Thành lập Cục Điều tra thuộc Bộ Tài chính?

0
Có 146,171 lượt xem

Sau hơn 10 năm kể từ khi được ban hành, Bộ luật Hình sự năm 1999 và Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2003 đã góp phần quan trọng trong việc giữ vững an ninh chính trị, an ninh kinh tế, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức và công dân.

 Tuy nhiên, tình hình tội phạm, trong đó có các tội phạm về kinh tế, tài chính như buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế… vẫn còn xảy ra nhiều với tính chất ngày càng phức tạp và quy mô ngày càng tăng.

Trong khi đó, thẩm quyền hiện hành của các cơ quan chức năng như cơ quan quản lý thuế, cơ quan quản lý thị trường chứng khoán… đã phần nào ảnh hưởng đến công tác đấu tranh phòng chống tội phạm về kinh tế, tài chính.

Có dấu hiệu vi phạm hình sự, chỉ bị xử lý… hành chính

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) Đặng Công Khôi cho biết: Theo quy định của pháp luật hiện hành, cơ quan quản lý thuế không có thẩm quyền điều tra.

Vì vậy, cơ quan quản lý thuế chỉ tham gia với vai trò cơ quan phối hợp trong điều tra thuế nên hiệu quả công tác quản lý thuế bị hạn chế. Những hồ sơ có dấu hiệu trốn thuế phải chuyển cơ quan điều tra nhưng tỷ lệ kết luận và xử lý các tội phạm về thuế là rất ít, hầu như là không đủ yếu tố cấu thành tội phạm, do đó lại chuyển hồ sơ quay về cho cơ quan thuế xử lý… vi phạm hành chính về thuế.

Ngoài ra, trong những năm qua có một số doanh nghiệp thành lập chỉ đi vào hoạt động một thời gian ngắn rồi bỏ địa chỉ kinh doanh mà không thông báo với cơ quan thuế về việc ngừng kinh doanh của doanh nghiệp. Khi bỏ khỏi địa chỉ kinh doanh có doanh nghiệp vẫn còn nợ thuế và đem theo hóa đơn. Các biện pháp xử lý của cơ quan thuế chỉ là ra thông báo doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh và thông báo hóa đơn của doanh nghiệp không còn giá trị sử dụng.

Tương tự, quy định về thẩm quyền của cơ quan quản lý thị trường chứng khoán (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước – UBCKNN) trong công tác thanh tra, giám sát hiện nay còn hạn chế.

Chủ tịch UBCKNN Vũ Bằng bày tỏ, UBCKNN chưa có thẩm quyền thu thập thông tin về tài khoản và giao dịch ngân hàng của nhà đầu tư, tổ chức phát hành, kinh doanh chứng khoán; chưa có thẩm quyền điều tra nên gặp nhiều khó khăn trong công tác xác minh, xử lý các vụ việc giao dịch nội gián và thao túng thị trường chứng khoán (TTCK) trong thời gian qua.

Giao quyền điều tra cho cơ quan Thuế, cơ quan quản lý TTCK?

Về nguyên nhân chưa ngăn chặn, phát hiện xử lý một cách hiệu quả đối với hành vi trốn thuế, chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước, ông Đặng Công Khôi lý giải: Cơ quan thuế chưa được giao quyền điều tra các hành vi tội phạm về thuế nên phần lớn các vụ vi phạm đều phải chuyển sang cơ quan cảnh sát điều tra để điều tra, khởi tố vụ án.

 Cơ quan công an, do hạn chế về lực lượng, không thông thạo về chuyên môn nghiệp vụ, không trực tiếp quản lý thông tin về thuế khiến quá trình điều tra thường bị chậm trễ dẫn đến truy thu tiền thuế trốn, tiền thuế chiếm đoạt không kịp thời, tác dụng răn đe ngăn chặn các vi phạm về thuế bị hạn chế.

 “Việc bổ sung thẩm quyền điều tra của cơ quan thuế là cần thiết nhằm phát hiện và xử lý truy thu kịp thời tiền thuế trốn, tiền thuế bị chiếm đoạt vào ngân sách Nhà nước, đảm bảo công bằng về nghĩa vụ thuế, sự cạnh tranh bình đẳng giữa các tổ chức, cá nhân nộp thuế” – ông Khôi nhấn mạnh.

Đây cũng là kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, thậm chí một số nước còn tổ chức lực lượng cảnh sát thuế, tòa án thuế để xử lý các vụ vi phạm về thuế.

Xuất phát từ hoạt động đặc thù của cơ quan hải quan là cơ quan thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, ông Khôi còn kiến nghị mở rộng và quy định cụ thể thẩm quyền khởi tố, điều tra của cơ quan Hải quan.

Ông Khôi phân tích, ngoài thẩm quyền điều tra đối với tội buôn lậu và tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, cần sửa đổi BLTTHS theo hướng bổ sung, mở rộng phạm vi được điều tra đối với 14 tội phạm xảy ra trong phạm vi địa bàn hoạt động hải quan.

Ông Vũ Bằng thì đề xuất bổ sung thẩm quyền điều tra cho cơ quan quản lý TTCK trong BLTTHS giống như cơ quan hải quan tại các Điều 100, 104, 109 và 111 BLTTHS nhằm sớm phát hiện và ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm pháp luật trên TTCK.

 Đồng tình, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên đoàn Luật sư Việt Nam Đỗ Ngọc Thịnh nêu quan điểm: “Ngành Tài chính nên đề xuất với cơ quan có thẩm quyền nhà nước cho phép được thành lập cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, tương tự như trong Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, Cảnh sát biển để phản ứng kịp thời đối với những hành vi phạm tội xảy ra trong lĩnh vực tài chính”.

Cơ quan này có thể là Cục Điều tra tài chính thuộc Bộ Tài chính và như vậy, theo ông Thịnh, cần bổ sung Điều 22A trong Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự về quyền hạn điều tra của cơ quan tài chính.

Thục Quyên – Theo phapluatvn.vn