Những pháp nhân nào phải chịu trách nhiệm hình sự?

0
Có 2,266 lượt xem

Vấn đề gây nhiều tranh cãi là những pháp nhân nào phải chịu trách nhiệm hình sự?. Bởi lẽ, nếu quy định tất cả mà không có loại trừ sẽ dẫn đến thiếu khả thi.

Công ty Luật Hưng Nguyên

Do BLHS hiện hành chỉ quy định trách nhiệm hình sự của cá nhân nên khi đặt ra vấn đề trách nhiệm hình sự của pháp nhân theo nhiều chuyên gia, nó sẽ kéo theo hàng loạt vấn đề khác về năng lực chịu trách nhiệm hình sự, lỗi, hình phạt…Nói như vậy để thấy rằng nếu đưa vấn đề trên vào BLHS sửa đổi thì phải cân nhắc thận trọng và có sự nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung các quy định liên quan.

 

Một vấn đề quan trọng khác đó là việc xác định chủ thể trách nhiệm hình sự của pháp nhân. Nhiều ý kiến cho rằng nên phải giới hạn chủ thể chịu trách nhiệm hình sự là các tổ chức có tư cách pháp nhân. Không nên đưa nhà nước là chủ thể phải chịu trách nhiệm hình sự vì Nhà nước là phạm trù rộng, đặc biệt, nhà nước đặt ra chính sách hình sự và nhà nước không thể tự mình trừng trị mình.

 

Tội phạm kinh tế, môi trường: Cần quy định pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự

 

Một số chuyên gia cho rằng, nên quy định, các chủ thể chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân bao gồm: các cơ quan của Chính phủ, các cơ quan chính quyền địa phương, các cơ quan hành chính – sự nghiệp, các đoàn thể, tổ chức xã hội, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, các tổng công ty, công ty, xí nghiệp nhà nước, doanh nghiệp của các tổ chức chính trị – xã hội được thành lập phục vụ lợi ích công cộng. 

 

Tuy nhiên, theo TS. Cao Thị Oanh, Khoa Pháp luật Hình sự, Trường Đại học Luật Hà Nội thì bước đầu, nếu bổ sung trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân vào BLHS thì nên quy định ở các tội mà khả năng pháp nhân là chủ thể của tội phạm cao như các tội phạm về kinh tế, các tội phạm về môi trường, một số tội phạm về ma túy và một số tội phạm về an toàn công cộng, trật tự công cộng.

 

TS Oanh cũng cho rằng, từ góc độ áp dụng pháp luật, để truy cứu trách nhiệm hình sự tổ chức, chỉ cần chứng minh hành vi phạm tội, lỗi của người lãnh đạo, chỉ huy tổ chức và các điều kiện khác của trách nhiệm hình sự  (như vai trò lãnh đạo, chỉ huy của cá nhân trong tổ chức, nhân danh, thay mặt tổ chức, vì lợi ích của tổ chức…) là đủ.

 

Bên cạnh đó, cần áp dụng nguyên tắc trách nhiệm kép trong giải quyết vấn đề trách nhiệm hình sự của pháp nhân ở nước ta là hoàn toàn hợp lý. Như vậy, nếu người lãnh đạo, người đại diện của pháp nhân phạm tội vì lợi ích hoặc trong khuôn khổ hoạt động của pháp nhân thì cả pháp nhân và người lãnh đạo, người đại diện đó phải chịu trách nhiệm về tội phạm được thực hiện.

 

Đồng tình với TS. Oanh, một số chuyên gia nhấn mạnh, trong điều kiện hiện nay, để phù hợp với tình hình và đảm bảo tính khả thi của luật, nên tập trung quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân vào các nhóm tội cơ bản như tội phạm kinh tế, tội phạm môi trường..

 

Vi phạm vì lợi ích pháp nhân: phải xử lý

 

Tuy nhiên để có thể xử lý một cách “tận gốc” tội phạm hình sự do pháp nhân thực hiện trong điều kiện hiện nay (hành vi phạm tội được thực hiện rất tinh vi, phức tạp) thì cần phải quy định rất chặt chẽ, cụ thể về các điều kiện để truy cứu trách nhiệm hình sự.

 

Ví dụ, hiện nay, điển hình trong các vi phạm về trốn thuế hay môi trường, nhiều vụ không phải do chính người đứng đầu cơ quan, tổ chức thực hiện mà họ ủy quyền cho người khác thực hiện (ví dụ như cấp phó). Những trường hợp này cũng cần xác định cũng là do pháp nhân thực hiện. Hay những trường hợp không phải là ủy quyền nhưng thực hiện nhân danh pháp nhân thì cũng phải được coi là chính pháp nhân đó vi phạm. 

 

Phó Chủ nhiệm Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội Trịnh Quốc Toàn cho rằng, nếu chỉ xử lý về hình sự đối với người đại diện, những người được ủy quyền hoặc những nhân viên thừa hành thực hiện thì rõ ràng là bỏ lọt tội phạm, trái với nguyên tắc công bằng trong BLHS. Đã đến lúc vấn đề TNHS của pháp nhân – tổ chức phải được giải quyết về mặt hình sự một cách trực tiếp.

 

Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng điều kiện để truy cứu TNHS của pháp nhân là có một cá nhân thực hiện tội phạm trong khuôn khổ hoạt động hoặc vì lợi ích của pháp nhân. 

 

Một trong những chủ trương sửa đổi BLHS hiện hành là tăng phạt tiền, giảm phạt tù thì đối với pháp nhân, ngoài việc xác định hệ thống hình phạt liên quan đến trách nhiệm hình sự thì cần quy định một hệ thống hình phạt riêng bao gồm hình phạt chính, hình phạt bổ sung, trong đó cần chú trọng hình phạt tiền.

 

Công ty Luật Hưng Nguyên – Theo Việt Hòa