu đô thị mới (Tây Bắc, Thủ Thiêm, Cảng Hiệp Phước).
– Trong nông nghiệp, tập trung phát triển nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất giống chất lượng cao. Tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi,… phát triển các đề án nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với nông sản thực phẩm; hỗ trợ các chương trình khuyến nông, chuyển giao và ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp.

Hà Nội quyết loại chủ đầu tư yếu kém

Công ty luật tại Hà Nội – Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo yêu cầu rà soát năng lực của các chủ đầu tư, nếu đơn vị nào không đủ năng lực, kinh nghiệm, chậm triển khai dự án thì đề xuất chuyển đổi.

Đánh giá về tiến độ 37 công trình, cụm công trình trọng điểm của thành phố giai đoạn 2011-2015, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo cho rằng, việc triển khai đã đạt được một số kết quả bước đầu với 18 trong số 55 hạng mục công trình bảo đảm đúng tiến độ. Tuy nhiên, hầu hết dự án còn chậm tiến độ, nhất là các dự án giải quyết vấn đề dân sinh bức xúc về cấp nước, thoát nước, giao thông, cơ sở hoả táng, trường học, bệnh viện…

tư vấn đầu tư
Tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông vướng mặt bằng nhiều vị trí làm nhà ga. Ảnh: ĐL

Ngoài các nguyên nhân khách quan như suy giảm kinh tế, do cơ chế, chính sách, còn có nguyên nhân chủ quan như chủ đầu tư chưa bám sát công việc, chưa quyết liệt thực hiện. Trong khi đó, các sở, ngành chưa thực sự đổi mới và cải cách hành chính; các quận, huyện, thị xã thiếu tập trung, quyết liệt trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; năng lực thực hiện của một số nhà thầu còn hạn chế…

Lãnh đạo thành phố đã yêu cầu các sở, ban ngành giải quyết đúng trách nhiệm, thẩm quyền của mình, cải cách hành chính, linh hoạt giải quyết các công việc liên quan, tạo điều kiện thuận lợi để các chủ đầu tư, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng công trình.

Đặc biệt, Sở Kế hoạch và Đầu tư được giao rà soát lại các công trình, dự án không phải là bức xúc và chưa thực sự cấp thiết để giãn tiến độ thực hiện. Bên cạnh đó, xem xét năng lực của các nhà đầu tư thực hiện theo phương thức BT, xã hội hoá hay thuộc sở ngành mà không đủ năng lực đề xuất kịp thời việc chuyển đổi chủ đầu tư.

UBND TP cũng giao Sở Nội vụ thường xuyên giám sát, theo dõi, kiểm soát việc giải quyết công vụ, các thủ tục hành chính của các sở, ban, ngành của thành phố đối với các công trình, cụm công trình trọng điểm…

Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo đã chốt tiến độ các công trình trọng điểm như dự án Bệnh viên Nhi Hà Nội hoàn thành trong năm 2015. Các dự án thuộc vành đai 1, vành đai 2 cần hoàn thành trong năm 2014 như đoạn Ô Chợ Dừa – Hoàng Cầu, Ô Đông Mác – Nguyễn Khoái; Ngoài ra, đẩy nhanh triển khai các đoạn tuyến Hoàng Cầu – Voi Phục, Ngã Tư Sở – Ngã Tư Vọng, Ngã Tư Vọng – cầu Vĩnh Tuy và nút giao Kim Liên – Ô Chợ Dừa.

Đoàn Loan (VNE)

Khơi thông dòng vốn đầu tư theo hình thức M&A

Công ty luật tại Hà Nội – Những động thái gần đây cho thấy, M&A đang trở thành hình thức đầu tư ngày càng được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm.

M&A đang trở thành hình thức đầu tư ngày càng được các
nhà đầu tư nước ngoài quan tâm

Có thể nhắc tới khoản đầu tư của Tập đoàn SCG (Thái Lan) mua lại 85% cổ phần của Tập đoàn Prime Group, kiểm soát toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong thị trường gạch ốp lát.

Sau thương vụ này, SCG đã có thêm 33% trong tổng công suất 225 triệu m2 gạch ốp lát trong toàn hệ thống của mình.

