Bầu Kiên không cần luật sư bào chữa?

0
Có 2,629 lượt xem

Trước những câu trả lời sắc bén của Nguyễn Đức Kiên tại phiên tòa đang điễn ra, nhiều người nghĩ rằng bị cáo Kiên đang thay luật sư tự bào chữa.

Trước thắc mắc của nhiều độc giả, Luật sư Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc Công ty Luật Hưng Nguyên, đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết: “Theo tôi được biết thì trong vụ án này, ông Nguyễn Đức Kiên mời 4 luật sư bào chữa cho các tội danh mà mình bị cáo buộc. Trong những ngày qua, phiên tòa đang ở trong giai đoạn xét hỏi, thẩm vấn, chưa đến phần tranh tụng của các luật sư. Vì thế dư luận cho rằng ông Kiên tự bào chữa cho mình là chưa thật sự chính xác, nó chỉ một phần mà thôi, ở giai đoạn xét hỏi ông Kiên chỉ trả lời các câu hỏi của HĐXX, chưa phải là việc tranh tụng, bào chữa. Tuy nhiên quá trình xét hỏi đã thể hiện ông Kiên khá am hiểu về pháp luật, có khả năng viện dẫn các quy định của pháp luật và điều đó là rất có lợi cho việc tranh tụng, bào chữa cho ông”.

Bầu Kiên tại phiên tòa xét xử

 “Đây là một đại án kinh tế, được dư luận và báo chí rất quan tâm, bởi tính chất đặc biệt nghiêm trọng, liên quan đến nhiều quan hệ pháp luật phức tạp trong quá trình giải quyết vụ án, như pháp luật về tài chính, ngân hàng, chứng khoán, thuế…Vì thế theo tôi quá trình xét xử phải hết sức thận trọng, xem xét tỷ mỷ mọi vấn đề, đặc biệt để tránh oan, sai, xét xử đúng người, đúng tội, làm cho dư luận tâm phục, khẩu phục, thì HĐXX cần phải khách quan, tạo mọi điều kiện để bên buộc tội, bên bào chữa tranh luận một cách dân chủ tại Tòa theo tinh thần cải cách tư pháp và hiến pháp năm 2013” – luật sư Nguyên nói.

Trước đó, chiều 20/5, VKSND TP Hà Nội công bố bản cáo trạng của VKSND Tối cao truy tố Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên) và các đồng phạm trong vụ án.

Đứng trước tòa án, bầu Kiên không chỉ chứng tỏ là người có kỹ năng nắm chắc luật pháp tuyệt vời mà còn tỏ rõ phong thái, khí chất đặc biệt của mình.

Ánh mắt sắc lạnh, tay chắp sau lưng, tuyệt nhiên không nở nụ cười khi đối chất, nói câu nào là chắc nịnh câu đó, là những gì mà người ta nhìn thấy về ông bầu tóc bạc Nguyễn Đức Kiên trong những ngày gần đây.

Phút gần gũi hiếm hoi của vợ chồng “bầu” Kiên tại phiên tòa hôm qua. Ảnh: Bảo Thắng

Bầu Kiên không ít lần khẳng khái: “Tôi là đàn ông, tôi không trốn trách nhiệm”, hay “Tôi không đổ trách nhiệm lên đầu họ (những người trong HĐQT đang bị xét xử cùng bầu Kiên – PV).

Trong vụ việc ở công ty vợ và em gái, bầu Kiên nhận hết trách nhiệm về mình. “Ở công ty B&B, tôi là cổ đông chi phối trên 60%, cá nhân tôi tôi có quyền quyết định mọi hoạt động của công ty. Vợ tôi làm một số việc do tôi ủy quyền. Vợ tôi và em tôi mới kinh doanh nên mọi việc ở B&B tôi điều hành và chịu trách nhiệm”- Kiên khẳng định.

