Bỏ quy định cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, siết quy định mua bán dự án bất động sản và bảo vệ người mua nhà trên giấy là những vấn đề nóng sẽ được tập trung trong Luật Nhà ở sửa đổi.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, việc công nhận quyền sở hữu nhà ở cho người dân tính đến hết năm 2009 (thời điểm chuyển đầu mối cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở sang cho ngành Tài nguyên và Môi trường thực hiện), cả nước đã cấp được hơn 1.200.000 giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, nhưng số lượng còn tồn đọng vẫn khá lớn.
Để không chồng chéo với Luật Đất đai, ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục phát triển Nhà và thị trường bất động sản cho biết, Luật Nhà ở sửa đổi dự kiến sẽ bỏ các quy định về cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở. Thay vào đó, sẽ bổ sung các quy định có liên quan đến việc công nhận quyền sở hữu nhà ở, quy định về quyền sở hữu nhà ở riêng lẻ, quyền sở hữu nhà chung cư…
Về phát triển nhà ở thì dự kiến bỏ quy định về tiêu chuẩn thiết kế nhà ở để giao cho Chính phủ hướng dẫn cho phù hợp với từng thời kỳ. Đồng thời, bổ sung thêm các quy định như: hình thức xây dựng nhà ở xã hội để bán, đối tượng được mua, thuê mua nhà ở xã hội, về lựa chọn chủ đầu tư nhà ở xã hội, các cơ chế ưu đãi, quản lý giá thuê, giá mua, thuê mua…
Về nhà ở xã hội, dự kiến sẽ bỏ quy định về tiêu chuẩn thiết kế nhà ở xã hội để giao cho Chính phủ hướng dẫn cho phù hợp với từng thời kỳ. Đồng thời bổ sung thêm các quy định như: hình thức xây dựng nhà ở xã hội để bán, đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; các hình thức phát triển nhà ở xã hội, quy hoạch quỹ đất, lựa chọn chủ đầu tư, các cơ chế ưu đãi phát triển nhà ở xã hội…
Bộ cũng dự kiến đưa các quy định về các tổ chức cung cấp tài chính, huy động tài chính, nguồn vốn phát triển đối với từng loại nhà (nhà thương mại, nhà ở xã hội, nhà tái định cư…), đặc biệt là việc thành lập Quỹ phát triển nhà ở tại các địa phương, quỹ tiết kiệm nhà ở…
Bên cạnh đó, Bộ cũng dự kiến bổ sung thêm các hình thức giao dịch về nhà ở như: chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở, góp vốn bằng nhà ở, thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai…
Luật cũng sẽ bổ sung các quy định về chuyển nhượng dự án bất động sản; chuyển nhượng vốn trong hoạt động kinh doanh BDS; sáp nhập và mua lại doanh nghiệp bất động sản.
Theo Bộ Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sả hiện nay còn bỏ ngỏ một số vấn đề quan trọng như thế chấp bất động sản, thiếu quy định bảo vệ quyền lợi của các chủ thể trong giao dịch bất động sản hình thành trong tương lai. Do vậy, Bộ Xây dựng dự kiến sắp xếp lại đồng thời bổ sung thêm các nội dung còn thiếu vào dự thảo Luật.
Về kinh doanh dịch vụ bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết dự kiến Bộ sẽ bổ sung một số quy định như: cá nhân môi giới, định giá bất động sản phải đăng ký hành nghề và có thẻ hành nghề có thời hạn; quy định cho phép Sở Xây dựng cũng được thành lập sàn (là đơn vị sự nghiệp hoặc đơn vị công); quy định về hoạt động đầu tư tài chính bất động sản gồm các quỹ đầu tư, quỹ tiết kiệm…
Nới quy định cho người ngoài mua nhà tại Việt Nam
Một trong những điểm cũng sẽ được tập trung trong Luật Nhà ở, luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi là nới lỏng quy định cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam.
Hai hướng được Bộ Xây dựng đưa ra là cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở để xây dựng nhà như các cá nhân trong nước.
Thứ hai, với tổ chức và cá nhân nước ngoài, Bộ đề xuất mở rộng đối tượng, điều kiện được sở hữu nhà ở cũng như loại nhà được sở hữu; từ chỉ mua căn hộ sang mua cả biệt thự và nhà ở riêng lẻ.
Theo luật hiện hành, người Việt Nam định cư ở nước ngoài muốn có quyền sở hữu nhà để sinh sống tại Việt Nam phải có phép cư trú tại Việt Nam từ 3 tháng trở lên. Với quyền sử dụng đất, đối tượng được cấp là những người Việt định cư ở nước ngoài đã có sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Theo nhiều chuyên gia, cùng với xu thế chung hội nhập, cần phải mở cửa cho người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam. Đây cũng là một trong những điều kiện để nhiều người xem xét đến làm việc, định cư ở một nước.
Ông Tạ Nguyên Ngọc, Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu tổng hợp về công tác cộng đồng, Bộ Ngoại giao đánh giá việc cho người Việt định cư ở nước ngoài sở hữu nhà và quyền sử dụng đất là vấn đề lớn, có tác động sâu rộng về kinh tế, xã hội và lòng tin của kiều bào.
Tuy nhiên, một số quy định hiện nay còn chồng chéo và thiếu thuận lợi. Đơn cử, theo quy định, người có hộ chiếu nước ngoài chưa mất quốc tịch Việt Nam có thể làm thủ tục xác nhận có quốc tịch Việt Nam để được sở hữu nhà, đất nhưng giấy xác nhận chỉ có giá trị 6 tháng.
Vậy sẽ xảy ra trường hợp, giấy này hết hạn mà chưa làm xong thủ tục chủ quyền nên không thể tiếp tục làm; hoặc xong thủ tục chủ quyền nhưng giấy xác nhận quốc tịch Việt Nam hết thời hạn thì có bị xem là phạm luật khi sở hữu nhà đất hay không?
Ông Ngọc kiến nghị cần quy định rõ vấn đề này và không yêu cầu kiều bào xuất trình hộ khẩu khi công chứng hợp đồng chuyển quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất. Cho phép người Việt định cư ở nước ngoài thuộc diện có quyền sở hữu nhà ở trong nước được nhận chuyển nhượng đất của cá nhân trong nước; khi được sở hữu nhà, đất có đầy đủ quyền, nghĩa vụ như người trong nước…
Công ty Luật Hưng Nguyên – theo vtv new