Trước đó, Suntory Holdings Limited, một trong những tập đoàn sản xuất đồ uống lớn nhất Nhật Bản đã thâm nhập và mở rộng sản xuất tại Việt Nam bằng cách mua lại 51% cổ phần của PepsiCo Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất đồ uống.

Với cổ phần chi phối tại PepsiCo Việt Nam, Suntory Holdings đang kiểm soát một trong những công ty lớn nhất tại Việt Nam trong mảng kinh doanh đồ uống.

Có vẻ như các nhà đầu tư nước ngoài đang lựa chọn việc mua lại doanh nghiệp, nhà máy đang hoạt động tại Việt Nam nhằm giảm thiểu thủ tục, chi phí trong việc xin cấp phép, đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh mới. Hơn thế, đầu tư theo hình thức M&A, họ cũng kế thừa được cả nguồn hàng, khách hàng, thị phần của doanh nghiệp được mua lại, không cần mất quá nhiều thời gian và chi phí để tạo dựng và thiết lập vị trí kinh doanh…

Trên thực tế, hoạt động này đã diễn ra từ nhiều năm trước, nhưng mãi tới khi Luật Đầu tư 2005 quy định M&A là một trong các hình thức đầu tư trực tiếp thì mới được nhiều nhà đầu tư quan tâm và trở nên sôi động thực sự từ năm 2009 trở lại đây.

Đó là điểm mà những lúng túng trong giải quyết thủ tục đăng ký đầu tư – kinh doanh của những doanh nghiệp tham gia M&A bắt đầu nổi lên, trở thành điểm nóng trong môi trường kinh doanh của Việt Nam, khi mỗi địa phương áp dụng một thủ tục khác nhau.

Một số thì áp dụng thủ tục đăng ký kinh doanh với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mà nhà đầu tư nước ngoài chiếm tỷ lệ thấp hơn 49% vốn điều lệ; số khác thì áp dụng với tỷ lệ trên 49%. Một số địa phương lại dừng thụ lý hồ sơ để xin ý kiến chỉ đạo từ cấp trên…

Vì vậy mà đầu năm 2009, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có một văn bản hướng dẫn riêng về vấn đề trên để đảm bảo tính thống nhất trong toàn hệ thống.

Cho tới thời điểm này, mặc dù đã có những thay đổi đáng kể trong quy định pháp luật liên quan đến hoạt động M&A yếu tố nước ngoài, song vẫn còn những vướng mắc chưa được giải quyết dứt điểm.

Chính vì vậy, cùng với việc đánh giá tổng quan hoạt động M&A giai đoạn 2009-2013 và hoạt động kết nối đầu tư giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, Diễn đàn 2013 sẽ thảo luận để làm rõ những vướng mắc về pháp lý, thủ tục hành chính, nhằm khơi thông hoạt động đầu tư theo hình thức này.

Bảo Duy (Bao Dau Tu)

Công ty luật tại Hà Nội: Hoạch định khung pháp lý đồng bộ về PPP

Luật sư Hà Nội – Sẽ có một nghị định về đầu tư theo hình thức công – tư (PPP), được xây dựng dựa trên việc hợp nhất, sửa đổi Nghị định 108/2009/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức BOT, BT, BTO và Quyết định 71/2010/QĐ-TTg về thí điểm đầu tư theo hình thức PPP.

“Bên cạnh thực tiễn triển khai thí điểm những dự án PPP cụ thể, khung pháp lý hoàn thiện sẽ được xây dựng dựa trên các thông lệ quốc tế và đáp ứng tốt nhất các kỳ vọng của nhà đầu tư nước ngoài về một môi trường đầu tư tại Việt Nam cạnh tranh, công bằng và minh bạch.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Bùi Quang Vinh

Như vậy sẽ tạo được tâm lý tin tưởng cho các nhà đầu tư tư nhân khi tham gia những dự án PPP dài hạn, có thời gian từ 20 – 30 năm tại Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết.

Nội dung của Dự thảo Nghị định vẫn đang trong quá trình xây dựng, song theo Ban Soạn thảo, một trong những vấn đề cần đặc biệt quan tâm là trách nhiệm lập và phê duyệt danh mục các dự án. Lý do là có sự “vênh” nhau giữa Nghị định 108/2009/NĐ-CP và Quyết định 71/2010/QĐ-TTg.

