Khơi thông dòng vốn đầu tư theo hình thức M&A

0
Có 2,119 lượt xem

Công ty luật tại Hà Nội – Những động thái gần đây cho thấy, M&A đang trở thành hình thức đầu tư ngày càng được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm.

M&A đang trở thành hình thức đầu tư ngày càng được các
nhà đầu tư nước ngoài quan tâm

Có thể nhắc tới khoản đầu tư của Tập đoàn SCG (Thái Lan) mua lại 85% cổ phần của Tập đoàn Prime Group, kiểm soát toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong thị trường gạch ốp lát.

Sau thương vụ này, SCG đã có thêm 33% trong tổng công suất 225 triệu m2 gạch ốp lát trong toàn hệ thống của mình.

Trước đó, Suntory Holdings Limited, một trong những tập đoàn sản xuất đồ uống lớn nhất Nhật Bản đã thâm nhập và mở rộng sản xuất tại Việt Nam bằng cách mua lại 51% cổ phần của PepsiCo Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất đồ uống.

Với cổ phần chi phối tại PepsiCo Việt Nam, Suntory Holdings đang kiểm soát một trong những công ty lớn nhất tại Việt Nam trong mảng kinh doanh đồ uống.

Có vẻ như các nhà đầu tư nước ngoài đang lựa chọn việc mua lại doanh nghiệp, nhà máy đang hoạt động tại Việt Nam nhằm giảm thiểu thủ tục, chi phí trong việc xin cấp phép, đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh mới. Hơn thế, đầu tư theo hình thức M&A, họ cũng kế thừa được cả nguồn hàng, khách hàng, thị phần của doanh nghiệp được mua lại, không cần mất quá nhiều thời gian và chi phí để tạo dựng và thiết lập vị trí kinh doanh…

Trên thực tế, hoạt động này đã diễn ra từ nhiều năm trước, nhưng mãi tới khi Luật Đầu tư 2005 quy định M&A là một trong các hình thức đầu tư trực tiếp thì mới được nhiều nhà đầu tư quan tâm và trở nên sôi động thực sự từ năm 2009 trở lại đây.

Đó là điểm mà những lúng túng trong giải quyết thủ tục đăng ký đầu tư – kinh doanh của những doanh nghiệp tham gia M&A bắt đầu nổi lên, trở thành điểm nóng trong môi trường kinh doanh của Việt Nam, khi mỗi địa phương áp dụng một thủ tục khác nhau.

Một số thì áp dụng thủ tục đăng ký kinh doanh với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mà nhà đầu tư nước ngoài chiếm tỷ lệ thấp hơn 49% vốn điều lệ; số khác thì áp dụng với tỷ lệ trên 49%. Một số địa phương lại dừng thụ lý hồ sơ để xin ý kiến chỉ đạo từ cấp trên…

Vì vậy mà đầu năm 2009, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có một văn bản hướng dẫn riêng về vấn đề trên để đảm bảo tính thống nhất trong toàn hệ thống.

Cho tới thời điểm này, mặc dù đã có những thay đổi đáng kể trong quy định pháp luật liên quan đến hoạt động M&A yếu tố nước ngoài, song vẫn còn những vướng mắc chưa được giải quyết dứt điểm.

Chính vì vậy, cùng với việc đánh giá tổng quan hoạt động M&A giai đoạn 2009-2013 và hoạt động kết nối đầu tư giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, Diễn đàn 2013 sẽ thảo luận để làm rõ những vướng mắc về pháp lý, thủ tục hành chính, nhằm khơi thông hoạt động đầu tư theo hình thức này.

Bảo Duy (Bao Dau Tu)