Bầu Kiên nói tại phiên tòa: “Từng người phải chịu trách nhiệm về lời khai của mình trước pháp luật. Tôi không bình luận về lời khai của những người khác. Tôi chỉ nói rằng, tôi và các anh trong HĐQT đều là bạn bè, đồng nghiệp trong 20 năm, có người là bạn, có người là bề trên tôi rất kính trọng như ông Giá, có người là nhân viên tôi đã đào tạo. Tôi không đổ trách nhiệm cho họ. Tôi chỉ nhận trách nhiệm của tôi đến đâu, nếu tòa hỏi”.

Có một điều đặc biệt ấn tượng về cách ông Bầu này trả lời trước HĐXX là luôn dùng ánh mắt sắc lạnh quen thuộc, chắp tay sau lưng, rất hiếm khi mỉm cười, dùng lời lẽ chắc chắn và quyết đoán. Khi đồng ý với lập luận của tòa, ông lạnh lùng “chính xác”. Khi không đồng ý, ông không ngại gì khi nói “Tôi không đồng ý”.

Theo bản cáo trạng, Nguyễn Đức Kiên (50 tuổi, nguyên Chủ tịch hội đồng đầu tư Ngân hàng ACB, nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng ACB, nguyên phó chủ tịch hội đồng sáng lập ACB) bị truy tố về 4 tội danh: kinh doanh trái phép, trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

– Kinh doanh trái phép (K.2 điều 159 BLHS): Đã lập, thông qua 6 công ty, kinh doanh trái phép cổ phần, cổ phiếu, vàng trị giá hơn 21.490 tỉ đồng.

– Trốn thuế (K.3 điều 161 BLHS): Công ty B&B của Bầu Kiên lãi hơn 100 tỉ đồng, nhưng bầu Kiên chuyển lợi nhuận của DN sang cá nhân, trốn thuế 25 tỉ đồng.- Lừa đảo chiếm đoạt tài sản (khoản 4 điều 139 BLHS): Công ty ACBI đã thế chấp 20 triệu cổ phần Công ty CP thép Hòa Phát, nhưng vẫn ký bán số cổ phần đã thế chấp, lừa đảo chiếm đoạt 264 tỉ đồng.

– Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (K.3 điều 165 BLHS): Cùng các lãnh đạo ACB chủ trương ủy quyền cho nhân viên ACB đem gử 718,8 tỉ đồng cho Ngân hàng Vietinbank CN Nhà Bè (bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt), thiệt hại cho ACB 718,9 tỉ đồng.

Luật sư Nguyễn Văn Nguyên, giám đốc Công ty Luật Hưng Nguyên, đoàn luật sư thành phố Hà Nội nêu quan điểm: Cáo trạng của VKSND TC truy tố Nguyễn Đức Kiên về 4 tội danh là:

Thứ nhất, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại điều 139 BLHS với khung hình phạt cao nhất lên đến tù chung thân. Với hành vi phạm tội này, ông Kiên còn phải có nghĩa vụ hoàn trả lại số tiền đã chiếm đoạt của bị hại, bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, tội kinh doanh trái phép quy định tại điều 159 BLHS có khung hình phạt cao nhất là 2 năm tù. Với tội danh này, ông Kiên còn có thể chịu hình phạt bổ sung là bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng.

Thứ ba,  tội trốn thuế quy định tại điều 161 BLHS có khung hình phạt là 7 năm tù. Với tội danh này, ông Nguyễn Đức Kiên còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền bằng một lần hoặc ba lần số tiền đã trốn thuế.

Thứ tư, tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại điều 165 BLHS, với khung hình phạt cao nhất lên đến hai mươi năm.  Ngoài ra còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Căn cứ quy định tại 50 BLHS. Quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội thì tổng hợp hình phạt với mức án cao nhất mà ông Nguyễn Đức Kiên có thể phải chịu lên đến tù chung thân, ngoài ra ông Kiên còn phải chịu các tổng hợp hình phạt bổ sung khác nếu có.

Cự Giải

Nguồn : Tin Mới