“Trong khi Nghị định 108/2009/NĐ-CP đã phân cấp trách nhiệm xây dựng và phê duyệt Danh mục dự án BT, BOT, BTO cho các bộ, ngành, địa phương, thì Quyết định 71/2010/QĐ-TTg quy định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thẩm định đề xuất dự án và trình Thủ tướng Chính phủ đưa dự án vào Danh mục dự án”, ông ông Trần Hào Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nói.

Ông Hùng cũng cho biết, để đảm bảo hài hòa thủ tục lập và phê duyệt danh mục dự án, Ban Soạn thảo đề xuất quy định nội dung này theo hướng tiếp tục phân cấp thẩm quyền lập, phê duyệt danh mục dự án, nhưng bổ sung quy định về thẩm quyền của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính có ý kiến đối với dự án có sử dụng nguồn vốn ngân sách trung ương hoặc có đề xuất bảo lãnh Chính phủ.

Cũng liên quan vấn đề này, một trong những quy định khá thống nhất trong Nghị định 108/2009/NĐ-CP, Quyết định 71/2010/QĐ-TTg, là cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải chịu trách nhiệm lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án.

Tuy nhiên, theo ông Hùng, quy định như vậy dù đảm bảo sự chủ động của cơ quan nhà nước trong đàm phán, thực hiện hợp đồng dự án, hạn chế tình trạng nhà đầu tư đưa ra các đề xuất không phù hợp mục tiêu dự án, hoặc tính toán, xác định giá trị công trình không phù hợp thực tế, song lại cứng nhắc, không phù hợp với khả năng bố trí ngân sách nhà nước để lập dự án và không tranh thủ được nguồn lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư.

“Vì thế, chúng tôi đề xuất bổ sung cơ chế nhà đầu tư lập báo cáo nghiên cứu khả thi trên cơ sở đề xuất dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Điều này nhằm tạo sự chủ động, linh hoạt trong việc chuẩn bị dự án, đồng thời giảm gánh nặng về tài chính và thời gian lập dự án của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”, ông Hùng cho biết.

Quy định như vậy, song Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định, điều quan trọng là phải quy định rõ trách nhiệm của cơ quan thẩm định. “Phải có chế tài chặt chẽ để quy định, ràng buộc trách nhiệm của cơ quan thẩm định. Nếu làm sai, họ phải chịu trách nhiệm”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.

Theo thông tin từ Ban Soạn thảo, còn có một số vấn đề cần xem xét để “hài hòa hóa” các quy định đã được ban hành trong hai văn bản quy phạm pháp luật nói trên. Chẳng hạn, quy định về sự tham gia của Nhà nước như thế nào, bởi nếu để doanh nghiệp nhà nước tham gia thì không phù hợp với mục tiêu của hình thức PPP là thu hút đầu tư của khu vực tư nhân, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài.

Những khúc mắc khác liên quan đến lựa chọn nhà đầu tư và thủ tục cấp chứng nhận đầu tư. Hiện nay, theo quy định của Nghị định 108/2009/NĐ-CP, việc cấp chứng nhận đầu tư được phân cấp về cơ bản cho UBND các địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ cấp chứng nhận đầu tư cho các dự án quan trọng quốc gia, các dự án liên tỉnh, liên vùng… Trong khi đó, theo Quyết định 71/2010/QĐ-TTg, quyền cấp phép thuộc về Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Theo dự kiến, Dự thảo Nghị định sẽ quy định nội dung này theo hướng vẫn phân cấp đầu tư, trừ các dự án quan trọng cấp quốc gia, dự án thực hiện trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố…

“Quan điểm chung là làm sao các quy định thật minh bạch, theo thông lệ quốc tế, hạn chế các tồn tại của Nghị định 108/2009/NĐ-CP và Quyết định 71/2010/QĐ-TTg. Chẳng hạn, có chế tài để hạn chế tình trạng dự án theo hình thức BT, nhưng lại sử dụng vốn trái phiếu chính phủ để phát triển; hay dự án BOT, nhà đầu tư không triển khai được lại trả lại cho Nhà nước”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói và một lần nữa khẳng định, mọi quy định pháp luật sẽ được xây dựng theo hướng tạo điều kiện để khu vực tư nhân đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng.

Hà Nguyễn

Theo Bao Dau Tu